Một cái Tết ấm áp và nhiều ý nghĩa vừa đi qua. Vui xuân, người dân Bạc Liêu còn có nhiều niềm vui từ hàng loạt những hoạt động của các cấp, các ngành đến tận phút giao thừa. Và trong những ngày cuối năm ấy cũng có những sự kiện để mọi người cùng tưởng nhớ và suy ngẫm. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ bàn giao nhà cho người nghèo không nhà ở, đất ở tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K Tết lịch sử Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng được nhắc đến nhiều nhất vào dịp trước và trong Tết Quý Tỵ 2013 là kỷ niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Năm 1968, Tỉnh ủy Sóc Trăng - Bạc Liêu quyết định lập Ban chỉ huy Tổng tiến công và nổi dậy của tỉnh, chọn TX. Bạc Liêu và TX. Sóc Trăng là trọng điểm của tổng khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang huy động tại TX. Bạc Liêu gần 800 quân, chia làm 3 mũi đánh vào trung tâm, sào huyệt của địch ở TX. Bạc Liêu. Đánh dấu sự kiện này tròn 45 năm, Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như buổi họp mặt các nhân chứng lịch sử, các gia đình có con hy sinh trong cuộc tổng tiến công nổi dậy. Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng khẳng định: “Tinh thần quyết thắng của sự kiện bi hùng Tết Mậu Thân xưa là bản anh hùng ca đời đời bất diệt!”. Trước khi diễn ra buổi họp mặt, Sở VH-TT&DL đã long trọng khánh thành bia tưởng niệm sự kiện trận Tết Mậu Thân 1968 tại rạp hát Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu). Ngoài ra, tại Quảng trường Hùng Vương, Tượng đài chiến thắng Mậu Thân cũng được khởi công xây dựng với thời gian thi công dự kiến trong 360 ngày, tổng kinh phí công trình 20 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu, thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn và ghi ơn của các thế hệ người dân Bạc Liêu đối với công lao và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Bạc Liêu hôm nay và mãi mãi về sau, góp phần thu hút khách tham quan du lịch, thúc đẩy TP. Bạc Liêu sớm hoàn thành lộ trình đô thị loại II. Tái hiện lại quá trình chiến đấu, tử thủ ngoan cường của chiến sĩ tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Bạc Liêu qua tiểu phẩm “Ký ức Mậu Thân” của tác giả Vưu Long Vỹ. Ảnh: N.Q ...Và nghĩa tình Một trong những sự kiện nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa vào đúng ngày cuối năm - 29 tháng chạp năm Nhâm Thìn (ngày 9/2/2013) là việc bàn giao nhà cho các hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer) không có nhà ở, đất sản xuất tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu. Giữ đúng lời hứa trong lễ khởi công trước đó hơn 1 tháng, nhà thầu đã bàn giao 40 trong tổng số 400 căn nhà thuộc dự án hỗ trợ hộ nghèo không có nhà ở, đất ở của TP. Bạc Liêu, mỗi căn trị giá 45 triệu đồng. Ngoài nhà ở gần chợ và gần chùa Xiêm Cán để bà con thuận lợi trong việc sinh hoạt tôn giáo, các hộ dân còn được cấp gần 300m2 đất sản xuất, hỗ trợ học nghề đan đát, trồng màu. Đây là món quà vô cùng thiết thực đối với các hộ nghèo trong những ngày xuân về tết đến. Bởi đâu có gì vui hơn khi đã “an cư” để hướng tới một ngày “lạc nghiệp”. Cũng vào những ngày cuối năm tất bật, nhiều cơ quan, đơn vị đã kịp gửi đến các hộ nghèo khắp nơi trong tỉnh những phần quà giúp cho Tết thêm vui, thêm đầy đủ. Hoa hậu Đặng Thu Thảo về quê Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) tặng quà cho người nghèo, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu tặng 250 suất quà cho người bán vé số, Viễn thông Bạc Liêu trao 10 căn nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi)… Và còn rất nhiều hoạt động từ cấp tỉnh tới cơ sở trong việc chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã giúp cho tết thêm đậm đà tình nghĩa. T.L (tổng hợp)Nguồn: Báo Bạc Liêu