Cá gỗ thời hiện đại

Thảo luận trong 'Tùy bút' bắt đầu bởi tienthanhpc, 26 Tháng 8 2012.

  1. tienthanhpc Ba Tôm (aquanetviet.org)

    (Lượt xem: 1,307)

    Hồi học phổ thông, đọc câu chuyện rằng có một nhà nghèo, đến bữa ăn đạm bạc người cha lại treo con cá gỗ lên và mọi người vừa nhìn con cá vừa tưởng tượng ăn cơm với cá nhiều người thấy mắc cười, nhưng giờ ngẫm kỹ, hóa ra chúng ta vẫn ăn “cá gỗ” hàng ngày mà chẳng hay.
    [IMG]

    Cá gỗ ngày xưa
    Chuyện kể rằng, có một thầy đồ xứ Nghệ dời quê ra Bắc tìm nơi dạy học. Lên đường, thầy mang theo con cá gỗ. Thầy đã mất công nhiều ngày đêm để tạc được con cá gỗ y như cá thật. Thầy chỉ giắt trong lưng quần quan tiền để đi đường. Đến buổi ăn, thầy vào quán bên đàng để ngồi nhờ xin bà hàng chút nước mắm để ăn cơm nắm. Cá gỗ được chạm vẽ tinh vi, bỏ vào bát nước mắm, trông óng ánh như cá rán mỡ: đẹp mắt và… ứa nước miếng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi, thầy lấy con cá ra rửa, chùi sạch cẩn thận, gói giấy lại, bỏ vào túi, rồi xin chút nước tráng miệng. Đến bữa ăn, thầy lại vào quán, nói với chủ quán để lại cho bát gạo và nấu giúp niêu cơm. Cơm chín, cá gỗ lại được bày ra và thầy lại xin chút nước mắm. Cứ thế, cho đến lúc tới nơi dạy học. Cuối năm, khi về nhà, “cá gỗ” vẫn nguyên vẹn.
    Đọc câu chuyện này, có người cười và cho là chuyện bịa, hoặc nói rằng thầy đồ kia có khả năng tự kỷ ám thị cao, hoặc là có khả năng tự lừa bản thân một cách ngoạn mục. Xét mặt tích cực thì rõ ràng thầy đồ có tính sáng tạo thực dụng cao. Nhưng dẫu thế nào, thực tế là thầy đồ vẫn ý thức đó là con cá giả, chỉ dùng để “mị” các giác quan khi ăn thôi, và không gây tác hại gì cho người ăn.

    Cá gỗ thời @
    Nếu định nghĩa cá gỗ là đồ giả dùng để khiến các giác quan có cảm giác như đang tiếp xúc với đồ thật làm người ăn thích và ăn ngon lành thì rõ ràng những người dân thời a còng (@) đã và đang dùng “cá gỗ” hàng ngày trong các bữa ăn chính và cả ăn vặt.
    GS Văn Như Cương từng kể câu chuyện trên một trang báo mạng về một chuyến xơi “cá gỗ” như vậy. Số là, có lần ông và mấy người đi công tác và đến trưa ghé vào quán ven đường ở một làng quê nghèo ăn trưa và kêu ít bia uống giải khát. Chủ quán đon đả mang ra mấy chai không có nhãn và một nắm nhãn bia đủ hiệu nổi tiếng, nội, ngoại đủ cả và nói: Các bác khoái uống hiệu bia nào để em dán nhãn đó uống cho nó sướng!
    Từ khá lâu, nhiều người Việt Nam mình quen thuộc với cái tên “mì tôm” đến mức thấy gói mì nào cũng gọi là mì tôm. Tôm là một thực phẩm thuộc hàng “bậc trên”, muốn ăn tôm thật phải chi không ít tiền. Nên thấy gói mì in hai con tôm to tướng người ăn cứ ngỡ mình đang ăn gói mì làm từ tôm thật, mà hai con tôm lận, khí thế hút chùn chụt từng sợi mì, lại còn uống hết cả nước nấu, nước tôm mà, bỏ thì… tiếc chết. Sự thật, với giá gói mì rẻ như thế thì không mua nổi một con tôm sống.
    Nếu ai từng làm mì tươi để ăn thì sẽ biết: để tạo màu vàng tươi cho sợi mì người ta cho lòng đỏ trứng vào nhưng giá thành sẽ đắt đỏ, khó bán. Và giờ, rất nhiều sản phẩm mì gói dùng chất phẩm màu Tartrazine (E102) màu vàng chanh để tạo “màu trứng” hấp dẫn cho sợi mì. Nhìn bao bì thấy cái lòng đỏ trứng gà hấp dẫn, nhưng bên trong chỉ là màu vàng xanh của E102 thôi.

    Người dùng, vốn hiếm khi đọc thành phần in trên bao bì, mà chỉ nhìn “cá gỗ” đẹp, sang, hoành tráng, hấp dẫn hơn cả… thật từ cái tên rất “kêu” của sản phẩm, từ hình ảnh sống động trên bao bì, trên hình ảnh quảng cáo, qua lời “chia sẻ” từ miệng “xinh” đầy sức nặng của những nhân vật nổi tiếng. Mì khoai tây ư? Xem trên bao bì thấy lượng khoai tây được tính là… miligram – vậy mà “mát” được sao? Nếu vậy ăn cả củ khoai tây chắc… đông lạnh luôn quá.

    Đấy chỉ là ví dụ điển hình của “cá gỗ thời @”. Giờ “cá gỗ” này đã biến tướng vào mọi khía cạnh của cuộc sống, từ thức ăn (hàng Tàu độc hại dãn nhãn Mỹ uy nghi, hoặc dán nhãn Việt cho nó…hiền lành), đến các hành tiêu dùng khác.

    [IMG]
    Minh bạch “cá gỗ”
    Nhiều người vẫn tin: nếu lời nói dối không gây hại, thậm chí có lợi cho người nghe thì cũng nên… nói dối. Nhưng sự thật: dù nói dối thế nào cũng là nói dối chứ không phải là nói thật, và sự nguy hại tiềm ẩn nằm ở chỗ: người nghe tưởng lời dối ấy là thật, nguy hại nhất là việc lặp lại lời nói dối vô tình biến hành vi thành thói quen, thành tính cách. Cũng là đồ nhân tạo, nhưng con cá gỗ của thầy đồ nêu trên không gây hại, thậm chí có lợi là giúp ông xơi bữa cơm đạm bạc một cách ngon lành, đảm bảo sức khỏe cho hành trình của mình. Còn “con cá gỗ thời @” lại khác, nó làm cho người mua, người ăn tin rằng mình đã mua, ăn đồ thật với số tiền “đáng đồng tiền bát gạo” mà không ý thức được là mình đang dùng “cá gỗ”. Chưa kể, các chất “sơn” cho con “cá gỗ” này lại tiềm ẩn những tác dụng độc hại khôn lường, lâu dài, có thể gây những bệnh nan y như các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo.

    Cái gì cũng có giá của nó, đừng để phải trả giá chỉ vì không chịu đọc và hiểu nhãn bao bì.
    Bùi Văn Hải
  2. Facebook comment - Cá gỗ thời hiện đại

Chia sẻ trang này