Máy in 3D - Bình minh của ngành kinh doanh tỉ USD

Thảo luận trong 'Khoa học' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 5 Tháng 1 2013.

  1. (Lượt xem: 1,963)

    Bạn chỉ cần nhấn nút “In” trên máy tính thì ngay lập tức, chiếc máy này sẽ in ra cho bạn mô hình 3D, chẳng hạn như đôi bông tai, món đồ chơi với màu sắc và mọi góc cạnh hoàn chỉnh, giống hệt...
    [IMG]Chiếc máy in 3D của Hãng MakerBot.


    Ý tưởng về chiếc máy in 3D nghe có vẻ lạ lùng nhưng lại hoàn toàn khả thi. Bạn chỉ cần nhấn nút “In” trên máy tính thì ngay lập tức, chiếc máy này sẽ in ra cho bạn mô hình 3D, chẳng hạn như đôi bông tai, món đồ chơi với màu sắc và mọi góc cạnh hoàn chỉnh, giống hệt những gì bạn đang thiết kế bằng phần mềm đồ họa. Mực in là một loại bột đặc biệt làm từ titan, nhựa, silicone, cát hay đất sét, được kết dính với nhau bằng loại keo đặc biệt.

    Công nghệ này đã ra đời cách đây 10 năm nhưng chưa bao giờ được các công ty sử dụng phổ biến. Hiện nay, một số công ty công nghệ Mỹ như Hewlett-Packard và Google đã tìm cách đưa các loại máy in 3D đến tay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng cá nhân.

    Với công nghệ in 3D, các nhà thiết kế có thể kiểm tra khoảng cách giữa ý tưởng với mô hình sản phẩm trong thực tế, nhanh chóng chỉnh sửa, thay đổi thiết kế trước khi sản xuất hàng loạt. Điều đó giúp nhà sản xuất tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc tạo khuôn, mua vật liệu, xây dựng nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm mẫu.


    Bình minh của ngành kinh doanh tỉ USD

    Công nghệ in 3D đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia thiết kế. Và hơn thế, một phong trào “in 3D theo phong cách của bạn” cũng đang hình thành.

    Hiện nay, các loại máy in 3D trên thị trường có giá từ 17.000 USD/máy như chiếc HP Designjet 3D đến trên dưới 1.000 USD/máy như chiếc MakerBot mà công ty MakerBot Industries (Mỹ) đang cung cấp.

    Bên cạnh sự ra đời của những chiếc máy in 3D, người tiêu dùng còn được hưởng lợi từ các trang web cung cấp chương trình và ý tưởng thiết kế mô hình 3D như Thingiverse của MakerBot và Google SketchUp. Đây là nơi người truy cập có thể học hỏi cách thiết kế các mô hình 3D cũng như tự do trao đổi, chia sẻ ý tưởng.

    Và trong tương lai, doanh nghiệp có thể bán hàng khi chưa có sản phẩm. Người bán chỉ việc gửi mẫu thiết kế sản phẩm đến máy in 3D của khách hàng và chỉ đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất khi đã nhận được số đơn đặt hàng đủ lớn.


    Và cuộc chiến cũng bắt đầu

    Dù thị trường in 3D còn khá mới mẻ nhưng không vì thế mà sự cạnh tranh kém khốc liệt. Hiện Autodesk (Mỹ) là công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế công nghệ và sản xuất phần mềm in 3D. Công ty này đang nằm dưới sự theo dõi của Công ty phần mềm Mỹ Adobe. Theo các chuyên gia, Adobe đang lên kế hoạch thôn tính Autodesk trong năm 2011 nhằm tận dụng cơ sở khách hàng lên đến hàng triệu của Adobe và cũng nhằm khắc phục nhược điểm của Autodesk, nhất là trong lĩnh vực kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng.

    Một “ngôi sao mới nổi” khác cũng đang đứng trước số phận tương tự như Autodesk là Dassault Systemes (Pháp). Là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm mô phỏng 3D, phần mềm kỹ thuật B2B, phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm và tài sản trí tuệ, rõ ràng Dassault Systemes là con đường ngắn nhất đưa các đại gia công nghệ vào ngành kinh doanh trị giá hàng tỉ USD trong tương lai. Microsoft tỏ ra nhanh chân trong việc tiếp cận mua lại Dassault Systemes và nếu mọi việc tốt đẹp, thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2011.

    Không thể cạnh tranh với các gã khổng lồ, nhiều công ty tự tạo dựng cho mình những thị trường ngách và phần nào đã thành công. Lấy trường hợp của Shapeways, một công ty con tách ra từ Tập đoàn Philips (Hà Lan), làm ví dụ. Công ty này hiện cung cấp dịch vụ in 3D theo yêu cầu của khách hàng, theo đó, khách hàng chỉ cần gửi bản thiết kế 3D lên trang web của Công ty để yêu cầu in.

    Ngoài ra, còn có thể kể đến Contour Crafting với ý tưởng in 3D nhà. Công ty này muốn sản xuất những chiếc máy in 3D to cỡ chiếc xe tải để sử dụng tại các công trường xây dựng.

    Dù thừa nhận máy in 3D có nhiều ưu điểm nhưng người ta lo ngại nó có thể khiến nạn làm nhái sản phẩm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thêm trầm trọng. Bởi lẽ, chỉ cần một cú nhấp chuột là công đoạn sao chép sản phẩm đã hoàn thành.

    Như hai mặt của một đồng tiền, một sản phẩm mới ra đời bao giờ cũng tồn tại hai mặt lợi và hại. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, triển vọng của thị trường này vô cùng sáng sủa. Wohlers Associates, một hãng nghiên cứu Mỹ, dự báo thị trường máy in 3D sẽ tăng trưởng từ mức 1,2 tỉ USD trong năm 2010 lên 5,2 tỉ USD vào năm 2020. Vừa qua, HP đã ký thỏa thuận hợp tác với Stratasys (Mỹ), công ty chuyên sản xuất máy in 3D kích thước lớn, nhằm cho ra đời sản phẩm máy in 3D để bàn phục vụ các kiến trúc sư. Theo ông Carl Bass, Giám đốc Điều hành AutoDesk, công nghệ 3D sẽ là một cuộc cách mạng cho các nhà sản xuất và nhà thiết kế.

    Theo Minh Vũ
    NCĐT /Fortune, TechCrunch, Business Insider
  2. Facebook comment - Máy in 3D - Bình minh của ngành kinh doanh tỉ USD

Chia sẻ trang này