Người Bạc Liêu hướng về ngày giỗ Tổ

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 18 Tháng 4 2013.

  1. (Lượt xem: 1,326)

    Từ miền đất tận cực Nam Tổ quốc, Bạc Liêu dù chưa có đền hay tượng thờ các vua Hùng, nhưng những nén hương gửi gió bay về phương Bắc, những mâm lễ vật truyền thống do chính tay những người con của vùng đất này làm ra và dâng lên các vị tổ tiên trong ngày giỗ Tổ (mùng 10/3 âm lịch) vừa thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh, vừa hội tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

    [IMG]
    Học sinh - sinh viên thắp hương tại lễ giỗ Tổ các vua Hùng do UBND tỉnh tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Ảnh: M.Đ
    Để ngày Quốc lễ mang đậm nét truyền thống dân tộc được lưu truyền và gìn giữ, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành trong tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phù hợp với đơn vị, địa phương, đặc biệt là việc giáo dục thế hệ trẻ, trí thức tại các trường THPT, trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học… phải luôn nhớ và tự hào về cội nguồn dân tộc. Và ngày Quốc lễ mùng 10/3 âm lịch đã thật sự trở nên rất thiêng liêng trong lòng các thế hệ hôm nay. Các trường THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức lễ dâng hương tại Tiên sư cổ miếu hoặc tại trường vào tiết chào cờ thứ hai đầu tuần. Dù với hình thức nào thì các bạn học sinh, sinh viên đều không thể bỏ qua nội dung được nghe thầy cô giáo phụ trách môn Lịch sử kể lại nhiều câu chuyện về các vua Hùng - niềm tự hào của bao thế hệ “Con rồng, cháu tiên”… Trong buổi sinh hoạt đó, nhà trường còn tổ chức trò chơi “Ngược dòng lịch sử” với các câu hỏi về ngày Quốc lễ, về kiến thức lịch sử, đặc biệt là bàn sâu về những thành tựu, giá trị của nước Văn Lang - Âu Lạc, hay tái hiện lại lịch sử 1.000 năm chống Bắc thuộc của tổ tiên… Nếu bạn nào trả lời đúng sẽ nhận được món quà tuy đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.

    Đó còn là không khí trang nghiêm tưởng nhớ đến các vua Hùng trong ngày họp mặt của Hội đồng hương Ninh Bình tại Bạc Liêu. Ông Bùi Minh Huân (70 tuổi, quê gốc Ninh Bình, ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Hơn 30 năm gắn bó với đất Bạc Liêu, tôi vẫn không quên ngày giỗ Tổ các vua Hùng. Thời trẻ, thỉnh thoảng tôi có đến viếng đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ. Sau này ít có dịp về quê, càng hiếm có cơ hội trẩy hội đền Hùng vào mùng 10/3 âm lịch, nhưng tôi vẫn tổ chức giỗ Tổ, đặt mâm lễ hướng về phía Bắc. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để hướng về cội nguồn, hồn thiêng sông núi”. Bên cạnh đó, không ít người dân Bạc Liêu đã chọn Tiên sư cổ miếu (phường 7, TP. Bạc Liêu) để thắp những nén nhang thành kính trong ngày giỗ Tổ. Bởi nơi đây cũng chính là nơi thờ cúng tổ tiên, anh hùng đã có công với quê hương, đất nước.
    Có thể nhận thấy, nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc chính là nền tảng trong việc chống đồng hóa, tránh sự hòa tan và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, ngày Quốc giỗ với những chiếc bánh chưng, bánh dày, nén nhang… đều mang đậm nét văn hóa Việt. Và tất cả đều hướng về ngày Quốc giỗ với tấm lòng thành kính chỉ có ở “xứ sở Tiên Rồng”.
    TUYẾT ĐÌNH
    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Người Bạc Liêu hướng về ngày giỗ Tổ

Chia sẻ trang này