Cái từ Facebook (trang mạng xã hội) bây giờ đã không còn xa lạ với giới trẻ trong thời công nghệ số nữa. Những sinh hoạt đời thường, yêu ai, ghét ai, rồi chia sẻ những lời chúc, lời động viên… tất tần tật đều có mặt trên Facebook. Nhịp sống của giới trẻ hiện nay đã gắn liền với “văn hóa Facebook” bởi nó đã có tác động hai chiều. Nơi chia sẻ yêu thương… Chỉ đơn thuần là trang web chứa đựng thông tin cá nhân, nhưng với cộng đồng giới trẻ, Facebook không còn là chốn riêng tư nữa mà đã trở thành một không gian mở rất thú vị và đầy màu sắc. Ngày hôm nay làm gì, ăn gì, đi chơi với ai, hay có tâm sự không thể chia sẻ với gia đình… họ đều tải lên trang mạng của mình. Điều đặc biệt là các bạn trẻ lại biết tìm hình ảnh minh họa cho bài viết của mình, “trang hoàng” cho “ngôi nhà ảo” thật lung linh bằng nhiều hình ảnh rất thú vị và sống động. Giao diện chính trang Facebook của một bạn trẻ. Ảnh: T.X Từ những câu chuyện rất thật về đời sống của mình, nhiều bạn trẻ lại có cách viết liên hệ rộng ra thành đề tài lớn của xã hội. Rồi, các bạn bè của họ vào đó bình luận, chia sẻ một cách nhiệt tình. Những status (trạng thái) của chủ nhân trang đó viết hay chừng nào sẽ có nhiều người thích chừng nấy. Vui thì chung vui, buồn thì cũng có những comment (câu bình luận) chia sẻ, cùng nhau tìm cách gỡ rối tình huống, rồi lại động viên nhau vượt qua khó khăn… Điển hình như khi một người có chuyện không vui (bị gia đình la rầy, mất người yêu hay gặp stress trong công việc…), khi cập nhật trạng thái đã nhận ngay nhiều lời khuyên bổ ích từ bạn bè. Có nhiều bạn còn pha trò để “chủ nhân” bớt căng thẳng và suy nghĩ tích cực hơn. Hay như vào dịp đón “Tết Tây” vừa qua, trên các trang mạng Facebook, các bạn đã không hẹn mà gặp, cùng tải lên những tấm thiệp chúc mừng năm mới 2013, rồi chuyền tay nhau những lời chúc năm mới nhiều may mắn. Nó khiến cho cuộc sống của nhiều người trở nên ý nghĩa hơn khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đôi khi không biết mặt nhau nhưng cũng cảm nhận được tình người thật ấm áp. Giống như một trang nhật ký điện tử, Facebook không chỉ là chốn để các bạn gửi gắm, chia sẻ yêu thương để sống có ích cho xã hội, mà đây còn như một không gian để các bạn có thể rèn luyện khả năng viết văn của mình. Nhiều bài viết hay đã nhận hàng trăm cái “Like” và những bạn đó trở nên nổi tiếng trên cộng đồng Facebook. Và những hệ quả... Cũng vì có nhiều chức năng tiện lợi và hữu ích cho đời sống tinh thần, cho nên từ chỗ chơi cho biết, nhiều bạn trẻ đã “sống cùng Facebook” một thời gian khá dài và nghiện lúc nào không hay. Facebook hiện nay được ví như một phần cuộc sống của giới trẻ vì họ không thể tách rời. Bạn V.A.T (học sinh trường THCS Võ Thị Sáu) có nick Facebook là Ruby Vo tâm sự rằng: “Ngày nào không lên Facebook là em thấy trong người bứt rứt, nhớ bạn, nhớ ngôi nhà ảo của mình không chịu nổi”. Còn bạn T.D (sinh viên trường Đại học Bạc Liêu) thì cho biết: “Nhiều khi mở ra không biết làm gì, chỉ dạo quanh một vòng xem bạn bè hôm nay có gì mới không rồi đóng lại. Vậy đó, Facebook giờ như người bạn tri kỷ của em, rất tiện lợi mà cảm thấy gần gũi với bạn bè nữa”. Họ ăn, ngủ cùng Facebook, thậm chí vào lớp học, làm việc cũng không thể thiếu Facebook. Nhiều học sinh còn chơi Facebook trong giờ học (bằng điện thoại di động), đợi hết tiết rồi ra về. Về đến nhà lại lôi laptop ra “xem trên Facebook giờ này tụi nó làm gì”. Còn dân văn phòng cũng vậy. Như một thói quen, ngồi lên máy là mở Facebook trước cái đã rồi mọi thứ tính sau. Và cao trào hoạt động là vào tầm 9 giờ tối đến sáng hôm sau, Facebook lúc nào cũng sáng đèn các nick chat. Điều này khiến họ bị chi phối rất nhiều bởi lẽ sự tập trung đã bị phân tán, dẫn đến công việc sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, việc không điều tiết sinh hoạt một cách điều độ (do thức quá khuya để chơi Facebook), nên nhiều bạn trẻ đã không thể có trạng thái minh mẫn để bắt đầu một ngày mới học tập và làm việc. Bên cạnh những trang lành mạnh, nhiều bạn trẻ lại có cách nói, cách viết khá phóng khoáng nên Facebook trở thành một diễn đàn của những ngôn từ “không sạch sẽ”. Từ đây, mức độ lan truyền cũng rất chóng mặt nếu ai không đủ bản lĩnh để “đề kháng” lại với cách nói chuyện kiểu “chợ búa” như vậy. Hữu ích hay không đều phụ thuộc vào chính người trong cuộc. Bởi lẽ, Facebook chỉ là một trang điện tử vô hồn, còn người sử dụng mới biết phát huy tác dụng của nó hay không. Hãy cùng nhau chia sẻ nhiều hơn, khám phá thế giới nhiều hơn nhằm phục vụ cho việc học tập, sống lành mạnh nhờ Facebook, các bạn nhé! Tuyết XuânBáo Bạc Liêu