Bạc Liêu - Những tâm huyết để Bạc Liêu đi lên từ văn hóa

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 15 Tháng 5 2013.

  1. (Lượt xem: 2,195)

    Với chủ trương lấy văn hóa làm nền tảng, làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), buổi tọa đàm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của đại diện các tập thể, tổ chức, cá nhân… Đó là những suy tư, trăn trở, những quyết sách, giải pháp căn cơ chắp cánh cho Bạc Liêu tiến những bước vững chắc vào tương lai bằng tiền đề văn hóa.

    [IMG]Ông Lưu Thanh Liêm (Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy): Làm gì để văn hóa - du lịch phát triển, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của kinh tế?

    Bạc Liêu đi lên từ văn hóa không có nghĩa là văn hóa quyết định tất cả mà dựa vào văn hóa, lấy tiềm năng văn hóa làm cơ sở phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh nhà. Khai thác tiềm năng văn hóa là để thu hút sự quan tâm của du khách, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch là để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta làm cách nào để có thể khai thác tối ưu những tiềm năng vốn có của nền văn hóa đậm đà bản sắc người Bạc Liêu?

    Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy về công tác vận động quần chúng, chúng tôi có một số kiến nghị sau: Thứ nhất, tiếp tục giáo dục, quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quá trình tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; làm cho văn hóa thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân. Thứ hai, tiếp tục hướng dẫn và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình, khóm - ấp văn hóa để tạo nên nét đặc trưng riêng cho người Bạc Liêu hiếu khách, thân thiện, phóng khoáng. Thứ ba, tuyên truyền, vận động nâng cao tính văn hóa trong các hoạt động kinh tế, chính trị, sinh hoạt của nhân dân. Khẩn trương xây dựng, bổ sung các tiêu chí về văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật…, đặc biệt đề cao văn hóa lãnh đạo và quản lý văn hóa trong kinh doanh, văn hóa trong nhân cách của thanh thiếu niên.
    [IMG]Ông Lê Châu (cán bộ hưu trí): Nên chăng xác định Bạc Liêu đi lên từ con người?

    Bạc Liêu cần phát huy truyền thống văn hóa của mình để phát triển mọi mặt, nhưng vẫn phải coi phát triển KT-XH là trọng tâm. Nên phát triển văn hóa theo nghĩa hẹp, trong đó có việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Văn hóa thúc đẩy sự phát triển của KT-XH và ngược lại, khi KT-XH phát triển lại có nhiều điều kiện cho văn hóa phát triển... Từ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, trong đó có giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, đến giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống… sẽ làm cho tâm hồn, tư tưởng đến mọi hành động của con người tốt hơn. Việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, kể cả xây dựng các thiết chế văn hóa cũng để giúp con người tiến bộ. Vì vậy, nên chăng xác định “Bạc Liêu đi lên từ con người”?!

    Theo quan điểm của Đảng, chăm lo con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển đất nước. Trong việc phát triển, cần phải huy động nhiều nguồn lực, các nguồn lực khác có thể cạn kiệt nhưng nguồn lực con người là vô tận. Con người có thể tạo ra bất cứ thứ gì, kể cả những sản phẩm cụ thể đến các giá trị tinh thần to lớn. Người Bạc Liêu thông minh, sáng tạo, lịch thiệp, hiếu khách, kiên cường, có bề dày về truyền thống cách mạng, văn hóa - nghệ thuật… với những nét độc đáo thì không có lý do gì con người Bạc Liêu không xây dựng được một nền văn hóa rực rỡ, một nền kinh tế phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

    [IMG]Tiến sĩ Đào Hoàng Nam (Hiệu trưởng trường Đại học Bạc Liêu):Xây dựng những nhân cách văn hóa góp phần xây dựng phong cách người Bạc Liêu

    Ở trường Đại học Bạc Liêu, đối tượng để xây dựng, hình thành, phát triển nhân cách văn hóa không chỉ là sinh viên, mà bao gồm cả người quản lý, cán bộ, giảng viên nhằm tạo ra sự nhất quán, đồng bộ để bất kỳ ai khi đến đây cũng có cảm giác được sống, học tập trong một môi trường văn hóa, thân thiện. Hơn nữa, trong điều kiện thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc phát huy tiềm lực văn hóa của Bạc Liêu, tạo đòn bẩy để Bạc Liêu đi lên từ văn hóa thì việc xây dựng những nhân cách văn hóa lại càng ý nghĩa. Vì vậy, chúng tôi tập trung xây dựng ở hai phương diện: sự phát triển về tâm lý và phương diện xã hội. Hai phương diện này được cụ thể hóa thông qua việc nâng cao văn hóa công sở; giáo dục văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử; giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống; giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn; giáo dục ước mơ, hoài bão, lý tưởng sống; giáo dục văn hóa địa phương, khả năng hòa nhập xã hội… Đây sẽ là cơ sở để hình thành nên phong cách của người Bạc Liêu hiện tại và tương lai.

    Riêng với trường Đại học Bạc Liêu, chúng tôi sẽ luôn quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, tạo điều kiện để con người được đào luyện, để bước vào môi trường văn hóa này thì khi trở ra con người sẽ có được nhân cách văn hóa. Và những nhân cách văn hóa này khi sống và làm việc ngoài xã hội, đến lượt mình sẽ tác động, xây dựng những nhân cách văn hóa khác, nghĩa là tạo ra một sự lan tỏa mạnh mẽ, có lợi cho quá trình phát triển đi lên từ văn hóa của Bạc Liêu nói riêng, của cả xã hội nói chung.
    [IMG]Ông Trần Công Chánh (Hiệu trưởng trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong phát triển ở nhiều lĩnh vực

    Từ nhiều tầng định nghĩa văn hóa dẫn đến nhiều cách tiếp cận, cho thấy văn hóa và sự phát triển luôn song hành với nhau. Như vậy, văn hóa với sự phát triển của Bạc Liêu có liên quan mật thiết với nhau, và đã làm nên vùng đất, con người Bạc Liêu mang diện mạo và sắc thái riêng.

    Dù được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế nhưng Bạc Liêu cũng còn nhiều thách thức của văn hóa trong việc phát triển của tỉnh. Do vậy, nhiều nhóm giải pháp tổng thể và giải pháp cụ thể được đưa ra để đồng hành với tỉnh. Trong đó, điểm qua một vài giải pháp như: kiến tạo các điều kiện tự nhiên, xã hội cho an cư lạc nghiệp, an sinh xã hội cho người Bạc Liêu sáng tạo văn hóa thúc đẩy phát triển; giải pháp về giáo dục - đào tạo và thu hút nhân lực cho sự phát triển của tỉnh; giải pháp đối với cơ chế quản lý, cải cách hành chính xây dựng văn hóa công sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với sự phát triển của tỉnh…

    [IMG]Ông Phạm Minh Tuyền - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồng Dân: Gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc

    Phát triển văn hóa không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động ở địa phương, mà còn là cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Về phía ngành Tuyên giáo huyện, tôi nghĩ để Bạc Liêu phát triển hơn nữa trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm đến 5 vấn đề như sau: phát triển du lịch để phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa; bảo tồn và phát triển bản “Dạ cổ hoài lang” thành thương hiệu du lịch đặc trưng; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch văn hóa, lịch sử; bảo tồn, phát triển, xây dựng các đội đờn ca tài tử chuyên nghiệp phục vụ du lịch; và quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử Bạc Liêu kết hợp với xử lý môi trường…

    Kim Ngọc (thực hiện)
    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Bạc Liêu - Những tâm huyết để Bạc Liêu đi lên từ văn hóa

Chia sẻ trang này