Vàng nhẫn có mức giá rẻ hơn so với vàng miếng và ngang ngửa với giá thế giới. Ảnh: Anh Quân Theo quy định, từ tháng 1/2013, hoạt động mua bán vàng miếng chỉ thực hiện tại các đơn vị được phép kinh doanh mặt hàng này. Đối phó với quy định trên và cũng để "giải quyết" tình trạng giá vàng miếng SJC quá cao so với giá thế giới, nhiều tiệm vàng tại TP HCM đang gia tăng kinh doanh vàng nhẫn, nhiều nhất là các loại một, 2 hoặc 5 chỉ bởi giá cả hợp lý hơn. Ngày 23/11, giá vàng thế giới dao động xung quanh mức 1.729 USD một ounce (tương đương 43,4 triệu đồng một lượng), còn giá vàng miếng SJC bán ra là 47,1 triệu đồng một lượng, cao hơn 3,7 triệu đồng so với giá vàng thế giới. Trong khi đó, tại các tiệm vàng ở TP HCM, giá vàng nhẫn bán ra mỗi lượng 43,2 triệu đồng, thấp hơn giá vàng miếng gần 4 triệu đồng và ngang ngửa với giá vàng thế giới. Nhiều tiệm vàng hiện nay có bán cả loại vàng nhẫn trơn (không bao bì) và loại có bọc bao bì nhựa. Tại một tiệm vàng ở khu vực chợ Bà Chiểu (TP HCM), khi được hỏi về vàng nhẫn có bọc nhựa, chủ tiệm cho hay loại vàng này do các thương hiệu vàng cỡ lớn sản xuất, giá bán khoảng 45 triệu đồng mỗi lượng. Chủ tiệm khuyến cáo nếu đã mua vàng nhẫn thương hiệu nào thì bán lại cho thương hiệu đó, vì các tiệm vàng khác sẽ mua vào với giá thấp hơn. Giải thích cho lời khuyên trên, chủ tiệm cho biết: "Do vàng nhẫn có bọc nhựa chỉ khác vàng nhẫn của các tiệm vàng sản xuất ở khâu bao bì, còn chất lượng vàng đều tương tự nhau". Theo giới phân tích, nếu mức chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới kéo dài thì nhiều khả năng người dân sẽ từ chối vàng miếng, chuyển sang nắm giữ vàng nhẫn. Bởi chất lượng của các loại vàng nhẫn 999,9 gần bằng vàng miếng, trong khi giá lại thấp hơn rất nhiều và gần bằng giá vàng thế giới. Mua vàng nhẫn sẽ "né" được rủi ro lớn khi giá vàng miếng ổn định trở lại, về sát với giá vàng thế giới. Mặt khác, do luật pháp không có quy định về giao dịch vàng nhẫn nên việc mua bán loại vàng này đều được thực hiện tại các tiệm vàng, thuận tiện cho người dân. Tới đây, Nhà nước quy định các doanh nghiệp có mức vốn tối thiểu từ 100 đến 3.000 tỷ đồng, có mạng lưới chi nhánh từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên... mới được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Do đó, khoảng 12.000 tiệm vàng trên toàn quốc sẽ không có cơ hội. Từ đó, giao dịch vàng miếng sẽ trở nên khó khăn hơn. Thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đang tăng cường thăm dò nhu cầu nắm giữ vàng nhẫn. Lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng khá lớn tại TP HCM thừa nhận họ đã tung ra thị trường vàng nhẫn loại một, 2 chỉ có bọc nhựa. Còn các chủ tiệm vàng thì cho biết lúc nào trong tiệm cũng có loại vàng nhẫn do họ sản xuất, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng có. Trả lời câu hỏi lấy vàng từ đâu để doanh nghiệp sản xuất nhẫn, giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại Hà Nội nói: "Chủ thương hiệu vàng nhẫn không thể sử dụng vàng miếng để sản xuất vì giá quá cao, Nhà nước không cấp quota nhập khẩu vàng. Do đó, nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn rất có thể từ nguồn vàng nhập lậu". Chủ một tiệm vàng ở khu vực chợ Tân Định (TP HCM), cho biết nguyên liệu sản xuất là vàng bóng hạt, chất lượng 999,9, được chế tác từ vàng khối (một kg vàng) nhập khẩu không chính thức vào Việt Nam. (Theo NLĐ) Nguồn: VNExpress