Đề cương tuyên truyền sự kiện Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014

Thảo luận trong 'Festival Đờn ca tài tử Quốc gia - Bạc Liêu 2014' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 2 Tháng 4 2014.

  1. (Lượt xem: 2,542)

    Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 diễn ra từ 20/4 đến 25/4/2014 tại thành phố Bạc Liêu. Để tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ và tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, Tiểu ban tuyên truyền, quảng bá Festival biên tập tài liệu tuyên truyền, giới thiệu tóm tắt nội dung, mục đích, ý nghĩa của các hoạt động trong khuôn khổ Festival.

    Website Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 trân trọng đăng tải Toàn văn Đề cương tuyên truyền. (Tải Đề cương tuyên truyền tại đây)

    ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
    GIỚI THIỆU TÓM TẮT NỘI DUNG, MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA
    CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHUÔN KHỔ FESTIVAL ĐỜN CA TÀI TỬ
    QUỐC GIA LẦN THỨ NHẤT - BẠC LIÊU 2014

    Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 diễn ra từ 20/4 đến 25/4/2014 tại thành phố Bạc Liêu. Để tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ và nhân dân về sự kiện đặc biệt này, Tiểu ban tuyên truyền, quảng bá Festival biên tập tài liệu tuyên truyền, giới thiệu tóm tắt nội dung, mục đích, ý nghĩa của các hoạt động trong khuôn khổ Festival.

    I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA CÔNG VIỆC TỔ CHỨC FESTIVAL ĐCTT QUỐC GIA TẠI BẠC LIÊU

    Tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia, lần thứ nhất tại Bạc Liêu nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với du khách trong và ngoài nước. Thông qua đó, quyết tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử và phong trào Đờn ca tài tử Nam bộ trong đời sống hiện đại; góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với chủ đề “Đờn ca tài tử - Tình người tình đất Phương Nam” Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 25/4 năm 2014 tại Bạc Liêu. Nhằm tôn vinh, quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam và là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Chính phủ đã có chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất.
    Thông qua Festival nhằm tăng cường quảng bá về đất nước con người Nam bộ nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng; thu hút khách du lịch đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là cơ hội để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững của Nam bộ và của tỉnh Bạc Liêu; đồng thời cũng là hoạt động hướng tới chủ trương của Tỉnh ủy “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm vinh dự của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt của người dân Nam bộ. Tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - mục đích là nhằm để tôn vinh, để quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử không chỉ trong nước mà quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử đối với nước ngoài, đối với cộng đồng người Việt Nam ở trên thế giới; đồng thời để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này.
    Sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại tỉnh Bạc Liêu là nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân trong xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng phong cách con người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp” theo tinh thần Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia – Bạc Liêu 2014; nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về sự kiện quan trọng này; tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong tầng lớp nhân dân, biến nhận thức thành hành động cụ thể, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động của Festival.
    Các hoạt động của Festival diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó thành phố Bạc Liêu được xác định là trung tâm của các hoạt động. Các hoạt động Festival Đờn ca tài tử phải ấn tượng, độc đáo, hiệu quả mang đậm chất Nam bộ; tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi và tự hào của cán bộ và nhân dân các tỉnh Nam bộ. Các hoạt động của Festival phải thiết thực, tiết kiệm, tăng cường vận động tài trợ cho các hoạt động, góp phần giảm chi ngân sách.
    Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Festival tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ, Ngành Trung ương; các hoạt động Festival phải có sự góp mặt, hỗ trợ, cộng đồng trách nhiệm của các tỉnh, thành phố Đông và Tây Nam bộ, để Festival Đờn ca tài tử thật sự là sự kiện quốc gia, trong đó Bạc Liêu là một điểm nhấn; Festival Đờn ca tài tử quốc gia - Bạc Liêu 2014 là sự kiện văn hóa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo tồn, tôn vinh và thể hiện niềm tự hào của người dân Việt Nam khi được UNESCO vinh danh Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
    II. ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ
    Đờn ca tài tử là thuật ngữ để chỉ sinh hoạt đờn và ca của những người có tài về âm nhạc cổ truyền của dân tộc, lấy sự phối hợp trình diễn đờn, ca theo phong cách hoa mỹ, điêu luyện mà phóng khoáng, chân phương mà hoa lá, tao nhã mà ngẫu hứng với mục đích để thưởng thức, trao truyền, vui chơi, giải trí, di dưỡng tâm hồn sau giờ phút lao động giữa những người tri âm, tri kỷ với nhau. Nguồn gốc của đờn ca tài tử xuất phát và tách ra từ nhạc lễ cổ truyền, do môt số nghệ nhân nhạc lễ có lối đờn theo phong cách tao nhã sáng tạo ra, ban đầu chỉ có đờn mà không có ca, người ta gọi là nhóm đờn cây, gọi là đờn tài tử, khi xuất hiện hình thức ca thì gọi là đờn ca tài tử. Thuật ngữ “Đờn ca tài tử” có nhiều tên gọi khác nhau như âm nhạc tài tử, ca nhạc tài tử, nhạc tài tử …
    Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, Việt Nam; hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ. Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại đồng thời lưu truyền câu đối“ Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản/ Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.
    Đờn ca tài tử Nam bộ từ khi ra đời đến nay đã được các thế hệ người Việt Nam không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước. Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam bộ.
    III. ĐỜN CA TÀI TỬ BẠC LIÊU
    Trước thế kỷ XX, cổ nhạc ở Bạc Liêu đã hình thành và phát triển khá mạnh, nhưng vì còn mang tính gia truyền tự phát nên chưa phát huy được vai trò cần yếu và chức năng quan trọng của nó. Mãi đến thập niên cuối thế kỷ XIX, mới có ông Lê Tài Khí thường gọi Nhạc Khị, là người đầu tiên đứng ra thành lập ban cổ nhạc Bạc Liêu. Lúc đầu ban nhạc này chỉ có một bộ phận duy nhất là một tập thể thầy đàn chuyên phục vụ các đám ma chay, tế lễ. Theo Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển thì ở Nam kỳ lúc bấy giờ chỉ có nhạc lễ “Nam kỳ không có dàn đờn cổ nhạc Việt, chỉ có dàn nhạc lễ (tỷ dụ như ở Bạc Liêu có Nhạc Khị) thường dùng vào các đám ma, nhà héo…”
    Vài năm sau đó, để đáp ứng theo yêu cầu của một số người hâm mộ, ban nhạc của Nhạc Khị dần dần được bổ sung những người biết ca để ca phục vụ sau giờ hành lễ. Từ khi ban nhạc có thêm bộ phận ca thì phạm vi hoạt động cũng được nới rộng sang các đám cưới gả, tiệc tùng, liên hoan, khánh tiết… và cũng từ đó cái tên Đờn ca tài tử Bạc Liêu mới được dùng để gọi loại hình hòa tấu cổ nhạc “có đờn lẫn ca” để phân biệt với nhạc lễ là loại “có đờn không ca”.
    Theo thói quen của người Bạc Liêu thì không chỉ các tiệc vui như liên hoan, cưới hỏi mà cả các lễ giỗ, lễ tang đều có nhu cầu đàn ca thâu đêm suốt sáng, do vậy lực lượng ca nhạc tài tử này càng lúc càng phải củng cố thêm lực lượng để đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu càng lúc càng tăng.
    Có điều không ai ngờ là người sáng lập ra ban nhạc Bạc Liêu lại là một người tàn tật nặng, gần như một phế nhân - Nhạc Khị là một nhạc sư mù cả hai mắt lại bị liệt một bên chân. Ông đã ra công hiệu đính, hệ thống hai mươi bản tổ, phân chia làm bốn loại: Sáu Bắc, Ba Nam, Bốn Oán, Bảy Bài. Ông còn sáng tác những bản mới, bốn bản: Ngự giá đăng lâu, Minh hoàng thưởng nguyệt, Phò mã giao duyên, Ái tử kê của ông đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Tứ Bửu (bốn món báu vật).
    Từ đó sáng tác đã trở thành một phong trào, học trò ông đã theo sự hướng dẫn của ông đua nhau sáng tác, nên chẳng bao lâu ở Bạc Liêu đã có một loạt bản mới, như: Thu Phong, Dạ cổ hoài lang, Giọt mưa đêm… của Cao Văn Lầu; Liêu giang, Ngũ quan, Lý con sáo, Mẫu đơn, Thuấn hoa, Huỳnh ba, Cảnh xuân, Hòa duyên, Vạn thọ, Tam quan nguyệt, Lưỡng long, Nhật nguyệt, Xuân nữ, Tứ bửu Liêu thành… của Ba Chột; Bát man tấn cống, Cổ thi… của Bảy Kiên; Khúc ca hoa chúc, Hoài tình, Lạc xuân hoa… của Bảy Nhiêu, Hứng trung thinh, Nặng tình xưa… của Nguyễn Văn Bình; Hận tình, Đông mai, Thu cúc, Xuân lan, Hạ liên… của Trịnh Thiên Tư; Quý phi túy tửu, Sơn Đông hướng mã, Kiều nương, Giang Tô điểu ngữ, Bá hoa, Phong nguyệt, Tấn phong, Tân xái phỉ, Sương chiều, Tú Anh… của Mộng Vân; Đăng sơn lãm thủy, Uyên ương hội vũ, Phục dược hồ… của Hai Thơm;Vọng cổ nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa; Phước châu, Tùng lâm dạ lãm, Sáu câu Vọng cổ nhịp 32 của Trần Tấn Hưng ..v..v.. Tổng cộng khoảng hơn 50 bản. Đặc biệt, bản Vọng cổ sau khi ra đời đã phát triển rất mạnh, chẳng bao lâu đã chiếm một vị thế quan trọng trong đờn ca tài tử từ trong nước đến các nước ngoài, người ta còn gọi Vọng cổ là bài ca “vua” trên sân khấu cải lương.
    Về phần bài ca (lời ca), có nhiều bài mới nói về lịch sử, gồm những nhân vật lịch sử, những tấm gương yêu nước, như: Thỉ Tổ Hồng Bàng (Lưu thủy trường), An Dương Vương (Phú lục), Nhà Triệu nước Nam (Bình bán chấn), Hai Bà Trưng (Xuân tình), Tiền Lý Nam Đế (Tây thi), Hậu Lý Nam Đế (Cổ bản), Đinh Tiên Hoàng (Xàng xê)… Hoặc những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đã phản ánh trung thực những hình ảnh có thật trong xã hội lúc bấy giờ: Chinh phụ thán (Liêu giang), Đứa trẻ mồ côi (Liêu giang), Con tế mẹ (Ngũ quan), Gửi cha mẹ cho vợ đặng ra đi (Tam quan nguyệt), Trách con lêu lổng (Tô Vũ mục dương), Dạ cổ hoài lang (Dạ cổ hoài lang), Mừng khi gặp bạn (Thu phong), Tiếng chuông tảo mộ (Hứng trung thinh), Sầu chinh phụ (Hoài tình), Văng vẳng tiếng chuông chùa (Vọng cổ nhịp 8), Khóc mồ bạn (Vọng cổ nhịp 16)…
    Hầu hết bài ca cổ trong tiền bán thế kỷ đều là tác phẩm của hai soạn giả: Trịnh Thiên Tư và Mộng Vân, một số bài của các cụ: Cao Văn Lầu, Lư Hòa Nghĩa, Lê Kim Hải (Sáu Hải)…
    Điểm đặc biệt là trong thời kỳ này ở Bạc Liêu có hàng trăm bản mới ra đời và nhiều bản cũ được cải tiến nhưng đa số đều đã trở thành những bản nòng cốt của cổ nhạc Nam bộ, nhất là điệu Vọng cổ thì không thể thiếu trên sân khấu cải lương hay bất cứ buổi đờn ca tài tử nào. Những bài ca thuộc loại “tình cảm ướt át” ít thấy xuất hiện, có chăng chỉ có một số bài ca Vọng cổ của Trịnh Thiên Tư như Tìm bạn lạc loài, Huyền Trân tủi phận, Gióng chuông cảnh tỉnh, Đưa chồng ra mặt trận, Trông chồng nơi biên ải… Các bài ca cổ nhạc ở Bạc Liêu trong những thập niên đầu thế kỷ đều tập trung vào việc phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống anh hùng nhưng hòa ái của người dân đất Việt. Bên cạnh đó lại có nhiều bài ca mang những hình ảnh đặc trưng của xã hội Nam bộ trong thời thuộc Pháp. Tất cả bài ca cổ này đã đóng góp rất tích cực trong việc cổ vũ tinh thần yêu nước của mọi người. Người thừa kế của Nhạc Khị ngày càng đông, phong trào đờn ca tài tử ngày càng rộng thì sự cổ vũ ngày càng tích cực và có hiệu quả.
    Từ sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ diễn tấu tại Hội chợ Thế giới Paris (Pháp) năm 1900 và Hội chợ đấu sảo thuộc địa ở Marseille (Pháp) năm 1906, bộ môn nghệ thuật này được nhiều người chú ý, một số những người giàu và có địa vị lúc bấy giờ đã tỏ ra quan tâm. Các cuộc Hội chợ ở Sài Gòn tiếp theo sau đó đều có sự hiện diện của đờn ca tài tử, nở rộ nhất là thập niên 30 của thế kỷ XX, họ tổ chức nhiều cuộc giao lưu qua hình thức thi “ca nhạc tài tử” giữa các tỉnh thành với nhau. Lực lượng nghệ thuật gây sự chú ý nhất lúc ấy là Bạc Liêu và Cần Đước, nên mới có câu “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước”, câu nói còn lưu truyền tới nay. Nghệ sĩ Bảy Kiên, cô Ba Vàm Lẽo đã nổi tiếng qua những lần hội chợ này. (Người ta gọi Bảy Kiên là Đệ nhất danh ca và cô Ba Vàm Lẽo là Nữ hoàng Nam Ai).
    Một đóng góp rất quan trọng khác, đó là sự ra đời của dây Vọng cổ Bạc Liêu, làm tiền đề cho các dây Rạch Giá, dây Sài Gòn, dây Lai, dây Ngân Giang, dây Tứ Nguyệt,… để bản Vọng cổ càng ngày càng phát triển.
    Nói tóm lại, phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu ngay từ đầu thế kỷ XX đã chiếm được một vị trí lớn trong nền ca nhạc Nam bộ và cứ phát triển theo thời gian càng lúc càng rộng, nó là công cụ rất tốt để cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân cũng vừa là cơ sở để hình thành các phong trào ca ra bộ và sân khấu cải lương sau này. Nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) cũng đã xác nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị cũng là người Bạc Liêu, con ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…”. (Ba Vân, Kể chuyện Cải lương, Nxb TP. HCM - 1988, trang 187).
    IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA FESTIVAL
    1. Triển lãm Sinh vật cảnh
    Triển lãm Sinh vật cảnh nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các tổ chức Hội, Câu lạc bộ và nghệ nhân tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm Sinh vật cảnh để giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh nhằm tăng khả năng hội nhập, giao lưu, phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao, kinh doanh mở rộng thị trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
    Vận động sự tham gia đông đảo, tích cực của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà vườn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Sinh vật cảnh của tỉnh và các tỉnh bạn. Huy động tối đa nhằm tạo ra nhiều sản phẩm Sinh vật cảnh có tính nghệ thuật cao, phong phú, hấp dẫn,… xem đây là một trong những hoạt động quan trọng tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần làm nên sự thành công của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.
    2. Hội chợ Thương mại - Du lịch
    Hội chợ Thương mại - Du lịch nhằm quảng bá những thành tựu kinh tế - xã hội, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh về du lịch; các tour, tuyến du lịch; giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền, hàng hóa thương mại và là kênh thông tin cho các đối tác mở rộng thị trường, mời gọi đầu tư và ký kết hợp đồng thương mại.
    Thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cả nước đến tham gia hội chợ để trưng bày, giới thiệu và quảng bá thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, cung ứng vật tư hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; tạo cơ hội cho nhân dân trong tỉnh và du khách đến tham dự Festival tham quan mua sắm và vui chơi giải trí; Tạo cơ hội xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh, thành khu vực Đông - Tây Nam bộ, thúc đẩy hoạt động giao thương, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài vùng.
    3. Lễ hội ẩm thực Nam bộ
    Nhằm tôn vinh nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của vùng Nam bộ nói chung và giới thiệu các món ăn đặc sản của Bạc Liêu, tạo điểm nhấn thu hút du khách tham quan thưởng thức ẩm thực. Đây là dịp để các doanh nghiệp, các nhà hàng ẩm thực tại địa phương và các tỉnh Đông - Tây Nam bộ tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, tăng cường giao lưu, hợp tác trao đổi văn hóa ẩm thực các vùng miền.
    4. Chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang
    Nhằm tri ân và ghi nhận công lao của soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang đã có công đóng góp vào sự phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương nói chung và sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Thông qua đó nhằm quảng bá về truyền thống văn hóa, nghệ thuật của quê hương Bạc Liêu; giáo dục, động viên nhân dân tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển sân khấu cải lương của tỉnh.
    5. Cuộc thi sáng tác ảnh thời sự nghệ thuật
    Nhằm quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, con người Bạc Liêu trên chặng đường xây dựng và phát triển với chủ đề “Đất Bạc Liêu” và “Khoảnh khắc Festival Đờn ca tài tử Nam bộ”. Đồng thời ghi lại đầy đủ những khoảnh khắc để kịp thời giới thiệu hình ảnh chuỗi sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 phục vụ đại biểu, du khách và nhân dân đến dự lễ hội.
    6. Cuộc thi sáng tác lời mới bài bản tài tử (20 bản tổ), sáng tác vọng cổ và ca khúc
    Nhằm thu hút và khuyến khích các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh tham gia sáng tác lời mới bài bản tài tử (20 bản tổ), sáng tác vọng cổ và ca khúc góp phần thúc đẩy sự nghiệp văn học - nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu phát triển. Nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi truyền thống của quê hương Bạc Liêu; sự đổi mới của quê hương Bạc Liêu với những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh sau 17 năm xây dựng và phát triển.
    7. Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ
    Tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời cũng góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
    Tổ chức không gian Đờn ca tài tử nhằm tạo ra sân chơi để các nghệ sỹ, nghệ nhân giao lưu và biểu diễn phục vụ du khách tham dự Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.
    8. Triển lãm nhạc cụ dân tộc
    Góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
    Triển lãm nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; Tôn vinh nét văn hoá truyền thống đặc sắc, động viên khích lệ nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới của đồng bào các dân tộc trong lĩnh vực âm nhạc.
    9. Khánh thành Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
    Việc xây dựng Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nhằm giáo dục truyền thống Văn hóa - Nghệ thuật cho nhân dân và quảng bá với du khách nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
    10. Hoạt động xúc tiến đầu tư
    Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư là cơ hội để tỉnh Bạc Liêu thu hút khách du lịch đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là cơ hội để các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ giới thiệu những thành tựu nổi bật trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
    Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư là nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa về con người Bạc Liêu; thông tin, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, với tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành trong khu vực Đông - Tây Nam bộ, góp phần tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.
    11. Giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”
    Thông qua tác phẩm báo chí dự thi để khẳng định những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng sau 17 năm tái lập tỉnh. Đặc biệt những dấu ấn từ sau đại hội đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XIV đến nay về đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; xây dựng nông thôn mới; về xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư; gia đình văn hóa, về thể thao - du lịch - văn hóa nghệ thuật, an sinh xã hội; chính sách đền ơn đáp nghĩa; xây dựng hệ thống chính trị; bảo đảm an ninh trật tự xã hội, giao thông, giữ vững an ninh quốc phòng…; mô hình hoặc những điển hình tiêu biểu của cá nhân, đơn vị luôn năng động sáng tạo vượt qua khó khăn nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh, quản lý… góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời khẳng định vị thế phong trào Đờn ca tài tử, mà Bạc Liêu là một trong những cái nôi vọng cổ của Nam bộ và cả nước.
    12. Khánh thành Quảng trường Hùng Vương, tượng đài sự kiện Mậu Thân, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, trung tâm triễn lãm Văn hóa - Nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu
    Việc xây dựng công trình Quảng trường Hùng Vương, tượng đài sự kiện Mậu Thân, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, trung tâm triễn lãm Văn hóa - Nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức thẩm mỹ, nghệ thuật và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thông qua đó góp phần tạo điểm nhấn trong tổng thể không gian kiến trúc đô thị và làm tăng thêm vẻ mỹ quan cho thành phố Bạc Liêu, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ hôm nay và mai sau.
    13. Chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang
    Tổ chức chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang là nhằm phát hiện, lựa chọn những tài năng trẻ của sân khấu cải lương để có kế hoạch chăm bồi trở thành lực lượng nghệ sĩ kế thừa, là dịp các thế hệ nghệ sĩ sân khấu cải lương chuyên nghiệp được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để nâng cao tay nghề; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
    14. Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”
    Hội thảo khoa học nhằm góp phần “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”, một loại hình nghệ thuật đặc sắc vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thảo mang tầm cỡ quốc gia, với sự lan tỏa của Đờn ca tài tử Nam bộ trong công chúng, trong không gian văn hóa Nam bộ từ xưa cho đến nay, đồng thời góp phần định hướng giải pháp bảo tồn và phát triển phong trào Đờn ca tài tử Nam bộ gắn với phát triển văn hóa du lịch của Bạc Liêu và các tỉnh thành có di sản Đờn ca tài tử.
    Thông qua hội thảo góp phần thiết thực để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sỹ trong cả nước có cơ hội tìm hiểu, để trao đổi nâng cao và mở rộng những hiểu biết về Đờn ca tài tử Nam bộ từ truyền thống đến hiện đại.

    V. MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẠC LIÊU
    1. Về vị trí - địa lý và điều kiện tự nhiên
    Bạc Liêu là tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với bờ biển dài 56 km. Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng với những cánh đồng rộng, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa nắng và mùa mưa.
    Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899, chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1900. Năm 1956, tỉnh Bạc Liêu nhập vào tỉnh Ba Xuyên. Năm 1973, tỉnh Bạc Liêu được tái lập. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, tỉnh Bạc Liêu nhập vào tỉnh Minh Hải. Ngày 06 tháng 11 năm1996, tỉnh Bạc Liêu được tái lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1997. Danh xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”. Một giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri - chaume (đánh cá và cỏ tranh). Ngoài ra còn một số giả thiết khác.
    Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.570 km2 bằng 1/16 diện tích của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; với dân số 874.107 người (tính đến năm 2013). So với 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích Bạc liêu thuộc loại trung bình, đứng vào hàng thứ 7, nhưng dân số đứng vào hàng thứ 11, gồm các dân tộc chính là kinh, Khmer và người Hoa chung sống cùng nhau trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong đó người Kinh chiếm 89,9%, Khmer 7,66% và Hoa 2,34%. Dân số thành thị chiếm 26,53%, dân số nông thôn chiếm tỷ lệ 73,47% so với dân số toàn tỉnh. Đơn vị hành chính tỉnh hiện tại gồm 7 đơn vị hành chính là: Thành phố Bạc Liêu trung tâm tỉnh lỵ và 6 huyện gồm: Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Giá Rai, Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân. Tỉnh đang lập hồ sơ trình Trung ương nâng huyện Giá Rai thành thị xã vào năm 2015.
    [IMG]
    Bản đồ hành chính tỉnh Bạc Liêu
    Từ xa xưa, Bạc Liêu đã nổi tiếng là một miền đất trù phú, thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa, có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để phát triển ngành kinh tế biển, nông - ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Thế mạnh của tỉnh là nông – ngư nghiệp, với diện tích canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khá lớn, cùng với thềm lục địa tương đối rộng và một ngư trường rộng trên 40.000km2.
    Bạc Liêu là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hoá, đặc biệt là sự giao thoa giữa 3 dòng văn hoá của người Kinh, người Khmer và người Hoa đã tạo nên cho vùng đất này một diện mạo văn hóa riêng. Đó là những nề nếp sinh hoạt ăn, mặc, ở, đi lại, đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên và ngoại xâm…, tất cả đã tạo nên tính cách cũng như những nét độc đáo của con người Bạc Liêu. Trong giao tiếp, người Bạc Liêu rất hiếu khách, trọng nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, hào hiệp. Trong sinh hoạt, người Bạc Liêu rất cần cù; phóng khoáng. Người Bạc Liêu rất yêu nghệ thuật, đặc biệt là bản vọng cổ và đờn ca tài tử Nam bộ; Bạc Liêu là nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ, là quê hương của bản Vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu và làn điệu hò chèo ghe Bạc Liêu,… Trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, người dân Bạc Liêu luôn dũng cảm, kiên trung, thể hiện qua những chiến tích oai hùng quật khởi chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp được ghi lại đến ngày nay như cuộc nổi dậy của nông dân ở Ninh Thạnh Lợi, Đồng Nọc Nạng. Cùng những người anh hùng của Bạc Liêu trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc đã được ghi lại thành tên đất, tên đường phố như: Trần Kim Túc, Mười Chức, má Nguyễn Thị Mười, Trần Hồng Dân, Lê Thị Riêng, Phùng Ngọc Liêm, Trần Huỳnh, Nguyễn Công Tộc,… còn vang mãi trong ký ức của người dân Nam Bộ như khúc ca hùng tráng về lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân Bạc Liêu nói riêng và của người dân Nam Bộ nói chung.
    2. Về kinh tế
    Khi được tái lập tỉnh lần thứ 2 (năm 1997), tỉnh Bạc Liêu có xuất phát điểm rất thấp so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với những bộn bề khó khăn của một tỉnh nghèo, nhưng với khát vọng vươn lên của Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu đã không ngừng phấn đấu, vượt qua vô vàn khó khăn, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh chấn hưng tỉnh nhà, đến nay tỉnh đã đạt được những thành tựu vượt bậc về các mặt kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng. Nền kinh tế tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn (2000 – 2010) là 11%, giai đoạn 2010 đến nay tăng trưởng bình quân là 12%. Quy mô kinh tế không ngừng lớn mạnh.
    [IMG]
    Bình minh trên công trình Điện gió Bạc Liêu
    Tổng sản phẩm trong tỉnh khi mới tái lập trên 1.660 tỷ đồng (theo giá cố định) thì đến năm 2013 đã lên đến gần 12.000 tỷ đồng gấp 7,2 lần chỉ trong vòng 15 năm qua. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng của khu vực nông nghiệp khi chia tách tỉnh còn chiếm trên 70% thì đến năm 2013 đã giảm xuống 50,6%, nhường chỗ cho công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 34,3 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28% xuống 9,8% năm 2013. Các chỉ số về phát triển thiên niên kỷ của quốc gia thì Bạc Liêu đều đạt và vượt trước mục tiêu đề ra năm 2015 như: Tỷ lệ giảm đói nghèo, tình trạng mù chữ, số người dùng nước sạch, giảm tỷ lệ sinh, chăm sóc sức khoẻ sinh sản…. đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, bộ mặt thành thị và nông thôn không ngừng thay đổi từng ngày.
    Ngày xưa du khách biết đến với Bạc Liêu là vựa lúa, vựa tôm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì ngày nay tỉnh đã quy hoạch lại. Nội địa được chia làm 2 vùng sản xuất rõ rệt, vùng Bắc và vùng Nam Quốc lộ 1A, trở thành các vùng chuyên canh lớn:
    - Vùng Bắc được quy hoạch là vùng sản xuất chuyên lúa ổn định với diện tích canh tác 54.800 ha. Nơi đây những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP,… đã được hình thành, sản xuất ra những loại lúa đặc sản, lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu, như: Lúa chất lượng cao, Một bụi đỏ, Tài nguyên,…. thơm ngon nổi tiếng khắp vùng, bảo đảm cho an ninh lương thực và xuất khẩu; sản lượng lúa năm 2013 đạt 990.500 tấn, tăng 473.090 tấn so với năm 1997.
    [IMG]
    Cánh đồng lúa chín vàng
    - Vùng Nam được xác định là vùng nuôi trông thủy sản và làm muối, trong đó có 15.000 ha chuyên nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp, còn lại là diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến; hình thành một số mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả cao, như: Nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kín của Công ty Hải Nguyên, với quy mô 60 ha, năng suất bình quân từ 150 đến 200 tấn/ha/năm; nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh theo hướng VietGAP;…đã góp phần nâng sản lượng thủy sản tăng lên nhanh chóng từ 50 nghìn tấn năm 1997 lên 263 nghìn tấn năm 2013. Diện tích muối giữ ổn định 2.500 ha, Bạc Liêu là nơi cung cấp một số lượng muối khá lớn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày xưa các văn nghệ sĩ thường hay nói vui rằng về Bạc Liêu là về “ Tỉnh Muối”, quả thật như vậy. Muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất; hiện nay Muối Bạc Liêu đã được ghi vào sách chỉ dẫn địa lý và công nhận thương hiệu của Quốc gia.
    [IMG]
    Ao nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp
    Công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu cũng có bước phát triển đáng kể. Hiện nay toàn tỉnh có 33 nhà máy chế biến thủy sản với công suất trên 100 ngàn tấn/năm; hàng trăm cơ sở xay xát lúa gạo, trong đó có Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu công suất 200.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến muối Iốt xuất khẩu công suất 10.000 tấn/năm;…. Với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của tỉnh nên đã có nhiều nhà đầu tư đến với Bạc Liêu đầu tư vào chế biến nông thủy sản, giầy da, may mặc, bao bì, bia và nước giải khát, đặc biệt dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thực tế đã và đang đóng góp giá trị sản lượng, mức tăng trưởng đáng kể cho ngành công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh tăng bình quân trong thời kỳ 2006 – 2010 là 12%, giai đoạn 2011 – 2015 là 19%. Đạt giá trị sản lượng 5.800 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 377 triệu USD.
    [IMG]
    Giao thông Khu hành chính tỉnh Bạc Liêu
    3. Về xây dựng kết cấu hạ tầng
    Kết cấu hạ tầng giao thông là huyết mạch của phát triển kinh tế - xã hội nên được Tỉnh Ủy, HĐND - UBND Tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Nếu cách đây khoảng 20 năm trở về trước, hành khách về các vùng nông thôn của tỉnh Bạc Liêu đi chủ yếu bằng phương tiện đường thủy, thì ngày nay hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư kết nối khá hoàn thiện. Đường thủy chỉ còn sử dụng cho vận tải hàng hóa.
    Về đường bộ vẫn là hệ thống giao thông quan trọng chủ yếu của tỉnh: Hiện nay tỉnh có 3 tuyến Quốc lộ chạy qua:
    + Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh dài 63 Km.
    + Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 52 Km.
    + Tuyến Nam Sông Hậu đoạn qua tỉnh dài 12,3 Km.
    Hệ thống đường tỉnh đã được đầu tư gồm các tuyến Giá Rai – Gành Hào, đường Cầu Sập – Ninh Quới – Ngan Dừa; Giá Rai – Phó Sinh – Cạnh Đền; Hộ Phòng – Chủ Chí (có thể gọi là đường trục ngang) kết nối với các tuyến Quốc lộ, cùng với 07 tuyến đường huyện, tạo thành mạng lưới giao thông đi lại giữa các vùng nông thôn với các tỉnh trong vùng khá thuận lợi.
    Về đường thủy, vùng đất Bạc Liêu có sông ngòi chằng chịt nhưng nhỏ và bị bồi lắng nên phục vụ cho giao thông vận tải không nhiều. Trong thời Pháp thuộc đã đào một số kênh (Đào trong thời kỳ từ 1915-1931), ngày nay các con kênh này đã trở thành một số tuyến giao thông đường thủy chủ yếu như: Kênh Xáng Cà Mau – Bạc Liêu, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cầu Sập đi Ninh Quới – Ngan Dừa, Giá Rai – Phó Sinh, Hộ Phòng – Chủ Chí; kênh tự nhiên hiện nay là đường giao thông chính chỉ còn tuyến Bạc Liêu – Vĩnh Châu và Cổ Cò.
    Hạ tầng thông tin liên lạc được đầu tư khá hiện đại. Mạng lưới thông tin di động và Internet kết nối đến từng xã, ấp đáp ứng nhu cầu thông tin của tỉnh. Hệ thống mạng lưới điện đã được xây dựng các tuyến trung, hạ thế phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt – hiện nay có 98% số hộ có điện sinh hoạt.
    Hệ thống cấp thoát nước phục vụ cho thành thị và các vùng nông thôn cũng đạt được thành tựu đáng phấn khởi. Đến nay đã có 98% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
    Các cơ sở y tế giáo dục được đặc biệt quan tâm đầu tư. Hiện tại có 1 Bệnh viện đa khoa tỉnh với 800 giường; Bệnh viện tuyến huyện đã được xây kiên cố ở 5 trung tâm các huyện có công suất từ 100 – 200 giường; mỗi xã đều có trạm y tế đủ khả năng khám và chữa bệnh cho người dân. Bạc Liêu cũng có thể coi là một cực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề của Khu vực; hiện tại tỉnh có 06 trường công lập hệ Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, hàng năm đào tạo gần 8.000 học viên, sinh viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở trường học lớp học được xây dựng khang trang, tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 62% số phòng học.
    Thành phố Bạc Liêu là đô thị loại III. Trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá khoa học kỹ thuật của tỉnh Bạc Liêu. Hạ tầng đô thị trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư, 06 tuyến đường trục hướng tâm, 04 tuyến đường trục xuyên tâm, các đường phố nằm trong trung tâm gồm 21 tuyến phố chính. Hầu hết đã được nâng cấp và đầu tư mới hoàn chỉnh theo hướng xanh sạch đẹp văn minh. Trung tâm hành chính tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang hơn, nhiều công trình công cộng, văn hóa phúc lợi được hình thành tạo dáng vẻ bề thế, văn minh, có chiều sâu văn hóa và ý nghĩa lịch sử, như: Quảng trường Hùng Vương, tòa nhà Tower; Trung tâm triễn lãm văn hóa, văn học – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; Tượng đài sự kiện Mậu Thân;… nhiều khu đô thị mới được hình thành và phát triển nhanh như khu địa ốc, khu dân cư phường 2, khu dân cư phường 5, khu dân cư Bến xe – bộ đội Biên phòng, Tràng An,… Về quy mô đô thị của thành phố đã được mở rộng gấp 3 lần so với trước đây. Hiện nay, tỉnh đang lập hồ sơ để trình Trung ương công nhận là thành phố loại II trực thuộc tỉnh vào cuối năm 2014.
    [IMG]
    Trung tâm Triển lãm văn hóa – Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu
    Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển và khai thác các thiết chế văn hóa; không ngừng phát huy thế mạnh về văn hóa, văn nghệ làm yếu tố chủ đạo để phát triển du lịch, ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của Bạc Liêu; xây dựng phong cách người Bạc Liêu trân trọng, hiếu khách, văn minh, lịch thiệp, phát huy tính cách phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, trọng tình của người Bạc Liêu. Nâng cao văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa du lịch, văn hóa đối ngoại cho cán bộ và người dân; tạo dựng và phát huy sự thân thiện, chân tình giữa những người dân với nhau và với khách du lịch, với nhà đầu tư, với bạn bè trong nước và ngoài nước tạo nên “Sức hấp dẫn rất Bạc Liêu” nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch, đưa Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và cả nước; xem đây là cách đi lên từ đặc điểm riêng có của tỉnh “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”.
    4. Về Di tích - thắng cảnh
    Mặc dù được hình thành vào đầu thế kỷ 18 (1708) nhưng vùng đất Bạc Liêu đã ghi nhiều sự kiện trọng đại từ ngày đầu khai hoang mở đất, cũng như trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Những di tích lịch sử vẫn còn đó, khắc ghi dấu ấn một thời sống chiến đấu hào hùng của cha ông. Không chỉ vậy Bạc Liêu còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khơmer, họ chung sống lao động và tạo nên những công trình văn hóa nổi tiếng góp thêm vẻ đẹp cho vùng đất này, là thế mạnh cho phát triển ngành du lịch của tỉnh Bạc Liêu ngày nay.
    Trước hết phải kể đến di tích Tháp cổ Vĩnh Hưng cách thành phố Bạc Liêu khoảng 20 Km về hướng Tây Bắc, tại ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Là công trình kiến trúc nghệ thuật có niên đại dịch ra từ bia đá 892 sau công nguyên. Từ những cổ vật được phát hiện nơi đây đã kể lại câu chuyện đời mình và những ngày vàng son của nền văn hóa Óc – eo đã mất. Tháp đã trải qua bao thế kỷ tồn tại và cũng có bao nhiêu tên gọi khác nhau – Tháp Trà Long, Tháp Lục Hiền – là tên của hai vị sư trụ trì giữ gìn nơi đây. Nhưng ngày nay, mọi người quen gọi với cái tên Tháp Cổ Vĩnh Hưng, bởi vì Tháp có dáng vẻ cổ xưa và đã được liệt vào danh mục di tích quốc gia (theo danh mục di tích hiện nay).
    [IMG]
    Tháp cổ Vĩnh Hưng
    Vườn nhãn cổ Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông - xã Hiệp Thành, đã có từ 200 năm nay trên dòng cát tại thành phố Bạc Liêu với những cây nhãn cổ thụ, trong vườn nhãn còn có cây nhãn rất to, gốc nhãn hai người ôm cũng không xuể, đó chính là cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng. Tuy vậy, cây vẫn rất tươi tốt và sum sê trĩu quả. Hương vị thơm ngon của từng trái nhãn khiến cho người ăn không thể nào quên, đặc biệt là loại Thanh nhãn thơm ngon nổi tiếng khắp vùng. Cũng trên dãy đất này, có cây xoài trên 300 tuổi vẫn vươn lên xanh tốt cùng với thời gian và gió biển. Không những là rừng trái cây bổ dưỡng đây còn là khu du lịch sinh thái tuyệt vời cho du khách khi đến thăm.

    [IMG]
    Vườn nhãn Bạc Liêu
    Đồng Hồ Thái Dương là sản phẩm của nhà bác vật đầu tiên ở Việt Nam, ông Lưu Văn Lang (1880-1969) xây dựng bằng gạch và xi – măng, không dùng bất kỳ máy móc nào. Trên mặt đồng hồ 12 chữ số La Mã báo giờ theo bóng nắng mặt trời rất chính xác so với đồng hồ hiện đại ngày nay. Đây là di tích kỳ thú được chế tạo từ thế kỉ XIX sau khi tỉnh Bạc Liêu được thành lập.
    [IMG]
    Đồng hồ Thái Dương
    Quần thể nhà Công tử Bạc Liêu được tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu là địa chỉ không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào đặt chân tới Bạc Liêu. Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch, cha của Trần Trinh Huy - người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng năm 1919, tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh và lối cầu thang lên lầu, được coi là bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ, do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng; có nhiều vật liệu phải chở từ bên Pháp sang. Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó. Công tử Bạc Liêu Ba Huy nổi tiếng vì những giai thoại ăn chơi bạt mạng…. Là người hào hoa phong nhã, cách ăn chơi của Ba Huy cũng nức tiếng với nhiều giai thoại như chuyện Ba Huy đã từng đốt tiền nấu chè “thi gan” với công tử Phước (Phước Georges, người xứ Mỹ Tho, con trai Đốc phủ sứ Sảng). Công tử Bạc Liêu đã từng “náo loạn” tại Đại Thế Giới, là khách quen của hầu hết các nhà hàng sang trọng lúc bấy giờ tại Sài Gòn. Ba Huy đã từng bao cả nhà hàng một đêm để đãi duy nhất một... người đẹp. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng.
    [IMG]
    Nhà công tử Bạc Liêu
    Bạn muốn ngắm nhìn từng đàn chim bay về tổ? Hay muốn tận hưởng không khí mát dịu trong lành của khu rừng còn nguyên nét hoang sơ? Bạn sẽ thấy tất cả khi đến thăm vườn chim Bạc Liêu, một khu vườn còn đậm nét thiên nhiên hoang dã. Cùng với một Bạc Liêu khỏe khoắn, giàu tiềm năng… tạo nên một bức tranh sinh động và đầy màu sắc. Chỉ cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 6 km về hướng biển, nhưng vườn chim như tách biệt hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt của một thành phố bận rộn. Vườn Chim Bạc Liêu (người xưa còn gọi là sân chim) có diện tích 126,7 ha(trong đó, rừng tự nhiên 40,3ha và rừng trồng 63,5ha) được bảo vệ và giữ gìn từ khi khai phá đến nay. Đây là cảnh quan hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bạc Liêu và cũng là thảm rừng ngập mặn quí hiếm còn sót lại ở Việt Nam, là nơi cư trú của 104 loài chim, thuộc 33 họ và 11 bộ với 40 – 50 ngàn cá thể chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm như Giang Sen, Điên Điển, Cò Ruồi,…; 96 loài cá nước ngọt và nước lợ; 21 loài bò sát; 16 loài thú và một số động vật khác cùng với quần thể cây cối như chà và, vẹt, đước, sáng, choại… Trong Nghị quyết của Tỉnh ủy Vườn Chim được xem là một trong ba điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh hiện nay đã được đầu tư để thu hút khách đến tham quan.
    [IMG]
    Vườn chim Bạc Liêu
    Nằm ngay trong lòng thành phố Bạc Liêu, khu du lịch Hồ Nam có vị trí đắc địa về mặt phong thủy, phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn, du khách sẽ choáng ngợp và bị chinh phục bởi một hồ nước rộng đến 12ha bốn bề lộng gió. Khu du lịch Hồ Nam được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các dịch vụ vừa hiện đại, vừa độc đáo mang đậm tính dân dã truyền thống của Bạc Liêu xưa, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.
    [IMG]
    Khu du lịch Hồ Nam
    Khu Quán Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải) được xây dựng gần cửa biển Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát, là một công trình kiến trúc – văn hóa – tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu. Tượng Phật Bà cao 11m, xoay mặt ra biển Đông, trở thành trung tâm giữa đất liền và biển lớn, bát ngát cây xanh nước mặn bao lấy bờ biển tạo nền cho bức tượng trắng đứng sừng sững trên đài sen hồng. Tháng 3(âm lịch) hàng năm đều diễn ra lễ hội Vía Bà, kéo dài trong 03 ngày từ ngày 22 đến ngày 24, đây là lễ hội lớn thu hút rất đông tăng ni, phật tử, du khách và người dân khắp nơi về dự.
    [IMG]
    Phật Bà Nam Hải
    Các chùa, đình và các đền thờ được xây dựng rất nhiều nằm rãi rác theo các cư dân địa phương để ghi nhớ các công lao của các vị anh hùng, các hiền nhân có công lao xây dựng nên quê hương xứ sở Bạc Liêu theo dòng văn hóa tín ngưỡng của từng dân tộc Kinh – Hoa – Khơmer như: Chùa Vĩnh Đức, Chùa Long Phước, Chùa Xiêm Cán, Chùa Giác Hoa; Đình thần Nguyễn Trung Trực, Đình Tân Hưng,… Ngày nay tỉnh Bạc Liêu tôn tạo Đền thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh cách Thành Phố Bạc Liêu 15 km về hướng Bắc với khuôn viên 6.000 m2 và trưng bày 300 tài liệu và hiện vật từ những năm 1969 đến nay; khu di tích Đồng Nọc Nạng, khu di tích Ninh Thạnh Lợi, khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam bộ và cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu… là những di tích và cảnh quan du lịch rất có ý nghĩa.
    [IMG]
    Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Bên cạnh những dấu tích vật thể thì Bạc Liêu còn in đậm nét văn hóa phi vật thể được lưu giữ đến nay như các lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền… Ở Bạc Liêu có lễ Kì Yên là lễ cúng đình lớn nhất trong các lễ dân gian, nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, xóm làng yên vui. Thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ Thượng Ngươn, Trung Ngươn và Hạ Ngươn là những lễ hội phật giáo, diễn ra vào rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10. Lễ hội đầu năm mới của người Khơmer (Chol-chnam-thmây) diễn ra vào giữa tháng 3 âm lịch. Lễ Don Ta là ngày lễ tết thứ 2 của người Khơmer được tổ chức tại các chùa nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và người có công. Lễ Hội Đền Thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại đền thờ vào ngày 19/5 và ngày 2/9 hàng năm. Ngoài ra còn có các lễ hội như: Lễ giỗ cổ nhạc của giới văn nghệ sĩ đờn ca tài tử Nam bộ và cải lương; người Khmer còn có lễ hội cúng trăng; người Hoa và người Kinh có lễ hội cúng thanh minh.
    5. Về văn hóa ẩm thực của cư dân Bạc Liêu vừa mang sắc thái dân tộc và yếu tố bản địa vùng miền. Các món ăn hầu hết có nguyên liệu (rau củ, tôm, cua, cá… xuất xứ từ địa phương với 3 vùng sinh thái (nước mặn, ngọt, lợ) theo hình thức “mùa nào thức nấy”, “cây nhà lá vườn”. Việc pha chế, nấu nướng khá cầu kỳ do sự ảnh hưởng của người Hoa (món ăn thường ăn nóng, nhiều mỡ,..), ảnh hưởng người Ấn (món ăn thường cay, ngọt – ví dụ món bò cay), món ăn mang sắc thái dân dã Nam bộ (bánh xèo, cá lóc nướng trui…) cộng với các loại rau tại chỗ; các sản vật có tại chỗ…), món ăn đậm chất dân tộc Khmer (bún mắm nước lèo,…). Văn hóa ẩm thực Bạc Liêu còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, trong gia đình: ăn chung mâm, ưu tiên thức ăn ngon cho người lớn tuổi và trẻ nhỏ, thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương. Bữa cơm hàng ngày được xem là bữa cơm xum họp gia đình, mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau vui vầy sau một ngày làm việc mệt nhọc. Người Bạc Liêu rất hiếu khách, gia chủ thường làm những món ăn thật ngon, nấu thật nhiều, uống rượu thật say để thể hiện sự nhiệt tình đối với khách.
    6. Về văn hoá nghệ thuật, có thể nói Bạc Liêu là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được lưu truyền và phát triển từ rất sớm (từ thế kỷ XIX) và được gìn giữ cho đến ngày nay. Phong trào đờn ca tài tử đã và đang được phát triển rất mạnh, rộng khắp từ thành thị đến các vùng quê của tỉnh. Nơi sinh ra những nhạc sư tài danh như cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang – tiền thân của bản vọng cổ ngày nay “Tên tuổi được ghi vào lịch sử kịch trường, thơm riêng cho một người mà cũng thơm lây cho tỉnh Bạc Liêu, bởi vì hai chữ “Vọng cổ” thường đi kèm với hai tiếng Bạc Liêu mới nói lên được đầy đủ ý nghĩa của nó”. Ngoài ra, còn có các nhạc sư nổi tiếng một thời như: Nhạc Khị, Bảy Kiên, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Năm Nhỏ, Mộng Vân, Ngô Mộc Thái, Bùi Hữu Trí, Tư Biện, Tư Bình… đều là những nhạc sỹ ưu tú của đất Bạc Liêu; sau này có soạn giả Yên Lang, Trọng Nguyễn,…. Không những là nơi sinh ra các nhạc sư nổi tiếng mà Bạc Liêu còn sinh ra nhiều ca sỹ lừng danh mà tên tuổi của họ còn được nhiều người nhắc đến như: Thanh Nga, Kim Thanh, Ngọc Vĩnh, Ngọc Đương, Văn Chương, Đỗ Lộc Châu,… “Là những gạo cội trong giới cầm ca, làm cho ca cổ nhạc Bạc Liêu vang truyền tiếng tăm gần xa cho đến tận ngày nay”. Chỉ một vài điều nhắc lại ở trên đủ thấy người Bạc Liêu không chỉ biết làm ăn mà luôn lạc quan yêu cuốc sống, đóng góp xứng đáng vào nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật nước nhà.
    [IMG]
    Hình ảnh về Đờn ca tài tử Nam bộ
    Nói đến đất nước – con người Bạc Liêu, chúng ta không thể không nhắc đến những trang sử vẻ vang của người Bạc Liêu trong công cuộc kháng chiến. Mở đầu là cuộc đấu tranh của hàng trăm dân làng Hoà Bình và Vĩnh Mỹ bền bỉ trong 2 năm liên tục (1902-1903), buộc Thực dân pháp phải chấp nhận yêu sách của dân làng. Rồi không chịu khuất phục trước sự áp bức năm 1925 cuộc nổi dậy vũ trang đẫm máu của nông dân làng Ninh Thạnh Lợi (nay thuộc huyện Hồng Dân); năm 1927 cuộc đấu tranh không khoan nhượng ở cánh đồng Nọc Nạng (nay là thị trấn Giá Rai). Các cuộc nổi dậy đã làm chấn động dư luận cả nước.
    [IMG]
    Khu di tích Đồng Nọc Nạng
    Kể từ khi có sự lãnh đạo của Đảng (chi bộ Đảng thành lập đầu tiên của Bạc Liêu vào năm 1929, tại làng Phong Thạnh Giá Rai), nhân dân Bạc Liêu đã dũng cảm mưu trí, quyết đoán làm nên thắng lợi trong khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23 - 8 – 1945 không tốn một viên đạn, trùng ngày với giải phóng Huế, trước nhất trong mặt trận Nam Bộ. Trong cuộc triến tranh chống Mỹ với biết bao chiến công hiển hách, trường kỳ, hy sinh gian khổ, để đến 10 giờ 30 phút ngày 30 - 4 - 1975, tên Tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu đã phải đầu hàng vô điều kiện, Bạc Liêu được giải phóng (trước Sài Gòn)và không có tiến súng, cùng với cả nước giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Quy luật của chiến tranh là tiêu diệt địch để thắng địch. Nhưng nhờ thực hiện tốt đường lối binh vận của Đảng, ta đã thêm bạn bớt thù, sáng tỏ chính nghĩa, độ lượng khoan hồng, thực hiện thành công hai lần giành chính quyền không đổ máu, đóng góp vào kho tàn lý luận và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, là ý nghĩa chính trị quân sự to lớn của Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà trong công tác binh vận, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đại đoàn kết, hòa giải, hòa hợp dân tộc lâu dài theo chủ trương của Đảng. Trong 45 năm ấy toàn tỉnh có 11.184 liệt sỹ, 5.562 thương binh, hàng chục nghìn đồng bào ta bị giết hại, 67 địa phương, đơn vị và cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang, 534 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,…
    [IMG]
    Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968
    Những điều nêu trên cho thấy, Bạc Liêu không chỉ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, mà còn có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ. Nhận thức được điều đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định du lịch là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển “đi lên từ văn hóa” của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư tôn tạo các điểm di tích, các danh thắng, các khu cụm du lịch như: khu du lịch ven biển Nhà Mát, Vườn nhãn, Vườn chim và Chùa Xiêm Cán, hình thành một quần thể du lịch tại Thành phố Bạc Liêu. Xây mới các khu tưởng niệm các địa danh lịch sử như Đồng Nọc Nạng, Đền Thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Ninh Thạnh Lợi…; các khu du lịch tâm linh như Nhà Thờ Tắc Sậy, Quán âm phật Đài… để thu hút khách du lịch.
    Tiểu ban Tuyên truyền, quảng bá
  2. Facebook comment - Đề cương tuyên truyền sự kiện Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014

Chia sẻ trang này