THIỆN NGHĨAKHÁNH LONG AN-NGÔI CHÙA CÚT CÔINƠI VÙNG DUYÊN HẢI BẠC LIÊU Tôi khách phương xa, ham vẻ thiên nhiên kỳ thú cùng chốn thiền môn tĩnh lặng tịch liêu, thường một mình một xe ngao du tới các vùng biển xa, rừng thẳm, núi mờ hít thở không khí u trầm thanh tịnh. Lần nọ, nhân vừa tới vùng duyên hải tỉnh Bạc Liêu, nghe gần xa đồn đãi khóm Trà Kha có ngôi chùa vắng nằm lặng lẽ cút côi giữa đồng trống thưa người, cách biển theo đường chim bay khoảng 6 km nên rẽ lối tới thăm… Đầu tiên hãy tìm tới nội ô Tp.Bạc Liêu, thuộc tỉnh Bạc Liêu. Rồi theo một con đường đá tráng nhựa phẳng láng dẫn về phía Cà Mau. Tuy nhiên, đừng đi quá xa, khoảng chừng nửa cây số thôi. Khi vừa tới khóm Trà Kha, thuộc phường 8, nơi có cây cầu đúc ngăn ngắn, không cao hơn mặt đường bao nhiêu, hãy dừng lại. Từ đây, phía bên trái, có một hẽm nhỏ chạy giữa hai dãy nhà phố bán khá nhiều loại hàng hóa khác nhau. Cuối hẽm là cây cầu treo dây văng bằng sắt, chỉ có thể lách lọt hai xe Honda ngược chiều bắc chồm qua một con rạch luôn ngập đầy nước, có tên là rạch Kinh Xáng. Khi đã vượt qua cầu, hãy quẹo liền sang trái. Lại một khu chợ rộng rãi hơn nhưng quán tiệm lưa thưa, cư dân ít ỏi hiện ra trước mắt. Nó nằm hai bên con đường lót đal đã bị trốc thủng nhiều chỗ, vá trám khắp nơi. Càng vào sâu về phía trước, đường càng hẹp, nhà càng thưa dần, có chỗ bên phải chỉ còn lại một con rạch nhỏ nước đục màu bạc, bên trái đồng trống mênh mông, cây hoang cỏ dại cặp theo ven lề mọc cao tới ngực, cơ hồ không còn thấy cư dân. Từ đây, cứ tiếp tục đi mãi, đi mãi, chừng non hai cây số. Khi vừa nhìn thấy cây cầu bê-tông đang nằm chồm qua đôi bờ rạch, bạn sẽ cùng lúc nhìn thấy khung cổng ngoài của một ngôi chùa có tên là Khánh Long An, còn gọi là Chùa Phật nằm đối diện ở phía bên kia, nơi có con đường nhỏ lót dal nằm giữa. Chạy dài và cặp liền bên phải con đường nhỏ lót đal là hàng cây thân thảo lá có mùi thơm, hoa dại nở từng chùm ngơ ngác, cũng cao ngang ngực. Bên trái là những gờ đất màu đỏ, chạy viền theo mấy vuông đầm nuôi tôm có màu nước biêng biếc xanh nằm liền một bên, chen ngang là vài mái nhà thưa thớt của cư dân sở tại. Tới một cua đường, hãy quẹo tiếp sang trái và đi thêm vài chục mét. Cổng chính chùa Khánh Long An sẽ hiện ra trước mắt bạn với đôi cửa sắt sơn màu vàng đặc trưng của nhà Phật đã lộ ra nhiều chỗ hoen rỉ. Hai bên nối liền dãy tường rào bằng gạch khép kín vây quanh một vuông đất rộng tới 20.000 mét vuông, cao quá đầu người. Bên trong đôi cánh cửa cùng dãy tường rào là khu vực chùa với nhiều loài cây thân mộc dáng hình cổ thụ thâm thấp, tàn che rợp mát mọc đầy khắp nơi, tập trung dày đặc hai bên và phía sau ngôi chính điện mới, ngôi nhà tổ, ngôi tịnh đường, khu tăng xá, khu ni xá cùng ngôi tổ đường đang xây dang dỡ. Căn cứ trên nhiều long vị sơn son được viết bằng chữ Hán thếp vàng đang còn phụng thờ nơi ngôi nhà tổ, kết hợp ký ức của nhiều cư dân sở tại từng sống nhiều đời nơi đây, chùa Khánh Long An thuộc hàng lâu đời nơi khu vực tỉnh Bạc Liêu. Chùa được Đại lão Hòa thượng Yên Hóa, thuộc hệ phái Bắc Tông, dòng Lâm Tế đời thứ 41 sáng lập vào đầu đời vua Tự Đức nhà Nguyễn năm 1850, gồm có gian chính điện mái lá, cột cây, nằm xoay tiền diện về hướng Bắc và một ngôi hậu tổ nằm liền phía sau. Kế vị là Hòa thượng Thượng Chí Hạ Trung truyền thừa hoằng dương Phật pháp. Cũng căn cứ vào các long vị đang được phụng thờ nơi khu chính điện cũ, còn thấy có tên các cố Hòa thượng Quảng Tín và Như Định. Được nghe truyền kể, buổi đầu hoằng pháp lợi sanh của các vị Hòa thượng vào thời kỳ này, Phật pháp luôn được xương minh hưng thịnh. Có một con đường từ ngoài đầu xóm dẫn vào chùa, dài 1500 mét, khúc quanh khúc quẹo, lát bằng đất đỏ. Hằng ngày, vào buổi chiều, có nhiều thân hào nhân sĩ địa phương lái xe bốn bánh vào chùa lễ Phật. Theo định luật vô thường tan hoại, Hòa Thượng Thích Chí Trung đã thâu thần viên tịch vào ngày 29/2 âm lịch, năm Nhâm Thân 1932. Được an táng trong ngôi mộ đất nằm về phía Tây Nam chính điện. Từ đây không có người kế thừa. Có thầy Chữ hương đăng cho chùa. Một nữ cư sĩ, gọi là Bà Bảy ở gìn giữ. Khi Bà Bảy qua đời, người thứ hai, cư sĩ Trương Mộc Long, gọi là Bạc Lến đứng ra quản lý nhưng không ở trong chùa. Vào thời điểm này, tại chùa thường xuyên xuất hiện cặp mãng xà to lớn khiến Phật tử ít tới lui, lối vào bị bế tắt, chùa không được sửa sang, ngày càng hư hỏng; nhiều vị tăng, ni tới tu học, do chưa đủ nhân duyên, không trụ được lâu, hoạt động hoằng dương giáo pháp cũng nhạt mờ, suy giảm. Năm 1974, ngôi chính điện hoàn toàn bị hư hoại do sự tàn phá của thời gian. Nhiều cư sĩ địa phương, trong đó có cư sĩ Trương Mộc Long đứng ra đảm trách việc xây sửa lại bằng vật liệu bán kiên cố, có mô hình thượng lầu hạ hiên, dài 10 mét, ngang 7, 8 mét ngay trên nền chính điện cũ. Dù vậy, chùa vẫn vắng vẻ cô liêu, nằm côi cút giữa đồng vì không có người trụ trì cùng ngày đêm kệ kinh chuông mõ… Hơn 10 năm sau, thầy Chữ viên tịch. Chùa trở nên hoang phế, không còn người hương đăng, cây rừng cỏ dại mọc dày đặc vây quanh, đường vào mòn lỡ, chỉ còn một bờ đê ruộng nhỏ đi vào chùa. Cư sĩ Trương Mộc Long cám cảnh tủi lòng, cũng vì tuổi tác đã già nên đi cậy nhiều thầy cô tìm giúp người giao lại ngôi chùa. Năm 1993, cơ duyên đã đến: Sư cô chùa Hưng Thiện, xã Hưng Hội tạo duyên cho cư sĩ Trương Mộc Long đến Tịnh xá Ngọc Chiếu, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp gặp Sa môn Thích Giác Tòng giãi bày nội dung nêu trên. Vì Phật pháp, Sa môn Thích Giác Tòng nhận lời về chùa hương đăng coi sóc. Khi về chùa, Sa Môn Giác Tòng sinh hoạt, tu tĩnh trong một tịnh thất lợp lá cột cây nằm ven một bờ ruộng thuộc đất chùa. Khung cảnh vẫn hoang vắng, tiêu sơ. Cây dừa nước và mây rừng gai cùng nhau lợp kín nhiều dãy hầm hào, bao quanh mấy công ruộng cạn. Con đường mòn lỡ ngày nào giờ càng lỡ mòn đến mức cuối cùng. Chiều chiều, đêm đêm, bìm bịp, chim cú, chim heo…thay nhau kêu buồn não nuột giữa muôn tiếng gió lùa, lá reo chen lẫn tiếng chuông chùa trong trẻo ngân nga tỏa lan tinh thần đại từ, đại bi của nhà Phật vào muôn vật, vạn loài. Cặp mãng xà ngày nào vẫn còn xuất hiện nhưng ít lâu sau cũng bỏ đi theo lời khấn nguyện của Sa Môn Giác Tòng. Dù vậy, Sa môn Giác Tòng vẫn liên tục gặp không ít chướng ngại khác trên đường hoằng dương Phật pháp từ nhiều phía và cuối cùng cũng đã vượt qua. Năm 1998, từ phát tâm của Phật tử thập phương, Sa Môn Giác Tòng mua được một con đường đất dẫn vào chùa, dài trên 900 mét, rộng 6 mét; đưa được cổng ngoài ra tới bờ phải một con rạch nhỏ để có thể bắc cầu trực tiếp thông liền tới tuyến quốc lộ nối Tp. Bạc Liêu với Cà Mau qua đoạn xóm chợ Trà Kha như đã nói bên trên. Cùng lúc, khu rừng rậm nằm hai bên lẫn phía sau đất chùa được san ủi bằng xe cơ giới kết hợp biện pháp thủ công. Ngoài ra, Sa Môn Giác Tòng còn cho đào một hồ chữ nhật trồng sen trắng, nằm về phía Nam Tây Nam, cách khu chính điện cũ khoảng 70 mét để lấy đất san lấp các thửa ruộng cạn (vì cư dân nơi đây đã xả đập cho nước mặn tràn vào để nuôi tôm nên không trồng lúa được nữa) cùng các hầm hào có từ trước nơi đất chùa. Thầy Trụ trì Thích Giác Tòng chăm sóc cảnh chùa Năm 2000, chùa Khánh Long An được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu công nhận, cùng lúc Sa Môn Giác Tòng được bổ nhiệm chức vụ Trụ trì. Từ cơ sở này, chùa được khởi công xây mới ngôi chính điện thờ Phật, nằm song song bên trái ngôi chính điện cũ. Năm 2004 thì hoàn thành: Trông khá cao rộng, oai nghiêm, thoáng đảng với hệ thống mái ngói màu xanh ngọc bích. Thực hiện câu “ Hoằng pháp vi gia vụ/ Lợi sanh vi bổn hoài” ( Người đệ tử Phật không ngừng ngơi nghỉ vì lợi ích chúng sinh ), Thầy Trụ trì ấn định một tháng có bốn ngày: Ngày mùng 7, tu an lạc cho Phật tử. Ngày rằm, cúng hội, hướng dẫn Phật tử thông hiểu giáo lý Phật Đà, để tu tại gia, trở nên người thuần lương thiện mỹ. Ngày 22 mở khóa tu Bát Quan Trai, tập cho Phật tử giữ giới tu một ngày. Ngày 30, trở lại cúng hội. Mỗi ngày như vậy, Phật tử tham gia khoảng 30 vị. Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng giêng, vía Di Lạc. Rằm tháng giêng, cúng Thượng Ngươn. Mùng 8 tháng 4, ngày Phật Đản - có ủng hộ gạo, từ 1 tấn tới 1 tấn 2 cho Phật tử, đồng bào nghèo. Ngày 16-7, lễ Vu Lan, lại ủng hộ gạo, từ 1,5 tấn. Tháng chạp cuối năm, tiếp tục ủng hộ phật tử, đồng bào nghèo hưởng Tết vui Xuân từ 1,5 tấn gạo trở lên. Thầy Trụ Trì Thích Giác Tòng Năm 2003, khu tăng xá, nằm phía sau, bên trái khu chính điện mới được xây dựng, gồm có hai mặt, vừa xoay về hướng Bắc, vừa xoay hướng Đông, mỗi phía tiếp liền với một thềm sân gạch có nhiều chậu cây kiểng được uốn tỉa công phu, dáng vẻ hài hòa cân đối tân kỳ, ban đêm tỏa hương ngào ngạt. Năm 2005, khu hậu tổ tiếp tục bị hư hoại, nên được dở ra. Tới năm 2006, được khởi công trùng tu, nâng cấp thành Tịnh đường, xoay mặt về hướng Tây. Khu chính điện cũ, từ đây, trở thành ngôi Hậu tổ. Cùng lúc, trong năm 2006, khu tượng “Phật thuyết pháp”nằm phía trước và bên phải khu chính điện mới, cùng khu vực ni xá, nằm đối diện phía Đông ngôi Hậu tổ, tiếp liền mặt phải, góc sau khu Tịnh đường cũng được xây dựng. Năm 2008, khởi công, hoàn thành trong năm đài tượng Địa Tạng Bồ Tát, nằm phía trước, bên phải khu chính điện, cao 3 thước, kể luôn bệ. Năm 2009, khởi công, hoàn thành trong năm đài tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, nằm phía trước, bên trái khu chính điện, cao 3 thước, kể luôn bệ. Năm 2010, khởi công và hoàn thành trong năm khu đài tượng “ Phật nhập niết-bàn” nằm góc trước, bên phải chính điện mới. Nơi bờ Đông hồ sen, khu nhà khách tăng tiếp tục được khởi công xây dựng. Mộ táng Cố đại lão Hòa thượng Thượng Chí Hạ Trung được nâng cấp thành tháp mộ. Cùng lúc, hai tịnh thất nhỏ cũng được xây dựng, nằm sát rào chùa, mặt xoay về phía Đông, gần bên tháp mộ của Cố Hòa thượng Chí Trung. Năm 2011, tổ đường tiếp tục được khởi công xây dựng. Nằm thẳng hàng về hướng Nam, cách khu chính điện khoảng 20 mét. Hiện nay, công trình chưa hoàn thành: Phật tử thập phương phát tâm cúng dường Tam bảo tới đâu, tiếp tục làm tới đó. Mới hay, sự côi cút cũng chính là điều làm nên sự quyến rũ thâm trầm đặc sắc nơi chùa. Tại đây, hễ đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy toàn cây xanh chen lá biếc cùng mây trắng ở trên cao. Cả ngày, chim chóc tụ tập hót vang, mỗi loài một tiếng cùng một giai điệu cao thấp bổng trầm. Sáng sớm, 4 giờ, tiếng chuông công phu lắng lòng bụi bặm, khiến tâm ý chợt sáng trong, trí huệ minh mẫn, cảm nhận sự đời sự người càng rõ ràng tươi nguyên sâu sắc hơn, giống như người đang đứng trên đỉnh núi cao, chỉ một phóng mắt có thể gom trọn lòng đời cùng lòng người vào một nụ cười thênh thang đầy tĩnh lặng không mây. Khiến cuộc sống có đang như thế nào, lòng vẫn luôn ngập tràn một cành hoa nở mãi về phía thành tựu viên mãn, lạc phước an lành đẫm đầy hương vị từ bi bác ái, vô ngã vị tha của nhà Phật. ĐBSCL, Lập Đông năm 2012 Thiện Nghĩa