Ý nghĩa các con số trên biểu tượng 3 dân tộc tại Quảng trường Hùng Vương - Bạc Liêu

Thảo luận trong 'Festival Đờn ca tài tử Quốc gia - Bạc Liêu 2014' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 19 Tháng 3 2014.

  1. (Lượt xem: 5,004)

    BBT: Hiện nay, tại Quảng trường Hùng Vương (Đường Nguyễn Tất Thành, Phường 1, thành phố Bạc Liêu) có đặt biểu tượng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trên biểu tượng có khắc các nhóm số, các nhóm số này để làm gì? Có ý nghĩa ra sao? Thể hiện các sự kiện nào? Nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về thông tin trên, Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh Bạc Liêu đăng toàn văn bản đề cương các mốc lịch sử và sự kiện quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bạc Liêu.

    Ở mặt A của Biểu tượng:
    [IMG]

    1)- Cột thứ nhất từ trái sang, có khắc nhóm số (18/12/1882 – 01/01/1990 – 20/11/1973 – 01/01/1997 – 27/8/2010): Đây là nhóm số liên quan đến chủ đề “Sự kiện miền đất Bạc Liêu”;
    (2)- Cột chính giữa, có khắc nhóm số (02/1930 – 01/5/1930 – 13/12/1940 – 23/8/1945 – 1949 – 1954 – 31/01/1955 – 1956 – 30/4/1975): Đây là nhóm số liên quan đến chủ đề “Lịch sử Đảng bộ tỉnh”;
    (3)-Cột thứ ba từ trái sang, có khắc nhóm số (6.560 – 12.140 – 577 – 35 – 11): Đây là nhóm số liên quan đến chủ đề “Những con số từ trái tim”.

    Ở mặt B của Biểu tượng:
    [IMG]
    (4)-Cột thứ nhất từ trái sang, có khắc nhóm số (05/5/1927 – 16/02/1928 – 15/4/1946 – 11/1947 – 19/10/1963 – 31/01/1968 (02/1 Âl) – 23/6/2003): Đây là nhóm số liên quan đến chủ đề “Những trận đánh lớn”;
    (5)-Cột chính giữa, có khắc nhóm số (08/10/1919 (15/8 Âl) – 03/9/1969 – 23/01/1960 – 18/4/2013): Đây là nhóm số liên quan đến chủ đề “Sự kiện văn hóa tiêu biểu”;
    (6)-Cột thứ ba từ trái sang, có khắc nhóm số (24/11/2006 – 02/9/2008 – 27/9/2012 – 29/5/2013): Đây là nhóm số liên quan đến chủ đề “Sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu”.

    CÁC MỐC LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN QUAN TRỌNG VỀ KINH TẾ, VĂN HOÁ, XÃ HỘI TỈNH BẠC LIÊU
    1 - Nội dung: 18/12/1882
    Ý nghĩa: Ngày 18/12/1882, thành lập hạt Bạc Liêu.
    Diễn giải: Sau khi chiếm được Nam Kỳ, ngày 18/12/1882, chính quyền thực dân Pháp thành lập hạt Bạc Liêu, hạt thứ 21 của Nam kỳ.
    Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Bạc Liêu trở thành một đơn vị hành chính độc lập.

    2 - Nội dung: 01/01/1900
    Ý nghĩa:Ngày 01/01/1900, thành lập tỉnh Bạc Liêu
    Diễn giải:Tỉnh Bạc Liêu được thành lập trên cơ sở Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương, đổi tên hạt Bạc Liêu thành tỉnh Bạc Liêu, gồm phần lớn đất đai thuộc tỉnh Hà Tiên và một phần tỉnh An Giang, gồm 7 tổng: Long Thuỷ, Quảng Xuyên, Quảng Long, Quảng An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới.
    Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.
    Ngày 01/01/1900, Quyết định nêu trên có hiệu lực.

    3 -Nội dung: (15/8 Âl năm Kỷ Mão) - 08/10/1919
    Ý nghĩa: Ngày 08/10/1919 (15/8 Âl), Bản Dạ cổ hoài lang của Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời.
    Diễn giải: Ông Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1890, tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Năm lên 4 tuổi, Ông theo cha mẹ về Bạc Liêu sinh sống.
    Bản Dạ cổ hoài lang được Ông sáng tác năm 1919 và hoàn thiện vào ngày rằm Trung thu năm 1919 (ngày 08/10/1919). Dạ cổ hoài lang là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.
    Đây là một tác phẩm bất hủ, từ khi ra đời đã nhanh chóng chiếm vị trí chủ chốt trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và trở thành “bài ca vua” của sân khấu cải lương cho đến ngày nay.

    4 -Nội dung: 05/5/1927
    Ý nghĩa: Ngày 05/5/1927, nổ ra cuộc nổi dậy vũ trang của nông dân Ninh Thạnh Lợi, do Hương Chủ Chọt lãnh đạo chống ách thống trị của thực dân Pháp và cường hào, gây tiếng vang lớn.
    Diễn giải: Quá bất bình trước ách thống trị của thực dân Pháp và cường hào địa phương, Ông Trần Kim Túc (Hương Chủ Chọt) đã vận động hàng trăm nông dân dùng dao, mác đứng lên chống lại tên địa chủ Bô-vin Ây-nô và các thế lực can thiệp khác như tỉnh trưởng Rạch Giá, quận trưởng Phước Long và lính mã tà…
    Cuộc nổi dậy nổ ra ngày 05/5/1927 và kéo dài đến ngày 09/5/1927. Mặc dù 20 người đã hi sinh nhưng lực lượng nổi dậy đã bắn bị thương tên Cò Bu-Chê, giết 3 lính mã tà, cướp 3 khẩu súng, gây tiếng vang lớn làm cho thực dân Pháp và bọn cường hào phải chùn bước.

    5 -Nội dung: 16/02/1928
    Ý nghĩa: Ngày 16/02/1928, diễn ra sự kiện Đồng Nọc Nạng của gia đình Ông Mười Chức tại Phong Thạnh, Giá Rai, gây chấn động dư luận cả nước
    Diễn giải: Tên địa chủ Mã Ngân (thường gọi là Bang Tắc) dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, cướp lúa, cướp đất của gia đình Mười Chức. Anh em Ông Mười Chức đã quyết tử giữ lúa, giữ đất chỉ với giáo mác, gậy gộc, chống lại địa chủ Bang Tắc, hai tên Cò Pháp và lính mã tà, lính kín, Hương chức Hội tề làng Phong Thạnh.
    Tuy vợ chồng Ông Mười Chức và hai người em tử nạn, song đã tiêu diệt được tên Cò Tua-ni-ê và một số lính mã tà. Toà Đại hình thực dân Pháp xử vụ án Đồng Nọc Nạng, những người bị bắt trong gia đình Ông Mười Chức được tha bổng.
    Vụ án Đồng Nọc Nạng cùng với vụ án Ninh Thạnh Lợi đã gây chấn động dư luận cả nước. Nông dân Bạc Liêu sôi sục căm thù. Mâu thuẫn sâu sắc giữa nông dân và địa chủ phong kiến, giữa nhân dân Bạc Liêu và bọn đế quốc thống trị lên đến tột độ. Đó là tình thế mở đường cho những người cộng sản Việt Nam mang ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên vùng đất Bạc Liêu.

    6 -Nội dung: 02/1930
    Ý nghĩa: Tháng 02/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu ngày nay được thành lập
    Diễn giải: Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập (03/2/1930), đồng chí Trần Văn Giác, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Văn Cừ đến Làng Phong Thạnh kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Uông vào Đảng. Sau đó, các đồng chí Trần Văn Tiện, Châu Văn Lục cũng được kết nạp vào Đảng.
    Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu (ngày nay) được thành lập tại vườn nhà đồng chí Trần Văn Tiện, làng Phong Thạnh, quận Giá Rai (nay là Ấp Rạch Rắn, Xã Long Điền, Huyện Đông Hải), gồm 03 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Văn Uông làm Bí thư.

    7 -Nội dung: 01/5/1930
    Ý nghĩa: Ngày 01/5/1930, lần đầu tiên lá cờ Đảng xuất hiện tại Thành Bạc Liêu
    Diễn giải: Nhân kỉ niệm Ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, tại Thành Bạc Liêu tuy chưa có cơ sở Đảng, nhưng ảnh hưởng của Đảng khá mạnh.
    Một số thanh niên yêu nước: Tào Văn Tỵ, Huỳnh Kim Kế, Huỳnh Chấn Gia tự động cùng nhau làm hai lá cờ đỏ búa liềm và dòng chữ “Cộng sản đánh Tây”, một lá treo tại bến đò Giữa (Phường 5, Thành phố Bạc Liêu hiện nay); một lá treo trước cổng thành lính mã tà (trước Siêu thị Vinatex hiện nay).

    8 -Nội dung: 13/12/1940
    Ý nghĩa: Ngày 13/12/1940, khởi nghĩa Hòn Khoai
    Diễn giải: Tháng 12/1940, chủ trương hoãn không phát động khởi nghĩa Nam kỳ của Trung ương lâm thời chưa tới được Xứ uỷ Nam kỳ, do đó, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn nổ ra ở nhiều tỉnh, trong đó có Bạc Liêu.
    Tại Bạc Liêu, 03 khu vực khởi nghĩa là: Khu vực 1– Thị trấn Năm Căn và Hòn Khoai; Khu vực 2- Thị trấn Cà Mau và một số làng chung quanh; Khu vực 3– Thành Bạc Liêu và các Quận Giá Rai, Vĩnh Lợi. Theo kế hoạch, nửa đêm 13/12/1940, Hòn Khoai sẽ nổi dậy, sau khi giành thắng lợi sẽ phối hợp với du kích Làng Tân Hưng Tây và quần chúng đánh lấy Năm Căn, tiếp đó sẽ kéo về chi viện cho Thị trấn Cà Mau.
    Theo đúng kế hoạch, 23 giờ 15 phút, đêm 13/12/1940, cuộc nổi dậy do đồng chí Phan Ngọc Hiển chỉ huy đã nhanh chóng giành thắng lợi trọn vẹn, giữ bí mật tới phút cuối.
    Tuy nhiên, khi trở về đất liền, do không liên lạc được với Ban chỉ huy khởi nghĩa khu vực, lại bị 2 tàu chở đầy lính tập và lính mã tà tấn công, truy đuổi, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã phải rút vào rừng để bảo toàn lực lượng. Sau những ngày đêm băng rừng, vượt sông, chịu đói, chịu khát và kiệt sức, sáng 22/12/1940, bọn địch đã bắt được các chiến sĩ tại rẫy Khai Long.
    Sau hơn 6 tháng giam cầm, tra tấn các chiến sĩ, ngày 12/7/1941, đế quốc Pháp đã đem 10 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai ra hành quyết tại Sân vận động Cà Mau.
    Tinh thần cách mạng của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã biểu thị lòng yêu nước, ý chí quật cường bất khuất, quyết hi sinh vì độc lập, tự do của nhân dân, là bài học quí báu cho cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bạc Liêu.
    Ngày 13/12 đã trở thành Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Tỉnh Minh Hải trước đây và của tỉnh Cà Mau hiện nay.

    9 -Nội dung: 23/8/1945
    Ý nghĩa: Ngày 23/8/1945, lần thứ nhất, Bạc Liêu giành chính quyền từ tay giặc, không phải đổ máu
    Diễn giải: Ngày này, quân và dân Bạc Liêu đã đấu tranh với chính quyền bù nhìn của thực dân Pháp tại Bạc Liêu, do Tỉnh trưởng Trương Công Thiện đứng đầu, đã giành được chính quyền về tay nhân dân trong hòa bình, không phải đổ máu.
    Ngày 23 tháng 8 đã trở thành Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu hiện nay.

    10-Nội dung: 15/4/1946
    Ý nghĩa: Ngày 15/4/1946, diễn ra trận đánh quyết tử tại mặt trận Giồng Bốm, do nhân sĩ trí thức Cao Triều Phát lãnh đạo. Đây là trận đánh lớn nhất của đồng bào tín đồ Cao Đài Hậu Giang trong kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ.
    Diễn giải: Tháng 2/1946, Bộ Chỉ huy Quân khu 9 quyết định thành lập 03 mặt trận: Mặt trận Ngan Dừa - Phước Long; Mặt trận Cái Tàu – An Biên và Mặt trận Tân Hưng.
    Sau khi Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 ra đời, Ban Thường vụ Trung ương Đảng có chỉ thị “Hoà để tiến”, chủ trương một mặt phải ôn hoà, một mặt phải luôn chuẩn bị bồi dưỡng lực lượng, nâng cao tinh thần kháng chiến của toàn dân để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
    Thực hiện chủ trương trên, theo lời kêu gọi của cụ Cao Triều Phát, Uỷ viên Uỷ ban Hành chính Nam bộ, đứng đầu tổ chức Cao đài 11 phái thống nhất, hơn 2.000 tín đồ Cao Đài Hậu Giang tập trung về Thất Giồng Bốm (nay là ấp 5, xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai) đào công sự, luyện tập võ nghệ chống Pháp, bảo vệ đạo.
    Sau một số trận đánh của lực lượng phòng thủ của Cao Đài Hậu Giang đã bẻ gãy các đợt tấn công của quân Pháp vào Thất Giồng Bốm; ngày 15/4/1946, Pháp đưa 2 tiểu đoàn quân viễn chinh tấn công vào Thất Giồng Bốm. Tương quan không cân sức, lực lượng phòng thủ đạo phải mở đường máu rút lui để bảo toàn lực lượng. Toàn bộ nhà cửa và thánh thất bị giặc đốt, trên 100 chức sắc và thanh niên đạo Đức Đoàn tử trận.
    Đây là trận đánh lớn nhất của đồng bào tín đồ Cao Đài Hậu Giang trong kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ.

    11-Nội dung: 11/1947
    Ý nghĩa: Tháng 11/1947, tàu La-téc-rơ, chiếc tàu chiến lớn nhất của Pháp tại tỉnh Bạc Liêu lọt vào ổ phục kích thuỷ lôi của ta và nổ tung trên sông Gành Hào, ghi nhận chiến công của Tỉnh đội trưởng Tào Văn Tỵ, người được mệnh danh là “Thuỷ đô chiến đầu tiên của Việt Nam”.
    Diễn giải: Hưởng ứng Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng và Bác Hồ, với địa bàn sông nước, kinh rạch chằng chịt, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vũ khí, đồng chí Tào Văn Tỵ, Tỉnh đội trưởng Bạc Liêu đã đề xuất cách đánh tàu địch: Vận động nhân dân gom góp thuỷ lôi do quân Nhật thả ngoài biển mang về đánh tàu sắt của Pháp.
    Ngày 15/5/1947, tại Đầm Dơi, tàu La-tô-năng lọt vào trận địa thuỷ lôi và nổ tung, chìm tại chỗ; quân ta thu hàng trăm khẩu súng các loại; tháng 11/1947, trận thuỷ lôi chiến ở Ngã Ba Đình đánh chìm 02 tàu lồng cu, 01 ghe máy, diệt trên 80 quân Pháp; các trận thuỷ lôi chiến ở Giá Ngựa, Mây Dố, Vàm Đình, Mương Điều, Ao Kho, đặc biệt là trận thuỷ lôi chiến làm nổ tung tàu La-téc-rơ trên sông Gành Hào, cùng với các trận đánh tiêu diệt đồn địch quanh Châu Thành Bạc Liêu, chợ Hội, Huyện Sử, Thới Bình… khiến quân Pháp hoảng sợ, rút hết đồn ở nông thôn về tuyến đường Bạc Liêu đi Cà Mau. Cuối năm 1947, cả Tỉnh Bạc Liêu có 27/34 xã được giải phóng. Vùng nông thôn giải phóng của Bạc Liêu được mở rộng, nối liền vùng nông thôn giải phóng Tỉnh Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ rộng mênh mông, tạo ra nguồn nhân lực, vật lực dồi dào, cung ứng kịp thời cho cuộc kháng chiến ở Nam bộ.
    Cách đánh thuỷ lôi chiến là cách đánh độc đáo, gắn liền với tên tuổi của đồng chí Tào Văn Tỵ, Tỉnh đội trưởng Bạc Liêu. Hiện nay, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, hình ảnh của Ông được treo với chú thích: “Thuỷ đô chiến đầu tiên của Việt Nam”.

    12-Nội dung: 1949 - 1954
    Ý nghĩa: Năm 1949, cơ quan Xứ uỷ Nam bộ, sau này là Trung ương Cục miền Nam, dời địa điểm từ Đồng Tháp Mười về xóm Cái Chanh, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
    Trung ương Cục miền Nam đóng tại Khu căn cứ này cho đến cuối năm 1954.
    Diễn giải:Tháng 10 năm 1949, các cơ quan Nam bộ được dời từ Đồng Tháp Mười về địa điểm này. Tại đây, Xứ uỷ Nam bộ và sau này là Trung ương Cục miền Nam đã có nhiều chủ trương hết sức quan trọng để chỉ đạo cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Sự có mặt của Xứ uỷ Nam bộ, của Trung ương Cục miền Nam và các đồng chí lãnh đạo mà sau này đã trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp khác, là niềm vinh dự và sự cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu. Từ thời điểm ấy, phong trào cách mạng ở Bạc Liêu đã được sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo.
    Ngày 26/8/ 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ chính thức có hiệu lực, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh, trong đó có Khu căn cứ của Trung ương Cục miền Nam rút về Khu tập kết Giá Rai, Cà Mau, chuẩn bị tập kết ra miền Bắc.

    13-Nội dung:31/01/1955
    Ý nghĩa:Ngày 31/01/1955, chuyến tàu chở những cán bộ, chiến sĩ cuối cùng tập kết ra miền Bắc.
    Diễn giải:Ngày 31/01/1955, tại vàm Sông Đốc, chuyến tàu chở hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ cuối cùng tập kết ra Bắc đã rời bến, mang theo cây vú sữa của một lão nông dân xã Trí Phải, Thới Bình gửi tặng Bác Hồ. Đông đảo đồng bào lưu luyến tiễn đưa.
    Trước đó, vào buổi sáng, tại Sân vận động Quận Cà Mau, Tỉnh Bạc Liêu, phát biểu trước 10 ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ, thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà khen ngợi tinh thần cách mạng của đồng bào trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới, với niềm tin cách mạng nhất định thắng lợi, Bắc Nam sum họp một nhà.

    14-Nội dung: 1956
    Ý nghĩa: Năm 1956, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam bộ, khởi thảo Đề cương cách mạng miền Nam, tiền đề để xây dựng Nghị quyết 15, tại xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, tỉnh Bạc Liêu
    Diễn giải: Sau khi tạm biệt đồng bào, cán bộ, chiến sĩ để bước xuống tàu trong chuyến tập kết cuối cùng ra miền Bắc, trong đêm tối, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam bộ, đã được bí mật bố trí xuống xuồng quay trở lại Bạc Liêu, tiếp tục chỉ đạo cách mạng miền Nam bước vào trận chiến đấu mới. Đảng bộ Bạc Liêu đã được đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Văn Kiệt và các đồng chí lãnh đạo khác trực tiếp chỉ đạo, tạo được tiền đề chính trị và tinh thần, tổ chức và lực lượng vô cùng quí giá, một nhân tố hết sức thuận lợi mà không phải tỉnh nào ở Nam bộ cũng có được.
    Các đồng chí lãnh đạo Đảng cũng đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn.
    Ngay trong những ngày này, trước tình hình cách mạng có những chuyển biến mới, đồng chí Lê Duẩn đã bắt tay vào khởi thảo Đề cương cách mạng miền Nam, là tiền đề ra đời Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

    15-Nội dung: 23/01/1960
    Ý nghĩa: Ngày 23/01/1960, diễn ra Lễ kết nghĩa giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bạc Liêu, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ.
    Diễn giải: Mùa xuân năm 1960, Lễ công bố Bắc – Nam kết nghĩa được tổ chức tại Câu lạc bộ Lao động, Hà Nội khởi đầu cho phong trào Bắc Nam kết nghĩa theo chủ trương của Trung ương Đảng và của Bác Hồ, nhằm chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
    Sáng ngày 23/01/1960, tại hội trường Tỉnh uỷ Ninh Bình, Lễ kết nghĩa giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bạc Liêu đã được diễn ra, do đích thân đồng chí Phan Điền, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình chủ trì, cùng với các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tập kết ra miền Bắc tham dự.
    Buổi tối cùng ngày, tại Sân vận động Ninh Bình đã diễn ra Lễ công bố kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu với đông đảo đồng bào Ninh Bình, sau đó là chương trình liên hoan văn nghệ thắm đậm tình nghĩa Bắc – Nam, đánh dấu một giai đoạn gắn bó giữa hai địa phương, ở hai đồng bằng, của hai miền đất nước.

    16-Nội dung: 19/10/1963
    Ý nghĩa: Ngày 19/10/1963, diễn ra trận Lộc Ninh, trận thắng lớn nhất góp phần cùng toàn miền Nam làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ nguỵ.
    Diễn giải: Ngày 19/10/1963, địch huy động một lực lượng hùng hậu gồm thuỷ quân lục chiến và biệt động quân dùng trực thăng đổ quân đánh vào hậu cứ của ta tại ấp Bà Ai, Lộc Ninh, Hồng Dân. Địa phương quân huyện Hồng Dân phối hợp với lực lượng Khu đã bẻ gãy trận càn, tiêu diệt và làm bị thương trên 600 tên, bắn cháy tại chỗ 6 máy bay, nhiều chiếc khác bị thương.
    Chiến thắng này là đòn giáng trả nặng nề vào quân chủ lực nguỵ và chiến thuật “trực thăng vận” của chúng, thể hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân; là trận thắng lớn nhất góp phần cùng toàn miền Nam làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ nguỵ.

    17-Nội dung: (Mùng Hai Tết Mậu Thân) - 31/01/1968
    Ý nghĩa: Ngày 31/01/1968 (Mùng hai Tết Mậu Thân), diễn ra trận quyết chiến bi hùng của 41 chiến sĩ biệt động và du kích tại Rạp Chung Bá, 39 chiến sĩ đã hi sinh.
    Diễn giải: Đêm mùng một, rạng sáng mùng hai Tết Mậu Thân (31/1/1968), 41 chiến sĩ biệt động thị xã Bạc Liêu và du kích xã Châu Hưng, Vĩnh Lợi tiến quân đánh chiếm mục tiêu Toà Hành chính và Bộ Chỉ huy Sư đoàn 21 của địch.
    Sau khi tiêu diệt 3 cụm tuyến và 20 tên địch, chiếm lĩnh 3 khu vực (Lò rèn Võ Tánh, một phần khu III và khu IV), địch tập trung nhiều loại hoả lực, kể cả dùng máy bay rải bom xăng thiêu trụi toàn bộ nhà cửa trong khu vực quân ta chốt giữ nhằm tiêu diệt lực lượng ta.
    Do bị cô lập, các chiến sĩ đã chọn Rạp Chung Bá (Rạp Cao Văn Lầu ngày nay) làm địa điểm tử thủ của mình. Gần một ngày chiến đấu, do không tương quan lực lượng, 39 chiến sĩ đã hi sinh sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bẻ gãy súng và nhảy lầu tự sát, quyết không để sa vào tay giặc. Hai đồng chí Trần Văn Tửng và Châu Tuấn Kiệt mở đường máu rút khỏi vòng vây của địch.

    18-Nội dung: 03/9/1969
    Ý nghĩa: Ngày 03/9/1969, khởi công xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi.
    Diễn giải: Được tin Bác mất, Huyện uỷ Vĩnh Lợi đã mượn ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Tến (là nơi tẩm liệm các liệt sĩ hi sinh), tổ chức lễ truy điệu Bác vào lúc 17 giờ, ngày 03/9/1969. Sau lễ truy điệu, ngôi nhà trở thành nhà tưởng niệm Bác. Đồng thời, Huyện uỷ Vĩnh Lợi phát động các xã trong huyện xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    Đầu năm 1971, địch đưa quân lính đến đốt ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ. Tháng 4/1971, Huyện uỷ Vĩnh Lợi giao cho Xã uỷ Châu Thới chỉ đạo lực lượng du kích phối hợp với địa phương quân đánh đồn địch ở Tân Tạo (xã Châu Hưng), phá ấp chiến lược, lấy sắt và dây chì gai đem về xây dựng Đền thờ Bác trên nền nhà tưởng niệm Bác (cũ). Khi sườn nhà được làm xong, địch hay tin cho lính từ Vĩnh Hưng đến phá Đền thờ. Chúng bắt chị em phụ nữ ấp Bà Chăng chở vật liệu về Vĩnh Hưng. Nhân lúc địch sơ hở, chị em phụ nữ chở vật liệu quay lại cất giấu chờ thời cơ xây dựng Đền thờ Bác Hồ.
    Ngày 15/4/1972, Xã uỷ Châu Thới họp Ban Chấp hành mở rộng, quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại khuôn viên đất chùa ông Hai Kiệm – ấp Bà Chăng A (là vị trí Đền thờ hiện nay).
    Ngày 25/4/1972 khởi công xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Sau 24 ngày đêm vất vả bí mật, có lúc phải ngừng thi công vì địch càn quét, bắn phá, ngôi Đền thờ Bác đã được xây dựng hoàn tất bằng các vật liệu kiên cố, với diện tích 18,24m2 và khuôn viên rộng 6000m2. Ngày 19/5/1972, Xã uỷ Châu Thới đã làm lễ khánh thành Đền thờ nhân kỷ niệm 82 năm ngày sinh nhật Bác. Đồng thời, Huyện uỷ chỉ đạo cho các lực lượng du kích, lực lượng địa phương quân Vĩnh Lợi và Đội bảo vệ Đền thờ bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ an toàn Đền thờ Bác Hồ.
    Hiện nay, Đền thờ Bác Hồ ở Xã Châu Thới đã được trùng tu, mở rộng và khánh thành vào dịp 02/9/2011, đồng thời được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

    19-Nội dung: 20/11/1973
    Ý nghĩa: Ngày 20/11/1973, tái lập tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất
    Diễn giải: Ngày 20/11/1973, Khu uỷ Tây Nam bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất, gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu.
    Đồng chí Nguyễn Văn Đáng, Khu uỷ viên được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ.

    20-Nội dung: 30/4/1975
    Ý nghĩa: Ngày 30/4/1975, lần thứ hai, Bạc Liêu giành chính quyền từ tay giặc, không phải đổ máu. Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng.
    Diễn giải: Trước khí thế cách mạng dâng cao, cùng với sự đấu tranh khôn khéo của đại diện Mặt trận tỉnh Bạc Liêu, nhằm hạn chế tối đa sự hi sinh trước giờ giải phóng, đã buộc đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp trao chính quyền cho cách mạng vô điều kiện, trước cả Sài Gòn.
    Tỉnh Bạc Liêu một lần nữa được giải phóng trong hoà bình, làm nên kỳ tích hai lần giành chính quyền từ tay giặc không đổ máu, mang ý nghĩa nhân văn cao cả.

    21-Nội dung: 01/01/1976
    Ý nghĩa: Ngày 01/01/1976, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau hợp nhất thành tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu, sau đó là Minh Hải.
    Diễn giải: Thực hiện Nghị quyết số 145-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc giải thể cấp khu, hợp tỉnh; Nghị quyết số 19-NQ/TW về điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Ngày 01/01/1976, tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau hợp nhất thành tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu; ngày 10/3/1976 đổi tên thành tỉnh Minh Hải.

    22-Nội dung: 01/01/1997
    Ý nghĩa: Ngày 01/01/1997, tỉnh Bạc Liêu tái lập lần thứ hai
    Diễn giải: Thực hiện Quyết định của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10.

    23-Nội dung: 23/6/2003
    Ý nghĩa: Ngày mà nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
    Diễn giải: Với những thành tích anh dũng, kiên cường trong kháng chiến của nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu, ngày 23/6/2003, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã kí Quyết định số 355/2003/QĐ-CTN, “về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu.

    24-Nội dung: 24/11/2006
    Ý nghĩa: Ngày 24/11/2006, thành lập trường Đại học Bạc Liêu.
    Diễn giải: Đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh trong khu vực Bán đảo Cà Mau, ngày 24/11/2006, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kí Quyết định số 1558/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Bạc Liêu.
    Trường chính thức hoạt động từ 01/01/2007 và là trường đại học đầu tiên của Bạc Liêu.

    25-Nội dung: 02/9/2008
    Ý nghĩa: Ngày 02/9/2008, lít bia đầu tiên của Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Bạc Liêu được đóng chai, chính thức tham gia thị trường.
    Diễn giải: Ngày 16/7/2008, dây chuyền sản xuất bia của Công ty chính thức vận hành. Ngày 02/9/2008, lít bia đầu tiên chính thức được đóng chai và xuất xưởng.
    Sản phẩm bia Sài Gòn - Bạc Liêu được đánh giá là một trong những sản phẩm bia ngon nhất trong số 26 nhà máy bia thuộc Tổng Cty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (SABECO) trên khắp lãnh thổ Việt Nam, do nguồn nước ở Bạc Liêu rất phù hợp với công nghệ sản xuất bia của SABECO.
    Từ thời điểm này, Cty cổ phần bia Sài Gòn - Bạc Liêu đóng góp vào ngân sách tỉnh 200 tỉ VNĐ/năm, bằng 1/5 tổng thu ngân sách trong cân đối – một con số ý nghĩa đối với tỉnh nghèo Bạc Liêu. Sự đóng góp này góp phần quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên, Bạc Liêu thu ngân sách đạt 1.000 tỉ VNĐ vào năm 2012.

    26-Nội dung: 27/8/2010
    Ý nghĩa: Ngày 27/8/2010, Thị xã Bạc Liêu chính thức trở thành Thành phố Bạc Liêu.
    Diễn giải: Ngày 27/8/2010, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kí Quyết định số 32/NQ-CP, công nhận Thị xã Bạc Liêu là Thành phố Bạc Liêu, trực thuộc tỉnh.
    Hiện nay, Tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, xây dựng Thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, Thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh vào năm 2014.

    27-Nội dung: 27/9/2012
    Ý nghĩa: Ngày 27/9/2012, Bạc Liêu trở thành điểm đến thứ 5 của du lịch ĐBSCL “Một điểm đến, 4 địa phương +”.
    Diễn giải: Trên cơ sở Quyết định số 492/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 của Thủ Tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang), Hiệp hội du lịch ĐBSCL (MDTA) đã kết nối 4 tỉnh, thành trên để cùng nhau kí kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2010-2015 và hướng đến năm 2020, hình thành “tứ giác du lịch” ở ĐBSCL.
    Năm 2012, trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng của Bạc Liêu, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và MDTA đã đề xuất kết nạp Bạc Liêu vào “tứ giác du lịch” nêu trên.
    Ngày 27/9/2012, tại Resort Hòn Trẹm, Kiên Giang, đại diện lãnh đạo 4 công ty du lịch thuộc “tứ giác du lịch” ĐBSCL và đại diện Cty Cổ phần Du lịch Bạc Liêu đã kí kết hợp tác tổ chức và khai thác tour mới “ĐBSCL - Một điểm đến, 4 địa phương +”.

    28-Nội dung: 18/4/2013
    Ý nghĩa: Ngày 18/4/2013, tại Thành phố Ninh Bình, diễn ra Lễ kỉ niệm 53 năm kết nghĩa và kí kết hợp tác phát triển Ninh Bình - Bạc Liêu trong giai đoạn mới.
    Diễn giải: Từ ngày 15/4/2013 đến 18/4/2013, Đoàn cán bộ của Tỉnh Bạc Liêu đã chính thức đến thăm, tham dự các hoạt động kỉ niệm 53 năm kết nghĩa và kí kết hợp tác phát triển Ninh Bình - Bạc Liêu trong giai đoạn mới, với mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ này trở thành mối quan hệ kết nghĩa mẫu mực trong phong trào kết nghĩa Bắc - Nam.
    Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh Bạc Liêu đã thay mặt đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, trân trọng gửi đến đảng bộ và nhân dân Ninh Bình lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa trong những năm tháng kháng chiến giành độc lập, cũng như trong xây dựng và phát triển Bạc Liêu từ sau ngày giải phóng đến nay.
    Trong bối cảnh, điều kiện mới, cả hai tỉnh đều đã có những đổi thay sâu sắc và đang từng bước phát triển, hội nhập với cả nước, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất kí kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển. Về phía Tỉnh Bạc Liêu, sẽ: (1)- Xây dựng biểu tượng kết nghĩa giữa hai tỉnh. Bạc Liêu sẽ xây dựng Tượng đài kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu tại Quảng trường Hùng Vương. (2)- Đặt tên một số tuyến đường, công trình văn hóa công cộng mang các địa danh, nhân vật của Ninh Bình. (3)- Phát động phong trào sáng tác (vọng cổ và thơ ca, nhạc, kịch…) ca ngợi tình cảm gắn bó giữa hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu. (4)- Đẩy mạnh giáo dục truyền thống tốt đẹp giữa hai tỉnh; phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các đoàn nghệ thuật của hai địa phương. (5)- Tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc hai tỉnh và kết nghĩa giữa một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.

    29-Nội dung: 29/5/2013
    Ý nghĩa: Ngày 29/5/2013, nguồn năng lượng sạch, Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
    Diễn giải: Sau hai năm thi công, ngày 29/5/2013, nguồn điện năng từ 10 trụ tua-bin đầu tiên của Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, đánh dấu sự kiện quan trọng: Lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu đóng góp cho quốc gia bằng nguồn năng lượng sạch, tái tạo.
    Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 (dự kiến vào cuối năm 2014 với 52 tua-bin), khi Dự án chính thức hoạt động với 62 tua-bin, mỗi năm, Điện gió Bạc Liêu sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 700 tỉ VNĐ, bằng 2/3 tổng thu ngân sách trong cân đối hiện nay của tỉnh.
    Đây là dự án kinh tế mang tính động lực của tỉnh và của khu vực ĐBSCL; là dự án điện gió đầu tiên của ĐBSCL và thứ hai của cả nước, sau Bình Thuận.

    30-Nội dung: 6.560 12.140 577 35 11
    Ý nghĩa :6.560 - Tổng số thương binh
    12.140 – Tổng số liệt sĩ
    577 - Tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng
    35 - Tổng số Anh hùng LLVT nhân dân
    11 - Tổng số tướng lĩnh các LLVT Việt Nam là người Bạc Liêu
    Diễn giải: Bạc Liêu là một trong những vùng căn cứ cách mạng, nhân dân có truyền thống yêu nước; qua hai cuộc kháng chiến có biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bạc Liêu đã hi sinh xương máu của mình cho độc lập tự do của dân tộc…
    Những con số nêu trên cũng đồng thời là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau, trong việc thể hiện nghĩa cử đối với những người có công với nước.
    Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu
    nhanhlanrung thích bài này.
  2. Facebook comment - Ý nghĩa các con số trên biểu tượng 3 dân tộc tại Quảng trường Hùng Vương - Bạc Liêu

  3. cảm ơn Như Ý nhé, giúp mọi người hiểu được những ý nghĩa của những con số đó :data:
    bboy_nonoyes thích bài này.

Chia sẻ trang này