Do mưa liên tục những ngày qua nên đã làm ngập nhiều diện tích lúa thu đông và lúa mùa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương và người dân đang dồn sức khẩn trương bơm nước cứu lúa. Tại Hậu Giang, nước ngập làm chết gần hết diện tích 180ha lúa Thu Đông từ 5 - 10 ngày tuổi ở huyện Long Mỹ, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Hiện nông dân huyện Vị Thủy và Châu Thành A thu hoạch 3.000 ha lúa thu đông sớm, năng suất giảm từ 5% - 15% do ảnh hưởng mưa làm đổ ngã. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, đỉnh lũ cao nhất trên sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc năm nay có khả năng ở mức báo động 3, thấp hơn năm 2011. Riêng mực nước lũ cao nhất trên sông Cái Côn ở thị xã Ngã Bảy có khả năng đạt mức 1,5-1,6m, xấp xỉ năm 2011. Khả năng mùa mưa năm nay kết thúc sớm hơn bình thường, ở vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11. Thế nhưng, mưa sẽ tập trung, lượng mưa lớn trong tháng 9, tháng 10, kết hợp với lũ và triều cường ở những tháng cuối năm có thể gây ngập úng nghiêm trọng trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Do mưa liên tục, tỉnh Sóc Trăng cũng đã có 250ha lúa thu đông ở huyện Thạnh Trị và Mỹ Tú bị ngập, gây thiệt hại từ 10%- 20% diện tích. Nhiều diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được chống úng kịp thời (Ảnh: K.V) Tại Vĩnh Long, phần lớn lúa thu đông trong giai đoạn làm đòng và chín nên mức thiệt hại không nhiều. Tuy nhiên, nông dân phải tốn chi phí để bơm nước chống úng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên ở Vĩnh Long nhiều ruộng khoai bị ngập, buộc nông dân gấp rút thu hoạch đồng loạt dẫn đến giá giảm mạnh. Hiện, thương lái mua khoai lang tím Nhật chỉ còn 180.000 đồng/tạ, đây là mức giá rất thấp, khiến nông dân bị lỗ từ 30 - 60 triệu đồng/ha. Còn tại huyện Thới Lai, Cờ Đỏ thuộc thành phố Cần Thơ, hàng nghìn ha lúa thu đông đang chín bị mưa làm ngập và đổ ngã khiến việc thu hoạch khó khăn… Cũng tại các tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu, hàng nghìn ha lúa đã bị ngập sâu trong nước, nguy cơ mất trắng. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, nước lũ hiện nay đang ở mức thấp và lên chậm. Vào khoảng một tháng nữa, đỉnh lũ mới xuất hiện và xấp xỉ đạt mức báo động 1, báo động 2, có thể thấp hơn trung bình của nhiều năm qua và thấp hơn đỉnh lũ năm 2011 rất nhiều. Trước tình hình trên, các tỉnh có diện tích lúa đang bị ngập úng đã khẩn trương sử dụng các phương tiện cùng với sức người để bơm nước cứu lúa. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đề nghị các cấp, các ngành cùng các địa phương khẩn trương thi công hoàn chỉnh các công trình đê bao, tiến hành gia cố, bồi trúc các tuyến đê bao xung yếu, hệ thống cống đập đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa Thu Đông, vườn cây ăn trái, thủy sản của người dân, đồng thời khuyến cáo, năm nay tuy mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long được dự báo thấp hơn năm 2011, nhưng các địa phương không nên chủ quan, lơ là mà cần phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng cứu với lũ lớn có khả năng xảy ra đối với vùng hạ lưu. Nguồn: ĐCSVNOL