Đem Trung thu ấm áp đến với trẻ em nghèo

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 14 Tháng 9 2013.

  1. (Lượt xem: 1,769)

    Không có chiếc lồng đèn sặc sỡ sắc màu hay được thưởng thức những chiếc bánh đắt tiền, nhưng Tết Trung thu này, thiếu nhi nghèo trong toàn tỉnh vẫn có một đêm rước đèn dưới ánh trăng rằm đầm ấm và rộn rã tiếng cười.

    [IMG]
    ĐVTN Chi đoàn Báo Bạc Liêu tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: C.K

    Sự tích Tết Trung thu bắt nguồn từ truyền thuyết: nàng Hằng Nga vô tình uống phải viên linh dược của chồng là Hậu Nghệ nên đã bay về trời và ở mãi trên cung trăng. Hậu Nghệ quá nhớ thương vợ nên đã xây một lâu đài trong mặt trời gọi là “Dương”, Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự gọi là “Âm”. Cứ mỗi năm một lần vào ngày Rằm tháng tám, hai người mới được gặp nhau. Chính vì thế mà mặt trăng luôn trong và sáng vào ngày này để nói lên niềm vui hội ngộ của hai người. Ngày nay, Tết Trung thu còn gọi là tết nhi đồng, là dịp để mọi người dành sự quan tâm đặc biệt đến các em thiếu nhi. Trong đêm Rằm, các gia đình sẽ tổ chức cho con em mình phá cỗ, ăn bánh Trung thu, rước đèn và được vui chơi múa hát.

    Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng có được cái Tết Trung thu trọn vẹn và ý nghĩa, nhất là với các em thiếu nhi mồ côi, trẻ em lang thang, trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa. Xuất phát từ thực tế đó, trước thềm Trung thu, các hoạt động chuẩn bị tết cho thiếu nhi lại được các bạn trẻ khắp nơi trong tỉnh hồ hởi bắt tay thực hiện. Chiếc đèn ông Sao, chiếc bánh in, bánh pía cùng những viên kẹo ngọt với trẻ em thành thị rất đỗi bình thường, song đó lại là thứ quý giá và ý nghĩa đối với các em nhỏ ở vùng nông thôn khó khăn. Còn nhớ Trung thu năm trước, theo chân chi đoàn đi trao quà cho trẻ em nghèo xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), chúng tôi nhìn hoàn cảnh của từng em nhỏ ở vùng ven rừng này mà không khỏi thương cảm. Hình ảnh hai em nhỏ cùng người cha vượt đường rừng đến nhận quà Trung thu mà không có nổi chiếc áo mưa để che. Hay một cậu bé nghèo trong manh áo phong phanh, co ro vì lạnh, nhưng ánh mắt vẫn không giấu được niềm vui khi được nhận quà. Có chứng kiến những hoàn cảnh ấy chúng tôi mới hiểu được rằng trẻ em nông thôn còn nhiều thiệt thòi, và cũng nhận ra chuyến hoạt động tình nguyện về những vùng sâu của mình thật sự ý nghĩa.
    Cũng như mọi năm, Trung thu năm nay, Chi đoàn Báo Bạc Liêu tiếp tục cuộc hành trình đem Trung thu đến với trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn sâu. Điểm đến của chúng tôi là xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) - một địa phương thực hiện chuyển đổi sản xuất kém hiệu quả, do đó đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo có năm tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất tỉnh. Với 100 suất quà dành cho thiếu nhi nơi này, chúng tôi muốn chung tay với địa phương và xã hội làm vơi đi những thiếu thốn của các em.
    Đến thời điểm này, lực lượng đoàn viên công chức huyện Giá Rai đã vận động và hỗ trợ 500 phần quà Trung thu cho thiếu nhi nghèo. Ngoài ra, các xã, thị trấn, Đoàn và Đội các trường học cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em trong đêm Trung thu như: thi làm lồng đèn, thi văn nghệ với những ca khúc về Trung thu... Đặc biệt, trong Tết Trung thu này các hoạt động hướng về các em thiếu nhi nghèo người dân tộc được quan tâm nhiều. Theo Xã đoàn Vĩnh Trạch Đông thì Chi đoàn kết nghĩa cũng như các đơn vị Đoàn ngành TP. Bạc Liêu đã hỗ trợ 650 phần quà cho các em thiếu nhi trong xã vui đón Trung thu. Bên cạnh đó, Xã đoàn còn tổ chức thi làm lồng đèn, khen thưởng và tổ chức các trò chơi truyền thống cho các em.
    Với mong muốn mọi trẻ em nghèo đều được vui Tết Trung thu nên ngoài hoạt động của Huyện đoàn, tất cả các cơ sở đoàn xã, thị trấn của huyện Hồng Dân đều đồng loạt tổ chức Đêm hội trăng rằm cho các em.
    Các hoạt động giúp thiếu nhi nghèo vui đón Trung thu không chỉ nhận được sự chung tay của các ngành, các cấp, các đơn vị đoàn thể, còn có sự góp mặt tích cực từ các em thiếu nhi. Nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã phát động các bạn nhỏ làm lồng đèn tặng các bạn học sinh nghèo. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc ta, mà còn góp phần định hướng và giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi.
    Tuấn Anh
    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Đem Trung thu ấm áp đến với trẻ em nghèo

Chia sẻ trang này