Cử nhân Đại học Bạc Liêu: Băn khoăn đầu ra P2

Thảo luận trong 'Giáo dục đại học' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 11 Tháng 10 2012.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,651)

    Bài 2: Cái “lý” của nhà tuyển dụng và nỗi niềm của “người trong cuộc”
    Trong hành trình tìm việc làm, các cử nhân Đại học Bạc Liêu khó có thể chen chân được vào các cơ quan, công ty… bởi nhiều lý do. Trong đó, lý do “lớn nhất” chính là nhà tuyển dụng chưa dám đặt niềm tin vào “sản phẩm” của một trường đại học tỉnh lẻ chưa có tiếng tăm trong làng đại học. Cách nghĩ có phần quy chụp khiến những cử nhân được đào tạo từ trường này không khỏi hụt hẫng, bất bình; và kèm theo đó là những lo lắng, bất an cho một tương lai.
    Nhà tuyển dụng nói gì?
    Để tìm câu trả lời cho thực trạng trên, chúng tôi đã trao đổi với rất nhiều nhà tuyển dụng. Bên cạnh nhu cầu nhân lực hiện nay gần như bị bão hòa, thì có những lý do mà nhà tuyển dụng chia sẻ thật đáng suy nghĩ. Lý giải về vấn đề loại cử nhân Đại học Bạc Liêu ngay từ vòng… gửi hồ sơ, ông Hà Ẩn Long, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh Bạc Liêu, cho biết: “Trước năm 2011, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam giao hoàn toàn quyền tuyển dụng nhân sự cho chi nhánh các địa phương. Trong thời gian đó, chúng tôi đã tuyển rất nhiều cử nhân tốt nghiệp ở các trường của Bạc Liêu, kể cả cử nhân liên kết đào tạo. Điều đó cho thấy chúng tôi không hề có tư tưởng kén chọn. Nhưng đến cuối năm 2011, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã “khoanh vùng” đối tượng tuyển dụng chỉ ở một số trường đại học lớn của TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội. Do đó chúng tôi phải từ chối cử nhân của những trường đại học địa phương, trong đó có Đại học Bạc Liêu”.
    Ông Long nói thêm: “Tuy nhiên, thông báo tuyển dụng năm 2012 đã bãi bỏ quy định này. Chỉ có điều, do số người đến xin việc khá nhiều, trong khi quy định nhận hồ sơ có hạn nên chúng tôi chỉ nhận những ứng viên tốt nghiệp loại trung bình - khá trở lên. Vừa qua, có một số cử nhân Đại học Bạc Liêu bị chúng tôi từ chối là vì các em tốt nghiệp loại trung bình”.
    Tương tự như lý giải của ông Hà Ẩn Long, lãnh đạo của một số đơn vị khác cũng cho biết, do xuất phát từ thực tế công việc đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nên đơn vị họ mới có quy định như vậy. Thời gian qua, họ cũng đã nghe nhiều phản ứng của dư luận xã hội về vấn đề này, song, đó là quyết định của “cấp trên”, “cấp dưới” không thể làm khác.
    Ngoài lý do phải thực hiện tuyển dụng theo đúng chỉ đạo của “cấp trên”, còn một lý do khiến nhà tuyển dụng từ chối cử nhân của Đại học Bạc Liêu, đó là họ chưa thật sự hài lòng với chất lượng đào tạo của trường này. Hiệu trưởng của một trường chuyên nghiệp trong tỉnh bày tỏ: “Thời gian qua, có một số cử nhân Đại học Bạc Liêu đã đến đây xin việc. Trong quá trình sàng lọc hồ sơ tuyển công chức, viên chức, chúng tôi thấy đa số bằng tốt nghiệp của cử nhân Đại học Bạc Liêu nộp vào đây đạt loại thấp hơn những em ở các trường đại học khác. Hơn nữa, dù đã cố gắng “châm chước” cho một vài em vào thử việc, nhưng trong quá trình thử việc, cử nhân Đại học Bạc Liêu cũng không năng động bằng các trường khác. Do vậy buộc chúng tôi đã phải loại các em”.
    Cùng chung ý kiến với vị hiệu trưởng này, lãnh đạo của một số đơn vị khác cũng thẳng thắn thừa nhận, họ rất phấn khởi khi thấy tỉnh có một trường đại học để đào tạo, cung cấp nhân lực cho địa phương. Họ cũng hoan nghênh nếu các cử nhân của Đại học Bạc Liêu đến đơn vị họ làm việc. Tuy nhiên, họ đòi hỏi sản phẩm của Đại học Bạc Liêu có chất lượng xuất sắc hơn nữa thì mới được tuyển dụng.
    Những “người trong cuộc” lên tiếng
    Trong quá trình xin việc, đối mặt với những lời từ chối, hoặc những lời chê bai của một số nhà tuyển dụng, nhiều cử nhân Đại học Bạc Liêu vô cùng hụt hẫng. Chia sẻ với chúng tôi, có nhiều ý kiến thể hiện nỗi buồn, thất vọng, thậm chí ấm ức, vì cho rằng cách nhìn nhận của nhà tuyển dụng có phần “vơ đũa cả nắm”, bởi đâu phải tất cả “sản phẩm” của Đại học Bạc Liêu đều kém chất lượng.
    Ngân Hà, cử nhân kế toán, tâm sự: “Những người sinh ra ở nông thôn như em đều muốn vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo, nên luôn cố gắng học tập thật tốt. Ở quê nhà, cha mẹ ngày ngày lam lũ lao động gom góp tiền lo cho con ăn học chỉ với niềm mong mỏi duy nhất là con mình có một công việc ổn định. Vậy mà học xong lại bị rẻ rúng thế này thì biết đi đâu tìm việc bây giờ? Thái độ không mặn mà của một số cơ quan, công ty đã dập tắt hoài bão, ý chí muốn vượt lên số phận của mình, cũng như bao sinh viên nghèo khác”.
    [IMG]

    Sinh viên trường Đại học Bạc Liêu tham gia ngày hội đọc sách (ảnh minh họa). Ảnh: C.H
    Nhiều cử nhân khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc phân biệt đối xử như thế là không công bằng, vì chưa biết chất lượng trường tỉnh với trường thành phố ai hơn ai. Nếu họ loại các bạn vì thiếu năng lực thì không có gì để nói, nhưng vì lý do mang cái “mác” trường tỉnh thì các bạn cảm thấy ấm ức lắm.
    Đặc biệt, chủ trương “nói không” với cử nhân Đại học Bạc Liêu ngay từ vòng nộp hồ sơ của một số đơn vị đang ít nhiều gây hoang mang và bất bình cho các cử nhân, phụ huynh, nhà trường và xã hội. Xét ở góc độ nào đó, nhà tuyển dụng hoàn toàn có quyền đưa ra chủ trương này để tuyển những công chức chất lượng cao cho bộ máy, tổ chức. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều phản đối cách tuyển này, bởi tuyển dụng là lựa chọn người tài, nếu phân biệt cứng nhắc như vậy thì sẽ bỏ lọt những cử nhân giỏi của Đại học Bạc Liêu. Hơn thế, chủ trương này trái với Luật Tuyển dụng công chức, viên chức của Nhà nước. Bàn về vấn đề này, nhiều phụ huynh cũng bức xúc: “Lâu nay, Nhà nước vẫn thường khuyến khích “ăn cơm nhà, học đại học là sướng nhất”. Song, học xong mà không xin được việc thì khuyến khích con em nhân dân trong tỉnh vào học Đại học Bạc Liêu để làm gì?!
    Lên tiếng về cách tuyển dụng “cấm cửa” cử nhân Đại học Bạc Liêu, cũng như sự hoài nghi của nhà tuyển dụng đối với chất lượng đào tạo của trường, tiến sĩ Đào Hoàng Nam, Hiệu trưởng trường, bày tỏ: “Trong hệ thống giáo dục quốc dân, mọi người được quyền bình đẳng về giáo dục. Và khi học xong thì có quyền tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội. Nhưng tâm lý chung của người sử dụng lao động là muốn tuyển dụng người được đào tạo bài bản, chính quy ở các trường “nổi tiếng”. Tuy nhiên, họ quên rằng không phải tất cả sinh viên của các trường lớn nào cũng đều là giỏi giang, và ngược lại không phải trường nhỏ nào sinh viên cũng đều kém cỏi. Bởi vậy, không nên đánh đồng mà phủ định tất cả “sản phẩm” đào tạo của chúng tôi”.
    (* Tên của sinh viên trong bài viết đã được thay đổi)
    Cẩm Huyền
    (còn tiếp)


    Báo Bạc Liêu
    bboy_nonoyes thích bài này.
  2. Facebook comment - Cử nhân Đại học Bạc Liêu: Băn khoăn đầu ra P2

Chia sẻ trang này