S-Fone ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên

Thảo luận trong 'Tin công nghệ' bắt đầu bởi kkazals, 20 Tháng 7 2012.

  1. (Lượt xem: 1,179)

    Trong khi chưa giải quyết xong khiếu nại của người lao động khu vực Đà Nẵng, Công ty Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) vừa quyết định cho toàn bộ nhân viên S-Fone nghỉ việc với lí do chuyển mô hình hoạt động.

    [IMG]
    S-Fone chấm dứt hợp động lao động đến tất cả cán bộ nhân viên trung tâm S-Telecom.

    Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động được Giám đốc điều hành Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom trực thuộc SPT (nơi quản lí mạng S-Fone) Phạm Văn Thịnh kí ban hành ngày 11/6. Trong đó, SPT nêu rõ trung tâm sẽ cung cấp bảng tính chế độ chấm dứt hợp đồng lao động đến tất cả các cán bộ nhân viên trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Việc thanh toán chế độ cho nhân viên được công ty thực hiện theo quy định của pháp luật.
    Trao đổi với VnExpress.net ngày 18/7, ông Phạm Văn Thịnh cho biết, quyết định trên được đưa ra vì 2 lí do. Thứ nhất, sau một thời gian hoạt động, S-Fone được chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) sang mô hình Công ty TNHH Thông tin & Viễn thông di động S-Telecom. Để kết thúc hoạt động BCC, theo quy định, S-Fone phải thanh lí toàn bộ hợp đồng liên quan đến mô hình này, trong đó có cả hợp đồng lao động.
    Thứ hai, do công nghệ CDMA không còn phù hợp, S-Fone đang triển khai mạng lưới theo công nghệ 3G. Quá trình đầu tư mới phải thu hẹp lại nên một số trung tâm của S-Fone phải đóng cửa là điều bắt buộc.
    "Khi mạng lưới đi vào hoạt động, S-Fone sẽ đón các cựu nhân viên trở lại làm việc nếu họ có nhu cầu", ông Thịnh khẳng định.
    Trước đó, tại S-Fone Đà Nẵng, nhiều nhân viên đã nhận được thông tin bị thôi việc từ ngày 1/3 vì lí do tái cơ cấu. Theo phản ánh của chị Thủy (Thanh Khê, Đà Nẵng), ban đầu công ty thông báo là 15/4 sẽ thanh lí hợp đồng lao động. Khi bị nhân viên kiến nghị là chưa báo trước đủ 45 ngày theo quy định, S-Fone Đà Nẵng kéo dài thời gian đến 31/5, rồi tiếp tục đến 11/6 để "Công ty có thời gian sắp xếp thanh toán bảo hiểm xã hội và khoản công nợ". Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn tất thanh lí hợp đồng nhưng người lao động chưa nhận đủ lương.

    [IMG]
    Cựu nhân viên S-Fone ở Đà Nẵng vây trụ sở tại Thành phố đòi lương. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Một cựu nhân viên S-Fone Đà Nẵng cho biết thêm, chị làm việc đến ngày 11/6 song công ty mới trả lương đến ngày 15/4. Từ thời điểm đó đến ngày 11/6, S-Fone vẫn nợ của chị cùng nhiều nhân viên khác.
    Khi còn hoạt động bình thường, hằng tháng S-Telecom vẫn khấu trừ tiền lương của nhân viên để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Song thực tế, bảo hiểm xã hội của chị Thủy mới được đóng đến hết năm 2010. Do vậy, chị không được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, khám chữa bệnh bằng thẻ ý tế và có chế độ thai sản, ốm đau.
    Chị Thủy cùng các cựu nhân viên của S-Fone Đà Nẵng đã làm đơn yêu cầu doanh nghiệp trả nốt lương cho giai đoạn 15/4 đến 11/6, nửa tháng lương thứ 13 theo cam kết, trợ cấp thất nghiệp, bồi thường bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...
    Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết đã nhận được đơn khiếu nại của nhân viên SPT. Sở đang giao cho Thanh tra hướng dẫn người dân viết lại đơn tập thể và mời phía công ty lên chất vấn để xác minh lại vụ việc theo đơn thư.
    "Trước mắt chúng tôi sẽ lên phương án hòa giải giữa hai bên, có biên bản cam kết kèm theo. Nếu phía công ty không thực hiện theo đúng cam kết sẽ xử lí phạt hành chính", ông An nói.
    Về vấn đề lương của cựu nhân viên S-Fone Đà Nẵng, ông Phạm Văn Thịnh giải thích, ngay cả ông cũng chưa được lĩnh lương 2 năm qua. Tuy nhiên, ông khẳng định không có tình trạng "quịt" nợ người lao động. Khi kế hoạch đầu tư mạng mới của S-Telecom được Hội đồng quản trị SPT duyệt, lúc đó thấy khả thi, ngân hàng sẽ cho vay vốn, vấn đề lương của người lao động sẽ được ưu tiên giải quyết sớm.
    Năm 2010, SK Telecom tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone khiến SPT buộc phải tìm đối tác cho mạng S-Fone. Đó cũng là thời điểm công nghệ CDMA bị "khai tử" tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sau đó, SaigonTel mua cổ phần của SPT và tham gia Hội đồng quản trị của công ty, đồng thời có nhiệm vụ tìm kiếm đối tác cả trong và ngoài nước để đầu tư vào mạng S-Fone. Song đến nay, điều đó vẫn chưa thực hiện được.
    Đầu năm 2012, SPT xác định kế hoạch "thay máu" công nghệ cho mạng S-Fone. Đó là khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 850 MHz. Điều này có thể tốn tới hàng trăm triệu USD để thay toàn bộ mạng vô tuyến. Chưa kể, S-Fone còn phải hỗ trợ thay máy điện thoại cho khách hàng. Do vậy, S-Fone đang đứng trước rất nhiều khó khăn để trụ lại thị trường viễn thông.

    Theo VnExpress
    bboy_nonoyes and Ku Chì like this.
  2. Facebook comment - S-Fone ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên

  3. Tiếc thật! Không ngờ công nghệ CDMA lại chết tại Việt Nam như thế này! Mình cũng từng xài Sfone, Sfone đã cắt hết tất cả các trạm phát sóng BTS tại Bạc Liêu mà không thông báo cho khách hàng lấy 1 tiếng. Thất vọng với Sfone! :(

Chia sẻ trang này