Bạc Liêu, Đồng Tháp sàng lọc giáo viên

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 28 Tháng 5 2013.

  1. (Lượt xem: 1,502)

    Theo đề án “Tiếp tục sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (giai đoạn 2012-2015) vừa được Bạc Liêu ban hành, sẽ sàng lọc trên 500 giáo viên (GV), cán bộ quản lý.

    [IMG]

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Ái Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết:
    - Mặc dù thời gian qua chất lượng giáo dục của tỉnh đã có nâng lên, tuy nhiên chất lượng giáo dục ở hai bậc học nền tảng là tiểu học và THCS vẫn thấp so với mặt bằng chung của khu vực ĐBSCL. Tỉ lệ học sinh tiểu học đạt khá, giỏi thấp hơn 10% và tỉ lệ yếu, kém cao hơn 7% so với khu vực. Tỉ lệ HS THCS đạt khá, giỏi thấp hơn 9% và tỉ lệ yếu, kém cao hơn 10% so với khu vực. Tuy hầu hết GV trong biên chế đều đạt chuẩn đào tạo trở lên nhưng thực tế không ít GV có chất lượng giảng dạy kém, nhất là ở các cấp nền tảng. Và cũng như một số tỉnh thành khác, Bạc Liêu lâm vào cảnh vừa thừa vừa thiếu. Thừa GV ở các trường tiểu học, THCS, nhất là địa bàn nông thôn, thiếu nhân viên thư viện, thí nghiệm, y tế học đường...

    * Đề án sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
    - Trước mắt tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp, cắt giảm dần những điểm trường lẻ bất hợp lý. Các trường có quy mô nhỏ sẽ tiến hành sắp xếp lại thành trường phổ thông có hai cấp học. Sẽ bố trí lại sĩ số lớp học để phù hợp với yêu cầu, với từng địa bàn và quy định của bộ.
    Việc bố trí lại trường lớp sẽ dẫn đến dôi dư GV. Số lượng dôi dư này sẽ được giải quyết theo các hướng: những GV dôi dư có năng lực công tác sẽ được học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để chuyển sang đảm nhiệm các chức danh nhân viên còn thiếu trong nhà trường: thư viện, phòng thí nghiệm, y tế học đường... Những GV không đáp ứng được chuyên môn giảng dạy sẽ giải quyết cho nghỉ hưởng chế độ chính sách: nghỉ hưu trước tuổi hoặc cho thôi việc. Ngoài ra những GV không đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy, mặc dù không dôi dư nhưng không thể điều động, bố trí làm công việc khác thì cũng xem xét đề xuất giải quyết cho nghỉ hưởng chế độ chính sách... Riêng số GV dôi dư do các địa phương lấy từ kinh phí hoạt động của các đơn vị trường học để bố trí thêm GV giảng dạy, ngoài chỉ tiêu định mức biên chế được giao thì phải tự hủy bỏ hợp đồng để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động giáo dục.
    * Thưa bà, việc giải quyết cho số GV nghỉ hưởng chế độ chính sách là vấn đề rất nhạy cảm. Họ sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống bởi lẽ nhiều người quen dạy học, không quen với công việc khác?
    - Chúng tôi đã lường trước việc triển khai thực hiện đề án này sẽ gặp không ít khó khăn, bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm. Chắc chắn sẽ có không ít người gắn bó với nghề nhiều năm, thích giảng dạy hơn làm chức danh nhân viên. Cũng có một số GV mặc dù trình độ hoặc sức khỏe không đảm bảo nhưng chưa muốn nghỉ chính sách... Vì vậy trước hết, tỉnh sẽ vận động và khuyến khích các đối tượng tự giác đăng ký thực hiện đề án. Tỉnh sẽ quy định các chế độ chính sách cũng tương đối khá, quan tâm đến quyền lợi của đối tượng. Đặc biệt quy trình triển khai thực hiện sẽ được tỉnh cân nhắc, xem xét rất cẩn trọng, có lộ trình, bước đi cụ thể để đảm bảo tính chính xác, công tâm, đúng đối tượng... Trong quá trình thực hiện đề án sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng vì thế hệ mai sau, vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nên tôi nghĩ đội ngũ cán bộ quản lý và GV sẽ đồng tình ủng hộ để việc triển khai đề án được thành công.
    * Thưa bà, hướng tới tỉnh sẽ có kế hoạch như thế nào, chứ tuyển dụng rồi lại chuyển công tác hoặc giải quyết cho nghỉ hưởng chế độ chính sách sẽ gây lãng phí lớn về tiền bạc, công sức, thời gian?
    - Đi đôi với việc sắp xếp GV dôi dư, sắp tới tỉnh sẽ chấn chỉnh lại công tác tuyển dụng cán bộ quản lý và GV ở các trường học. Khi thành lập các trường tiểu học, THCS mới các địa phương cũng phải chấp hành tốt các quy định về điều kiện và quy mô trường lớp. Nghiêm cấm lặp lại tình trạng địa phương lấy từ kinh phí hoạt động của các đơn vị trường học để bố trí thêm GV giảng dạy, ngoài chỉ tiêu định mức biên chế được giao... Tiếp tục đề xuất áp dụng các chính sách thu hút, tuyển dụng GV giỏi và khuyến khích GV đến nhận nhiệm vụ ở các địa bàn nông thôn..., đặc biệt là GV mầm non, về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn còn thiếu GV mầm non.

    * Đề án sẽ sàng lọc cụ thể khoảng bao nhiêu GV, cán bộ quản lý? Tổng kinh phí thực hiện?
    - Sẽ có hơn 500 cán bộ quản lý và GV cần được xem xét sắp xếp. Trong đó hơn 300 GV, cán bộ quản lý được phân công sang đảm nhiệm các chức danh nhân viên khác còn thiếu ở trường như thư viện, phòng thí nghiệm, y tế học đường... Hơn 200 cán bộ quản lý, GV còn lại sẽ được xem xét giải quyết: hoặc cho chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu trước tuổi hoặc cho thôi việc. Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính khoảng 45 tỉ đồng, nguồn kinh phí chi từ ngân sách tỉnh, địa phương.
    Đồng Tháp: bắt đầu từ khối THPT
    UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục từ năm 2013-2015. Tỉnh dự kiến đầu tư xấp xỉ 2.800 tỉ đồng cho đề án này, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở vật chất 2.666 tỉ đồng; bồi dưỡng, đào tạo giáo viên hơn 35 tỉ đồng.
    Đề án nêu rõ những hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp như sau: chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ mầm non, kết quả học tập của học sinh và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh còn thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực. Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực yếu kém còn cao (THCS 10%, THPT 27%). Riêng tỉ lệ tốt nghiệp THPT bình quân năm năm qua tỉnh xếp thứ 9/13 tỉnh, thành trong khu vực và thứ 50/63 tỉnh, thành cả nước; sự phát triển trường học hai buổi/ngày, trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên... vẫn còn tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực.
    Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Thái (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) cho biết: nguyên nhân hạn chế, yếu kém là do đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh thời gian qua chủ yếu tập trung giải quyết yêu cầu phát triển quy mô là chính. Còn sự đầu tư cho hoạt động chuyên môn và các điều kiện hỗ trợ khác nhằm tạo nên chất lượng giáo dục vững chắc chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế kết quả phát triển giáo dục của tỉnh chưa toàn diện, chất lượng giáo dục không ổn định, vai trò đột phá của giáo dục và đào tạo trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương còn hạn chế. Và đặc biệt là một bộ phận giáo viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề.
    Giải pháp của tỉnh là ngoài đầu tư cho cơ sở vật chất, còn tập trung rà soát đội ngũ nhà giáo và có chính sách để giải quyết đầu ra cho đội ngũ giáo viên không đạt yêu cầu về chuyên môn, không có khả năng bồi dưỡng nâng cao trình độ để đổi mới, nâng dần chất lượng đội ngũ giáo viên. Mục tiêu cụ thể là năm 2015 phải có 99% đạt chuẩn, trong đó có tỉ lệ trên chuẩn tiểu học là 60%, THCS 50%, THPT 20%. Ngoài ra, 50% giáo viên tiểu học và 100% giáo viên trung học có trình độ A tin học trở lên.
    Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, hiện sở đã thành lập các tổ chuyên môn thẩm định năng lực của từng giáo viên để đưa vào danh sách những người yếu kém. Họ sẽ được bồi dưỡng hoặc đào tạo lại. Sau một thời gian sẽ tiếp tục đánh giá, nếu vẫn không tiến bộ sẽ cho nghỉ việc. Trước mắt sẽ tập trung sàng lọc giáo viên ở khối THPT, sau đó lần lượt tới THCS, tiểu học và mầm non.
    V.TR. - T.TÚ
    MINH TÂM thực hiện
    Báo Tuổi Trẻ
  2. Facebook comment - Bạc Liêu, Đồng Tháp sàng lọc giáo viên

Chia sẻ trang này