Nghị định 71/CP có hiệu lực từ 10-11-2012: Nhiều chủ phương tiện chưa... chịu hiểu

Thảo luận trong 'Ô tô - Xe máy' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 11 Tháng 11 2012.

  1. (Lượt xem: 1,489)

    Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng ngay sẽ gây khó cho các chủ phương tiện, thậm chí khó áp dụng thực tế. Do đó cần tuyên truyền để chủ phương tiện hiểu rõ và có thời gian thực hiện.

    Theo Nghị định 71/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, có hiệu lực ngày 10-11 tới đây, chủ xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng nếu không sang tên đổi chủ, mức phạt đối với xe ô tô sẽ từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng.

    Ô tô, xe máy chưa sang tên bị phạt từ 1 đến 10 triệu đồng
    Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng ngay sẽ gây khó cho các chủ phương tiện, thậm chí khó áp dụng thực tế. Do đó cần tuyên truyền để chủ phương tiện hiểu rõ và có thời gian thực hiện.

    [IMG]
    Nhiều chủ phuơng tiện còn băn khoăn với điều khoản trên của NĐ 71/CP. Ảnh minh họa: V.Giang

    Tăng cường phát hiện, xử lý
    Thượng tá Tạ Văn Ký, Phó trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội cho hay, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều chủ phương tiện mua, bán xe ô tô, mô tô, xe máy chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định; làm thất thu thuế của Nhà nước và gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra giải quyết các vụ án hình sự, TNGT cũng như xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT. “Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Phòng CSGT đề nghị các chủ phương tiện sau khi mua, bán phương tiện xong phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu” - ông Ký khuyến nghị.

    Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm, đối với những chủ phương tiện, khi bán xe xong phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện biết để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên. “Những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71/CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10-11. Theo đó, ô tô bị phạt từ 6-10 triệu đồng/lần vi phạm, và mô tô, xe máy là từ 800.000 - 1,2 triệu đồng” - ông Ký hướng dẫn, đồng thời cảnh báo: “Đơn vị đang chỉ đạo CBCS trong quá trình tuần tra, kiểm soát ngoài đường và ở những cơ sở đăng ký, quản lý phương tiện, tập trung tăng cường phát hiện, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

    Chủ phương tiện băn khoăn
    Đón nhận thông tin trên, nhiều chủ phương tiện tỏ ra rất lúng túng, thậm chí lo ngại. Chị Trịnh Linh Thùy, ở quận Hoàng Mai, cho biết, hiện vợ chồng chị đi chung một chiếc xe máy, không biết sẽ xoay xở thế nào với quy định này. “Hai vợ chồng tôi có chiếc xe Wave mang tên tôi, giờ yêu cầu phải đi xe chính chủ, tôi rất lo. Không lẽ phải mua thêm xe nữa cho chồng tôi, chứ đi chung xe lỡ mà bị phạt 1 triệu đồng thì gia đình thêm gánh nặng” - chị Thùy bày tỏ.

    Bác Nguyễn Hồng Phương ở phố Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Con trai và con dâu tôi được cơ quan cử đi công tác nước ngoài trong thời hạn 3 năm. Hai đứa có hai xe máy, đăng ký mang tên chúng, hiện tôi và con gái đang sử dụng. Nay bắt sang tên chính chủ, chẳng lẽ hai chiếc xe phải “đắp chiếu” chờ chúng về mới được sử dụng, vì chúng không muốn bán?”.

    Cùng tâm trạng với bác Phương là anh Minh đang hành nghề xe ôm. Anh Minh cho biết, anh mua lại chiếc xe Dream II từ một người quen, chủ đăng ký xe là một người có hộ khẩu tận Nghệ An. Đến anh, chiếc xe đã qua 5 chủ sử dụng, nên bây giờ nếu bắt sang tên đổi chủ, anh cũng chịu không thể biết người đứng tên đăng ký xe của mình ở đâu mà tìm. “Tôi làm nghề xe ôm, đi suốt ngoài đường, chẳng lẽ suốt ngày chịu phạt, hay xe của tôi sẽ bị “đình chỉ” lưu hành” – anh Minh lo lắng.

    Đáng nói, giá một chiếc xe máy mới hiện nay thấp nhất chỉ khoảng hơn chục triệu đồng. Thế nên, những người vẫn đi xe cũ đa số là người có thu nhập thấp, không có tiền để mua xe mới, đành mua lại xe cũ để đi. Có những gia đình 4, 5 người nhưng chỉ có hai xe máy, chẳng lẽ những người không đứng tên trong đăng ký thì không được đi xe? Nhiều người cho rằng, việc “bắt” người dân phải chứng minh bằng được quyền sở hữu “hợp pháp” mới được sử dụng phương tiện thì sẽ gây khó khăn cho người dân. Với hàng triệu xe máy và ô tô lưu hành, cũng sẽ rất khó cho lực lượng CSGT khi phát hiện và xử phạt những đối tượng không sang tên đổi chủ. Không như vi phạm không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương, xe chưa đăng ký… qua quan sát sẽ phát hiện được, còn xe không chính chủ thì không có “dấu hiệu” gì, hay cứ dừng hết lại để kiểm tra giấy tờ. Đấy là chưa kể, vợ đi xe của chồng, bố mẹ, con cái đi xe của nhau, hay mượn xe của bạn bè, người thân chỉ đi quãng đường vài km, dù có đầy đủ các loại giấy tờ, mà cũng bị phạt?

    “Tuyên truyền rộng rãi để người dân biết”
    Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, việc siết chặt quản lý đối với phương tiện là cần thiết và giúp cho công tác quản lý trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng nhằm thực hiện hành vi phạm pháp. Nhưng ông cũng cho rằng, để quy định này đi vào thực tế và thực sự phát huy hiệu quả sẽ rất khó khăn. “Nhiều trường hợp thay tên đổi chủ nhiều lần, thậm chí chủ phương tiện trước đây đã chết, người sở hữu phương tiện hiện tại rất khó để hoàn thiện hồ sơ” - ông nêu thực tế.

    Cũng theo ông Thủy, nếu những trường hợp chủ xe cũ không tạo điều kiện cho chủ mới sang tên, không lẽ phạt chủ mới xong rồi lại tiếp tục cho phương tiện lưu hành, sau đó bắt trở lại xử phạt tiếp?. “Cần có một hướng mở cho các chủ phương tiện. Không nên thực hiện một cách máy móc. Thời hạn ngày 10-11 là tương đối gấp gáp, trong khi đa số người dân vẫn chưa biết gì về Nghị định này” - ông nêu ý kiến. “Mức xử phạt cao khiến người dân không thể đáp ứng được. Theo tôi, trước khi đưa quy định trên áp dụng vào thực tiễn cần tuyên truyền rộng rãi để người dân biết” - TS Thủy nêu quan điểm.

    “Nếu dừng phương tiện kiểm tra, người điều khiển chống chế rằng, xe này tôi đi mượn của bạn, giấy tờ đầy đủ, làm thế nào để xử lý? Hơn nữa, khi xử phạt xong chúng tôi không được phép thu giữ phương tiện, chẳng lẽ lại thả phương tiện, rồi sau đó gặp lại tiến hành xử phạt tiếp?” - một cán bộ CSGT nêu băn khoăn.
    H.Lý - Q. Minh
    Nguồn: Phapluatxahoi.vn
  2. Facebook comment - Nghị định 71/CP có hiệu lực từ 10-11-2012: Nhiều chủ phương tiện chưa... chịu hiểu

  3. S.T

    ông bộ trưởng suy nghĩ cao...nghĩ lắm thứ cũng tào lao nhở???
    cả nhà e có 1 chiếc xe rồi sao đêy??????
    bboy_nonoyes thích bài này.

Chia sẻ trang này