Theo thống kê của VNDIRECT, trong số 538 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm, tổng cộng 9 công ty có lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền vượt mức 1.000 tỷ đồng. Con số này giảm so với 15 công ty dư giả tiền mặt hồi cuối quý II. Một số chuyên gia cho rằng, để biết chính xác sức khỏe hiện tại của doanh nghiệp ra sao, cần so sánh lượng tiền mặt trên với các khoản nợ trong kỳ tại công ty. Tính đến 30/9/2012, dẫn đầu về lượng tiền mặt trong số các doanh nghiệp niêm yết là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với hơn 12.393 tỷ đồng (tăng 19% so với hồi đầu năm). Quý III vừa qua, số nợ dài và ngắn hạn của Công ty Khí Việt Nam lên tới 21.765 tỷ đồng, cao nhất trong số 9 doanh nghiệp rủng rỉnh tiền mặt. So với lượng tiền mặt nghìn tỷ hiện có trong tài khoản, tổng nợ của đơn vị này vẫn lớn gần gấp 2 lần. Tập đoàn Masan (MSN) giữ vị trí á quân với 7.459 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản. Nhưng so với các khoản vay 17.529 tỷ đồng, lượng tiền mặt trên rất bấp bênh nếu xét về khả năng thanh toán nhanh. Những doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc phân tích tại Quỹ Sài Gòn Hà Nội (SHF) cho rằng: “Cuối cùng nhà đầu tư cũng chỉ quan tâm doanh nghiệp này còn tiền hay không, có trả nhiều cổ tức không hay đang gặp khó khăn với nợ nần”. Cũng theo ông Đức, doanh nghiệp nhiều tiền mặt hầu hết là những đơn vị tập trung ngành chính, không đầu tư tràn lan, vì vậy khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, họ vẫn có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất. Trong trường hợp này, việc dư giả tiền mặt sẽ là lợi thế lớn cho doanh nghiệp. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) là một trong 4 doanh nghiệp vừa có lượng tiền mặt dư giả, lại vừa có khả năng thanh toán nhanh. Trong đó, tiền mặt của công ty lên tới 5.669 tỷ đồng, lớn gấp 3,5 lần so với những khoản nợ ngắn và dài hạn công ty phải trả. Ba công ty nữa nằm trong top nhiều tiền mặt đều thuộc lĩnh vực tài chính, bao gồm Chứng khoán Hồ Chí Minh (HCM) với 1.589 tỷ đồng, Chứng khoán VNDIRECT (VND) với 1.100 tỷ đồng và Chứng khoán Kim Long với 1.413 tỷ đồng tiền cùng các khoản tương đương tiền trong quý III. Một số doanh nghiệp có lượng tiền mặt rất dồi dào nhưng lại như 'muối bỏ bể' so với khoản nợ phải trả. Ảnh: Hoàng Hà Ngoại trừ Chứng khoán Kim Long bị giảm tiền mặt 12% so với cùng kỳ năm trước, 2 doanh nghiệp còn lại đều tăng tiền 20-40%. Xét về khả năng thanh toán nhanh, Chứng khoán Kim Long dẫn đầu khi tiền mặt hiện có lớn gấp 20 lần so với tổng nợ ngắn và dài hạn. Ngành bất động sản đóng góp duy nhất một doanh nghiệp vào top tiền mặt nghìn tỷ là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Dẫu vậy, lượng tiền này trong quý III chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2011. Tiền mặt của Hoàng Anh Gia Lai giảm mạnh một phần do lợi nhuận sau thuế của công ty trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 330 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số liệu cho thấy, các khoản nợ mà Hoàng Anh Gia Lai đang gánh lại lớn hơn lượng tiền mặt hiện có tại doanh nghiệp tới 11 lần, với 17.688 tỷ đồng. Tại Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4/2012, ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết công ty hiện chưa có quyết định cụ thể cho việc chia cổ tức năm 2012. Đồng thời, lợi nhuận năm 2011 sẽ được công ty giữ lại để tái đầu tư thay vì chia cổ tức cho cổ đông. Tiến sĩ Alan Phan cho rằng, trong tình trạng kinh tế như hiện tại, tiền mặt được xem như “vua” đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, “nguồn gốc tiền từ đâu mà ra mới là vấn đề mấu chốt”, tiến sĩ nhấn mạnh. Đặt vấn đề với một số đơn vị rủng rỉnh tiền trong thời kỳ kinh tế suy thoái như hiện tại, ông cho rằng thông thường các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Việt Nam không có nhiều tiền mặt, trong khi đó, những công ty thuộc lĩnh vực tài chính lại có nhiều cách để tăng lượng tiền trong tài khoản. Tường Vi - Ngọc Tuyên Nguồn: VNExpress