- Một nhóm nghiên cứu của Nga tổng hợp thành công nguyên tố thứ 117, bổ sung nó vào Bảng tuần hoàn hóa học. Các nhà khoa học Nga vừa tổng hợp thành công nguyên tố thứ 117. Viện Nghiên cứu Hạt nhân ở thành phố Dubna, Nga lần đầu tổng hợp được nguyên tố thứ 117 vào năm 2010. Tuy nhiên, Liên minh Quốc tế về Hóa học Thuần túy và Ứng dụng yêu cầu các nhà khoa học thực hiện lại cuộc thử nghiệm, rồi mới chính thức đăng ký nguyên tố mới. Andrei Popeko, quan chức cao cấp tại viện Dubna hôm qua cho biết, nhóm nghiên cứu vừa nộp đơn đăng ký nguyên tố mới mà họ tạo ra. Tuy nhiên, việc công nhận và chính thức thêm nguyên tố này vào bảng tuần hoàn có thể mất 1 năm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phải tìm ra tên thích hợp cho nguyên tố này. Những nguyên tố xếp sau uranium, nguyên tố thứ 92 trong bảng tuần hoàn, không được tìm thấy trong tự nhiên mà được tạo ra từ các lò phản ứng hạt nhân hoặc trong phòng thí nghiệm. Ngoài nguyên tố 117, Viện Dubna cũng tuyên bố tổng hợp thành công các nguyên tố 113, 115 và 118. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu Ion nặng GSI Helmholtz ở Đức đang nghiên cứu để tổng hợp các nguyên tố 119 và 120. Năm ngoái, trong cuộc họp diễn ra tại Viện Vật lý London, Đại hội đồng Liên minh quốc tế về Vật Lý Thuần túy và Ứng dụng (IUPAP) thông qua 3 nguyên tố mới, bổ sung vào Bảng tuần hoàn hóa học. Đó là các nguyên tố thứ 110, 111 và 112 tương ứng với tên gọi darmstadtium (Ds), roentgenium (Rg) và copernicium (Cn). Trước đó, 2 nhóm chuyên gia Nga và Mỹ cùng tạo ra 2 nguyên tố thứ 114, 116 có tên gọi tạm thời là Ununquadium (Uuq) và Ununhexium (Uuh). Thành quả này được tạo ra sau khi họ dùng máy gia tốc để ép các hạt của những nguyên tố nhẹ hơn lại với nhau từ những năm 2004 đến 2006. Việc phát hiện các nguyên tố trải qua một thời kỳ thăng trầm dai dẳng. Vào năm 1869, lúc nhà hóa học Nga Mendeleev phát minh bảng tuần hoàn các nguyên tố, người ta phát hiện được 63 nguyên tố. Những năm sau đó, với sự phát minh kỹ thuật phân tích quang phổ, một trào lưu tìm các nguyên tố mới được phát triển rầm rộ. Các nhà khoa học dùng phương pháp phân tích quang phổ để phân tích đất đá, nước sông, nước hồ, nước biển và liên tục phát hiện được nhiều nguyên tố mới. Đến những năm 40 của thế kỷ 20, trong bảng tuần hoàn có các nguyên tố đến ô 92 là nguyên tố uranium, trừ các ô còn trống là ô 43, 61, 85, 87, còn các ô khác đều đã có chủ. Vì vậy có người cho rằng uranium, nguyên tố ở ô số 92 là nguyên tố cuối cùng. Chính vào lúc các nhà hóa học cảm thấy bất lực khi tìm ra các nguyên tố mới thì các nhà vật lý vào cuộc. Họ tạo liền 2-3 nguyên tố từ các phòng thí nghiệm theo phương pháp nhân tạo. Năm 1937, các nhà vật lý tạo ra nguyên tố thứ 43 là nguyên tố Tecneti, năm 1939 tạo ra nguyên tố thứ 87 Franxi, năm 1940 tạo ra nguyên tố thứ 85 Atatin. Sau khi phát hiện Atatin, suốt một thời gian sau đó các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy nguyên tố 61. Đến năm 1945, giới nghiên cứu mới tìm thấy nguyên tố Prometi trong các mảnh của sự phân rã uranium. Đến lúc đó, toàn bộ các ô bị bỏ trống trong bảng tuần hoàn (trước đó) mới được lấp kín. st