Cử nhân Đại học Bạc Liêu: Băn khoăn đầu ra

Thảo luận trong 'Giáo dục đại học' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 9 Tháng 10 2012.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,787)

    Bài 1: Gian nan tìm kiếm việc làm
    Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học, các tân cử nhân hệ chính quy trường Đại học Bạc Liêu háo hức đợi chờ một công việc có thu nhập tương đối và đúng với ngành nghề đã học. Thế nhưng, nhiều bạn gần như đã chán nản và thất vọng khi vẫn chưa thể tìm được việc làm. Xin việc trong tỉnh đã khó, xin ngoài tỉnh lại càng khó hơn!

    Loại ngay từ vòng… gửi hồ sơ
    Dự định an cư ở TP. Bạc Liêu, chứ không muốn trở về huyện Vĩnh Lợi làm việc, nên sau khi tốt nghiệp, Diễm Ngọc, cử nhân ngữ văn, bắt đầu tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các cơ quan, công ty… trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ngọc đã “gõ cửa” cùng lúc 3 cơ quan mà trước đó cô đã biết được họ đang có nhu cầu tuyển người. Nhưng, nhiều tháng trôi qua, Ngọc vẫn không thấy cơ quan nào gọi đi làm. Không nản lòng, cô tiếp tục gửi hồ sơ đến 3 cơ quan khác và chờ phản hồi… Thế rồi, Ngọc cứ mãi chờ đợi.

    [IMG]
    Một cử nhân hệ chính quy trường Đại học Bạc Liêu (bên phải) đang làm “công việc tay trái” tại Siêu thị Vinatex. Ảnh: C.H
    “Lúc mới bước chân vào trường đại học, mình đã vẽ ra trong đầu một viễn cảnh rất tươi đẹp. Bởi vậy, mình luôn cố gắng học tập mong đạt được kết quả tốt. Dù tấm bằng tốt nghiệp của mình loại khá, nhưng vẫn phải thất nghiệp”, Ngọc tâm sự.

    Hành trình xin việc của Ngân Hà (cử nhân kế toán) cũng không kém phần gian nan. Theo Hà, tính sơ sơ, số hồ sơ mà bạn gửi đến các cơ quan, công ty từ Nhà nước đến tư nhân, từ TP. Bạc Liêu xuống tận quê nhà đã đủ hết… mười đầu ngón tay. Song, cô vẫn chưa có duyên với cơ quan nào. Hà than thở: “Thời buổi này xin việc thật khó. Xin trong tỉnh đã vậy, ngoài tỉnh càng khó hơn. Học 4 năm tiêu tốn biết bao tiền của mà thế này thì nản quá! Em còn làm sẵn một xấp hồ sơ để ở nhà, hễ nghe nói cơ quan nào có nhu cầu tuyển dụng là em chạy tới liền”.
    “Không chốn dung thân” ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, một số bạn đã “hạ chỉ tiêu” xin vào những công ty, doanh nghiệp tư nhân nhỏ, vậy mà cũng chẳng ăn thua. Bạn Hồng Châu, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, cho biết: “Mình đi xin việc khắp nơi mà không ai nhận. Hết đường, mình thấy có một công ty tuyển công nhân, vậy là đánh liều đến nộp hồ sơ. Lật hồ sơ mình ra thấy cái bằng đại học, họ lắc đầu không chịu nhận. Họ nói là nếu mướn mình thì họ phải trả với mức lương đại học, trong khi họ chỉ cần tuyển công nhân lao động phổ thông”. Châu thở dài ngán ngẩm: “Tốt nghiệp đại học mà xin “cao” cũng không được, xin “thấp” cũng chẳng xong!”.
    Theo phản ánh của nhiều cử nhân, trong hành trình xin việc, câu mà các bạn được hỏi nhiều nhất là: “Em học trường nào?”. Khi nghe các bạn trả lời: “Đại học Bạc Liêu” thì nhiều cơ quan tỏ ra không còn mặn mà gì với việc xem xét hồ sơ. Thậm chí, có một số cơ quan tuyển dụng như: Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng NN&PTNT… đã loại các em ngay từ vòng... nộp hồ sơ. Buồn hơn nữa, có những bạn còn phải “đối mặt” với những lời chê bai thẳng thừng của nhà tuyển dụng. “Khi mình đến nộp đơn tại một cơ quan thuộc huyện Hòa Bình, có nhân viên nọ đã nói trước mặt mình: “Học gì mà lại đi chọn học trường Đại học Bạc Liêu”, Ngân Hà kể lại trong nỗi bức xúc và buồn bã.
    TRÁI KHOÁY đầu ra
    Với những con em gia đình nông dân “tay lấm chân bùn”, được học đại học là một “kỳ tích”. Thế nhưng, cho dù học những ngành “hot”, những ngành có nhu cầu lao động cao, song nhiều bạn vẫn phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Sau một thời gian tìm việc vô vọng, để “cứu cánh” cho tình trạng ảm đạm việc làm, không ít bạn trẻ đã tìm đến những công việc chẳng ăn nhập gì với chuyên ngành mình được đào tạo. Dù cảm thấy uổng kiến thức đã học, nhưng như vậy vẫn còn hơn thất nghiệp.
    Tuy nhiên, đó là những trường hợp có phần may mắn trong hàng trăm cử nhân chưa tìm thấy “đầu ra”, vì dẫu sao thì các bạn cũng có một công việc cơ bản ổn định. Buồn nhất là có những bạn phải trở về quê làm ruộng, hoặc bươn chải với những công việc không cần đến trình độ. Chẳng hạn như Diễm Ngọc, vì muốn ở TP. Bạc Liêu, cô không kén chọn bất kỳ công việc nào, miễn sao có thu nhập nuôi thân là được. Hiện nay, Ngọc đang “chạy sô” rất nhiều công việc, từ bán hàng ở siêu thị, làm cộng tác viên cho các mạng điện thoại, đến những công việc “theo thời vụ” như: phát tờ rơi, bán hoa vào những dịp lễ, tết…
    Thế nhưng, đi làm những công việc trái nghề đôi lúc cũng chẳng dễ chút nào, khi mà ai cũng mang trong người một niềm kiêu hãnh, tự tôn. Hồng Châu tâm sự: “Trong khi chờ đợi công việc mới, mình đã xin làm phục vụ ở một quán cơm. Nhiều lần, vô tình chạm mặt với người quen, bạn bè, mình thấy buồn và mặc cảm lắm! Ngày trước họ cùng học chung phổ thông với mình, bây giờ họ thành đạt, còn mình thì… Song, vì cuộc sống nên mình cũng phải dẹp những ý nghĩ bi quan ấy”.
    Theo công bố của trường Đại học Bạc Liêu, số sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm ổn định chiếm khoảng 90%. Thế nhưng, qua “kênh” thông tin từ các cử nhân mà chúng tôi ghi nhận được, con số này thấp hơn nhiều. Có người đã đúc kết một câu nghe thấm thía: “Chắc chẳng có tỉnh nào lại có nguồn nhân lực chất lượng cao như Bạc Liêu! Cử nhân làm phục vụ, cử nhân đi phát tờ rơi, cử nhân đi tiếp thị sản phẩm…, có thể bắt gặp cử nhân Đại học Bạc Liêu trên từng cây số”.
    Lời đúc kết đó thật xót xa, hàm chứa cảnh báo về một thực trạng đang có những thế hệ được khuyến khích học hành, nhưng lại không thể tìm được việc làm ngay trên quê hương mình! Những cử nhân ấy sẽ ra sao? Đó là “câu hỏi chưa có lời đáp”. Tương lai thì mờ mịt, còn hiện tại họ đang vật lộn mưu sinh bằng vô số công việc để cầm cự qua ngày...
    (* Tên của các nhân vật đã được thay đổi)
    Cẩm Huyền
    (còn tiếp)


    Báo Bạc Liêu
    bboy_nonoyes thích bài này.
  2. Facebook comment - Cử nhân Đại học Bạc Liêu: Băn khoăn đầu ra

Chia sẻ trang này