Quà của mẹ

Thảo luận trong 'Truyện ngắn' bắt đầu bởi phanthanhcuong, 17 Tháng 7 2012.

  1. (Lượt xem: 979)

    Quà của mẹ

    Ở vùng đất Chín rồng này, những ngày tháng 7 là “tháng hạn Bà Chằng”, song bao giờ cũng có cảnh chợt nắng rồi lại chợt mưa, cơ hồ như diễu cợt với những ai muốn bước chân ra khỏi nhà. Bà Tư - một bà mẹ Việt Nam anh hùng được cán bộ khóm mời lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã để nhận quà của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm ngày 27 tháng 7- Ngày Thương binh Liệt sĩ, bà cứ nhìn xem liệu trời có đổ mưa bất chợt hay không. Sau khi đã chuẩn bị áo mưa đề phòng khi đang nắng trời lại đổ mưa, bà bước lại bàn thờ người chồng là chiến sĩ tiểu đoàn 307 đã hy sinh và hai lư hương nhỏ hai bên thờ thằng Ba và thăng Năm con của mẹ đã xả thân trong cuộc đụng đầu lịch sử với tên đế quốc giàu mạnh nhất hành tinh. Bà đốt nhang cắm vào ba lư hương, vái ba vái rồi đứng lặng một lúc cho nước mắt cứ chảy dài, chảy dài. Dùng chiếc khăn rằn lau khô nước mắt, bà cụ lại vái tiếp ba vái nữa và lẩm bẩm khấn chồng con: - Ông ơi ! Các con ơi ! Nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, Chủ tịch nước có gởi quà cho các đối tượng chính sách... Quà là hiện vật hay bằng tiền thì chỉ khi đến trụ sở xã mới biết được. Nhận quà về tui sẽ trình lại với ông và các con. Bà Tư lại nghiêm cẩn vái ba vái nữa, rồi xách chiếc nón đã sờn rách bước xuống sân đi ra lộ. Ông Bảy, một người hàng xóm tốt bụng thấy bà bước ra khỏi nhà mà không đóng cửa liền gọi giật lại: - Bà Tư đi đâu mà cửa nẻo không đóng chốt gì cả ?
    - Đóng mần chi, chốt mần chi, anh Bảy - Bà Tư đáp và nói tiếp -Tui để vậy để cho ông nhà tui và các con tui muốn về lúc nào thì về. Vả lại, tôi cũng có chi để mà mất nữa đâu anh ! - Khi mà chồng và con trai đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, còn con gái thì bị Mỹ - Ngụy sát hại khi học sinh, sinh viên xuống đường ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng... Nói đến đây thì nước mắt lại rơi lả chả và đọng lại trong cái hỏm sâu của đôi má già cỗi, khô đét.
    Bà cụ bước đi như đếm từng bước một - vậy mà bà vẫn đến được cái nơi cần đến. Bước vào trụ sở chính quyền xã thì một số người đã ra về. Có người ra về trong sự vui vẻ vì quà tặng của Chủ tịch nước nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay là bốn trăm ngàn đồng tiền mặt. Món quà này chắc sẽ giúp gia đình họ đỡ phần nào cảnh phải chạy đôn, chạy đáo cho ra món tiền đóng góp đầu năm học cho con cháu họ...
    Bước vào phòng chờ nhận quà, nhiều người bước tới lay lay vai hay nắm bàn tay bà và ai cũng hỏi han bà có được khỏe hay không.
    - “Khôn đâu trẻ, khỏe đâu già”- Bà Tư trả lời mọi người mà cũng như nói với chính mình - tuổi 81 mà trời còn tha, ma chưa bắt, chắc là còn để cho tui được đến đây nhận quà vài lần nữa quá! - Bà cụ lại móm mém cười làm nhễu ra mấy giọt nước cốt trầu đỏ thắm dưới cái cằm nhọn.
    - Sao lại chỉ vài lần? - Một thương binh ở tuổi tương tự như đứa con thứ năm của bà cụ đã hy sinh nói như để an ủi người vợ, người mẹ liệt sĩ ấy.
    - Già rồi thì phải chết, có tham, có muốn sống thêm mươi lăm năm nữa chắc cũng không được - Bà Tư đáp thản nhiên.
    Sự thật thà mà bà cụ nói ra làm chạnh lòng luôn cả những người cùng cảnh ngộ nên có người lấy khăn lau mắt hoặc thở dài đánh thượt, nghe ngao ngán lạ.
    Đến lượt bà Tư nhận quà, người cán bộ phụ trách chính sách đặt vào lòng bàn tay bà cụ hai tờ bạc hai trăm ngàn và lễ phép thưa: Mẹ ơi, đưa tiền lẻ, mẹ sẽ mất công đếm và bỏ vào túi cũng kềnh càng. Mẹ vui lòng cầm lấy hai tờ tiền chẵn này cất giữ cho tiện .
    Nhận xong món quà của Chủ tịch nước, bà Tư từ giã mọi người, lại bước thấp, bước cao như đếm như đong nỗi khổ đau, cay đắng mà bà đã gánh chịu mấy chục năm nay. Về tới nhà, việc đầu tiên là bà cụ lấy bốn tờ giấy trắng tinh gói bốn trăm ngàn đồng vừa nhận về thành bốn gói bằng nhau. Bà cụ đặt vào cạnh mỗi lư hương một gói - còn một gói nữa bà để cạnh lư hương của người chồng đã nằm lại chiến trường hơn 50 năm nay. Việc tiếp theo là bà cụ đốt nhang cắm vào ba lư hương thờ ba liệt sĩ. Lùi lại một bước, bà chắp tay vái ba vái và khấn rằng: Hương hồn của ông có linh thiêng và của hai con có linh ứng thì về nhận lấy món quà thể hiện lòng tri ân của nhà nước ta đối với sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của ông và các con. Quà của Chủ tịch nước gồm bốn trăm ngàn đồng. Tui chia đều làm bốn phần. Ông và hai con ba phần. Còn lại là phần của người thay chồng nuôi cha mẹ già, nuôi con khôn lớn trở thành những anh giải phóng quân xả thân vì nước. Ông và các con thấy phân chia như vậy có sòng phẳng hay không? Nếu được ông và hai con cho phép thì ta lại nhập bốn gói tiền này làm một, làm thành gói quà giúp đỡ những trẻ em nghèo bước vào năm học mới mà chưa có áo lành và sách vở đến trường. Vì những mầm non tương lai, ông và các con vui lòng cho tui dùng đồng tiền ân nghĩa này vào việc khuyến học – Hẳn ông và các con sẽ mãn nguyện khi đồng tiền xương máu hóa thành những bông hoa điểm 10 trong sách vở những học trò nghèo.
    Đón nhận món quà giúp trẻ em nghèo khi sắp bước vào năm học mới từ tay Bà Tư - Người mẹ, người vợ liệt sĩ, ông Chủ tịch Hội Khuyến học cảm thấy mắt cay cay, hai cánh mũi cứ phập phồng, môi trên mấp máy. Lặng đi giây lát, người Chủ tịch Hội Khuyến học chấp tay ngang ngực, nơi có trái tim đang thổn thức và kính cẩn: Thưa mẹ, thưa anh linh ba liệt sĩ của gia đình mẹ đã hiến thân cho sự trường tồn của Tổ quốc và dân tộc. Đây là những đồng tiền xương máu và nước mắt, những đồng tiền biểu lộ ân nghĩa thủy chung của Đảng và Nhà nước ta đối với anh linh các liệt sĩ và cả chính mẹ. Những đồng tiền này càng tôn lên ý nghĩa cao đẹp của sự hy sinh của thế hệ đi trước và sự hy sinh ấy quả là không uổng. Không uổng bởi thế hệ tương lai sẽ làm cho non sông Việt Nam trở nên vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu như lòng Bác Hồ hằng mong muốn và kì vọng. Thay mặt Hội Khuyến học và những trẻ em nghèo, chúng con xin thành kính đa tạ mẹ và hương linh các liệt sĩ. Trước đồng tiền, mẹ đã có việc làm đầy tình nhân ái, đầy tính nhân văn. Việc làm của mẹ nhân giá trị của đồng tiền lên biết bao lần.
    Bữa cơm chiều hôm ấy, tuy không có gì gọi là cao lương mỹ vị - tuy chỉ có rau quả trong vườn do bàn tay chính mình làm ra, nhưng bà Tư cảm thấy ngon đáo để - ngon bởi bà đã dùng đồng tiền ân nghĩa để làm một việc cũng nặng nghĩa, nặng tình. Đêm ấy giấc ngủ cũng đến sớm và trong giấc chiêm bao, bà Tư lại thấy mình được sống trong tình thương của chồng con và sự đùm bọc của thân tộc, quê hương đất nước .
    Dương Phúc Điểu
    tuech thích bài này.
  2. Facebook comment - Quà của mẹ

Chia sẻ trang này