Bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch: Vấn đề cần lưu tâm!

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 24 Tháng 10 2012.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,408)

    Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đang dần đi vào quỹ đạo và cái tên Bạc Liêu trong tương lai không xa sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong các tua - tuyến du lịch của du khách trong, ngoài nước. Chính vì lẽ đó, việc khai thác, sử dụng phải được thực hiện song hành với gìn giữ, bảo tồn để cảnh quan, môi trường du lịch… mãi trường tồn với thời gian.
    Thực tế đáng buồn…
    Đến thời điểm này, Bạc Liêu đã có 13 di tích được công nhận, trong đó có 4 di tích được xếp loại cấp quốc gia và nhiều công trình, hạng mục, khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng khác… phục vụ đắc lực công tác thu hút khách tham quan và phát triển du lịch tỉnh nhà. Nhiều điểm tham quan nổi tiếng của Bạc Liêu như: khu Quán Âm Phật đài, nhà Công tử Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn nhãn cổ Bạc Liêu… thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm và mang về những khoản doanh thu đáng kể cho ngành Du lịch và dịch vụ du lịch. Ngoài ra, những tua - tuyến tham quan du lịch sông nước, sinh thái như Bạc Liêu - Vàm Lẽo hay những tua kết hợp “Một điểm đến bốn địa phương +”… cũng đang được tỉnh khẩn trương khảo sát, đầu tư và sắp đưa vào khai thác.

    [IMG]

    Nạn xả rác, buôn bán xô bồ trước khu Quán Âm Phật đài cần được chấn chỉnh. Ảnh: C.K
    Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta nên đặc biệt lưu tâm đến công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch tại các di tích, các điểm tham quan bởi việc khai thác, sử dụng là lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Nhiều thực trạng đáng buồn vẫn đang tồn tại ở các điểm tham quan như: nạn vứt rác thải làm ảnh hưởng cảnh quan tại khu Quán Âm Phật đài; tình trạng lấn chiếm, thả rông súc vật phóng uế bừa bãi tại một số di tích mà báo Bạc Liêu đã từng phản ánh; hay nạn “chặt, chém”, tăng giá vô tội vạ; nạn giật đồ, móc túi, người bán hàng rong chèo kéo khách, ăn xin… gây tâm lý bất an, ngán ngẩm cho du khách. Yên tâm, thoải mái sao được khi vừa thắp hương lại vừa phải cảnh giác vì loa phóng thanh cứ ra rả vang lên: “Coi chừng móc túi…”.

    Hãy chung tay bảo vệ!
    Để đẩy mạnh và phát triển ngành “công nghiệp không khói”, thiết nghĩ, đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay bảo vệ, đồng thời vạch ra một chiến lược khai thác du lịch lâu dài. Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc bảo vệ cảnh quan, mảng xanh thành phố; có ý thức gìn giữ, bảo vệ những di tích lịch sử, khu tham quan lưu niệm tại địa phương, nơi cư trú, đến việc đề ra những biện pháp xử lý các hành vi xả rác bừa bãi, chặt phá cây xanh, hoa kiểng… để vực dậy ý thức của mỗi người. Khi người dân địa phương đã có ý thức tự giác chấp hành, bảo vệ thì lo gì du khách khi “nhập gia” mà không “tùy tục”?!
    Riêng các đơn vị chủ quản, ban quản lý tại các khu du lịch cần lưu tâm trong việc giữ gìn điểm tham quan sạch, đẹp; nếu có trùng tu, tôn tạo phải thực hiện đúng Luật Di sản và tôn trọng những chứng tích của lịch sử; đồng thời, giám sát chặt chẽ các cơ sở, dịch vụ du lịch, lưu trú để tránh nạn “chặt, chém”, hành xử thiếu văn hóa với du khách. Đối với nạn móc túi, cướp giật rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía: ban quản lý, lực lượng an ninh và sự dũng cảm tố giác của bà con nhằm tạo một môi trường du lịch lành mạnh.
    Bên cạnh đó, cần phát huy thế mạnh của lực lượng thanh niên, học sinh trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch thông qua các hành động thiết thực như: trồng cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan; đăng ký đảm trách các công trình thanh niên bảo vệ, giữ gìn các di tích… Bạn Hứa Văn Sỹ (đoàn viên phường 2, TP. Bạc Liêu) thổ lộ đầy quyết tâm: “Ngoài việc tích cực thực hiện, tình nguyện bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch tại các điểm tham quan của thành phố, tôi sẽ ra sức vận động gia đình, bạn bè và người dân địa phương nêu cao ý thức tự giác chấp hành để Bạc Liêu trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút khách du lịch…”.
    Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường du lịch để mọi người thấy rằng đó là trách nhiệm chung và bổn phận của những người đi trước đối với thế hệ hậu duệ. Bởi những điểm tham quan ấy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao và là “của hồi môn” vô giá trong tương lai.
    Kim Trúc

    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch: Vấn đề cần lưu tâm!

Chia sẻ trang này