"Chia lửa" thời chiến, hợp tác và phát triển thời bình

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 19 Tháng 4 2013.

  1. (Lượt xem: 1,399)

    Sáng 18-4, tại thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 53 năm kết nghĩa và ký kết hợp tác, phát triển Ninh Bình – Bạc Liêu. Tới dự lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Nam, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo, các cơ quan ban ngành hai tỉnh và nhiều thế hệ cán bộ Ninh Bình, Bạc Liêu từng công tác tại địa phương những năm chiến tranh và sau ngày thống nhất đất nước…

    Hơn nửa thế kỷ nghĩa tình Bắc – Nam
    Ngày 23-1-1960, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, miền Nam tiến hành đồng khởi, Miền Bắc chi viện cho miền Nam thân yêu, Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã tổ chức trọng thể lễ kết nghĩa Ninh Bình- Bạc Liêu tại trụ sở Tỉnh ủy với sự chủ trì của ông Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và đại diện lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu gồm nhiều cán bộ tập kết ra miền Bắc… Tình kết nghĩa keo sơn, gắn bó nghĩa tình hai tỉnh đã đi vào câu ca truyền miệng:
    [IMG]
    “...Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn...” - Bạc Liêu tháng 10/1975, bức ảnh nổi tiếng của NSNA Võ An Khánh về tình cảm kết nghĩa Ninh Bình – Bạc Liêu
    “ Bạc Liêu kết nghĩa Ninh Bình,
    Keo sơn gắn bó nghĩa tình Bắc Nam!”

    Từ đó, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa được xây dựng mang địa danh của Bạc Liêu ở khắp nơi trong tỉnh Ninh Bình vẫn còn đến bây giờ như: Trạm bơm Vĩnh Lợi, cống Biện Nhị, cầu Chà Là, kênh Trần Văn Thời, kênh Giá Rai, đường và kênh Cà Mau, khu đồng Năm Căn, Cánh đồng Long Điền, trường cấp II Ninh Bình - Bạc Liêu, rạp hát Kim Mau… Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhân dân Kim Sơn đã dùng bổi cói xếp cao trên cống Biện Nhị quyết không để máy bay Mỹ phá hoại công trình biểu tượng của tình cảm kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu! Lớp lớp thanh niên tình nguyện nhập ngũ ra chiến trường, vào miền Nam, vào Bạc Liêu đánh Mỹ.
    Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, hai đồng chí Phạm Như Cương, Nguyễn Văn Huệ, cán bộ Ty Văn hóa- Thông tin đã tình nguyện nhận nhiệm vụ, vác máy chiếu phim vượt chặng đường hơn 2.000 cây số trực tiếp vào phục vụ quân dân Bạc Liêu ruột thịt.
    Sau ngày nước nhà thống nhất, từ năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh và qua điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thành tỉnh Minh Hải. Hai tỉnh Hà Nam Ninh- Minh Hải lại tiếp tục kết nghĩa cùng nhau xây dựng, phát triển sau chiến tranh.
    [IMG]
    Lãnh đạo hai tỉnh ký kết hợp tác, phát triển
    Nhiều cán bộ của Hà Nam Ninh, trong đó có ông Tạ Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh sẵn sàng vào Minh Hải làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều trưởng phó ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chuyên môn từ Hà Nam Ninh vào công tác tại Minh Hải. Hàng nghìn gia đình từ Hà Nam Ninh vào Minh Hải xây dựng và gắn bó lâu dài với quê hương mới được Đảng bộ, nhân dân Minh Hải nhiệt tình tiếp nhận, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện để hội nhập, sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng Minh Hải (Bạc Liêu, Cà Mau) phát triển về mọi mặt từ đó đến nay...

    Khai thác nét tương đồng trong hợp tác, phát triển
    Đồng chí Bùi Văn Nam, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình xúc động ôn lại những kỷ niệm trên và nhấn mạnh: “Hiện nay, hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu đang trên con đường phát triển mới, riêng Ninh Bình đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đến nay cao gấp 30 lần năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,5%. Tới đây, Ninh Bình sẽ phấn đấu phát triển thành tỉnh khá của Đồng bằng sông Hồng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng tình đoàn kết thuỷ chung son sắt Ninh Bình – Bạc Liêu vẫn in đậm trong trái tim và tình cảm mỗi cán bộ, nhân dân hai tỉnh. Việc tiếp tục phát huy tình cảm kết nghĩa anh em cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp có ý nghĩa to lớn”.
    Đồng chí Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu ghi nhận: “Tình cảm chí tình của người anh em Ninh Bình không phải ai cũng làm được”. Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu đã nhắc đến nhiều nhân chứng của tình cảm kết nghĩa năm xưa nay có mặt tại buổi lễ như các cán bộ thuộc đội chiếu bóng Ninh Bình – Bạc Liêu đã vượt Trường Sơn vào tận Cà Mau phục vụ cán bộ, nhân dân những thước phim về Bác Hồ, về chiến thắng bằng chiếc máy chiếu bóng do nhân dân Ninh Bình đóng góp mua tặng nhân dân Bạc Liêu. Hè năm nào lưu học sinh Bạc Liêu ở miền Bắc cũng được lãnh đạo Ninh Bình đón về động viên, chăm sóc… Nhiều lãnh đạo Bạc Liêu thời đó nguyên là lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội gác lại tình riêng, vào Bạc Liêu chiến đấu. Sau ngày hoà bình, còn có nhiều cán bộ và hơn 3.000 người dân Ninh Bình vào Bạc Liêu góp sức dựng xây, coi Bạc Liêu như quê hương thứ hai của mình.
    [IMG]
    Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tặng quà cho các gia đình liệt sĩ tỉnh Ninh Bình
    Đồng chí Võ Văn Dũng cũng phấn khởi cho biết: Trong 573 hộ gia đình Ninh Bình đang sống tại Bạc Liêu, hiện chỉ còn 3 hộ nghèo, có nhiều chủ doanh nghiệp làm ăn khá, các địa danh như Ninh Bình, Hoa Lư, Kim Sơn đã được chọn đặt tên cho các công trình ở Bạc Liêu. “Nhà thơ Lê Chí xúc động viết: “Bạc Liêu sao có phố Ninh Bình/Tên một tỉnh xa nghìn cây số/Con thuộc làu một bài vọng cổ/ Về vua Đinh – Lê – thái hậu Vân Nga”.
    Ninh Bình giúp đỡ Bạc Liêu rất vô tư nhưng Bạc Liêu coi đó là ơn nghĩa sâu nặng. Tôi mong muốn sẽ sớm có một đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Bạc Liêu ra Ninh Bình có lời cảm ơn chính thức, nhất là gia đình những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, Tự do của Tổ quốc” – Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu nói.
    Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu đã phân tích một số thành tựu, thế mạnh nổi bật của Ninh Bình như: Phát triển năng động, thu ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng mỗi năm, có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, có tới hơn 4 triệu lượng khách du lịch mỗi năm với nguồn thu từ du lịch lên tới hơn 655 tỷ đồng. Đồng chí tin tưởng rằng, Ninh Bình sẽ trở thành một tỉnh đẹp, giàu trong tốp hàng đầu của đất nước. Đồng chí cũng cho biết: “Bạc Liêu là một tỉnh nằm trên bán đảo Càu Mau, khi mới tái lập còn rất nghèo, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, hộ nghèo 29%, thu nhập bình quân chưa tới 250 USD/ người, là một trong những tỉnh nghèo nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Song sau 17 năm phấn đấu, kinh tế tăng trưởng bình quân gần 13% trong 16 năm qua, so với năm 1997, GDP tăng 7 lần, thu ngân sách tăng 9 lần, thu nhập bình quân tăng 6 lần. Đặc biệt, môi tường đầu tư năm 2012 chỉ số năng lực cạnh tranh PCI được xếp hạng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 57 bậc so với năm 2009, trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư. Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu nêu ra nhiều dự án, lĩnh vực trọng điểm đang thu hút, kêu gọi đầu tư như điện gió, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối, thương cảng và dịch vụ hậu cần nghề cá… Bạc Liêu cũng có nét tương đồng với Ninh Bình là “đi lên từ văn hoá” với việc khai thác tốt các giá trị văn hoá như đờn ca tài tử, các di tích văn hoá miền Tây Nam Bộ. Đồng chí cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bạc Liêu cho tổ chức Festival đờn ca tài tử toàn quốc lần đầu tiên vào năm 2014.
    “Tôi mong muốn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ninh Bình đến làm ăn. Tôi rất xúc động khi hôm qua đến thăm Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành. Chủ tịch Tập đoàn đã nói mình là người con của Ninh Bình – Bạc Liêu nhưng vừa qua đã đầu tư vào hơn 30 tỉnh, thành phố mà chưa đầu tư vào Bạc Liêu nên nay mai sẽ đầu tư. Chúng tôi xúc động và đón đợi nhiều doanh nghiệp Ninh Bình” – Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu nói.
    Trong không khí xúc động của buổi lễ kỷ niệm, lãnh đạo hai tỉnh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với nhiều nội dung thiết thực. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Việc ký kết này là cơ sở bước đầu cho nhiều hoạt động cụ thể, mang hiệu quả kinh tế xã hội cao trong thời gian tới. Trong đó, văn hoá là cầu nối đi trước. Hai năm một lần, hai tỉnh sẽ sơ kết, tiếp tục đề ra chương trình hợp tác phát triển mới nhân dịp các sự kiện như Lễ hội Cố đô Hoa Lư, kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Festival Đờn ca tài tử hằng năm. Còn đồng chí Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Ninh Bình thì cho rằng, việc lãnh đạo tỉnh giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư hai tỉnh là cơ quan trực tiếp triển khai, kết nối chương trình hợp tác thể hiện quyết tâm và cách làm hiệu quả, gắn với sự thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khai thác tiềm năng mỗi địa phương thông qua hoạt động kết nghĩa.
    Tại Lễ kỷ niệm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao tặng nhiều phần quà cho các gia đình liệt sĩ và 5 ngôi nhà tình nghĩa, mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng cho 5 gia đình chính sách tỉnh Ninh Bình.
    UBND tỉnh Ninh Bình đã tặng quà cho các cán bộ Ninh Bình, Bạc Liêu từng tham gia công tác tại hai địa phương trong thời kỳ kết nghĩa trước đây.
    Bài và ảnh: HÙNG MINH
    Nguồn: QĐND VN
  2. Facebook comment - "Chia lửa" thời chiến, hợp tác và phát triển thời bình

Chia sẻ trang này