Kinh tế tập thể: 10 năm đổi mới và phát triển

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 5 Tháng 11 2012.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,282)

    Từ năm 2002 đến nay, lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động đi theo quỹ đạo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX). Và trong ngần ấy thời gian, xã hội đã có cái nhìn rất mới khi thấy kinh tế tập thể khởi sắc, đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
    Khởi sắc nhờ Nghị quyết 13
    Ông Lý Hoàng Minh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, khẳng định: “Chưa lúc nào những người chuyên làm kinh tế tập thể cả nước phấn khởi, vui mừng như lúc ra đời Nghị quyết 13 (ngày 18/3/2002). Nghị quyết thật sự thổi vào lĩnh vực kinh tế tập thể luồng sinh khí mới với nhiều chính sách ưu việt của Đảng. Và trên thực tế, kết quả hoạt động của tổ hợp tác (THT) và HTX đã cho thấy điều đó”.

    [IMG]
    Xã viên HTX Doanh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) thu hoạch muối. Ảnh: T.Đ

    Sau 10 năm đổi mới và phát triển, toàn tỉnh hiện có 194.000 hộ tham gia hoạt động ở THT và HTX, trong đó, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm gần 84%. Cả tỉnh đã có 904 THT (tăng 75 lần so với năm 2002) và 121 HTX (tăng 1,8 lần so với năm 2002) được thành lập. Tổng vốn điều lệ của HTX tăng lên 8,1 lần (đạt hơn 77 tỷ đồng). Các THT đa phần phục vụ sản xuất nông nghiệp (không mang nặng về lợi nhuận), nhưng HTX thì đa ngành nghề.

    Dẫu có sự thăng trầm nhất định nhưng việc sản xuất, kinh doanh của phần lớn HTX vẫn trụ vững trong nền kinh tế thị trường. Các HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 13.600 lao động. Nổi bật và ổn định nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông - vận tải và tài chính - tín dụng. Nhiều HTX đã trở thành nhân tố điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất của tỉnh, được tặng bằng khen của UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam; được các tổ chức trong nước và quốc tế trao cúp vàng chất lượng sản phẩm, chứng nhận thương hiệu độc quyền cùng nhiều giải thưởng cao quý tại các kỳ hội chợ. Điển hình là HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu); HTX công nghiệp - xây dựng Ngan Dừa (huyện Hồng Dân); Quỹ tín dụng nhân dân Hộ Phòng (huyện Giá Rai); HTX tôm - cua giống Gành Hào (huyện Đông Hải); HTX nông nghiệp Tiến Đạt (huyện Vĩnh Lợi); HTX Xây dựng Minh Phú (huyện Phước Long)… Đặc biệt, có 11 HTX thành lập được chi bộ Đảng và công đoàn cơ sở với 114 đảng viên và 162 công đoàn viên; 6 HTX có tổ chức chi đoàn; 1 HTX thành lập Công ty TNHH một thành viên.
    Đáng chú ý là hoạt động liên kết diễn ra ngày càng nhiều hơn giữa các THT, HTX với doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Việc liên kết nhằm trao đổi nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cung ứng và tiêu thụ cây trồng - vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi… Mặc dù đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa lớn (ước đạt 3,6% hàng năm), nhưng các THT, HTX đã đóng góp có ý nghĩa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch trong nội bộ ngành Nông nghiệp. Đồng thời góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương thông qua việc đào tạo và chuyển đổi ngành nghề.
    Cần sự quan tâm hơn nữa


    Chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế tập thể:

    - Chuyển đổi 100% các tổ hợp tác (THT) kiểu cũ hoạt động theo Nghị định 151 của Chính phủ; từng bước nâng cao các THT thành hợp tác xã (HTX).
    - Mỗi năm thành lập mới từ 15 - 20 HTX. Phấn đấu hàng năm tăng lên từ 7 - 10% trở lên HTX đạt loại khá, giỏi. Đến năm 2015 không còn HTX yếu kém.
    - Phấn đến năm 2015 có trên 50% cán bộ quản lý có trình độ đại học, năm 2020 có khoảng 80% cán bộ quản lý có trình độ đại học, số còn lại trên đại học. Gắn kết chặt chẽ mục tiêu dạy nghề cho xã viên và người lao động trong khu vực kinh tế tập thể với mục tiêu dạy nghề của quốc gia.
    - Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng khu vực kinh tế tập thể đóng góp từ 10 - 12% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Đến năm 2020 đạt từ 40% trở lên.

    Bên cạnh một số thành tựu nổi bật, hoạt động của các HTX trong tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ nhiệm HTX Xây dựng Minh Phú, cho rằng: “Cái khó lớn nhất của HTX là không tiếp cận được vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Vay vốn thì ngân hàng đòi thế chấp tài sản, trong khi tài sản của HTX đều thuộc sở hữu của xã viên. Kể cả vay vốn tín chấp theo các gói kích cầu của Chính phủ, chúng tôi cũng không vay được. Vì vậy, buộc các HTX phải tự bươn chải”.

    Theo Liên minh HTX tỉnh, không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, HTX cũng ít được tiếp cận chính sách đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề. Việc đầu tư của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kinh tế tập thể như: nhà kho, sân phơi, lò sấy, chuồng trại… trong thời gian qua gần như không có. Việc chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất không đáp ứng kịp thời. Ngoài ra, việc tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực kinh tế tập thể cũng chưa được tạo điều kiện. Hay nói cách khác, mặc dù Nghị quyết 13 thể hiện sự quan tâm toàn diện, nhưng chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm cụ thể hóa nghị quyết chưa đến nhiều với HTX. Và chính từ nội lực kinh tế, tài chính và năng lực điều hành yếu kém nên tình trạng chung ở nhiều HTX là hoạt động không nổi bật.
    Từ thực tế trên cho thấy, kinh tế tập thể của tỉnh vẫn đang mong chờ sự quan tâm hơn của tỉnh và Trung ương để có cơ hội phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới.








    Bài viết :
    HỮU DUYÊN . Báo Bạc Liêu
    Administrator and S.T like this.
  2. Facebook comment - Kinh tế tập thể: 10 năm đổi mới và phát triển

Chia sẻ trang này