Dính bẫy lừa đảo đa cấp vì dân trí thấp

Thảo luận trong 'Kinh tế' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 10 Tháng 10 2012.

  1. (Lượt xem: 1,187)

    Bán hàng đa cấp không xấu, nhưng nó đòi hỏi một nền dân trí cao. Ở đó, nhiều người có kiến thức tốt về kinh tế, cơ quan quản lý phải đủ mạnh. Tại Việt Nam, loại hình này đã bị biến tướng thành một hình thức lừa đảo theo mạng lưới.

    Hiện nay trên địa bàn cả nước xuất hiện một số công ty lợi dụng kẽ hở của luật pháp đã mở hình thức kinh doanh bán gian hàng ảo trên mạng mà họ gọi là thương mại điện tử, nhưng thực chất là một hình thức lừa đảo đa cấp.
    Ngay sau khi VnExpress đưa tin nhiều người 'sa bẫy' thương mại điện tử đa cấp, tòa soạn nhận được sự quan tâm đặc biệt đông đảo độc giả, thể hiện qua hàng ngàn ý kiến phản hồi.
    Phần lớn độc giả cảnh báo, hiện nay tình trạng này đã xảy ra khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, đã có hàng triệu người bị lừa vào đường dây lừa đảo kiểu này và hậu quả là "tiền mất tật mang".
    Những người tham gia vì tiếc số vốn đã đầu tư nên buộc phải gỡ gạc lại bằng cách tiếp tục đi lừa những người khác, trong khi đó những người bị lừa lại chính là những người thân của mình. Tham gia vào những đường dây này không những mất tiền mà còn mất đi tình cảm của bạn bè và người thân.
    Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ, đâu là bán hàng đa cấp và đâu là lừa đảo đa cấp. Bản chất của hình thức bán hàng đa cấp không xấu, chỉ có những công ty lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo mới đáng lên án.
    Việc lừa đảo đa cấp theo hình thức truyền thống hiện nay đã bắt đầu đến chu kỳ thoái trào, chính vì vậy những tên lừa đảo lại nghĩ ra những chiêu cao hơn, đó là gắn lừa đảo đa cấp với thương mại điện tử (TMĐT), một hình thức kinh doanh đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam và được nhà nước khuyến khích.
    Nhận định về điều này độc giả Cao Hồng Vũ cho rằng: "Đây không phải là kinh doanh đa cấp. Mọi người nên tự trang bị cho mình kiến thức, để nhận ra đâu là kinh doanh đa cấp, đâu là lừa đảo ăn theo bán hàng đa cấp, đừng nhìn theo kiểu hễ thấy có mạng lưới thì gắn cho nó cái từ đa cấp mà tội cho những người kinh doanh đa cấp chân chính.
    Chính vì sự quy kết, và thành kiến nó làm trì trệ sự phát triển của xã hội, giống như sau sự kiện này, bao nhiêu người sẽ mất lòng tin vào thương mại điện tử? Và bao nhiêu người sẽ càng ác cảm hơn về kinh doanh đa cấp?"
    Đồng quan điểm này, độc giả Nguyễn phân tích: " Bán hàng đa cấp không xấu, chỉ chưa nên áp dụng tại Việt Nam. Bởi vì bán hàng đa cấp được xem là một phát minh cực kỳ hay trong kinh doanh. Nhưng hình thức này đòi hỏi một nền dân trí cao. Ở đó, nhiều người có kiến thức về kinh tế tốt, cơ quan quản lý đủ mạnh.
    Tại Việt Nam, loại hình này thường bị lạm dụng. Người tham gia trước lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người tham gia sau. Cứ như vậy, loại hình này bị lạm dụng và biến tướng thành một hình thức lừa đảo theo mạng lưới".
    Còn độc giả Lý Chí Dũng thì cho rằng, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh tuyệt vời, loại hình kinh doanh này không cần đến quảng cáo, giảm chi phí khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên nhiều người vì lòng tham nên tham gia một cách mù quáng, không tìm hiểu kỹ sản phẩm và hệ thống kinh doanh nên mới bị lừa".
    Nhiều người cũng bức xúc việc đánh đồng TMĐT với hình thức lừa đảo đa cấp khiến người dân không còn tin tưởng vào hình thức kinh doanh tiên tiến này. Những người này cho rằng hiện tượng một số công ty lừa đảo lợi dụng danh nghĩa của TMĐT sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thương mại điện tử.
    Độc giả Nguyễn Tuấn Linh nhận định: "Thương mại điện tử ngày nay không còn xa lạ ở những quốc gia phát triển trên thế giới, bằng chứng là ở những nước phát triển như Mỹ, Anh... hay gần chúng ta nhất là Singapore thì tỷ lệ lưu thông hàng hóa trên kênh phân phối này đạt từ 50 - 70%.
    TMĐT hay nói khác đi là một xu thế phát triển của xã hội. Vấn đề ở đây là không có ngành nghề gì xấu, chỉ có con người làm nghề đó xấu mà thôi. Tôi cũng tham gia TMĐT và đang sử dụng những tiện ích mà mô hình kinh doanh này đem lại".
    Lo ngại việc những "con sâu làm rầu nồi canh", độc giả có nick name K1 kiến nghị: "Những công ty hoạt động theo hình thức lừa đảo cần nhanh chóng bị dẹp bỏ. Hiện nay TMĐT tại Việt Nam mới được hình thành và đó là điều mà rất nhiều người mong muốn, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này.
    Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì việc phát triển TMĐT tại Việt Nam sẽ rất khó khăn do người dân bị mất lòng tin, làm ảnh hưởng đến công cuộc phát triển đất nước".
    Lừa đảo đa cấp đã được rất nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo, tuy nhiên rất nhiều người vẫn dính bẫy. Khi tham gia vào những mạng lưới này, bạn không chỉ mất tiền mà còn mất đi những người thân.
    Độc giả Phạm Đức Hoàn trăn trở: "Tôi thực sự đau lòng khi nhìn thấy hoàn cảnh nhiều thành viên tham gia, họ vừa đáng thương nhưng cũng đáng trách. Họ sẵn sàng lôi kéo những người thân và bạn bè của mình vào, có lẽ cũng bởi tiếc số vốn đã bỏ ra nên cố gắng lôi kéo để gỡ lại.
    Đau xót hơn có những người muốn được tham gia mà không có tiền còn phải gọi cả bố mẹ từ quê xa xôi lên Hà Nội, nhìn cảnh những ông bố bà mẹ cần kiệm gầy guộc mà xót xa vô cùng.
    Các bạn sinh viên vừa từ quê ra thành phố học còn bỡ ngỡ và lạ lẫm thì nên tránh xa những loại hình kinh doanh như này"- độc giả này khuyến cáo.
    Bạn đọc tên Lan nêu ý kiến: "Sự việc này xưa lắm rồi mà vẫn có người bị lừa, chẳng qua là ham lợi, thiếu hiểu biết mà không biết hậu quả của nó, đây là bài học cảnh tỉnh cho mọi người, bởi vì trên đời này không có việc gì dễ làm mà kiếm được nhiều tiền đâu".
    Thạch Lam
    Theo VNExpress
  2. Facebook comment - Dính bẫy lừa đảo đa cấp vì dân trí thấp

Chia sẻ trang này