Dấu mưa xoi (2)

Thảo luận trong 'Truyện ngắn' bắt đầu bởi Ku Chì, 2 Tháng 7 2012.

  1. (Lượt xem: 1,212)

    Mùa hè năm ấy bé Hậu bị chứng sốt xuất huyết phải chở vô bệnh viện cấp cứu. Dù cho bác sĩ và y tá có lòng tận tụy săn sóc nhưng bệnh viện lại thiếu thuốc, thằng bé nằm im thin thít, lúc tỉnh lúc mê sảng. Hai vợ chồng anh Thanh chạy đôn chạy đáo lo lắng. Mới có mấy đêm trắng mà mặt mày của anh hốc hác, quầng mắt thâm đen, còn chị Thanh ốm đi trông thấy rõ, những đường gân xanh trên cổ tay. Tôi đại diện bạn bè trong cư xá đến giúp anh một món tiền nhỏ. Anh Thanh đã rút hết tiền dành dụm gởi tiết kiệm bao năm qua, thêm tiền công đoàn cho anh còn phải ứng thêm lương, phải vay mượn.
    Năm ấy các gia đình trong cư xá của tôi làm ăn khấm khá. Những người làm ở cơ quan kinh doanh đều có tiền thưởng. Cô Hằng, cô Hà lại mới cân heo, còn Thanh trúng được mấy hợp đồng nên phất cờ một chuyến du lịch tập thể. Cô Hằng làm bên thương nghiệp hăng hái hứa hẹn mua cho đường bột ngọt đem theo, cô Hà cũng mua cho thịt. Riêng anh Thanh quen biết nhiều, lãnh việc mượn xe. Cuộc họp bỏ túi đang diễn ra ấm cúng trong phòng chị Hà thì chị Thanh mặt mày bơ phờ bước vô.
    [IMG]
    Minh họa: Nhuận Thường
    - Nguy cho tụi tui quá rồi các bạn ơi, thằng Hậu hội thêm chứng bịnh thương hàn.
    Tôi giật mình, mấy ngày qua cũng vì chuyến du lịch sắp tới, mọi người như quên bé Hậu.
    - Anh chị nào có thể mượn giúp tụi tui…
    Chị thờ thẫn nhìn xuống ghế. Căn phòng lặng im, người này ngó người kia, cái không khí đang ấm cúng nãy giờ, vụt tiếng nói của chị Thanh làm như nó tan loãng ra mênh mông. Tôi chịu không nổi, bước qua phòng cô Phi Phi và tình cờ bắt gặp Phi Phi, cô vội vã khoe: “Búp bê Nhựt biết đi, biết hát nè anh, chỉ cần mình vặn dây thiều lên, nước của người ta văn minh quá, con bạn gởi về, em khoái ghê”.
    Chiều hôm đó…
    - Nhà còn gì bán không em. Lấy đồ của anh bán đi.
    - Rồi anh mặc gì đi làm?
    - Đừng lo cho anh, mình là công nhân viên thì mặc đồ công nhân.
    Chị Thanh thở dài thay cho câu trả lời. Anh Thanh buồn bã nói tiếp:
    - Em thử vay các bạn trong cư xá coi, họ thương thằng nhỏ lắm.
    Lại không có một tiếng trả lời, một sự im lặng khó chịu. Tôi thấy ý nghĩ của mình thật là vô lý khi buộc dính cuộc sống riêng tư của mọi người trong cư xá vào nhau. Nhưng đêm ấy, tôi cũng cảm thấy một cái gì hết sức nhẹ nhàng thanh thản sắp rời bỏ ra đi và để lại trên sống lưng đời một thứ rất nặng nề. Chẳng lẽ thế giới này sắp tan rã vì thiếu tình tương thân tương trợ? Sao mọi người sau khi góp cho vợ chồng anh Thanh một số tiền nhỏ lại không cho thêm một chút nữa. Thằng bé đang thoi thóp sống nhờ khí oxy và nước biển mà đám đông lại xúm nhau nhìn bất lực. Không nên quy kết như vậy… Nhưng lắng nghe anh Thanh lục vấn vợ từng người thì rất rõ ràng, sống trong đám đông mà có người lại không có chỗ dựa thân.
    Nhưng rất may mắn, sự ngẫu nhiên cũng có quy luật của nó. Tình cờ trong bệnh viện tôi quen với một gia đình có đứa con nằm sát bên giường Hậu. Gia đình này khá giả cũng đang xót ruột đứa con họ nên tỏ ra thông cảm, tôi với vợ chồng anh Thanh như vớ được chiếc phao.
    Lúc bé Hậu lên ba, lên bốn, nó giương đôi mắt ngơ ngác tò mò muốn tìm hiểu sự việc nên cái thế giới hồn nhiên sống động của Hậu phải luôn va chạm. Có lẽ người lớn trong cư xá cũng chưa ai giải thích cho Hậu nghe những cử chỉ của Hậu mà gọi là phá phách như thế nào.
    Một tối Trung thu, bé Hậu cùng bé Linh đang hớn hở đem chiếc lồng đèn con cá bỏ vô hồ nước, thì anh Hạnh chồng cô Hà chạy ra. Bé Linh: “Ba coi tụi con cho con cá nó lội”. Anh Hạnh la thằng bé: “Đồ phá của, ai dạy mày làm như vậy?”. Bé Linh: “Anh Hậu biểu đó”. Hậu đang vui chợt buồn xo khi nghe anh Hạnh nói với con: “Tao không cho mày chơi với cái thằng phá phách đó”.
    Bé Hậu cứ tiếp tục hồn nhiên trên con đường tìm kiếm ý nghĩa sự vật qua đôi mắt nhìn tổng thể chưa tách ra được cái mối tương quan. Một buổi trưa, chị Thanh đang lui cui nấu cơm. Tôi thấy bé Hậu đang ngồi ngoài sân cứ giơ hai tay đập vô đùi, rồi nhảy xuống, leo lên ghế. “Làm gì đó Hậu, buổi trưa ai tập thể dục, cháu” - tôi nói. Hậu giơ tay chỉ mấy con chim đang chuyền trên cành sấu, hàng cây dái ngựa. “Cháu tập làm chim bay”, thằng nhỏ làm tôi buồn cười. Tôi bỏ vô nhà. Năm phút sau, “bịch”: “Chết con má ơi”. Tiếng thằng Hậu kêu thét ngoài sân. Người lớn trong cư xá chạy ra. Thì ra Hậu khao khát tập làm chim bay, nên leo lên cây ổi nhảy xuống và té gãy xương đòn. Một lần khác, Hậu mò vô nhà cô Ái gỡ con đồi mồi bằng sành treo trên tường xuống. “Bốp”. Con đồi mồi bể tan. Cô Ái nhìn Hậu trừng trừng : “Đồ quỷ - mày làm gì vậy?”. “Cháu muốn coi con rùa rừng”. Ờ, con rùa rừng. Bé Hậu phát minh ra từ con rùa rừng rất thú vị. Cô Ái tiếc của nên chẳng để ý. Rùa thì đã thấy chồng cô Ái làm bên thủy sản thỉnh thoảng có mua về nhà nhậu, nhưng Hậu chưa thấy rừng, và từ đầu có ý niệm, cái gì chưa biết gọi là rừng, nghĩ cũng lạ.
    Hậu thừa lúc cô Phi Phi đang tắm, lấy con búp bê biết đi biết hát của cô hai tay cầm lúc lắc, chắc muốn biết bên trong có cái gì, sau cùng thằng bé không dằn được tò mò nên bắt chước cô Phi Phi vặn dây thiều. Dây thiều được vặn quá căng vụt đứt. Búp bê Nhật Bản lỡ hư chỉ có gởi về nguyên quán sửa chữa, Phi Phi xách con búp bê thẫn thờ đi qua phòng tôi. Nhìn gương mặt Phi Phi, tôi vừa bực, cười tội nghiệp. “Vuốt giận đi Phi Phi, lúc nó còn sổ sữa Phi Phi thương nó lắm mà, chuyện đã lỡ, mét chị Thanh làm chị rầy thằng nhỏ tội nghiệp!”. “Thương là thương lúc nó còn nhỏ kìa, còn bây giờ anh coi nó phá lắm ai chịu cho nổi”.
    Nghe Phi Phi nói, tôi thầm nghĩ thằng Hậu đã bắt đầu mang cái thế giới hồn nhiên đi “vào đời” cô sớm.
    Lúc này cư xá thêm ba đứa trẻ nữa chào đời. Như thường lệ, mọi người mang tình thương tới trút cho sự hiện diện mới mẻ. Bé Hậu coi như đã nhận đủ… Chẳng còn ai đi chợ mua một cái gì đó, bỏ vô giỏ để dành. Hơn nữa, mới bốn năm, giá cả bao nhiêu lần thay đổi, cà phê đen hai đồng lên trăm đồng, bánh in năm đồng lên hai trăm năm chục đồng, sữa bò dần dần khan hiếm. Xà bông nhãn hiệu cô Ba đeo kiềng vàng, đầu tóc bới có bánh lái đã bắt đầu trở thành xa xỉ.
    Anh Thanh, từ lúc bé Hậu hai lần thoát khỏi tai nạn, bỗng sinh ra kỳ quặc. Anh thấp thỏm lo sợ như người lúc nào cũng nom nớp lo một ngày trời sập xuống đầu. Anh chị dằn vặt bởi ý nghĩ: “Phải luôn có tiền để phòng xa”. Giống như con Anus trong thần thoại Hy Lạp nằm một chỗ gặm nhấm chân tay. Anh bỏ ăn xôi mỗi buổi sáng, bỏ uống cà phê, ai mời thì đi, không có ai anh xuống cơ quan uống trà. Có người lên tiếng phản đối: “Ai muốn uống trà trộm về nhà mà uống”. Anh tha thẩn về nhà gom từng tờ báo cũ, từng khúc gỗ vụn. Thét rồi anh đâm ra khắc nghiệt, mỗi buổi cơm ăn vừa ngó thằng Hậu lườm lườm sợ nó gắp lố quy định.
    Hậu kêu: “Má ơi, nấu chè ăn”. Anh Thanh hét lên trấn áp: “Đồ con nhà nghèo đòi hỏi đủ thứ”. Hậu mếu máo: “Con đòi má chứ đâu có đòi ba”.
    Nhưng âm thanh bên đó dội qua bên này khiến tôi tội nghiệp đứa trẻ đang trong tuổi ăn, mà anh Thanh luôn láy đi láy lại “con nhà nghèo” một cách máy móc hằn học, mà máy móc dễ làm con người hóa ra khô khan. Đằng này Hậu là một đứa trẻ.
    Một hôm, tôi thấy Hậu đang đi thơ thẩn ngoài hành lang, tôi len lén đi theo phía sau lưng thử xem sinh hoạt thằng bé. Lúc trước thì phòng nào Hậu cũng la cà, lần này nó chỉ đứng ngoài ngó vô rồi tiếp tục đi. Gia đình cô Ái nằm ở cuối dãy, nơi ấy có khoảng sân khá rộng nhưng vì bị các dãy nhà bao quanh nên trở thành địa điểm lý tưởng cho bọn con nít. Có ba đứa trẻ mỗi đứa cầm trên tay cây súng mủ bóp cò kêu nghe rồ rồ, chúng đang chạy đuổi nhau miệng hô “giơ tay lên”. Thằng Hậu đứng phía ngoài đưa mắt nhìn lom lom. Thằng Tính con cô Hà thấy Hậu nên chạy lại đưa súng ra khoe: “Kêu ba mày mua một cái đi”, Hậu trả lời: “Đồ chơi ai đem tiền mua, mình làm mình chơi mới hay”. Thằng Tính chưa kịp nói thì thằng bé Sang con chú Hùng đứng sau lưng hô “Giơ tay lên”. Tính vụt bỏ đi. Hậu đứng nhìn ba thằng bạn chạy vòng quanh sân cỏ, rồi té chồm lên nhau, coi bộ nó cũng mê nên bước tới. “Cho mượn một chút coi Tính”. Thằng Tính đưa cây súng vòng ra sau lưng: “Hồi nãy mày không thèm mà”.
    Ba năm qua, vì nhu cầu công tác, tôi phải thường xuyên xuống huyện nên thỉnh thoảng mới về cư xá. Có nhiều đêm ngủ nơi nhà nông dân lạ chỗ, nằm thao thức nghe gió đồng lùa hun hút, nơi đây đồng ruộng gió to nên người cũng phóng khoáng. Anh chủ nhà hỏi tôi có vợ chưa, anh sẽ theo thói quen cho tôi là giấu nên tôi gật đầu. Anh tiếp tục: “Cháu có ngoan không anh, lương bổng như vậy làm sao đủ nuôi thân”, nghe rất chân tình. Tôi chợt nhớ đến căn phòng của mình, nửa đêm những cành lá sấu, lá dái ngựa theo gió lùa vô phòng, lâu lâu trái dái ngựa rơi bộp xuống đất tách ra làm bốn mảnh giống bốn cái muỗng nhỏ. Thằng Hậu lượm những cái muỗng vô nhà cho vô hộp chung với những chiếc lá bàng thuộc loại to bản.
    (Còn tiếp 1 kỳ)
    Truyện ngắn của Ngô Khắc Tài

    Bài viết cùng chuyên mục

    tuech thích bài này.
  2. Facebook comment - Dấu mưa xoi (2)

Chia sẻ trang này