Trước “chính lễ” kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống nhiếp ảnh - điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2013) đúng 1 tuần, những chuỗi sự kiện đã đồng loạt diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/3 tại Bạc Liêu. “Người trong cuộc” đã có buổi trao đổi nghiệp vụ đầy lý thú và “hả hê” với những sáng tác của mình. Nhưng đâu chỉ có thế, đằng sau cuộc hội ngộ này còn lắng đọng những dư âm đẹp…. Mở rộng tầm nhìn cho người xem Những tưởng một chuỗi sự kiện hoành tráng và ấn tượng này chỉ thu hút giới nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) hay những người chơi ảnh, rộng hơn là giới trí thức… tham gia thưởng lãm; nhưng không: những bức ảnh nghệ thuật được trưng bày, triển lãm tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị tỉnh mấy ngày qua đã thu hút một lượng đông người xem là... “thường dân”! Họ không chỉ xem mà còn đưa ra những nhận xét thú vị: Thật không ngờ Việt Nam lại có những phong cảnh đẹp đến phải trầm trồ, rồi những hành động nhân văn, cao đẹp của con người, những nét đẹp văn hóa của từng vùng miền… tất cả đã gói ghém trong một bộ ảnh xứng đáng gọi là những tuyệt tác nghệ thuật. Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam tài thật! Hay như nhiều cặp đôi chở nhau dạo phố cũng chọn nơi này làm điểm dừng chân để cùng nhìn ngắm đất nước, con người Việt Nam qua lăng kính của NSNA. Học sinh, sinh viên ở các trường trên địa bàn thành phố khi tan học cũng tranh thủ thời gian ghé chân lại để thưởng thức ảnh… Người đến thưởng thức ảnh có đủ mọi thành phần. Các NSNA sáng tác ảnh chủ đề đờn ca tài tử tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T Những bức ảnh nghệ thuật thời chiến của NSNA Võ An Khánh, những bức ảnh toát lên nét đẹp bản sắc văn hóa, vẻ đẹp phong cảnh quê hương, một Bạc Liêu đang nhộn nhịp cùng “nhịp thở” những công trình nâng tầm vóc quê hương… của các NSNA Đặng Quang Sanh, Đặng Quang Vinh, Nhật Nam, Nam Nhật, Lê Đức Toại, Lâm Thanh Liêm… Những tác phẩm ghi lại vẻ đẹp trên mọi miền đất nước hay nét đẹp bình dị đầy tính nhân văn của con người Việt Nam của các NSNA Đỗ Thùy Mai, Đào Hoa Nữ, Hồng Nga, Thảo Nguyên, Phạm Bình… Quả thật, chưa khi nào người dân Bạc Liêu lại được mở rộng tầm nhìn về đất nước, quê hương qua những tuyệt tác nghệ thuật được tập hợp đông về số lượng và hoàn mỹ về chất lượng như vậy! “Dẫu cho người không biết gì về ảnh nghệ thuật cũng phải… mê khi xem những tác phẩm ảnh ở đây” - một bạn trẻ đã “xuýt xoa” như thế trước hàng trăm bức ảnh đẹp! Quảng bá bản sắc văn hóa xứ sở Tôi có mối quan hệ khá mật thiết với nhiều người là nghệ sĩ, diễn viên trong Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, thế cho nên tôi thấu hiểu được những xúc cảm của họ qua một lần được làm… người mẫu cho hàng trăm nhà nhiếp ảnh, trong đó có nhiều người nổi tiếng! Có lẽ ai cũng biết rằng, Bạc Liêu là quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang”, xứ sở của vọng cổ, cải lương. Thời gian gần đây, Bạc Liêu còn thu về nhiều “chiến tích” trên lĩnh vực sân khấu như Chuông vàng vọng cổ, giải thưởng Trần Hữu Trang, huy chương tài năng sân khấu trẻ toàn quốc… Vậy thì phải chăng, chính cơ hội này, qua ống kính của những người nghệ sĩ, sức lan tỏa của những “chiến tích” ấy sẽ được nhân lên gấp bội phần. Nhiều người không giấu được niềm tự hào mà bộc bạch rằng, họ thật sự tự hào khi được trở thành chủ thể trong các tác phẩm ảnh nghệ thuật, được làm người mẫu cho các NSNA trên khắp đất nước; bằng cách này, họ sẽ quảng bá Bạc Liêu là xứ sở của đờn ca tài tử, của cải lương Nam bộ, thế hệ trẻ sẽ viết tiếp những thành tựu rực rỡ mà tiền nhân đã để lại… Tương tự như thế, những điệu múa của các thiếu nữ Khmer Bạc Liêu cũng đã được ghi vào ảnh trong đợt sáng tác “hoành tráng” này. Một bản sắc văn hóa hòa quyện giữa các dân tộc anh em - bức thông điệp mà Bạc Liêu muốn gửi đến nhiều người! Thế mới thấy cuộc hội ngộ đâu chỉ dành riêng cho giới nhiếp ảnh, bởi đã có nhiều dư âm đẹp đọng lại đằng sau những chuỗi hoạt động thoạt nhìn vào cứ tưởng chỉ dành cho những “người trong cuộc”! Người dân được hiểu về đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam nhiều hơn khi xem ảnh nghệ thuật, và như một lẽ đương nhiên, khi ấy thành tựu vẻ vang của nhiếp ảnh Việt Nam đã được nhìn nhận. Theo đó, cảnh đẹp quê hương, vẻ đẹp chiều sâu văn hóa của Bạc Liêu sẽ được chắp cánh để bay xa đến với mọi miền đất nước và cả thế giới, nếu đã được đi vào ảnh nghệ thuật. Một NSNA đã nói rằng, việc tổ chức cho hơn 100 anh em NSNA sáng tác thế này thậm chí Hội NSNA Việt Nam cũng chưa từng làm được, vậy mà Bạc Liêu đã tổ chức thành công mỹ mãn! Khiêm tốn mà “phúc đáp” thì bởi Bạc Liêu đã đem hết lòng để đối đãi với bè bạn, đó chẳng phải là bản chất hiếu khách, chân tình, phóng khoáng của người Bạc Liêu đó sao?! Còn nói cho trọn vẹn hơn thì Bạc Liêu đã thử sức và thành công ngoài mong đợi trong một lần “bứt phá” (xét ở quy mô tổ chức) để góp sức khẳng định vai trò và nâng cao tầm vóc của nhiếp ảnh Việt Nam! Tròn 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh”, sau này trở thành Ngày truyền thống nhiếp ảnh - điện ảnh Việt Nam, kể từ năm 2013 này, ngày 15/3 chắc chắn sẽ được nhiều người biết và nhớ đến nhiều hơn từ dư âm của một cuộc hội ngộ đầy viên mãn! Cẩm ThúyBáo Bạc Liêu