Xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 13 Tháng 12 2012.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,589)

    Nhìn lại những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Phước Long, cho thấy văn hóa thật sự là nền tảng, động lực để Đảng bộ và nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu chiến lược. Việc thực hiện các nghị quyết ở địa phương này đã được nâng lên thành một thứ văn hóa có sức lan tỏa và chi phối cách nghĩ, cách làm của nhiều người. Người dân thực hiện nghị quyết bằng một tinh thần tự giác và xem đó là những chuẩn mực trong cuộc sống.
    “Nghị quyết gia đình”
    Để thực hiện thành công các nghị quyết, chỉ thị hay đề án, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện xác định: cán bộ, đảng viên phải tiên phong làm trước, rồi mới đến vận động nhân dân cùng làm. Đơn cử như việc Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU về phát động phong trào cán bộ, đảng viên tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua đó, đảng viên làm gương cho nhân dân và góp phần thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo. Bởi, nếu bản thân đảng viên và dòng tộc còn nghèo thì không thể nhận đỡ đầu hộ nghèo.
    Hoặc trong vận động mọi người thi đua lao động sản xuất và áp dụng những mô hình mới. Từ quan điểm chỉ đạo “đảng viên đi trước”, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đảng viên thực hiện, đặc biệt là phát huy truyền thống văn hóa từ mỗi gia đình đảng viên.
    Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, đảng viên (ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long). Để thực hiện Chỉ thị số 02, ông Sơn họp các thành viên trong gia đình và ban hành một “nghị quyết gia đình”. Trong đó, chỉ đạo từ vợ đến con phải nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, học tập để trở thành những công dân tiêu biểu của ấp. Theo đó là kế hoạch, giải pháp cho từng thành viên. Như người con gái thứ hai thì vừa làm ruộng, vừa mua bán nước đá và làm thêm dịch vụ che rạp cho các đám tiệc. Người con trai thứ ba và thứ năm thì ngoài giờ làm việc ở huyện, phải làm ruộng để tăng thêm thu nhập. Người con trai thứ tư thì mua bán vật liệu xây dựng. Và người con thứ sáu thì làm ruộng và làm dịch vụ che rạp đám tiệc như chị hai. Phần vợ ông Sơn thì quản lý chung kiêm nội trợ. Còn ông Sơn, ngoài công việc là trưởng ấp, thời gian còn lại thì làm ruộng.

    [IMG]
    Đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) do nhân dân địa phương đóng góp xây dựng. Ảnh: K.T

    “Nghị quyết gia đình” còn đề ra các giải pháp về thực hiện công việc, lựa chọn mặt hàng kinh doanh, lúa giống, kỹ thuật canh tác mới… Nhờ tổ chức thực hiện tốt “nghị quyết gia đình”, nên gia đình ông Sơn được xếp vào TOP hộ giàu của ấp.

    Chưa dừng lại ở đó, “nghị quyết gia đình” này còn được ban hành trong dòng tộc bên vợ và thân tộc của ông Sơn để mọi người cùng thực hiện. Khi thấy mô hình thành công, nhiều hộ dân (cùng ấp với ông Sơn) cũng đã áp dụng.
    Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, nuôi dạy con nên người, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: “Muốn mọi người làm theo mình, bản thân mình phải gương mẫu, và gia đình mình phải là tấm gương. Muốn làm được điều này, phải phát huy truyền thống văn hóa gia đình và gắn kết các thành viên với nhau. Không những chỉ thị về sản xuất, mà các nghị quyết, chỉ thị, đề án khác của Huyện ủy khi triển khai xuống dân, đảng viên phải luôn đi đầu”.
    Việc thực hiện các nghị quyết ở huyện Phước Long đã khơi đúng mạch nguồn của văn hóa, để mỗi điển hình trở thành chuỗi giá trị kết nối cộng đồng với nhau. Thực hiện nghị quyết không phải ở đâu xa, mà ngay từ bản thân mỗi gia đình và thuyết phục được mọi người bằng chính hiệu quả mang lại.
    Chung sức xây dựng quê hương
    Cùng với phát huy vai trò của các gia đình đảng viên, BCH Đảng bộ huyện Phước Long còn phát huy vai trò hạt nhân của những công dân tiêu tiểu, nhất là các trưởng lão ở các ấp trong thực hiện các nghị quyết chuyên đề. Nhờ uy tín và tiếng nói của họ trong dòng tộc, xóm làng mà việc thực hiện các nghị quyết rất thuận lợi.
    Điển hình như gia đình ông Phan Đình Suy (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) - một trong những gia đình tiêu biểu, đạt 13 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng mỗi khi ấp có tổ chức hội họp hay nhờ làm công tác vận động, ông Suy đều tích cực tham gia. Hoặc khi phải giao đất để thực hiện các công trình chung là ông lại hăng hái đi đầu. Ông Suy cho biết: “Làm người dân phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước, thậm chí phải hy sinh quyền lợi. Bởi, đây là nét đẹp văn hóa truyền thống. Muốn làm được việc này và vận động mọi người cùng tham gia, trước tiên, mình phải giáo dục con cháu trong gia đình để làm gương. Sau đó, vận động thì mọi người mới nghe”.
    Bằng cách nghĩ trên, ông nắm chặt nội dung các tiêu chí về XDNTM. Đồng thời yêu cầu con cháu phải thực hiện tốt 13 tiêu chí dành cho hộ gia đình và xem đó là một hành động thể hiện văn hóa. Ông còn dán bảng tiêu chí ở vị trí gần cửa ra vào để mọi người trong gia đình qua lại nhìn và đọc cho thuộc.
    Từ những cách thức và việc làm của các cá nhân điển hình trên cho thấy, văn hóa không chỉ là sức mạnh nội sinh, mà còn tạo nên những nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. Cũng nhờ vào văn hóa, đã tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để XDNTM. Chỉ mới 2 năm thực hiện XDNTM, nhưng người dân đã tự nguyện đóng góp để xây dựng các công trình chung hơn 750 tỷ đồng. Tiêu biểu là một số công trình như: xây dựng 170 tuyến đường ngõ xóm bằng bê-tông dài hơn 218,56km, làm hàng rào, tự nguyện hiến đất để làm lộ giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa ấp…
    Để đạt được những thành tựu trên, phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của BCH Đảng bộ huyện Phước Long. Kết quả ấy không chỉ ở sự sáng tạo trong việc không ngừng bổ sung, hoàn thiện, nâng tầm các nghị quyết, chỉ thị, đề án… mà còn thể hiện sự tâm huyết, hết lòng hết sức phục vụ vì lợi ích của nhân dân. Nếu không, thì không thể có những chính sách hợp lòng dân và sát với nhu cầu thực tế đến thế. Đặc biệt là huyện xây dựng được nền tảng tinh thần từ văn hóa, một trong ba mục tiêu chiến lược của Đảng là: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.
    Phước Long vẫn còn là một huyện nghèo, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, những gì mà nhân dân đóng góp để XDNTM đã thể hiện sinh động sự tin tưởng, quyết tâm của người dân. Điều đó bắt nguồn từ việc Đảng bộ huyện Phước Long không ngừng phát huy truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng hào hùng, để văn hóa trở thành sức mạnh thôi thúc mọi người cùng thi đua, vượt khó, tiếp tục XDNTM.
    LƯ DŨNG
    Bài cuối: Để văn hóa trở thành động lực trong xây dựng nông thôn mới

    Báo Bạc Liêu

  2. Facebook comment - Xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long

Chia sẻ trang này