Đó là câu chuyện tình yêu cảm động của anh chàng Phan Sỹ Long (SN 1988) với nữ sinh Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Đà Lạt - Bùi Thị Kim Oanh. Tai họa bất ngờ ập đến vào năm Long ở xóm 3, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) học lớp 9 trong lúc đang trèo cây. Sau 4 ngày tai nạn, gia đình mới vay mượn được tiền để mổ thì đã quá muộn. Long trở thành người tàn phế suốt đời. Gần 10 năm đã trôi qua Long chỉ nằm một chỗ. Cứ 2 ngày gia đình lại cho Long ngồi xe lăn 2 tiếng cho đỡ mỏi rồi lại nằm tiếp. Từ đó cho đến bây giờ tay chân Long ngày càng teo tóp co quắp và không cử động được. Hàng chục bức tranh, bài thơ đều được Long vẽ bằng miệng. Hàng ngày nhìn mẹ vất vả chăm sóc một người con tàn phế Long không cam lòng. Long nảy lên ý định sẽ làm một cái gì đó phù hợp khả năng của mình, giúp ích cho xã hội và để cho bộ não không bị tê liệt. Từ đó Long bắt đầu tập viết chữ bằng miệng. Gần đến ngày cưới của chị hàng xóm Long nảy ra ý định vẽ một bức tranh để tặng. Khi bắt đầu, tập cắn bút Long không điều chỉnh được bút làm rơi xuống nhà. Nhưng không lùi bước, Long nhờ mẹ nhặt bút lên và bắt đầu vẽ tiếp. Long hăng say đến nỗi cắm bút vẽ mà cứng cả miệng. Khi hoàn thành được bức tranh đầu tiên, Trần Sỹ Long nhờ mẹ mua giấy, bút màu, bút chì, và bút bi về để bắt đầu thực hiện hành trình luyện tập gian khó. Những lúc khó khăn Long thường nghĩ ra những bài thơ về cuộc đời tật nguyền của mình. Long bắt đầu tập viết chữ để tự mình ghi chép và lưu cẩn thận. Những con chữ dần dần gọn gàng, sạch sẽ trên nền giấy trắng. Nhờ có ý chí, nỗ lực của bản thân, gia đình, bạn bè cuối cùng Long đã có thể viết tốt. Long còn bắt đầu sáng tác thơ, vẽ tranh. Tết năm 2012, tình cờ Oanh, sinh viên khoa Ngoại ngữ tại Trường ĐH Đà Lạt lang thang trên mạng thì vào trang web “Chỉ vì tôi tật nguyền” của Trần Sỹ Long. Đọc những chia sẻ của chàng trai cùng tuổi, chị bắt đầu thấy cảm mến. Qua số điện thoại được giới thiệu trên trang web, Oanh gọi điện cho Long để chia sẻ. Họ quen nhau từ đó. Cách nói chuyện hóm hỉnh cùng với biệt tài làm thơ nên cô sinh viên ngày càng say mê anh. Có những hôm họ nói chuyện với nhau đến 3h sáng mới ngủ. Sau 3 tháng quen nhau thì Long nhận lời tỏ tình của cô. “Từ khi quen Oanh, tôi tiếp tục muốn sống, muốn viết" - anh chia sẻ. Tình cảm của họ ngày càng sâu nặng dù biết Long không thể ngồi, mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều không thể tự làm. Nhưng sau mấy tháng quen nhau cô sinh viên đã tìm đến nhà Long ở Xuân Phổ. Họ cùng nhau đi biển chơi. Oanh tận tình chăm sóc cho từng bữa cơm, giấc ngủ, tắm rửa và tâm sự cùng với nhau lúc về khuya. 20 ngày ở bên Oanh quá ngắn ngủi nhưng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời Long. “Gia đình Oanh biết chuyện nên phản đối kịch liệt nhưng Oanh vẫn giấu gia đình liên lạc với tôi. Nhiều lần tôi cắt đứt liên lạc vì sợ sẽ làm khổ và tổn thương Oanh nhưng cô ấy không đồng ý. Cô ấy nói “Dẫu còn quá khó khăn, nhưng em đang cảm thấy rất hạnh phúc”. Tôi rất phục tình cảm cô ấy đối với tôi”. Long nói trong niềm hạnh phúc. “Tôi sẽ cố gắng học vẽ thật đẹp, hi vọng tình yêu của tôi sẽ cho tôi cảm hứng làm nhiều thơ hơn nữa. Tôi sẽ kiếm được số tiền nho nhỏ có thêm thu nhập để gia đình đỡ vất vả và có thể giúp đỡ gia đình Oanh. Tôi hi vọng sau này sẽ xây dựng được một tổ ấm hạnh phúc”, Long tâm sự. “Từ khi yêu, tôi thấy cháu phấn khởi hơn, không bi quan với cuộc sống bệnh tật như trước. Bố Long vốn bị bệnh thoái hóa cột sống phải đi bệnh viện liên tục, tôi thì bị bệnh dạ dày hành hạ. Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Không biết rồi đây chúng tôi qua đời ai sẽ chăm sóc nó đây. Tôi không muốn làm khổ con gái nhà người ta, nhưng chúng nhất quyết yêu nhau. Hi vọng cuộc sống sẽ mỉm cười với hai đứa nó”, bà Hà - mẹ Long nhìn vào con trai và rưng rưng nước mắt. Sau 9 năm Phạm Sỹ Long đã sáng tác gần 50 bài thơ tình yêu, cuộc sống, con người, và vẽ hàng chục bức tranh, thiên nhiên hoa cỏ, đồng thời sáng tác và cải biên hơn 11 bài hát. Theo Người đưa tin