Trong lúc đồng ruộng Bạc Liêu đang thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, sự xuất hiện của máy cấy lúa do Công ty Kubota Việt Nam chế tạo được xem như một giải pháp mới cho cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân. Sáng 15/12/2012, tại ấp Thị Trấn B (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), đông đảo người dân địa phương và gần 100 nông dân tiêu biểu đến từ hai huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi đã chứng kiến chương trình thao diễn máy cấy lúa SPW-48C. Đây là lần đầu tiên đồng ruộng Bạc Liêu xuất hiện máy cấy lúa do Công ty Kubota Việt Nam (liên kết Nhật Bản) chế tạo. Ưu thế vượt trội của loại máy này là thân máy gọn, nhẹ (trọng lượng 160kg) và đẹp, hoạt động được trong điều kiện nước sâu (3 tấc nước) và nền đất không bằng phẳng. Công suất cấy lúa tối đa đạt 1,5ha/ngày, thay thế khoảng 27 lao động/ngày, và hiệu quả kinh tế gấp 20 lần so với phương pháp cấy bằng tay. Đông đảo nông dân tham quan thao diễn của máy cấy lúa SPW-48C lần đầu tiên xuất hiện ở Bạc Liêu. Ảnh: T.Đ Ông Đỗ Văn Hải, đại diện Công ty Kubota Việt Nam, so sánh: “Cấy bằng máy, lượng giống chỉ cần 63kg/ha. Còn nếu dùng phương pháp sạ dày như hiện nay, nông dân phải tốn hơn 200kg lúa giống/ha. Mặt khác, cấy bằng máy do lúa thưa nên ít sâu bệnh, lúa cứng cây không sợ mưa gió gây đổ ngã. So với phương pháp mới này, chi phí sản xuất giảm được 50%, do đó, lợi nhuận cho nông dân tăng thêm đáng kể. Đó là chưa tính lúa bán được giá cao hơn nhờ chất lượng hạt đồng đều so với hạt lúa sạ dày”. Ông Đào Nhung, nông dân sản xuất giỏi ở huyện Hòa Bình, đánh giá: “Ưu điểm lớn nhất của loại máy này là hoạt động được trong điều kiện nước sâu và đất lún, cấy khá nhanh và đẹp. Hơn nữa, giá của nó cũng phù hợp với nông dân (78 triệu đồng/chiếc) và được bảo hành chu đáo. Tuy nhiên, nếu quy trình gieo mạ đáp ứng cho tiêu chuẩn máy cấy được cải tiến đơn giản hơn thì tôi tin chắc nông dân sẽ sử dụng nó rất nhiều”. Kỹ sư Nguyễn Phương Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nhận định: “Sự ra đời của máy cấy lúa là cơ hội tốt để nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng. Từ đó, làm cho chi phí và giá thành giảm, lợi nhuận tăng. Hiện tại, loại máy này dùng để cấy lúa ngắn ngày. Do đó, tôi đề nghị trong thời gian tới, Công ty Kubota Việt Nam cần tổ chức thao diễn thêm ở vùng sản xuất lúa - tôm để có thể cấy được lúa Một bụi đỏ, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận”. Tại buổi thao diễn máy cấy lúa, ở góc độ quản lý ngành, thạc sĩ Tăng Hồng Siêu, Phó trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN&PTNT), cho biết: “Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nông dân trang bị máy cấy lúa nhằm đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn”. Tấn ĐạtBáo Bạc Liêu