Dân Hà Nội hoang mang vì cướp đường ngày càng táo tợn Tình trạng cướp giật túi xách, ví, điện thoại của người đi đường giữa thanh thiên bạch nhật ngày càng táo tợn khiến dư luận hoang mang. Chị T. Nga, một nạn nhân của bọn cướp đường cho biết, chị vừa bị giật mất túi xách cách đây ít hôm, toàn bộ giấy tờ tùy thân, đăng ký xe, thẻ ngân hàng và gần 2 triệu đồng tiền mặt trong túi đều bị mất. Một tên cướp giật bị bắt ngay trên đường. Ảnh: LĐ Chị Nga kể: “Tôi đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Giải Phóng – Trường Chinh thì bị một thanh niên đi sau húc vào đít xe. Vừa quay lại nhìn thì thằng bên cạnh cướp ngay cái túi tôi để ở ngang xe. Lúc đó là buổi trưa, đường khá vắng, tôi chưa kịp định thần để tri hô thì chúng đã phóng vút đi mất”. Chị Nga bảo vì số tiền trong túi xách không đáng kể, lại bận giờ đi làm nên chị không báo công an. Cũng chẳng hi vọng sẽ tìm lại được nên chị ngậm ngùi đi làm lại giấy tờ. “Tiền thì coi như không tính. Chỉ tiếc giấy tờ thôi, nghĩ đến cảnh đi làm lại giấy tờ mà ngán quá”, chị Nga ngậm ngùi. Cũng là nạn nhân của bọn cướp đường, chị Hồng kể, chị đang cùng nhóm bạn đi bộ trên vỉa hè thì bị hai tên cướp đi xe máy dạt vào giật mất ví tiền. “Đúng là nhanh như cướp. Mấy đồng nghiệp đi cùng cũng nhìn thấy mà chỉ kịp kêu lên chúng đã chạy mất hút rồi. Từ lần ấy rút kinh nghiệm, đi ăn trưa chỉ dám cầm ít tiền chứ không dám cầm ví ra đường nữa”, chị Hồng nói. Ra đường tránh “khoe của” Sự táo tợn của bọn cướp khiến người đi đường không khỏi hoang mang. Chị N. Thúy (Mỹ Đình, HN) chia sẻ: “Cướp bây giờ táo tợn thật đấy. Mình cũng đã từng bị cướp hụt một lần trên đường từ công ty về nhà. Mình hay đeo túi xách ở trong rồi mặc áo chống nắng bên ngoài. Chắc tên cướp không nhìn thấy quai túi nên mới giật. Theo phản xạ mình giật lại, may mà xe chỉ lảo đảo chứ không ngã”. Chị Thúy bảo, từ lần đó chị rút kinh nghiệm, không đeo túi xách trên người nữa mà cho túi vào cốp xe. “Mình kể lại nhiều người bảo liều, nhỡ tên cướp giật mạnh bị ngã xe thì không biết thế nào. Nghe nói có trường hợp vì giằng co với tên cướp mà ngã đập đầu xuống đường chấn thương sọ não. Nghĩ lại mà hãi quá. Rút kinh nghiệm từ đó túi xách, điện thoại đi ra đường là để cốp xe”, chị Thúy nói. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, đói làm liều, bọn cướp sẽ ngày càng táo tợn, tinh vi hơn. Để tránh là nạn nhân của chúng, cách tốt nhất là không “khoe của” khi đi ra đường. “Cướp bây giờ rình rập khắp nơi, ra đường là phải hết sức cẩn thận. Đi xe máy thì để đồ ở cốp xe, còn đi ăn trưa thì chỉ cầm tiền đút túi quần chứ không mang ví. Có cái dây chuyền của hồi môn mẹ cho giờ cũng chả dám đeo nữa”, chị Nga nói. Theo VietnamNet