Trước thực trạng ngày càng có nhiều loại hình giải trí như hiện nay, đặc biệt là đối với giới trẻ, thì cà phê sách là mô hình hữu hiệu giúp khơi nguồn niềm đam mê đọc sách. Để rồi từ đó, nhiều chân trời mới như mở ra, giúp các bạn trẻ thưởng thức được vẻ đẹp của thế giới và con người, nâng tầm kiến thức… Với các tỉnh, thành phố lớn thì cà phê sách xuất hiện đã khá lâu, riêng ở Bạc Liêu thì hiện vẫn chưa có quán cà phê sách nào đúng nghĩa. Có thể hình dung một vài hiệu quả mà quán cà phê sách mang lại như sau: Trước tiên, đó là một không gian sống của những người đã trót “nặng nợ” với sách. Đến cà phê sách, độc giả có cơ hội mở mang kiến thức, vừa có thể giao lưu thân thiết với những người có cùng sở thích với mình. Đây có thể được xem là nơi hội tụ của những người yêu sách. Trong không gian được bày trí nhiều cây xanh, khách đến uống cà phê chỉ là cái cớ, còn điều cốt yếu là giữa một đô thị nhộn nhịp, người ta còn có một chỗ để được thư giãn (mà lại bổ ích, lành mạnh) sau giờ làm việc. Cái lợi thứ hai là đọc sách ở quán cà phê sách sẽ không tốn nhiều thời gian… làm thẻ thư viện, không gian không bị gò bó như ở trong phòng (mà còn được thưởng thức những bài hát yêu thích). Khách vào quán chỉ tốn một khoản chi phí nhỏ, nhưng đổi lại, sẽ được tận hưởng những phút giây thoải mái, sảng khoái trong một không gian sạch (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), có thể phục hồi và nạp lại “năng lượng” để tiếp tục học tập và làm việc. Ngoài ra, một số khách còn đến cà phê sách để… chơi cờ tướng, truy cập Internet miễn phí, hoặc làm những công việc đòi hỏi có một không gian yên tĩnh như nơi đây. Khách đến quán cà phê sách được truy cập Internet miễn phí. Ảnh: N.V “Book lovers never go to bed alone” (tạm dịch là: “Những người yêu sách không bao giờ đi ngủ một mình”, bởi đã có những nhân vật, kiến thức theo cùng vào giấc ngủ), là một trong số những câu slogan (khẩu hiệu) mà quán cà phê sách “Sài Gòn Nhỏ” (đường Hòa Bình, phường 3, TP. Bạc Liêu) viết lên tường, cùng một vài vật dụng trang trí để thu hút ánh nhìn của khách. Cách bày trí khá lạ mắt, ví như trần nhà thì được dán bằng những tờ báo cũ, trên tường là những bức họa chân dung các nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng… Anh Văn Chí Xương, chủ quán tiết lộ: “Vào mùa thi, sinh viên đến quán để… học bài rất đông. Vì diện tích hạn hẹp nên quán chỉ có sức chứa cho khoảng 40 người. Như vậy là đã vui lắm rồi. Tôi là người mê sách, nên muốn tạo không gian cho mọi người đến đọc sách, chỉ đơn giản vậy thôi”. Quán cà phê sách ở Bạc Liêu không nhiều. Từ những lợi ích của sách và không gian mà cà phê sách mang lại, chúng ta thử phác thảo một không gian mới cho mô hình này. Hiện tại, với những mặt hoạt động hiệu quả mà Thư viện tỉnh đạt được, nếu phát huy nhiều thuận lợi từ cơ sở vật chất ở đây, một quán cà phê sách hoàn toàn có thể thực hiện được. Giám đốc Thư viện tỉnh - ông Mã Thế Trung cho biết: “Mặt bằng chưa sử dụng (hiện làm sân bãi, trồng cây xanh) của Thư viện tỉnh khoảng 3.000m2, và lượng sách, báo hiện có khoảng 140.000 bản. Tôi ủng hộ việc thực hiện mô hình cà phê sách. Một mặt để tạo nguồn thu cho đơn vị, vừa góp phần kích thích phong trào đọc, phát huy “văn hóa đọc” cho nhiều tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí cấp cho Thư viện tỉnh như hiện nay, chúng tôi không đủ sức thực hiện mô hình này, rất cần huy động xã hội hóa cho mô hình cà phê sách. Và một khi có đủ các điều kiện để hình thành, chúng tôi sẵn sàng cung cấp phần nội dung để cà phê sách đi vào hoạt động”. Đọc sách trong một không gian mở, gần gũi với thiên nhiên là một trong những cách để nhiều người cân bằng lại cuộc sống. Cà phê sách còn như một nơi giúp khơi nguồn niềm đam mê đọc sách, nâng dần chất lượng của “văn hóa đọc”. Bên cạnh đó, khi một quán cà phê sách được hình thành, nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến sách cũng sẽ được tổ chức như: trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách mới, ngâm - nói thơ… Với những lợi ích thiết thực trên, thiết nghĩ ngành chức năng sớm bắt tay vào thực hiện, tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa cho nhiều tầng lớp nhân dân qua mô hình cà phê sách. Ngọc Vũ Báo Bạc Liêu