Giá vàng trong nước sẽ cần thêm thời gian mới có thể về sát với thế giới. Ảnh: Anh Quân Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch kinh tế xã hội 2013 được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua hôm 8/11 với tỷ lệ tán thành 91%. Đến 23/11, đúng ngày bế mạc Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng ký duyệt chính thức văn bản này. Trong đó, Quốc hội vẫn chốt các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2013 là tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, km ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Liên quan tới thị trường vàng, vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm vì nhiều tháng qua giá trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng, Quốc hội tiếp tục yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý và ổn định thị trường vàng, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân. Nhưng có một chi tiết đã được điều chỉnh so với dự thảo trước đây, chuyển từ "đảm bảo giá vàng trong nước liên thông giá thế giới" thành "bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá thế giới". Một lãnh đạo cơ quan thẩm tra của Quốc hội lý giải đây là điều chỉnh mang tính kỹ thuật, bởi cách dùng từ "liên thông giá" chưa chuẩn. "Không có khái niệm liên thông về giá, chỉ có khái niệm liên thông về thị trường giữa trong nước và quốc tế. Vì vậy cơ quan thẩm tra đề xuất chỉnh lại cho chuẩn. Tinh thần mà đa số các đại biểu Quốc hội đã thống nhất không có gì thay đổi, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải có giải pháp ổn định thị trường và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân", vị lãnh đạo này nói. Theo vị này, về nguyên tắc Nhà nước không ngăn cấm hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của người dân. Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng cung ứng cho thị trường, đồng thời có trách nhiệm ổn định thị trường, đảm bảo giá trong nước bám sát thế giới. Với những người trong ngành, việc điều chỉnh từ ngữ mang tính kỹ thuật đó lại tạo ra một số khác biệt quan trọng trong cách ổn định thị trường vàng. Thị trường trong nước chỉ có thể liên thông với thế giới nếu vàng được xuất nhập khẩu phù hợp với cung cầu, thông qua cả kênh vật chất và tài khoản. Nhưng với yêu cầu "giá trong nước bám sát thế giới", Ngân hàng Nhà nước được linh hoạt hơn trong cách xử lý, không nhất thiết phải cho nhập khẩu hoặc nối lại hoạt động vàng tài khoản. "Giá trong nước sẽ dần bám sát thế giới khi nhu cầu mua giảm, và không nhất thiết phải tăng cung bằng cách chi ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không nhập khẩu vàng lúc này", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trao đổi với VnExpress sau khi Nghị quyết về kế hoạch kinh tế xã hội được ký duyệt. Theo ông, kể từ 25/11, các ngân hàng ngừng triển khai các hợp đồng mới về huy động vàng, chỉ những hợp đồng cũ chưa đến hạn mới được gia hạn tất toán đến 30/6/2013. "Một khi các ngân hàng không được mua, bán, không được huy động và cho vay vàng, áp lực cung cầu trên thị trường sẽ giảm hẳn", ông nói. Ông cũng cho biết hoạt động kinh doanh vàng tài khoản sẽ không được nối lại, bởi thực tế triển khai những năm qua cho thấy đã bị biến tướng và gây hỗn loạn trên thị trường. Giá vàng trong nước liên tục bỏ xa giá thế giới suốt một năm qua, đặc biệt từ tháng 5 năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước đồng loạt triển khai các chính sách mới như tăng nặng xử phạt nhập lậu, thu hồi quyền dập đúc vàng miếng, siết mạng lưới kinh doanh và cấm các ngân hàng huy động, cho vay bằng vàng. Theo phân tích của Thống đốc Nguyễn Văn Bình lúc mới nhậm chức, giá trong nước chỉ cần cao hơn thế giới 400.000 đồng một lượng đã đủ hấp dẫn để kích thích tư thương gom đôla nhập lậu vàng. Thế nhưng từ tháng 5 đến nay, mức chênh đều trên 1 triệu đồng và lên trên 3 triệu đồng từ sau sự kiện nguyên Phó chủ tịch ACB bị bắt (hôm 21/8). Ngân hàng Nhà nước lý giải chênh lệch lớn chủ yếu do các ngân hàng phải mua vào để tất toán hợp đồng huy động theo quy định. Lượng mua từ dân cư vào hệ thống ngân hàng trong 5 tháng tính tới cuối tháng 10 lên đến 60 tấn (tương đương 3 tỷ USD). Tuy nhiên, việc thắt nguồn cung ứng đột ngột cũng là lý do khiến thị trường thêm căng thẳng. Hơn một năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu, đây vốn là kênh quan trọng để cung ứng cho thị trường trong nước. Trong khi đó, từ chỗ có nhiều doanh nghiệp cùng dập đúc vàng miếng với nhiều thương hiệu khác nhau, nay chỉ còn duy nhất SJC dập vàng mang thương hiệu này. Nhu cầu chuyển đổi từ vàng thương hiệu khác sang SJC vượt xa khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, khiến giá cũng tăng cao và gây rất nhiều khó khăn cho người muốn chuyển đổi. Kỳ Duyên Nguồn: VNExpress