Bạc Liêu đăng cai Festival đờn ca tài tử Việt Nam: Cơ hội và… thử thách

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi Administrator, 4 Tháng 7 2013.

  1. (Lượt xem: 1,778)

    Dù chưa có mốc thời gian ấn định nhưng sự kiện Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức Festival đờn ca tài tử (ĐCTT) Việt Nam năm 2014 đã trở thành niềm vui đang lan tỏa ở vùng đất được mệnh danh là một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT Nam bộ. Đây sẽ là cơ hội lớn nhưng cũng vừa là thử thách không nhỏ khi Bạc Liêu lần đầu tiên đăng cai một sự kiện văn hóa cấp quốc gia!

    Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một Festival ĐCTT cấp quốc gia. Càng long trọng hơn, đây là dịp Việt Nam tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại. Vậy là ĐCTT được đứng hàng thứ 8 sau 7 DSVHPVT của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

    [IMG]
    Theo dự kiến, cuộc thi “Người đẹp tài tử” sẽ diễn ra trong khuôn khổ Festival ĐCTT Việt Nam - Bạc Liêu 2014. Ảnh: C.T

    Cơ hội quảng bá đất và người Bạc Liêu
    Hoàn toàn có cơ sở khoa học để Bạc Liêu vinh dự được chọn đăng cai sự kiện này. Chưa ai xác định chính xác “ông tổ” của nghệ thuật ĐCTT là ai, cũng như người đã có công sáng tác ra các bài bản trong nhạc tài tử nhưng những người có công sưu tầm, hiệu đính các bài bản ấy (như Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Trần Tấn Hưng… đặc biệt là nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cha đẻ” của bản “Dạ cổ hoài lang”) chính là những người đã được sinh ra hoặc lớn lên ở Bạc Liêu! Bạc Liêu đã ươm mầm những tài năng nghệ thuật nên góp phần khai sinh một DSVHPVT đại diện của nhân loại hôm nay!

    Trong bối cảnh Bạc Liêu đang bước những bước đi đầu tiên trên con đường trải rộng phía trước theo chủ trương “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” thì đây chính là “cơ hội vàng” để Bạc Liêu quảng bá những nét đẹp văn hóa tạo nên cốt cách của mình! Rất nhiều hoạt động dự kiến sẽ diễn ra trong khuôn khổ festival như lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là DSVHPVT đại diện của nhân loại, các hội thảo và ký liên kết tua - tuyến du lịch, lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố ĐCTT, cuộc thi “Người đẹp tài tử”, đại nhạc hội “Sắc màu làn điệu phương Nam”… Cho nên, đây không đơn thuần là dịp người ta đến Bạc Liêu chỉ để nghe ca tài tử như tên gọi của festival, mà còn là cơ hội quý cho Bạc Liêu mở rộng cửa đón du khách về tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và những gì mình đang có!

    Tuy chưa ấn định được mốc thời gian tổ chức nhưng những công việc chuẩn bị đã được Bạc Liêu quan tâm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng đã khẳng định: “Không quá cầu toàn nhưng chúng ta quyết tâm làm sao để tạo ấn tượng đẹp về vùng đất và con người Bạc Liêu nhân sự kiện trọng đại chưa từng có này”!

    Và thử thách…
    Để có những công trình văn hóa trọng điểm, nhất là “xứng tầm” không gian của một festival văn hóa cấp quốc gia, những sản phẩm du lịch phục vụ khách đến thưởng lãm nhân dịp này, tỉnh đã lên kế hoạch cho rất nhiều phần việc, từ những việc lớn như mở rộng khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, trung tâm hội chợ - triển lãm, tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu…, đến những phần việc bên lề nhưng không kém phần quan trọng nhằm “diện” lại TP. Bạc Liêu, nơi diễn ra tất cả các hoạt động của festival (như xây dựng bờ kè ven tuyến sông Bạc Liêu, cải tạo các tuyến đường Cao Văn Lầu, đường Bạch Đằng, chỉnh trang, sắp xếp lại mỹ quan đô thị, trật tự buôn bán, đảm bảo vệ sinh nhất là các điểm du lịch…). Vì thế, festival đặt ra một thử thách cho Bạc Liêu: hoàn thành kịp lúc, đảm bảo chất lượng các công trình - một việc không dễ thực hiện nếu như không có kế hoạch sắp xếp, lịch làm việc khoa học ngay từ bây giờ!

    Lo cho phần “thô” vẫn chưa đủ, người ta đến với festival chắc hẳn không chỉ để xem đờn ca, biểu diễn mà qua đây để tìm hiểu Bạc Liêu có gì hấp dẫn, văn hóa Bạc Liêu có gì là bản sắc và con người Bạc Liêu có phải là những con người nghĩa khí, hào hiệp, hiếu khách như “tiếng đồn” bấy lâu! Vì vậy, từng cử chỉ trong giao tiếp, ứng xử khi buôn bán, kể cả văn hóa ứng xử trong khi tham gia giao thông của mỗi người dân cũng đòi hỏi sự chỉn chu. Cho nên, ngay từ bây giờ, các Hội, đoàn thể phải hăng hái, tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

    Festival ĐCTT Việt Nam tổ chức tại Bạc Liêu thật sự là một sự kiện trọng đại, nhất là khi tỉnh đang thực hiện chủ trương “đi lên từ văn hóa”. Sự kiện ấy ngay lúc này giống như Bạc Liêu đang được trải thảm đỏ để bước tiến. Quan trọng nữa là Bạc Liêu phải vượt qua những thử thách trong các công đoạn chuẩn bị “mở màn”. Rạng danh đất và người như thế nào không chỉ là trọng trách của những người có trách nhiệm mà còn trông chờ vào ý thức của mỗi người dân Bạc Liêu!
    Cẩm Thúy
    Báo Bạc Liêu
    Phạm Ngọc Yến thích bài này.
  2. Facebook comment - Bạc Liêu đăng cai Festival đờn ca tài tử Việt Nam: Cơ hội và… thử thách

Chia sẻ trang này