Với một mức giá "trong tầm" với phần đông dân chơi âm thanh, bộ đôi Exposure 1010 có thể mang đến một màn trình diễn tạo được nhiều cảm xúc, với thứ âm thanh cân bằng, tự nhiên, sống động và giàu chi tiết. Ampli Exposure 1010 giá 15 triệu đồng. Nước Anh là nơi sản sinh ra nhiều thương hiệu âm thanh có tên tuổi. Những thập kỷ gần đây, cái tên như Tannoy, Linn, Naim, Arcam, Musical Fidelity... đã trở nên quá quen thuộc với dân chơi âm thanh trong nước, trong khi Exposure còn tương đối lạ lẫm, có chăng thi thoảng họ tình cờ tìm được một chiếc ampli "second-hand" của Exposure ở một cửa hàng bán đồ bãi. Nhưng ai từng chơi qua Exposure thì đều đánh giá cao thương hiệu này và họ đều cho rằng “đồ” Exposure nghe rất gần với Naim, một thương hiệu cao cấp rất được tín nhiệm. Bộ đôi ampli – đầu đĩa CD dòng entry-level của Exposure mang ký hiệu kiểu nhị phân 1010 mới được phân phối chính thức tại Việt Nam được bán ở một mức giá rất cạnh tranh (đầu CD 14,3 triệu đồng; ampli 15 triệu đồng) đang trở thành "cặp võ sĩ" nặng ký trên vũ đài hi-fi đang rất sôi động những ngày cuối năm này. Đầu CD Exposure 1010 giá 14,3 triệu đồng. Với ý đồ rõ rệt là giảm giá thành tối đa trong khi vẫn giữ đặc trưng âm thanh của hãng, cả 2 sản phẩm dòng entry-level 1010 của Exposure đều được sản xuất tại Malaysia và thiết kế theo kiểu tối giản cả về hình thức lẫn tính năng. Bộ đôi này sử dụng chung một kiểu vỏ máy bằng tôn sơn sần, mặt trước làm bằng nhôm phay đúc định hình và được anode bề mặt để chống trày xước. Các cọc loa, cọc tín hiệu cũng không phải là loại cao cấp để cố gây ấn tượng đối với người dùng như nhiều sản phẩm khác. Tay điều khiển rất đơn giản, nhỏ và làm bằng nhựa để góp phần giảm giá thành. “Chất lượng nằm bên trong vỏ máy” là nhận định không hề "sáo" với bộ đôi sản phẩm. Ngay khi mở vỏ trên của máy, Số Hóa đã nhận định đây là những sản phẩm sẽ đem lại chất lượng âm thanh tốt, qua cách thức thiết kế mạch và sử dụng linh kiện. Cả hai đều mang phong cách đặc trưng của thiết kế mạch kiểu Anh, gọn gàng, ngăn nắp, sử dụng ít linh kiện - khác với phong cách thiết kế của người Nhật là cầu kỳ, phức tạp và rối rắm. Linh kiện trong ampli được bố trí gọn gàng, khoa học. Ampli Exposure có mạch điện gọn, bố trí chưa đầy nửa diện tích mặt đáy. Phía trên cùng của bo mạch lớn là 2 bo mạch nhỏ đóng nhiệm vụ chuyển tín hiệu đầu vào và tiền khuếch đại. Bo mạch công suất làm bằng sợi thủy tinh dày, với 2 lớp mạch phủ đồng khá chắc chắn. Các linh kiện được bố trí gọn gàng một cách khoa học ở 2 mặt của bo mạch, bảo đảm cho đường đi của tín hiệu là ngắn nhất. Ampli sử dụng 2 cặp sò than cao cấp của hãng Toshiba ở phần công suất. Một bộ nguồn xuyến cao cấp của hãng Noratel (Anh) sản xuất theo đơn đặt hàng của Exposure có công suất 120VA đảm nhận nhiệm vụ cấp nguồn cho toàn máy. Mạch lọc nguồn sử dụng nhiều tụ nhỏ mắc song song nhằm giảm nội trở. Phần lớn các tụ điện được sử dụng trên các mạch điện thành phần đều là tụ của hãng Elna, có chất lượng âm thanh tốt. Bộ chiết áp là loại blue của hãng ALPS (Nhật), có gắn motor để chỉnh âm lượng ngay trên tay điều khiển. Một bộ nguồn xuyến cao cấp của hãng Noratel (Anh). Đầu CD cũng được thiết kế theo phong cách trên. Các mạch điện thành phần được tách rời độc lập với nhau để tránh can nhiễu. Mạch servo điều khiển phần cơ được bố trí ngay dưới bộ cơ, đảm bảo cho tín hiệu RF có đường đi ngắn nhất. Bộ cơ của hãng Sony với mắt đọc KSS 213C của dễ thay thế. Biến thế cấp nguồn cũng vẫn là loại biến thế xuyến chất lượng cao của hãng Noratel. Mạch lọc nguồn được bố trí ngay giữa trung tâm của bo mạch rất thông minh. Trái tim của đầu đọc này là bộ giải mã là PCM 1716 của hãng Burr Brown. Các tụ hóa được sử dụng ở phần nguồn là tụ Elna Silmic. Tụ điện ở phần số và analog cũng đều là tụ Elna bản cực nhôm đời mới có nội trở thấp và thiết kế đặc biệt cho audio. Mắt đọc cao cấp ở đầu CD. Nguyên lý kỹ thuật của cả 2 sản phẩm dòng 1010 không có nhiều khác biệt so với các sản phẩm cao cấp hơn của hãng. Một số tính năng không cần thiết đã được bỏ đi để hạ giá thành nhằm tiếp cận với lượng khách hàng rộng hơn, nhưng các chức năng cơ bản đều không khác mấy so với dòng 2010 hay 3010 được bán với giá cao hơn nhiều lần. Mặc dù được sản xuất tại Malaysia, song các sản phẩm dòng 1010 đều được gửi về Anh để đo kiểm trước khi đưa tới các nhà phân phối. Bên trong vỏ máy của cả 2 sản phẩm đều có phiếu ghi kết quả test từng khâu của người kỹ sư đo kiểm, chứng tỏ hãng rất chú trọng tới chất lượng của sản phẩm cho dù là dòng entry-level và được bán với giá khá bình dân. Phiếu ghi kết quả kiểm tra từng khâu trước khi sản phẩm xuất xưởng được lưu trong thùng máy. Thử nghiệm ampli Exposure 1010 với đối tác phối ghép là đầu đọc Cambridge Azur 640C MkII và cặp loa bookself Amphion Argon 3. Mặc dù chỉ có công suất khiêm tốn (55W) nhưng chiếc ampli tích hợp này mang lại âm thanh khá uy lực, đủ sức làm rung phòng ở mức âm lượng khoảng 11h. Âm bass chắc, gọn, không bị kéo đuôi. Trung âm tương đối truyền cảm. Dải cao đẹp, tách bạch. Đặc biệt, độ động của hệ thống này khá tốt, đem lại một sân khấu âm thanh tưng bừng, có lớp lang rõ rệt. Thay Cambridge Azur 640C II bằng đầu đọc của Exposure, âm thanh cải thiện tương đối rõ, đặc biệt là ở độ chi tiết và tính tự nhiên. Nghe kỹ một số bản nhạc, âm thanh có vẻ bớt bị rối như với đầu đọc trước; sân khấu lùi về phía sau, đem lại một cảm giác dễ chịu hơn. Dải trung trầm lúc này tốt hơn rất nhiều, tạo sự đĩnh đạc của một hệ thống có đẳng cấp. Âm thanh của các nhạc cụ có độ ngân, nghe thật hơn chứ không bị “bẹt” tiếng như ở đầu đọc trước. Đánh giá tổng thể, với một mức giá không phải là quá tầm với của dân chơi, bộ đôi Exposure 1010 có thể mang đến một màn trình diễn tạo được nhiều cảm xúc, với thứ âm thanh khá cân bằng, tự nhiên, sống động và giàu chi tiết. Bộ đôi này phù hợp với nhiều thể loại nhạc, nhất là nhạc giao hưởng, hòa tấu. Tuy chỉ là những sản phẩm entry-level, nhưng bộ đôi này có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhiều combo tương tự với mức giá đắt hơn trên thị trường. Văn Lý Nguồn: VNExpress