"Dạ cổ hoài lang" trong mắt giới trẻ

Thảo luận trong 'Bạc Liêu - Đất và người' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 7 Tháng 8 2013.

  1. (Lượt xem: 1,870)

    Bản “Dạ cổ hoài lang” - khúc nhạc lòng đã làm nên thời hoàng kim của đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương Nam bộ. Hơn 90 năm ra đời, bản tuyệt tác đó vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng là lý do mà giới trẻ vẫn luôn dành cho “Dạ cổ hoài lang” một tình cảm yêu mến đặc biệt…

    Từ tình yêu “Dạ cổ hoài lang”…
    Là con cháu của bác Sáu Lầu, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vốn là “chiếc nôi” của đờn ca tài tử, ngay từ thuở còn nằm nôi nhiều người đã được chìm sâu trong giấc ngủ bằng bản “Dạ cổ hoài lang” và những câu vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng. Và rồi khi lớn lên, trong tiềm thức sâu thẳm của mỗi người đều có một tình cảm luyến thương đặc biệt đối với những câu vọng cổ quê mình. Trong một lần tình cờ uống cà phê ở quán Ven Đô (TP. Bạc Liêu), chúng tôi được nghe một bài vọng cổ ngọt lịm do một bạn trẻ 9X thể hiện. Cả không gian dường như ngưng đọng để lắng lòng, miên man theo từng lời ca, điệu lý. Còn nhớ cách đây vài năm, trong đêm giao lưu với soạn giả Thanh Quang do trường Đại học Bạc Liêu tổ chức, chúng tôi cũng đã ngạc nhiên và say sưa như thế trước những câu ca cổ mùi mẫn do những bạn trẻ chỉ mới mười chín, hai mươi thể hiện. Đó là những tín hiệu cho thấy hiện nay đang có rất nhiều bạn trẻ say mê và sự yêu thích đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật này. Ở Bạc Liêu chúng ta hiện có hơn 55 CLB ĐCTT thì có đến 1/3 hội viên là các bạn trẻ 8X, 9X.

    [IMG]
    Bản “Dạ cổ hoài lang” được biểu diễn trên sân khấu của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ VIII - 2013. Ảnh C.T
    Mới đây, tại đêm chung kết khu vực Chuông vàng vọng cổ năm 2013 tổ chức tại Bạc Liêu, hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh chật ních khán giả mộ điệu, trong đó có những gương mặt 9X rạng rỡ đến dành cho các thí sinh những tràng cổ vũ nồng nhiệt. Nhiều cô chú lớn tuổi cười mãn nguyện bảo rằng: “Không ngờ đám trẻ thời @ cũng còn mê vọng cổ. Thật là đáng mừng…”.


    … Đến chung tay cho Festival đờn ca tài tử
    Không chỉ có tình yêu và lòng tự hào được cất giữ trong lòng, tuổi trẻ Bạc Liêu đã và đang có nhiều hành động cụ thể đối với việc tôn vinh bản “Dạ cổ hoài lang”. Không bao lâu nữa, bản “Dạ cổ hoài lang” sẽ được “vinh danh” trong một lễ hội mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên tại Bạc Liêu: Festival ĐCTT. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, lực lượng thanh niên đang có bước khởi động sôi nổi. Những kế hoạch tuyên truyền cho festival được Thành đoàn Bạc Liêu xây dựng khá chỉn chu. Với chỉ tiêu 100% ĐV-TN, hội viên và học sinh trên địa bàn thành phố nắm rõ ý nghĩa của sự kiện, qua đó kêu gọi mỗi bạn trẻ có một hành động thiết thực hướng đến festival. Chị Ngô Yến Nhiên, Phó Bí thư Thành đoàn, cho biết: “Đây là sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa và đặc trưng văn hóa của tỉnh Bạc Liêu nói chung, TP. Bạc Liêu nói riêng về loại hình ĐCTT. Ngoài ra, đây còn là hoạt động giao lưu giữa các vùng miền trong nước, cơ hội để chúng ta tăng cường quảng bá hình ảnh về con người và vùng đất Bạc Liêu. Vì vậy mỗi thanh niên Bạc Liêu cần xác định trách nhiệm của mình trong cách ứng xử văn minh, lịch thiệp cũng như có những hoạt động cụ thể chung tay hướng đến festival”. Một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch tuyên truyền là hướng dẫn cho cán bộ, hội viên học thuộc và tổ chức đồng diễn bản “Dạ cổ hoài lang”.
    Một số bạn trẻ ở Bạc Liêu dù hát không hay, không ngọt nhưng vẫn thuộc rất nhiều bài vọng cổ và tường tận tiểu sử bác Sáu Lầu, cũng như hoàn cảnh ra đời của “Dạ cổ hoài lang”. Đó là cách họ tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và trân trọng giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ. Bạn Mỹ Chi (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Đã từ lâu, Bạc Liêu được biết đến là nơi xuất xứ của Dạ cổ hoài lang - tiền thân của vọng cổ ngày nay. Những người con sinh ra trên mảnh đất Bạc Liêu luôn cảm thấy tự hào về điều đó. Và mình nghĩ đã là người Bạc Liêu thì phải hiểu và thuộc bản Dạ cổ hoài lang”.
    Bằng nhiều kế hoạch đã được triển khai khai hướng đến Festival ĐCTT, mỗi thanh niên TP. Bạc Liêu sẽ đóng vai trò là một tình nguyện viên tích cực góp phần cho lễ hội này diễn ra thành công tốt đẹp. Qua đó, quảng bá về vùng đất Bạc Liêu anh hùng trong lịch sử và năng động phát triển trong thời hội nhập.
    Tuấn Anh
    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - "Dạ cổ hoài lang" trong mắt giới trẻ

Chia sẻ trang này