TP - Thị trường vàng mấy ngày nay lại một lần nữa được “hâm nóng” trước việc “đại gia” vàng SJC từ chối mua lại vàng miếng bị bóp méo, cong vênh. Các nhà phân phối, cũng một tâm lý hoang mang bởi nếu SJC không thu lại thì họ biết mua vào rồi bán cho ai? Chưa kể, thêm một cơ hội “đục nước” khi đồng loạt các doanh nghiệp tư nhân từng sản xuất cũng lên tiếng không thể mua lại những “khuôn” vàng do chính họ đúc ra vì chẳng biết rồi đây số phận gia công lại sẽ thế nào? Về phía doanh nghiệp SJC có hai lý do được “nại”. Ngoài kêu đã hết khoản “ngân khố” 200 tỷ đồng được để dành để mua loại hàng hoá này, còn có “cơn cớ” từ việc đã đệ đơn kiến nghị xin gia công mà đợi mãi vẫn chưa có hồi âm. Nhìn một cách sòng phẳng, Nghị định 24 về quản lý vàng đã ra đời được gần 4 tháng, cũng từ lâu đã nghe rậm rạp chuyện máy móc SJC đắp chiếu chờ phát “lệnh” gia công. Vậy sao lại có sự chậm trễ về quy trình gia công vàng miếng đến vậy? Thừa nhận kiến nghị của doanh nghiệp về xin gia công hoàn toàn hợp lý và bản thân những người làm chính sách cũng sốt ruột. Chia sẻ với người viết, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, sự chậm trễ này là bởi SJC sẽ được dùng làm thương hiệu cho vàng miếng của NHNN, cho nên xác định sẽ phải như “in tiền” cần nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ để từ đó mới có thể quản lý làm lành mạnh nền kinh tế. Thực tế cũng chỉ ra sẽ có 3 nguồn cần quản lý gồm: Nguồn nhập khẩu theo yêu cầu của NHNN, nguồn gia công từ SJC và cuối cùng từ các loại vàng miếng qua các thời kỳ. Nhằm ngăn chặn việc nhiều doanh nghiệp đang “găm” vàng miếng kém chất lượng tìm đường gia công “chui”, sẽ có một quy trình quản lý chặt chẽ từ kho quỹ, tới khâu niêm phong máy móc được nêu tại quyết định về tổ chức quản lý và sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, vị này cho biết. Liên quan đến băn khoăn của người dân về chi phí chuyển đổi, cho dẫu bài toán phí được khẳng định luôn hợp lý ở mức thấp nhất ( SJC chỉ được thu với mức 50.000 đồng/lượng) nhưng hiện tại giá mua đã được các doanh nghiệp thu gom đẩy phí lên tới 100 ngàn đồng/lượng với việc thu mua và 250 ngàn đồng/lượng với việc đổi lấy vàng miếng loại mới và người dân vô tình bị thiệt. Vẫn đại diện trên cho hay đây chính là lý do khiến cơ quan chức năng thời gian qua liên tục lên tiếng khuyến cáo: người dân không nên hoang mang đổi vàng miếng SJC ngay bằng mọi giá. “Mọi thương hiệu vàng đã được cấp phép đều được công nhận và tồn tại hợp pháp, được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép gia công vàng miếng với chi phí hợp lý nhất để đảm bảo lợi ích cho toàn dân”- ông khẳng định. Dẫu thế nào, cũng đã đến lúc cơ quan quản lý nên khẩn trương hoàn tất và ban hành văn bản này để trấn an tâm lý hoang mang của người dân đang giữ vàng miếng phi SJC, chứ đừng để thị trường “dài cổ” trong hoang mang chờ... chính sách. Khánh Huyền