Ai cho phép phòng khám Trung Quốc "lộng ngôn"?

Thảo luận trong 'Xã hội' bắt đầu bởi phanthanhcuong, 29 Tháng 6 2012.

  1. (Lượt xem: 1,557)

    (Theo Báo Tuổi trẻ)
    Ai cho phép phòng khám Trung Quốc "lộng ngôn"?
    TT - Thật bất ngờ, những kiểu quảng cáo “đao to búa lớn”, “quảng cáo nghe là mê” từ các phòng khám Trung Quốc đều được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép! Bộ Y tế dễ dãi song Sở Y tế còn dễ dãi hơn trong việc này.
    >> Chưa rõ người chịu trách nhiệm!
    >> Không thể tránh né trách nhiệm

    [IMG]
    Phòng khám bệnh y học Trung Quốc trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM tạm ngưng hoạt động (ảnh chụp ngày 26-6) - Ảnh: T.T.D.

    Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, hầu như tất cả phòng khám (PK) Trung Quốc (bao gồm PK đa khoa, PK y học cổ truyền) đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM đều quảng cáo theo kiểu “đao to búa lớn” như “tiên tiến nhất”, “hiện đại nhất”, “hiệu quả nhất” hoặc điều trị cái gì cũng “chỉ một lần duy nhất”, “không tái phát”, “không nằm viện” hoặc “không đau, không sưng, không chảy máu, không phẫu thuật”...
    Tất cả PK Trung Quốc này chỉ tập trung quảng cáo thu hút người bệnh bị mắc những bệnh mãn tính, bệnh khó nói, khó chữa như bệnh trĩ, hiếm muộn, bệnh nam khoa, bệnh phụ khoa... Những bệnh mà ngay cả những giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài nước còn chưa dám chắc 100% chữa khỏi, không tái phát, không biến chứng cho người bệnh.
    Bộ Y tế dễ dãi

    Thanh tra giấy phép lao động các bác sĩ Trung Quốc
    Ngày 26-6, ông Nguyễn Văn Hiệp, phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết đang lập kế hoạch thanh tra các phòng khám Trung Quốc sử dụng bác sĩ Trung Quốc có giấy phép lao động hay không. Ông Hiệp cho biết từ trước đến nay chưa thanh tra đối tượng thuộc lĩnh vực này.
    Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP, từ năm 2004 đến nay đã cấp giấy phép lao động cho 116 bác sĩ Trung Quốc của bảy phòng khám Trung Quốc, hiện chỉ còn 22 người còn thời hạn làm việc. Điều kiện để cấp giấy phép lao động là đối tượng phải có giấy phép hành nghề do cơ quan y tế cấp.
    TRUNG CƯỜNG

    Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, trong công văn ngày 28-7-2011 (do phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền Nguyễn Hoàng Sơn ký), Bộ Y tế đồng ý cho Công ty TNHH y học cổ truyền Huê Hạ (199 Nguyễn Chí Thanh, Q.5) được quảng cáo với nội dung: “PK bệnh y học cổ truyền Huê Hạ có bác sĩ y học cổ truyền có kinh nghiệm kết hợp kỹ thuật hiện đại để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả các bệnh thuộc về trĩ... Không phẫu thuật, chữa trị chuyên nghiệp các bệnh trĩ...”. Trong khi theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế TP.HCM cấp cho người đứng tên phòng khám này thì phạm vi hành nghề chỉ là “bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang”.
    Trong một văn bản khác ký ngày 13-3-2012, Bộ Y tế cho phép PK Huê Hạ được quảng cáo “đau lưng, đau bả vai, sưng đau các khớp, tê tay chân, các chứng bệnh phong thấp luôn hành hạ bạn... Để sớm giúp bệnh nhân thoát khỏi sự đau khổ này, PK Huê Hạ vận dụng phương pháp điều trị kết hợp, trong thời gian ngắn, nhanh chóng giải quyết các chứng bệnh đau nhức...”.
    Đối với PK bệnh y học Trung Quốc (87 Thành Thái, Q.10 và chi nhánh ở 141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận), Bộ Y tế cũng có công văn ngày 7-11-2011 cho phép quảng cáo rất “kêu”: “Khám, điều trị bệnh trĩ hãy đến PK bệnh y học Trung Quốc. Chuyên nghiệp điều trị trĩ, hiệu quả nhanh. Do các bác sĩ Trung Quốc trực tiếp chữa trị bằng phương pháp Trung - Tây y kết hợp, không phải phẫu thuật, không chảy máu, không đau. Điều trị về ngay trong ngày...”. Kèm theo công văn này, Bộ Y tế còn có một tờ giấy khác cho phép quảng cáo với nhiều nội dung trên truyền hình và đài phát thanh nhưng chỉ có chữ ký của vụ phó Vụ Y dược cổ truyền, không có dấu mộc. Nội dung quảng cáo Bộ Y tế cho phép là: “...PK bệnh y học Trung Quốc chuyên khoa trĩ xin đảm bảo với quý bệnh nhân bất kể bệnh tình nặng hay nhẹ - chữa trị với liệu trình một lần. Nếu có tái phát xin hoàn trả toàn bộ chi phí điều trị. Chuyên khoa bệnh trĩ. Chuyên nghiệp chữa trị”!
    Cũng Bộ Y tế, trong công văn ngày 23-12-2011 còn cho phép PK bệnh y học Trung Quốc quảng cáo với nội dung: “Phụ nữ như hoa, vẻ đẹp mềm mại nhưng rất dễ chịu sự tổn thương huyết trắng nhiều, có mùi hôi hãy đến PK bệnh y học Trung Quốc... Phòng khám hội tụ các chuyên gia phụ khoa với kinh nghiệm phong phú, sử dụng các thiết bị tân tiến để kiểm tra và chữa trị các chứng bệnh: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, vô sinh ở nữ giới, kế hoạch hóa gia đình. Có hiệu quả rõ rệt...”. Bộ Y tế nghĩ sao khi cho PK này quảng cáo làm cả kế hoạch hóa gia đình (tức cho phép cả nạo, phá thai, đặt vòng... - PV) trong khi giấy chứng nhận hành nghề do Sở Y tế cấp chỉ cho phép PK này được “khám chữa bệnh ngoại trú bằng phương pháp y học cổ truyền”?
    Ngày 19-9-2011, Bộ Y tế đã duyệt hồ sơ quảng cáo của Công ty TNHH y học cổ truyền Ánh Sáng (928 Lạc Long Quân, Q.Tân Bình) với những nội dung quảng cáo vượt quá chuyên môn hoạt động của PK này chỉ là bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang: “PK có các thiết bị hỗ trợ chẩn đoán như máy siêu âm, xét nghiệm...”.
    Sở Y tế TP.HCM còn dễ dãi hơn
    Ngày 26-12-2011, Sở Y tế TP.HCM cho phép PK đông y Tâm Đức (945-947 Trần Hưng Đạo, Q.5) được quảng cáo “bệnh nam khoa” trên truyền hình, báo, tờ rơi với nội dung: “...Bệnh nam khoa, bệnh khó nói? PK đông y Tâm Đức chúng tôi thấu hiểu được điều đó. Bằng tấm lòng nhiệt huyết, đồng cảm với bạn, không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi các phương thuốc trên hàng trăm loại dược thảo quý hiếm, nhằm mang lại hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống cho bạn, cho mọi nhà. Chuyên tâm, chuyên khoa, chuyên trị về nam khoa...”.
    Phòng chẩn trị y học cổ truyền Trường An (786 Hồng Bàng, Q.11) có phạm vi chuyên môn hành nghề là “bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang, châm cứu”, thế nhưng hồ sơ quảng cáo ngày 3-4-2012 Sở Y tế TP cho phép quảng cáo: “Khắc tinh siêu cường của bệnh trĩ, tin lành của bệnh nhân tại TP.HCM. Chuyên khoa hậu môn đường ruột phòng chẩn trị y học cổ truyền Trường An TP.HCM... Đầu tư lớn để nhập thiết bị kỹ thuật mới điều trị bệnh trĩ không đau tiên tiến nhất trên thế giới...”.
    Chi tiền tỉ cho quảng cáo
    Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-6, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết sở có hội đồng duyệt nội dung quảng cáo của các PK Trung Quốc, bao gồm cả duyệt kịch bản và spot quảng cáo hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo một đại diện công ty quảng cáo từng môi giới quảng cáo cho PK Trung Quốc M, nội dung quảng cáo đã được duyệt chỉ dùng để phát trong vài ngày đầu vì sợ thanh tra y tế còn “soi”, sau đó PK sẽ cung cấp spot quảng cáo mới có chỉnh sửa từ ngữ, ví dụ như “tuyến cuối điều trị bệnh trĩ”, trong khi thực tế PK chỉ được phép điều trị trĩ độ 1-2, điều trị trĩ độ 3-4 là trái phép. Để làm được việc này, tất nhiên có sự hỗ trợ của đài truyền hình. Thời gian qua, các kênh H2, TV shopping, kênh VOV giao thông... có nhiều quảng cáo cho PK Trung Quốc hơn cả.
    Theo đại diện công ty quảng cáo này, Hà Nội đang có ba PK Trung Quốc chi tiền quảng cáo rất mạnh tay. Trung bình một năm, một PK trong số này chi đến 6-7 tỉ đồng quảng cáo riêng trên radio, còn quảng cáo trên truyền hình mức giá trung bình 3-3,5 triệu đồng/spot, mỗi PK phát ít nhất 10 spot ở nhiều khung giờ khác nhau/ngày/kênh, chi phí riêng cho quảng cáo truyền hình ít nhất cũng nhiều chục triệu đồng/ngày, chưa tính các quảng cáo biển bảng, quảng cáo trên báo mạng và báo giấy.
    Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, cách đây vài năm Vụ Y dược cổ truyền có tiến hành một điều tra trên diện rộng về trình độ chuyên môn của các thầy thuốc nước ngoài. Kết quả cuộc điều tra cho thấy tỉ lệ thầy thuốc dùng bằng cấp giả đến khám chữa bệnh tại VN rất lớn. Từ kết quả này, Bộ Y tế đã quy định bằng cấp của thầy thuốc nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi nộp cho cơ quan chức năng VN. Trong 10 năm qua, dù chỉ có 50-60 thầy thuốc nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) hành nghề tại VN, tổng số PK có yếu tố nước ngoài chưa bao giờ vượt con số 40, nhưng sai phạm luôn nối tiếp sai phạm, gây bức xúc rất lớn cho người dân.
    LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG - LAN ANH
    Phòng khám Trung Quốc: Có “bảo kê” mới dám làm
    TT - Lương y Lê Văn Chánh, phó chủ tịch Hội Hậu môn - trực tràng VN, khẳng định như vậy khi bàn về những sai phạm của phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tại cuộc họp của Sở Y tế TP.HCM sáng 28-6.
    >> Ai cho phép phòng khám Trung Quốc "lộng ngôn"?

    [IMG]
    Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra tủ thuốc của “phòng khám Trung Quốc” Đầm Sen, Q.11, TP.HCM - Ảnh: THÙY DƯƠNG

    Tại cuộc họp nhằm bàn biện pháp phối hợp quản lý, giám sát hoạt động của các phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT) có vốn đầu tư nước ngoài cũng như do người VN đứng tên, vị lương y năm nay 85 tuổi có thâm niên hành nghề YHCT 65 năm, người tìm ra phương pháp điều trị trĩ, bày tỏ: “Mỗi lần xem đài truyền hình quảng cáo phòng khám (PK) Trung Quốc tôi thấy hết sức ngượng. Vì sao cả ngành y tế VN lại để những PK này lên truyền hình ra rả quảng cáo những điều tầm bậy tầm bạ, buồn lắm”.
    Theo ông Chánh, sở dĩ xảy ra chuyện mà báo chí phản ánh là do có người “chống lưng”, “bảo kê” thì các PK này mới dám làm vậy.
    Tự do tung hoành
    Mở đầu cuộc họp, bác sĩ Trương Thìn - chủ tịch Hội Đông y TP.HCM - nói: “Những người trong nước hành nghề khổ vô cùng nhưng người Trung Quốc vào VN hành nghề lại sung sướng vô cùng. Họ tự do tung hoành, làm gì thì làm”.
    Theo ông Thìn, giới đông y đau khổ vì VN có nền y dược học cổ truyền 4.000 năm, không thua gì Trung Quốc. VN có những bác sĩ YHCT đi giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới. Tại TP.HCM có hơn 1.000 PK đông y, trong đó có 45 PK từ thiện, nhưng do không có tiền để quảng cáo nên người dân ít biết đến. Ngược lại, các PK có “bác sĩ Trung Quốc” nhờ quảng cáo dữ dội nên đã lôi kéo được nhiều người dân. “Tội lỗi” này, theo ông Thìn, là “do giới truyền thông”.
    Thanh tra sở “có vấn đề”
    PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói: “Phải thừa nhận hoạt động của các PK này đã vượt quá tầm quản lý của sở. Có những vấn đề chỉ báo chí mới phát hiện được và phản ánh. Còn ngành y tế gần như chỉ làm động tác “chữa cháy”. Đây là bài học kinh nghiệm hết sức đau xót. Điều quan trọng nhất không phải là uy tín của ngành mà tội nhất là người dân bị rơi vào tay những ông thầy thuốc giả hiệu”.
    Bà Phong Lan cho biết tại TP.HCM chỉ có ba PK có yếu tố nước ngoài (hai PK Trung Quốc và một PK Hàn Quốc). Các PK Trung Quốc đăng ký hành nghề theo hình thức phòng chẩn trị YHCT. Tuy nhiên, thực tế lại có biến tướng là một số PK YHCT của người VN 100% nhưng lại để cho những người Trung Quốc vào trà trộn, hoạt động không phép và khi quảng cáo cũng có những nội dung vượt quá chức năng. Khi duyệt quảng cáo thì nội dung này nhưng khi đăng quảng cáo trên đài, báo lại là nội dung khác.
    Theo bà Phong Lan, để xảy ra tình trạng này trước hết là do lỗi của sở quản lý chưa tốt, không thể đổ cho ai hết.
    Bà Phong Lan cũng thừa nhận thanh tra Sở Y tế khi đi thanh tra về hầu như đều báo cáo không có vấn đề gì. Sở Y tế sẽ có biện pháp chấn chỉnh. Trong sự việc này, không chỉ Bộ Y tế có lỗi mà Sở Y tế cũng có lỗi và phải rút kinh nghiệm.

    Nghi vấn có đường dây giả mạo giấy phép quảng cáo
    Hai phòng khám (PK) bị cơ quan chức năng nghi ngờ giả mạo giấy phép quảng cáo của Sở Y tế TP.HCM là PK đa khoa Đầm Sen (PK Đầm Sen ở 46 Hòa Bình, Q.11) và phòng chẩn trị y học cổ truyền Trường An (PK Trường An ở 786 Hồng Bàng, Q.11).
    PK Đầm Sen được Sở Y tế TP cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề ngày 30-12-2010 với hình thức tổ chức là PK đa khoa. Theo quy định hiện hành, nếu muốn được cấp phép quảng cáo, PK Đầm Sen phải nộp hồ sơ tại phòng nghiệp vụ y Sở Y tế. Tuy nhiên, ngày 20-6 vừa qua, khi thanh tra Sở Y tế đến thanh tra đột xuất PK Đầm Sen thì người của PK này lại đưa ra “Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” có số 38/SYT-QLYDHCT do Sở Y tế cấp ngày 24-8-2011. Thanh tra Sở Y tế đã chuyển giấy tiếp nhận này cho phòng quản lý y dược học cổ truyền của sở kiểm tra thì không thấy có giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo trong hồ sơ lưu vì PK Đầm Sen là PK đa khoa tây y nên không thuộc thẩm quyền cấp phép quảng cáo của phòng quản lý y dược học cổ truyền.
    Thế nhưng, không hiểu vì sao “Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” của PK Đầm Sen đưa cho thanh tra Sở Y tế có cả chữ ký của một phó giám đốc sở và dấu mộc của Sở Y tế! Vị phó giám đốc sở này khẳng định với Tuổi Trẻ không hề ký giấy tiếp nhận này cho PK Đầm Sen. Điều đáng nói là giấy tiếp nhận quảng cáo này có “chứng thực sao y đúng với bản chính” của UBND phường 5, Q.3!
    Việc cấp phép quảng cáo cho PK Trường An cũng có vấn đề bất thường. Theo “Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” số 39/SYT-QLYDHCT mà PV Tuổi Trẻ thu thập được từ một đài truyền hình cho thấy giấy tiếp nhận này do một phó giám đốc Sở Y tế ký ngày 3-4-2012. Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo này cũng có “chứng thực sao y đúng với bản chính” của UBND phường 12, Q.3! Với giấy tiếp nhận này, PK Trường An quảng cáo rất “lộng ngôn”. Tuy nhiên, PK Trường An chưa bao giờ được Sở Y tế cấp phép quảng cáo có số tiếp nhận và ngày ký như trên.
    Theo một cán bộ Sở Y tế TP, có khả năng giấy phép quảng cáo của PK Đầm Sen và PK Trường An là giả. Sở Y tế đã kiểm tra, xác minh thấy “có vấn đề” nên sẽ có văn bản chuyển cơ quan có thẩm quyền điều tra xử lý.

    LÊ THANH HÀ

    Phòng khám Trung Quốc bán thuốc không phép
    Ngày 28-6, lại có thêm một bệnh nhân khiếu nại phòng khám Maria (65-67 Thái Thịnh, Hà Nội). Theo phản ảnh của chị L.T.B., 45 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội, ngày 22-5 vừa qua chị đến phòng khám Maria kiểm tra vòng tránh thai vì nghe quảng cáo đây là phòng khám chuyên khoa sản phụ khoa. Tại đây, chị B. được chỉ định làm hàng loạt chẩn đoán, xét nghiệm và được khuyên điều trị bằng dao LEEP, bước sóng ngắn, thẩm thấu thuốc đông y qua da, điều trị viêm vùng chậu..., chi phí trong quá trình điều trị từ ngày 22 đến 26-5 lên tới 38,15 triệu đồng!
    Đặc biệt, chị B. cũng được phòng khám kê đơn thuốc và bán cho hai loại thuốc tễ, một loại dung dịch (tổng số bảy hộp giấy với giá xấp xỉ 5 triệu đồng), tất cả bao bì đều toàn chữ Trung Quốc và không có visa, số đăng ký lưu hành tại VN.
    LAN ANH

    (Theo Báo Tuổi trẻ)
  2. Facebook comment - Ai cho phép phòng khám Trung Quốc "lộng ngôn"?

  3. TQ ngày càng.....VN thì lại.......

Chia sẻ trang này