Máy ảnh không gương lật - Xu thế máy ảnh mới

Thảo luận trong 'Kỹ thuật Nhiếp ảnh' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 27 Tháng 12 2012.

  1. (Lượt xem: 2,360)

    Năm 2012 được đánh giá là năm đánh dấu sự bùng lên mạnh mẽ của dòng máy ảnh không gương lật, có xu hướng lấn chiếm thị trường của các dòng máy DSLRCompact cao cấp.

    Ngay cả “ông lớn” Canon từng tuyên bố không tham gia thị trường này, nhưng tháng 7 năm 2012 vừa qua Canon bất ngờ tung ra dòng máy ảnh Canon EOS M mang tính bước ngoặt. Riêng với Samsung, hãng nắm bắt thị trường khá tốt và nhanh nhạy, với 5% thị phần ở thị trường máy ảnh này và có xu hướng giảm máy ảnh du lịch, thay vào đó tập trung vào sản xuất máy ảnh không gương lật với ý đồ chiếm 20% thị phần vào 2015.

    Tình trạng cạnh tranh của máy ảnh không gương lật hiện nay là rất khốc liệt. Đây được đánh giá là thị trường tiềm năng trong tương lai tới. Đứng đầu thị phần máy ảnh không gương lật tại Nhật năm 2012 đang là Olympus và sau đó là Sony và Panasonic (Trong một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường BCN).
    [IMG]
    Sony Alpha NEX-7 với bộ cảm biến lớn, nhưng thân máy nhỏ gọn hơn DSLR
    Giới thiệu về dòng máy ảnh không gương lật
    Khái niệm máy ảnh không gương lật (MILC) tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau như: hệ thống máy ảnh nhỏ gọn (compact system camera - viết tắt là CSC), hệ thống máy ảnh không gương lật (Mirrorless System Camera - MSC), máy ảnh kỹ thuật số ống kính đơn không gương lật (Digital Single Lens Mirrorless - DSLM), hệ thống máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời (Digital Interchangeable-Lens System camera) và cuối cùng được biết đến với cái tên khung ngắm điện tử với ống kính rời (Electronic Viewfinder with Interchangeable Lens - EVIL, không áp dụng cho những máy ảnh kính ngắm quang học).
    Mục đích ban đầu của loại máy ảnh ống kính rời không gương lật (MILC) là có thể hoán đổi ống kính và có chất lượng hình ảnh của máy ảnh DSLR trong một thân máy nhỏ. Để có được điều này, các nhà sản xuất đã thay thế khung ngắm TTL(Through the lens) bằng một khung ngắm điện tử, trong đó chiếc gương lật được bỏ đi để giảm kích thước máy.
    Cấu tạo hệ thống gương lật chính là điểm khác biệt cơ bản để thay đổi toàn bộ cấu tạo bên ngoài cũng như chức năng hoạt động bên trong, về cơ bản, máy ảnh ống kính rời không gương lật có cảm biến không lớn hơn so với các máy ảnh DSLR thông thường, nhưng cấu tạo bên trong của các máy ảnh này đã không còn gương và kính ngắm quang học, do đó, máy ảnh ống kính rời không gương lật cũng bớt cồng kềnh và nhẹ hơn DSLR, Nhưng không kém phần chuyên nghiệp so với DSLR.
    Dòng máy ảnh không gương lật xuất hiện bắt đầu vào năm 2004, và nổi bật vào 2011 và năm 2012. Đến năm 2012, đã có hàng chục model máy ảnh không gương lật ra đời. Tính theo thứ tự thời gian thì sớm nhất là dòng Epson R-D1 sử dụng ống kính Leica M (năm 2004), dòng Leica (năm 2006), dòng ống kính Micro Four Thirds của Olympus và Panasonic, NX mount của Samsung, dòng Sony E-mount của Sony, dòng Nikon 1 mount của Nikon, dòng Pentax Q mount, K-mount của Pentax, đáng chú ý với Canon tham gia lần đầu tiên vào tháng 7 với máy ảnh EOS M khá ấn tượng, cuối năm 2012 có thể nói đến máy ảnh Sony Alpha NEX-7 với bộ cảm biến lớn, thuộc thế hệ tiếp theo của dòng NEX hãng Sony.
    [IMG]
    EOS M hứa hẹn chất ảnh tương đương dòng máy DSLR nhờ cảm biến và chip xử lý giống EOS
    Thị trường nóng lên bởi máy ảnh không gương lật (MILC)
    Đến nay phải nói là thị trường máy ảnh không gương lật là một hiện tượng đáng chú ý của năm, bởi nó đang khuấy động thế giới nhiếp ảnh ngày càng mạnh mẽ với sự tham gia của "ông lớn" cuối cùng Canon, trước đó là Nikon, mà trong năm 2011 hãng đã từng tuyên bố không tham gia thị trường máy ảnh không gương lật này. Hai hãng máy ảnh lớn nhất Nikon và Canon này vốn không mặn mà với dòng máy ảnh này nhưng cũng thay đổi để có chân trong thị trường béo bở và có thể là xu thế mới trong năm 2013, động thái này mang đến thị trường nhiều màu sắc đa dạng hơn và sẽ là có lợi cho khách hàng khi có thêm nhiều sự lựa chọn trong dòng máy này.
    Mặc dù xuất hiện chưa lâu, nhưng thị trường máy ảnh không gương lật đã phát triển nhanh chóng. Tại Nhật Bản đầu năm 2012 có thời điểm máy ảnh không gương lật chiếm 52,4% thị phần, đặc biệt 6 tháng cuối năm chiếm gần 50% trong thị phần máy ảnh ống kình rời. Mặc dù thị trường máy ảnh DSLR vẫn có thị trường vững chắc và khó có thể thay thế nó trong tương lai gần, nhưng cũng không thể không nói là nó đang bị lấn chiếm dần dần với những sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng lớn mà đi đầu vẫn là Panasonic và Olympus.
    Trong một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường BCN, tại thị trường Nhật Olympus đứng đầu doanh số máy ảnh không gương lật. 3 gương mặt đứng đầu (Olympus, Sony và Panasonic) chiếm gần 70% thị phần. Nikon và Canon lần lượt đứng thứ 4 và 5 và chỉ chiếm 22% thị phần. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Nikon và Canon mới tham gia thị trường máy ảnh không gương lật (Nikon bắt đầu tham gia vào tháng 9 năm ngoái, còn Canon mới giới thiệu mẫu máy không gương lật đầu tiên vào tháng 7 năm nay).
    [IMG]
    Bảng xếp hạng doanh số máy ảnh của các hãng lớn năm 2012
    Theo số liệu, thị phần các hãng như sau: Olympus (28.6%), Sony (23.5%), Panasonic (17.3%), Nikon (12.8%), and Canon (9.2%). Và theo thống kê best sellers trên Amazon, Sony NEX-5 đang là mẫu máy bán chạy nhất sau đó là Panasonic Lumix DMC-GF3.
    Samsung dù tham gia muộn hơn so với các hãng khác nhưng cũng đã có những động thái tích cực rõ ràng, hãng bắt đầu nâng cấp nhà máy sản xuất máy ảnh du lịch của họ ở Trung Quốc để chuyển sang sản xuất máy không gương lật. Trong năm Samsung đã có động thái khá ấn tượng với việc ra mắt bộ 3 sản phẩm NX20, NX210, NX1000 đều được tích hợp chuẩn nối Wifi và đặc điểm này có lẽ sẽ được Samsung duy trì trong những sản phẩm tiếp theo nữa.
    Panasonic mới tham gia thị trường máy ảnh kỹ thuật số năm 2001, và doanh số bán camera dòng máy không gương lật của hãng đã tăng 67% so với năm ngoái, một con số đáng kể.

    [IMG]
    Máy ảnh Nikon 1 J2 và V2 ra mắt nâng cấp cho sản phẩm V1 và J1
    Còn Nikon đã ra mắt loạt máy Nikon 1 vào ngày 21/9/2011 và tuyên bố rằng nó là "lần ra mắt quan trọng nhất kể từ khi chúng tôi giới thiệu dòng máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên cách đây 14 năm". Máy ảnh không gương lật của Nikon cho tốc độ cao với tính năng tự động lấy nét nhanh nhất thế giới và tốc độ chụp liên tục nhanh nhất thế giới (60 ảnh/giây) trong số tất cả những máy ảnh ống kính rời bao gồm DSLR, đó là J1 và V1.
    Và sau đó đúng một năm tròn Nikon cho ra mắt sản phẩm cao cấp Nikon 1 V2, trước V2 hai tháng là bản nâng cấp J2 ra đời, cả hai máy đều được nâng cao với bộ cảm biến xử lý ảnh hoàn hảo hơn, cùng kiểu dáng cũng đã được cách tân.
    Cuối cùng là Canon tham gia muộn nhất trong thị trường máy ảnh không gương lật với máy ảnh EOS M, ngay lập tức máy đã chiếm được vị trí thứ 3 trong Top những sản phẩm bán chạy nhất tại Nhật với 9.2% thị phần (trong một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường BCN)
    [IMG]
    Olympus PEN Lite E-PL3 nổi bật với bộ cảm biến xử lý ảnh kép TruePic
    Nguồn: TGDD
  2. Facebook comment - Máy ảnh không gương lật - Xu thế máy ảnh mới

Chia sẻ trang này