Lạ lùng làng triệu phú buôn... kính vụn

Thảo luận trong 'Thị trường chung' bắt đầu bởi tuech, 16 Tháng 8 2012.

  1. (Lượt xem: 1,695)

    Ở làng buôn kính vụn, người ta ăn, ngủ cùng nó; đổ máu vì nó; sôi sục cũng vì nó. Cũng chính nhờ kính vụn mà cuộc sống của hàng chục hộ dân trong làng trở nên sung túc.

    [IMG]
    Những bao tải kính vụn chất thành "tường bao" trong làng Ngô Xá.



    Về làng Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, đập vào mắt tôi là bao la... kính vụn. Những bao tải kính chất chồng, cao quá nóc nhà cấp bốn, dựng thành "tường lũy" ở hai bên đường làng; những bãi kính lớn nằm chình ình trước cửa mỗi ngôi nhà. Quả là không ngoa khi cho rằng, làng Ngô Xá đang "sống chung với kính vụn".

    Người khởi nghiệp cho làng

    Ông Nguyễn Văn Thuật được biết đến là người đầu tiên mang nghề lại cho làng. Ngôi nhà 4 tầng khang trang của gia đình ông nằm khuất phía sau nhà xưởng rộng chừng hai chục mét vuông ngay mặt đường. Cũng giống như bao hộ làm nghề trong làng, kính vụn chất đầy từ ngoài đường vào đến tận nhà ông, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ đủ để tôi lách mình qua.

    Hỏi chuyện về nghề buôn kính vụn, ông Thuật cười khà khà, ra chiều tự hào lắm: "Tớ đảm bảo cả miền Bắc này, chẳng có làng nào làm cái nghề lạ lùng như làng tớ đâu".

    Nhấp ngụm trà, ông Thuật ôn lại cơ duyên đưa ông đến với nghề. Ấy là hồi những năm 80 của thế kỷ trước, ông Thuật làm nghề thu gom đồng nát đổ cho các đại lý trong vùng. Công việc túc tắc, thất thường song cũng gọi là có được bữa cơm, bữa cháo cho năm miệng ăn qua ngày.

    "Ngày ấy, thi thoảng tôi lại vòng qua nhà máy kính Đáp Cầu (Bắc Ninh) tìm mua sắt vụn. Một hôm, tôi gặp được anh công nhân vật tư của nhà máy. Anh hỏi tôi là nhà máy cần kính vụn, tôi có "chạy hàng" được không? Dẫu chả hình dung được thị trường như thế nào nhưng tôi cứ gật đầu. Thế là, nghề thu mua kính vụn có từ đó", ông Thuật kể.

    Công việc thu gom kính vụn hóa ra... dễ hơn ông tưởng. "Kính vụn người ta thường vất đi hoặc là chôn xuống đất. Thấy có người đi thu gom giúp họ, họ chả mừng quýnh. Thế nên, ngày nào tôi cũng có ít nhất một tạ kính vụn chở đến nhà máy, bữa cơm trong gia đình vì thế cũng đều đặn hơn với ngày ba bữa", ông Thuật cho hay.

    Công việc làm ăn thuận lợi, ông còn đạp xe sang cả Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội... để mở rộng địa bàn. "Hai năm đầu, hầu như tôi không phải bỏ tiền mua kính vụn. Đến đầu những năm 90, người làng rục rịch đi thu mua kính vụn cùng tôi, nhiều người cùng làm nên tôi mới bắt đầu phải trả tiền thu mua song mức giá cũng rất rẻ", ông Thuật nhớ lại.


    [IMG]
    Ông Thuật bên những thùng nước để tẩy kính.


    Không ngày nào thôi chảy máu

    Bấm đốt ngón tay, ông Nguyễn Sông Lam, Trưởng thôn Ngô Xá nhẩm tính: "Hiện, cả thôn có hơn 500 hộ thì có chừng 300 hộ làm nghề liên quan đến kính, nhưng chủ yếu vẫn là thu mua kính vụn. Nghề cũng mang lại cuộc sống no đủ cho cả dân làng trong chừng hai mươi năm nay. Những ngôi nhà cao tầng trong thôn hầu như của các gia đình thu mua kính vụn đấy".

    Gia đình ông Lam cũng từng làm nghề kính trong chục năm, đến đầu năm 2000 thì bỏ vì ông chuyển sang làm công tác chính quyền. Ông Lam tự hào khi là người đầu tiên mở hướng làm ăn đi xa nhất. "Giữa những năm 90, khi cả làng hầu như chỉ đi quanh các tỉnh miền Bắc mở cơ sở thu gom kính vụn thì tôi thuê xe vào tận Vinh, Hà Tĩnh đặt hàng ở các đại lý kính. Đó là nơi xa nhất mà người làng hướng tới ở thời điểm đó". Cũng theo ông Lam, mặc dù phải vận chuyển xa như thế song tiền lãi vẫn khá, vì nguồn hàng trong đó dồi dào, giá thành mua vào lại rẻ, bán lại cho nhà máy giá thường cao gấp 2 - 4 lần. Trừ hết chi phí, mỗi chuyến hàng cũng lãi từ 3 - 5 triệu đồng, trong khi hầu như ngày nào cũng có xe chở kính từ trong đó ra.

    Kính vụn mua về, trước khi nhập cho nhà máy phải tiến hành phân loại kính trắng với kính màu. Công việc hoàn toàn thủ công. "Ngày trước chẳng có găng tay như bây giờ nên không ngày nào là thôi chảy máu vì bị kính xẻ. Dù làm quen hay không thì vẫn bị kính xẻ như thường. Chẳng ai làm nghề này mà không bị sứt sẹo cả", ông Thuật vừa chìa bàn tay với những vết sẹo chằng chịt cho tôi xem vừa giảng giải.


    [IMG]
    Một góc làng Ngô Xá.


    Nỗi lo môi trường

    Chừng vài năm nay, nghề thu mua kính vụn ở làng Ngô Xá có dấu hiệu chững lại. Bằng chứng là "trước đây, mỗi khi lấy hàng ở các nơi khác về, thường sẽ đổ vào nhà máy ngay chứ không chất đống đầy trong sân, ngoài ngõ như thời điểm này", ông Lam xác nhận.

    Mặc dù vậy, ông Thuật vẫn tự tin mà rằng: "Làm nghề này "cơm không ăn thì gạo còn đó", không bao giờ sợ lỗ vì kính vẫn sẽ được dùng trong xây dựng. Mà như thế thì nhu cầu kính vụn để tái chế vẫn còn, chỉ là chưa đến thời điểm nhà máy gom hàng mà thôi".

    Nhìn những bao tải kính vụn nằm chình ình bên vệ đường, vương rải rác dưới lòng đường, tôi chợt rùng mình. Ông Lam xua tay: "Kể ra cũng mất an toàn đấy, chính quyền cũng có nhắc nhở các hộ thu gom kính nhưng làng nghề mà, quan trọng là người dân không để kính tràn ra lòng lề đường. Thêm nữa, ở làng nghề nên người ta quen rồi, đến đứa trẻ con cũng biết lối để tránh. Hầu như chưa có trường hợp nào bị thương tích vì những bao tải kính chất ngoài đường như thế đâu".

    Theo ông Thuật, giá thành thu mua kính của nhà máy kính Đáp Cầu có sự chênh lệch, kính trắng thường có giá cao hơn từ 2 - 3 lần kính màu. Do đó, sau khi phân loại kính, để bán được giá, người dân trong làng thường tiến hành tẩy trắng kính màu bằng axit sunfuric. Công việc ngâm kính này có từ những ngày đầu làm nghề.

    Mặc dù biết chất tẩy rửa ấy cũng có tác hại nhất định như làm ăn mòn da tay khi vớt kính, "xót và đau ở các kẽ tay triền miên" nhưng với ông Thuật cùng nhiều hộ gia đình làm nghề trong làng thì "không thể không làm như thế", vì âu cũng là chuyện làm ăn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, sẽ có một lượng nước thải chứa chất tẩy rửa công nghiệp ấy được xả ra môi trường.
    Để đánh giá được tác động của chất tẩy rửa ấy tới môi trường làng Ngô Xá rất cần sự vào cuộc của những cơ quan chức năng trong tỉnh và huyện, từ đó đưa ra những khuyến cáo tới người dân.
    "Nghề làm kính trong làng Ngô Xá là hoàn toàn tự phát từ hơn hai mươi năm nay. Nghề đã đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ trong làng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Vì thế, chúng tôi cũng tạo điều kiện hỗ trợ bà con trong việc làm thủ tục vay vốn ngân hàng, từ đó thúc đẩy làng nghề phát triển".
    Ông Nguyễn Văn Khánh
    (Chủ tịch UBND xã Long Châu)
    Theo Thanh Thủy
    Kiến thức


  2. Facebook comment - Lạ lùng làng triệu phú buôn... kính vụn

Chia sẻ trang này