Bạc Liêu - Tưng bừng lễ hội Kỳ Yên

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 28 Tháng 2 2013.

  1. (Lượt xem: 1,527)

    Nói đến lễ hội đầu năm ở Bạc Liêu, đặc biệt trong tháng giêng, thì có lẽ mọi người ai cũng biết đại lễ Kỳ yên. Từ nam thanh nữ tú, đến ông già bà lão và ngay cả trẻ con… đều ghi dấu vào ký ức của mình những lần đi xem lễ cúng thần, thưởng thức mấy tuồng cổ tại các đình, miếu. Lễ hội Kỳ yên đang vào mùa…

    Giữ gìn bản sắc truyền thống
    Năm nào cũng vậy, sau 3 ngày Tết là các đình, chùa, miếu đã rục rịch chuẩn bị cho lễ hội Kỳ yên ở địa phương mình. Có nơi chỉ diễn ra phần lễ, có nơi thì tổ chức đầy đủ cả hai phần: lễ - hội, nhưng tựu trung lại đều nhằm một mục đích: tổ chức nghiêm chỉnh phần lễ nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn phát đạt trong năm mới. Do diễn ra vào những ngày đầu năm, nên cũng vì thế mà lượng người tham gia lễ hội Kỳ yên rất đông.

    [IMG]
    Hát cúng lễ Kỳ yên ở miếu Vạn ban ngũ hành (phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Kim Trung
    Không riêng các địa phương có nhiều cơ sở thờ tự, ở những vùng nông thôn vẫn chuẩn bị lễ Kỳ yên rất tươm tất, thậm chí có phần “hoành tráng” hơn, như Đình thần Vĩnh Mỹ (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình), chùa Hưng Thiện (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi). Kéo dài từ đầu năm cho đến gần cuối tháng 3, nhưng sôi nổi nhất là trong tháng giêng, lễ hội Kỳ yên như một phần không thể thiếu trong tâm thức của nhiều người khi ăn tết xong. Anh Lâm Quốc Phong, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) cho biết: “Năm nào đình thần Vĩnh Mỹ cũng tổ chức lễ hội Kỳ yên thật lớn như một sự kiện truyền thống văn hóa của xã. Năm nay, có một vài điểm mới như tổ chức các hoạt động phần hội nhiều hơn (bóng đá cho thanh niên và trong trường học), còn đình thì tổ chức trò chơi dân gian để thanh niên trong xã vui hội”.

    Và trong lễ Kỳ yên thì nhất định không thể thiếu phần hát đình. Nhiều người mê hát đình đến nỗi, cứ nghe ở đâu có tổ chức lễ Kỳ yên là đến xem cho bằng được. Lễ hội Kỳ yên đã tô điểm cho đời sống tinh thần người dân thêm phong phú, và sâu xa hơn đó chính là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

    Bảo tồn và phát huy theo hướng tích cực
    Trong các lễ Kỳ yên, phần lễ bao giờ cũng đi kèm cùng phần hội với mục đích để người dân vui xuân trọn vẹn hơn. Tại các đình, chùa, khi lễ Kỳ yên được tổ chức, nhiều hoạt động “ăn theo” cũng diễn ra sôi nổi, và đây là cơ hội để nhiều hàng quán “mọc” lên rất nhanh. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, Ban trị sự các chùa đôi khi cũng “lực bất tòng tâm” vì không thể quản lý được bởi lẽ những người mua bán này đều không đăng ký, hay xin phép nhà chùa. Cứ nghe nói có cúng đình là họ tự động mang hàng hóa tới bán, từ quần áo thanh lý hay xoong, nồi, niêu, chảo; đến thức ăn nhanh… Có người bán ắt có người mua. Kết quả là sau khi lễ hội kết thúc cũng là lúc khuôn viên đình, chùa là một… bãi “chiến trường” rác. Hình ảnh đó thật phản cảm!
    Hơn nữa, các trò chơi dân gian cũng hiện nguyên hình là các trò đỏ đen: lô-tô, số đèn, phóng phi tiêu, thảy vòng… Đôi khi người dân cũng biết là gian lận, nhưng cái tính hào phóng của người Bạc Liêu nào giờ vẫn vậy: vui là chính. Cho nên, chơi chút thôi cũng chẳng sao! Khuôn viên nhà chùa ở những góc khuất cũng bất đắc dĩ là “điểm hẹn” lý tưởng để những đôi trai gái hò hẹn, tâm sự… Tất cả những hoạt động này khiến cho phần hội của lễ Kỳ yên thật sôi động, tuy nhiên, nếu diễn ra ở chừng mực thì hay biết bao!
    Bảo tồn được nét văn hóa truyền thống là một điểm cộng trong việc giữ gìn bản sắc. Không chỉ có Kỳ yên, mà các lễ hội khác trong tháng giêng rất cần được “giám sát” để lễ hội “sạch” hơn, và người dân trẩy hội cũng sẽ vui hơn, an toàn hơn.
    Ngọc Trân
    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Bạc Liêu - Tưng bừng lễ hội Kỳ Yên

Chia sẻ trang này