Nhiếp ảnh gia Võ An Khánh: Những khoảnh khắc lịch sử

Thảo luận trong 'Bạc Liêu - Đất và người' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 29 Tháng 8 2013.

  1. (Lượt xem: 2,300)

    Võ An Khánhnhiếp ảnh gia nổi tiếng của miền Tây. Sinh ra tại xã Ninh Quới (Hồng Dân, Bạc Liêu) nhưng cả thời thiếu niên và thanh niên, Võ An Khánh ở Cà Mau. Tham gia kháng chiến với chiếc máy ảnh và những cuộn phim đen trắng, ông ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu lịch sử của quân dân vùng U Minh.

    [IMG]

    Cậu bé đặt ống trúm trở thành nhiếp ảnh gia
    Thuở nhỏ, nhà nghèo, ông phải tự làm những ống trúm lươn, đi đặt lươn để gia đình có cái ăn, còn dư đem bán lại cho thương lái kiếm tiền đưa mẹ. Tám tuổi, ông cùng cô em gái sáu tuổi đã biết nấu mồi nhử lươn rồi chất 50 chiếc ống trúm xuống xuồng, đi đặt lươn từ lúc 1 giờ trưa tới chiều tối mới về nhà. “Hôm nào thấy tối mà anh em tôi chưa kịp về, mẹ tôi ngồi đứng không yên, cứ đi ra đi vào, thỉnh thoảng cứ ra bến ngó mong mà đầm đìa nước mắt” - ông nhớ lại. Đặt lươn giữa rừng nên ông phải lội xuống nước. Cỏ bắc sắt nhọn cắt hai bàn chân ông. Vết thương cứ vậy mà sưng tấy lên. Vậy mà ông vẫn phải lặn lội đặt lươn vì gia đình đang cần.

    [IMG]
    Cứu trẻ em và phụ nữ

    Miệt U Minh ngày đó còn nhiều những heo rừng, rắn hổ. Ông lấy làm lạ là mình không bị heo rừng tấn công, rắn hổ mổ chết. Ông nhớ lại: “Việc chết chóc ai mà không sợ nhưng vì miếng cơm manh áo, sự thiếu đói của gia đình nên phải đi làm”. Đặt lươn riết, Võ An Khánh trở thành chàng thanh niên giàu kinh nghiệm trong miệt U Minh, từ cách làm mồi nhử lươn cho đến cách chọn chỗ nước có nhiều lươn “chạy” nhất. Lươn đặt được có con chết, có con sống. Con nào chết thì mẹ ông đem nấu cháo với bẹ môn ngọt, xào cà ri hoặc kho sả ớt. Ăn riết rồi cũng ngán, mẹ ông đem làm khô lươn, ăn dần. Con nào sống thì bán lại cho thương lái. Thương lái mua ép giá, không dùng tới cân mà cứ mua sa cạ. Nhà nghèo cần đồng tiền, họ trả tới đâu, mẹ ông bán tới đó.

    Có một lần, ông thử lấy thịt lươn chết xào lên làm mồi nhử lươn. Hôm ấy, ông đi đặt 50 ống mà không dính một con lươn nào. Ông nghĩ: “Tuy lươn là giống tanh hôi, sống trong sình lầy nhưng vẫn biết đồng loại, không ăn thịt lẫn nhau”.

    Thế nhưng có một thứ đồng loại lại ăn thịt đồng loại. Đó chính là con người. Đó là những viên sĩ quan độc ác của chế độ cũ. Họ hành quân, tàn sát vùng U Minh. Bắt được người, họ mổ bụng lấy gan người xào ăn. Cả gia đình Võ An Khánh đều thoát ly, tham gia kháng chiến ở Cà Mau.
    [IMG]

    Chiến sĩ và nghệ sĩ
    Năm 1957, địch lùng bắt người anh ruột của ông. Bắt không được, họ lùng bắt ông. Túng thế, Võ An Khánh bỏ nhà ra thành phố, học nghề nhiếp ảnh và làm thí công cho một hiệu ảnh. Trong vai người chụp ảnh dạo, ông vẫn làm liên lạc cho lực lượng kháng chiến ở Cà Mau. Năm 1959, ông vào căn cứ. Năm 1961, ông được phân công về Ban Tuyên huấn Cà Mau.

    Lúc bấy giờ, phương tiện của kháng chiến thiếu thốn đủ mọi thứ. Ban chỉ có một chiếc máy ảnh Nikkon cũ kỹ của Nhật giao cho ông. Phim đen trắng do cán bộ kinh tài của ta mua từ An Xuyên (tên cũ của thành phố Cà Mau ngày nay) đưa vào, có khi có, có khi không. Võ An Khánh chắt chiu từng tấm phim, từng bóng đèn magnésium (loại chụp một lần là bỏ) để hoàn thành trách nhiệm của người chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông tự làm một buồng tối, pha thuốc tráng rửa và phơi ảnh.

    [IMG]
    Tung chài

    Ông đi theo lực lượng ta, có mặt trong những thời điểm nóng nhất. Ông chọn những góc độ mới lạ nhất, những khoảnh khắc đau thương, bi tráng hay lạc quan nhất để chụp và giữ lại những hình ảnh có một không hai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của đồng bào và chiến sĩ ta giữa rừng U Minh. Ông tiết kiệm từng tấm phim, từng bóng đèn, bảo vệ kỹ chiếc máy ảnh quý giá duy nhất của thời kháng chiến đánh Mỹ và chuyển hóa những khoảnh khắc ấy trở thành vĩnh cửu.

    Bức ảnh Trạm quân y dã chiến ra đời trong tháng 9-1970, chụp các hoạt động của bác sĩ, y sĩ ta đang lội trong rừng tràm ngập nước, thực hiện những ca phẫu thuật cho cán bộ chiến sĩ bị thương. Dưới tấm vải dù căng giữa rừng tràm, các thầy thuốc đang sẵn sàng phẫu thuật. Một nữ chiến sĩ ta nằm trên cáng, bị thương từ chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của địch đang được đưa vào. Ba mươi năm sau, bức ảnh được tờ The New York Times đăng lại trên số ra ngày thứ Sáu 19-4-2000, đánh giá là một tác phẩm xuất sắc.

    Tác phẩm Cứu trẻ em và phụ nữ của ông chụp vào tháng 1-1971 đã khiến người xem rơi nước mắt. Du kích ấp 7, xã Khánh Lâm (Thới Bình, Cà Mau) dùng súng trường bắn đuổi chiếc trực thăng Cobra của Mỹ để quân dân cùng moi hầm, cứu được 17 người toàn trẻ em và phụ nữ. Cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Quân dân Khánh Lâm đã làm được một lúc hai việc vừa đánh chận, vừa moi hầm để tìm lại sự sống cho 17 con người. 17 con người ấy từ cõi chết trở về để hôm nay được làm những con người có đầy đủ phẩm giá của công dân của đất nước độc lập, tự do. Gia đình của hai ông Hai Tiều và Hai Niu luôn biết ơn những du kích dũng cảm, mưu trí. Tác phẩm này đã đạt bằng Danh dự cuộc thi Tác phẩm nhiếp ảnh quốc tế năm 1988.

    [IMG]
    Trạm quân y dã chiến và thông tin trên The New York Times

    Không chỉ gắn bó với cuộc chiến đấu, Võ An Khánh cũng rất gắn bó với những sinh hoạt đời thường của nhân dân trong vùng kháng chiến Cà Mau. Tác phẩm Bà nội mù vừa chống gậy xuống lòng kinh giữ thăng bằng, vừa nắm tay đứa cháu nội tám tuổi để nhờ cháu đưa qua chiếc cầu khỉ nối hai bờ kinh. Toàn bộ tác phẩm cho thấy giữa U Minh hoang sơ, tình thương yêu, sự che chở và lòng hiếu thảo vẫn là những giá trị văn hóa tinh thần rực rỡ. Cuộc thi Ảnh quốc tế tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1982 đã tặng Bằng danh dự cho tác phẩm này.

    Tác phẩm Tung chài lại nói lên một sinh hoạt khác của vùng sông nước Cà mau. Một thiếu niên tung chài ra để bắt tôm cá. Tác phẩm được tặng giải ba cuộc thi ảnh do UNESCO tổ chức và Huy chương bạc cuộc thi Ảnh toàn quốc lần thứ 12.

    Niềm hạnh phúc về chiều
    Sau năm 1975, Ông Khánh được về công tác trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu. Phương tiện nhiếp ảnh của ông dồi dào hơn. Ông có một máy Yashica của Nhật, một máy Leika của Đức. Ông chắt chiu những đồng lương khiêm tốn của một nghệ sĩ, sắm thêm các máy ảnh khác. Qua hết thời phim trắng đen, ông lại bắt nhịp với thời phim màu. Qua hết thời máy cơ, ông dùng đến máy kỹ thuật số, bắt nhịp qua thời số hóa.

    Với những chiếc máy ảnh đời cũ cũng như đời mới, Võ An Khánh thỏa nguyện phiêu lưu của mình. Ông đi khắp nước, chụp được nhiều tác phẩm mới lạ. Tỉnh Bạc Liêu được tái lập, ông có thêm nguồn cảm hứng để dạo khắp nơi, chụp và ghi nhận những khoảnh khắc tươi đẹp trong sự đổi mới của Bạc Liêu. Hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh của Võ An Khánh ra đời, mỗi tác phẩm là một khoảnh khắc hiếm hoi nhưng khi cộng tất cả lại, chúng trở thành một cuốn biên niên sử đầy tính lạc quan, tính hiện thực và tính bi tráng.

    Nhiếp ảnh gia Võ Văn Khánh lưu giữ phim rất hay. Để bảo vệ những tấm phim đen trắng chụp trên 40 năm qua, ông cho từng cuộn phim vào bao rồi rang gạo cho chung vào, đựng trong những túi nylon lớn. Gạo rang hút ẩm rất tốt, giữ cho những tấm phim không bị tróc hay ẩm. Ít có nhiếp ảnh gia nào nghĩ ra kỹ thuật giản dị mà hữu hiệu này.

    Hiện nay, nhiều tác phẩm của Võ An Khánh vẫn được gửi tham gia các triển lãm ảnh ở trong và ngoài nước. Riêng ở Bạc Liêu, ảnh của ông được trưng bày trong các cơ quan văn hóa-du lịch. Khách đến Bạc Liêu tham quan không thể không trầm trồ khen ngợi tính hiện thực và tố chất thơ mộng, lãng mạn trong những bức ảnh giản dị của ông.
    MẠC ĐẠI
    (Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2009)
    Theo báo Pháp luật TP.HCM
    Phạm Ngọc Yến thích bài này.
  2. Facebook comment - Nhiếp ảnh gia Võ An Khánh: Những khoảnh khắc lịch sử

Chia sẻ trang này