Trăn trở cùng bút ký Phan Trung Nghĩa

Thảo luận trong 'Bạc Liêu - Đất và người' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 10 Tháng 7 2013.

  1. (Lượt xem: 3,379)

    Bài 1: Hồn quê trong từng con chữ
    Đến với thể loại ký một cách tình cờ, nhưng Phan Trung Nghĩa và ký đã “bén duyên” nhau rất nhanh và thủy chung đến tận bây giờ. Viết nhiều, nhưng các tập bút ký của ông đều phảng phất một nét chung: chứa đựng sự trân trọng và luôn trăn trở về lịch sử, về quá khứ, về những di sản văn hóa nội sinh tồn tại ở vùng đất “chôn nhau cắt rốn” của mình mà nay chỉ còn là ký ức…

    "Văn chương của chú mục đồng"
    Sinh ra ở cái xóm đìu hiu quanh năm ít có chuyện vui vì ai nấy phải lo cho chuyện cơm - áo - gạo - tiền, cho nên văn phong của Phan Trung Nghĩa cũng man mác một nỗi buồn. Và có lẽ đi ra từ một đời cơ cực, nên Phan Trung Nghĩa đã chọn bút ký cho sự nghiệp sáng tác văn học của mình như một phương thức chuyển tải đến độc giả những thước phim cuộc đời của chính ông; hay phản ánh những góc cạnh, soi rọi từng góc khuất của đời sống nông thôn một cách tường tận nhất.

    Đó là mô tả những tập tục, nghi thức lễ nghĩa của con cháu đối với gia phả, dòng tộc trong dịp lễ, tết (Người quê); là bức tranh phong cảnh miền quê với đầy sản vật do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất trù phú này (Sông nước Hậu Giang); hay chỉ là một phát hiện đơn giản nhưng thấm thía tình người, đạo làm người khi chứng kiến chị Nguyệt “khùng” lo đám tang cho mẹ mình (Tình “Nguyệt khùng”)… Bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ phác họa nên một kiểu văn chương Phan Trung Nghĩa, nhưng thấp thoáng đằng sau mỗi tập bút ký đó, ông đã gửi gắm đến độc giả nhiều hơn một thông điệp.


    [IMG]
    Nông dân kéo lúa bó về nhà - bức tranh đồng quê được tái hiện trong bút ký của Phan Trung Nghĩa. Ảnh: L.D

    Khi Phan Trung Nghĩa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Võ Đắc Danh đã nhận xét về văn của Phan Trung Nghĩa đại ý như thế này: nhà văn được kết nạp vào hội là chuyện bình thường, còn Phan Trung Nghĩa là chuyện lạ vì ông xuất thân là chú mục đồng. Cho nên văn chương của Phan Trung Nghĩa là văn chương của chú mục đồng. Tuy chỉ viết những gì tưởng chừng như vụn vặt, nhỏ nhặt trong cuộc sống, thế nhưng đa số độc giả khi đã “bén” với văn chương Phan Trung Nghĩa, đều có chung một cảm nhận: không dứt ra được. Có những điều khi người ta trải nghiệm và đi qua trong cuộc sống, cảm thấy quá đỗi bình thường nhưng lại không nhận ra chân giá trị của nó. Vậy mà, khi đọc những tác phẩm của Phan Trung Nghĩa, tất cả dường như đều thấy mình trong đó và có cảm giác được thả trôi, bơi lội trong dòng cảm xúc của nhà văn vậy!


    Hồn quê trong từng con chữ
    Xuất bản nhiều tập bút ký, truyện ngắn, nhưng Phan Trung Nghĩa vẫn trung thành với cùng một phong cách văn chương thấm đẫm tình quê. Chúng ta có thể bắt gặp một “thằng Nghĩa” đã vật vờ “trong sự giày vò niềm đau đớn đã cào cấu đầu óc tôi mụ mẫm” (Khóc hương cau) khi đi tìm quê ngoại theo lời trăn trối của mẹ mình. Ông đã bật ra tiếng lòng của mình đến tức tưởi khi nhận về mình cái “tội bằng trời” vì đã không quan tâm đến người mẹ suốt ngần ấy năm, để vong linh bà cô đơn, quạnh vắng nơi khúc sông oan nghiệt năm nào. Người đọc cũng bật cười khoái trá khi phát hiện những sự việc diễn ra quá đỗi bình thường trong cuộc sống, mà người ta đã đi lướt qua không bận tâm. Nhưng Phan Trung Nghĩa thì để ý. “Ở nông thôn miền Tây, ngủ rơm là chuyện bình thường. Nhưng khi đọc “Món nợ của nhà báo” của Phan Trung Nghĩa thì ta chợt giật mình bởi sự phát hiện và cách diễn đạt của anh” - anh Tăng Quốc Hùng, Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh (một độc giả trung thành với Phan Trung Nghĩa) cho biết như thế. Ý kiến này cũng trùng hợp với khá nhiều người khi đọc văn của Phan Trung Nghĩa. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Điệp (giảng viên trường Đại học Bạc Liêu) thì cho rằng: “Văn của Phan Trung Nghĩa rất gần gũi cuộc sống đời thường nên dễ đọc. Cách dùng từ của ông cũng mộc mạc, đặc biệt là những từ láy, rất độc đáo. Phan Trung Nghĩa tả nhiều cảnh đời, nói nhiều đến tình người. Và thừa số chung cho cách viết của ông là niềm trăn trở và chứa nhiều cảm xúc, dẫn dắt người đọc cùng theo tâm trạng với tác giả”.

    Người ta hay nói rằng “Văn là người, nhìn vào cách hành văn của anh, có thể đoán được con người anh thế nào”. Đúng vậy! Ở đây, chúng ta có thể bắt gặp một Phan Trung Nghĩa tuy có dáng vẻ khá “đường bệ”, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn là một con người hướng nội. Ông luôn trăn trở về những gì thuộc về quá khứ với thái độ trân trọng và biết ơn. Chính những gì thuộc về “văn hóa nội sinh mới nuôi dạy ta thành người và từ đây sẽ xác lập nên những di sản văn hóa đồng quê của riêng vùng đất này. Bởi những vùng đất khác ít có tình thương đậm đà, cho nên tính cách hào sảng Bạc Liêu luôn nổi trội hơn một số vùng” - nhà văn thường hay tâm sự như vậy. Chính vì thế, văn của Phan Trung Nghĩa thường chứa đựng tâm tư, tình cảm của chính tác giả, để rồi từ một chuyện nhỏ xíu trong đời thường, ông nhân rộng ra, liên hệ đến việc xây dựng cả một nhân cách con người.

    Luôn nặng lòng với quê hương, với những “vườn nhà, thửa ruộng”, luôn hướng về một cuộc sống tốt đẹp cho dù đôi lúc ông vẫn dằn vặt trong nỗi hoài niệm nhớ quê, trăn trở đi tìm cách nào để bảo tồn nét đẹp bình dị, giữ gìn nét văn hóa nội sinh ngay trong cuộc sống hiện đại… Đó chính là phong cách Phan Trung Nghĩa!
    Huyền Trân
    Báo Bạc Liêu
    Phạm Ngọc Yến thích bài này.
  2. Facebook comment - Trăn trở cùng bút ký Phan Trung Nghĩa

  3. Bài 2: Thêm yêu quê hương qua từng trang sách
    Có nhiều lý do để người ta đọc bút ký. Tuy nhiên, đối với những ai đã từng đọc bút ký Phan Trung Nghĩa, họ sẽ có thêm một lý do để yêu mến và gắn bó với nó. Rằng, sẽ như có thêm một nơi để họ được trở lại thời khắc đã qua đi trong cuộc đời mình, và để thấy yêu hơn những làng quê dẫu nghèo mà ấm áp ân tình…

    "Ở ĐÓ, TÔI ĐƯỢC GẶP LẠI MÌNH"
    Trong những câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” với bạn hữu, nhà văn từng thổ lộ: “Nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn được sinh ra ở cái làng quê nghèo ấy…”. Cái làng ấy dẫu nghèo nhưng thấm đẫm tình người, đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận để viết nên những áng văn chương ngây ngất lòng người. Chính vì thế, hơn ba mươi năm ra làm “kẻ chợ”, Phan Trung Nghĩa vẫn giữ vẹn nguyên tình cảm dành cho đồng đất, quê nhà. Cũng bởi tìm thấy sự đồng điệu về tâm hồn, hay đơn giản chỉ là “cảm” được chất văn trong các tập bút ký ấy, mà bạn đọc của Phan Trung Nghĩa trở nên rất đa dạng: từ học sinh phổ thông, sinh viên đại học, công chức, người lao động, nghệ sĩ, đến những cán bộ hoạt động ở lĩnh vực “khô khan” như công an, bộ đội… Khi đọc bút ký Phan Trung Nghĩa, họ không chỉ mê mẩn bởi lối kể chuyện giản dị, gần gũi và thiệt thà như nói, mà còn bị hấp dẫn bởi “những tác phẩm của ông như kéo độc giả về thời quá khứ. Ông kể chuyện của riêng mình, của địa phương mình, nhưng thật ra đó là chuyện chung của nhiều người” - anh Tăng Quốc Hùng, Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh, chia sẻ.

    Ông Trương Hoàng Tuấn, Giám đốc Khách sạn Bạc Liêu (một trong những “fan” hâm mộ văn của Phan Trung Nghĩa) chia sẻ: “Phan Trung Nghĩa đã phác họa bức tranh rất thật về đời sống sông nước miền Tây, để cho người đọc bơi lội trong quá khứ, hòa cùng niềm tư tưởng của tác giả. Đọc văn của anh, tôi được gặp lại mình (của ngày xưa) trong đó”.

    Và nhiều độc giả khác cũng có cùng suy nghĩ ấy. Rằng, bút ký Phan Trung Nghĩa luôn làm những người cùng thời với nhà văn thấy nhớ và hoài niệm về một thời đầy cơ cực nhưng vui vầy. Họ “cảm” được một cách sâu sắc suy nghĩ và tâm trạng của Phan Trung Nghĩa. Lúc cơ hàn thì luôn hướng đến cuộc sống tươi đẹp, muốn làng quê của mình “đổi đời”, đến khi may mắn được sống trong những ngôi nhà sang trọng, ăn cao lương mỹ vị, thì lại nhớ về một thời quá vãng và thầm tiếc đã mất đi những nét xưa. Bởi thế, mỗi khi lật đến những trang viết của ông, họ - những độc giả và chính tác giả lại đau đáu nhớ về con ba khía, mắm đồng… mộc mạc, đơn sơ, lại thấy thêm yêu làng quê mình một thời gắn bó nhưng giờ đã xa…

    [IMG]
    Bắt cá đồng - một hình ảnh thường thấy trong bút ký của Phan Trung Nghĩa. Ảnh: L.D

    …Và thế hệ trẻ thêm yêu nơi “Chôn nhau cắt rốn”

    Không chỉ là nơi để những người cùng thời với nhà văn tìm thấy thời quá khứ của mình, bút ký của Phan Trung Nghĩa còn là nơi để các bạn trẻ có những phút lắng lòng với hồn quê trước nhịp sống xô bồ, tất bật. Phải công nhận rằng thế hệ trẻ ngày nay vô cùng năng động, nhanh chóng bắt nhịp với lối sống văn minh, hiện đại. Vậy mà khi nói chuyện về phong tục, tập quán đồng quê, đời sống nông thôn thì rất nhiều thanh thiếu niên, nhất là những bạn sống ở thành thị có vẻ như bị… lạc hậu! Có ý kiến bao biện rằng: thế hệ 8X, 9X được sinh ra trong giai đoạn đô thị hóa đất nước và văn hóa ngoại lai ồ ạt du nhập, khiến cho hình ảnh của đồng quê bị lùi dần vào dĩ vãng, trở nên xa lạ với các bạn. Tuy nhiên, khách quan mà nói chính xu hướng “vọng ngoại” là nguyên nhân làm thanh thiếu niên lạc mất hồn quê. Vì vậy, hành trang vào đời của các bạn có phần thiếu hụt, thậm chí lệch lạc về hiểu biết và tâm hồn họ trở nên cằn cỗi... Những trang viết của nhà văn Phan Trung Nghĩa sẽ như chiếc thuyền chở ký ức về những miền quê đẹp như cổ tích với những rặng trâm bầu, hàng dừa nước, trái bần ổi… đến với các bạn trẻ. Điều này sẽ giúp các bạn tìm thấy bóng dáng của một góc quê hương mộc mạc, chân phương mà trong thế giới tâm hồn của mình đang hụt hẫng.

    Hơn thế, hiện nay có một số di sản văn hóa đồng quê gần như đã biến mất hoàn toàn trong đời sống của người dân đồng bằng, như: mùa len trâu, mùa soi ếch đồng bằng, mùa tát đìa, Tết xưa… Và chính lúc này đây, bút ký của Phan Trung Nghĩa lại trở thành “cầu nối” đưa các bạn trở về quá khứ, để có thể nhìn thấy những nét văn hóa nội sinh độc đáo và đẹp lạ lùng của quê hương mình mà ít có vùng miền nào có được.

    Đặc biệt, trước hiện tượng một bộ phận thanh niên ngày nay có biểu hiện quay lưng với truyền thống, thì bút ký của Phan Trung Nghĩa còn giúp thế hệ trẻ biết trân trọng và thêm yêu nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Thật đẹp biết bao khi trải qua bao năm tháng, dù thời gian có làm bào mòn và biến đổi nhiều thứ, nhưng các thế hệ hôm nay và mai sau đều hiện diện hồn quê trong ký ức. Bởi tâm hồn của họ luôn được bồi dưỡng và tắm mát bằng những trang viết thấm đẫm tình người, tình đời… như kiểu văn của Phan Trung Nghĩa!
    HUYỀN TRÂN
    Báo Bạc Liêu
    Phạm Ngọc Yến thích bài này.
  4. Bài cuối: Tư liệu quý cho văn học địa phương

    Không chỉ là nhà văn của “hương đồng gió nội”, Phan Trung Nghĩa còn nhạy cảm với những vấn đề thời sự. Vẫn với giọng văn kể chuyện như nói của mình nhưng ông đã lấy được nước mắt người đời qua các tác phẩm: Gã “khố chuối” thời nay, Chuyện cổ tích ở Gành Hào, Tình người tình đời của anh Năm Dữ… Có thể nói, các tác phẩm của ông là một “kho tàng tri thức” về quê hương, con người, vùng đất Bạc Liêu. Đây thật sự là nguồn tư liệu quý giá để phục vụ việc giảng dạy chương trình văn học địa phương trong các trường phổ thông.

    Tư liệu quý cho văn học địa phương
    Trong chương trình sách giáo khoa mới hiện nay, bên cạnh phần văn học chung, còn có phần văn học địa phương. Mảng văn học này giới thiệu đến học sinh những sáng tác của các nhà văn, tác giả nơi mình sinh sống, để các em có thể am hiểu về nền văn hóa, tập quán, tính cách của những con người nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
    Giáo dục truyền thống của dân tộc, quê hương chưa bao giờ là nội dung thừa trong việc giảng dạy chương trình văn học địa phương, cho nên công tác này cần phải được chú trọng. Khi bàn về công tác giáo dục, Nghị quyết Đại hội Đảng cũng chỉ rõ: “Phải lựa chọn những nội dung có tính cơ bản, hiện đại. Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục đạo đức và nhân văn, lịch sử dân tộc, và bản sắc văn hóa dân tộc…”. Nếu đối chiếu với những tiêu chí đó, thì bút ký của nhà văn Phan Trung Nghĩa hoàn toàn “đạt chuẩn”. Bởi tác phẩm của ông được ví như “cuốn từ điển” về di sản văn hóa đồng quê quý giá.


    [IMG]
    Nhà văn Phan Trung Nghĩa và nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Con người và hiện thực cuộc sống Tây Nam bộ trong bút ký Phan Trung Nghĩa”. (Ảnh do nhà văn cung cấp).

    Mới đây, luận văn “Con người và hiện thực cuộc sống Tây Nam bộ trong bút ký Phan Trung Nghĩa” do Trần Như Ý và Trịnh Ngọc Linh (sinh viên khoa Sư phạm, trường Đại học Bạc Liêu) thực hiện, đã xuất sắc được vinh danh tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp toàn quốc năm 2012. Sự kiện này một lần nữa khẳng định thêm giá trị bút ký của nhà văn Phan Trung Nghĩa. Từ những yếu tố ấy có thể thấy rằng, bút ký Phan Trung Nghĩa thật sự là nguồn tư liệu quý cho chương trình văn học địa phương. Ông Đỗ Tấn Lực - Hiệu trưởng trường THPT Phan Ngọc Hiển, chia sẻ: “Bút ký Phan Trung Nghĩa là “tài sản tinh thần” vô giá của Bạc Liêu. Quê hương trong bút ký Phan Trung Nghĩa không phải thơ mộng, lãng mạn với “chùm khế ngọt”, “con diều biếc”…, mà là một miền quê lam lũ, tảo tần. Hầu hết tác phẩm của ông đều gắn với những tên đất, tên người cụ thể, gần gũi với cuộc sống, qua đó sẽ gợi cho các em tình yêu quê hương, con người chất phác quanh mình; và nhất là có ý nghĩa trong việc giáo dục các em học sinh có thể lĩnh hội được nền văn hóa đồng quê mà hiện nay có nhiều thứ đã mai một. Bởi vậy, việc đưa tác phẩm của Phan Trung Nghĩa vào giảng dạy trong các trường phổ thông là hết sức cần thiết”.


    Để bút ký Phan Trung Nghĩa lan tỏa sâu rộng…
    Phan Trung Nghĩa viết khá muộn, nhưng mỗi tập bút ký ông phát hành đều để lại một ấn tượng riêng nơi độc giả, như: Đạo gác cu miệt vườn, Khách thương hồ, Bạc Liêu trong mắt tôi, Khóc hương cau, Cao Triều Phát - kẻ sĩ đất phương Nam… Với ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, chương trình văn học địa phương cần dành một vị trí thích đáng cho văn chương của ông.

    Qua những cuộc khảo sát ở các trường phổ thông, chúng tôi thấy rằng: bên cạnh những thầy cô tích cực sưu tầm, biên soạn các tác phẩm của nhà văn Phan Trung Nghĩa để đáp ứng các nội dung giáo dục theo yêu cầu, vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chiếu lệ, hời hợt. Riêng về phía các em học sinh thì có không ít em cũng chỉ học theo kiểu đối phó với quan niệm, đây chỉ là chương trình học “phụ”?!

    Từ thực tế trên, việc thay đổi cách dạy, cách học đối với bút ký của nhà văn Phan Trung Nghĩa trong chương trình dạy và học văn học địa phương thiết nghĩ là điều rất cần thiết. Điều này nhằm để tác phẩm của ông có thể lan tỏa sâu rộng và bền bỉ trong nhà trường cũng như trong lòng xã hội. Hoặc chí ít cũng có thể giúp các em học sinh biết được tỉnh mình có một nhà văn với những tác phẩm đặc sắc và lấy đó làm vinh dự, tự hào. Theo một số giáo viên, hiện nay tài liệu giảng dạy về tác phẩm của Phan Trung Nghĩa chưa có sự thống nhất mà chủ yếu là do thầy cô dạy Ngữ văn tự sưu tầm để giảng dạy và dĩ nhiên học sinh không thể nào có được tài liệu này, do vậy chất lượng dạy học không cao. Niềm mong mỏi của các thầy cô dạy bộ môn là có một tài liệu giảng dạy thống nhất trong toàn tỉnh. Và để điều đó trở thành hiện thực, ngành Giáo dục cần kết hợp với Liên hiệp Hội VHNT tỉnh tập hợp và lựa chọn các tác phẩm văn học địa phương nói chung, bút ký của Phan Trung Nghĩa nói riêng để biên soạn ra tập sách văn học địa phương. Song song đó, nhằm giúp học sinh học tốt và dễ dàng tiếp cận với sáng tác mới của Phan Trung Nghĩa, hẳn không thể thiếu những hoạt động gặp gỡ, giao lưu với nhà văn trong quá trình giảng dạy.

    Văn chương Phan Trung Nghĩa thể hiện con người của ông. Do đó, phải hiểu được con người đặc biệt ấy thì mới có thể giảng dạy tốt tác phẩm của ông. Chính vì lẽ đó, để bút ký Phan Trung Nghĩa có một sức sống mới trong các trường phổ thông, cần phải có một hội thảo về nhà văn duy nhất của tỉnh, giúp giáo viên phần nào “bắt nhịp” được tâm hồn của Phan Trung Nghĩa.

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nội sinh, rồi giúp nó lan tỏa một cách tự nhiên trong cộng đồng, làm tươi mới hơn đời sống tinh thần của người dân, và sau cùng đưa vào chương trình giảng dạy văn học địa phương trong các trường phổ thông… bút ký Phan Trung Nghĩa đủ sức làm nên những chuyện đó!

    Huyền Trân
    Báo Bạc Liêu
  5. Và thấm nhuần tư tưởng " Hồn Quê " - Về Nguồn , Nhớ Cội , Tích Xưa .. tưởng chừng vô bổ trong tư tưởng của phần nào thế hệ trẻ xì tin - Nx .... Các bạn trẻ đang , đã từng là thành viên của Web Nguoibaclieu ít nhiều đã có những đóng góp xây dựng , trải nghiệm những cái quê , cái tích trong các hoạt động phong trào " offline " của mình . Mong rằng bên cạnh sự học tập và làm việc tất bật của cuộc sống các bạn vẫn giành thời gian để hoạt động , xây dựng những phong trào có ý nghĩa ,cho chính mình , mọi người , và làm tư liệu quý cho tương lai .
    Administrator and bboy_nonoyes like this.

Chia sẻ trang này