Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính chung 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp thành viên đạt 73.000 chiếc, giảm tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tiêu thụ này, VAMA dự báo sản lượng bán hàng cả năm nay chỉ đạt khoảng 94.000 xe. Tồn kho cao khiến các doanh nghiệp lắp ráp ôtô sụt giảm doanh thu, kéo theo thất thu thuế của các địa phương. Là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong tổng số 18 thành viên về doanh số bán hàng nhưng 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Công ty Ôtô Trường Hải đã giảm tới 74% so với cùng kỳ (chỉ 139 tỷ đồng so với 527 tỷ đồng lợi nhuận cùng kỳ năm trước). Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách năm nay đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do giảm nguồn thu từ thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô. Vĩnh Phúc và Quảng Nam là 2 tỉnh bị ảnh hưởng thu ngân sách lớn nhất từ sự suy giảm của ngành công nghiệp ôtô. Thị trường ôtô nhập khẩu vốn đã bế tắc càng bế tắc hơn khi ngành thuế áp dụng việc tính thuế theo bảng giá tối thiểu thay vì căn cứ vào giá trên hóa đơn, giá khai báo đối với mặt hàng ôtô đã được thực hiện từ trước đến nay nhằm chống gian lận thuế. Đặc biệt, từ giữa tháng 10, bảng giá tối thiểu này được điều chỉnh tăng lên với biên độ rất lớn, làm đội giá thành xe nhập khẩu ở thị trường trong nước. Theo đó, người mua xe phải chịu cảnh mua một trả tiền hai vì các khoản phải trả thêm lên đến cả chục ngàn USD, tương đương giá trị một chiếc xe du lịch sản xuất, lắp ráp trong nước. Đã giữa quý IV của năm nhưng doanh số bán hàng của các hãng xe cũng như ôtô nhập khẩu vẫn không “ngóc đầu” lên nổi sau chuỗi suy giảm. Sự ảm đạm này không chỉ đẩy các doanh nghiệp trong ngành vào khó khăn mà còn tác động mạnh đến kinh tế - xã hội bởi đây là ngành công nghiệp quan trọng, có đóng góp lớn về thuế và công ăn việc làm. Theo Người lao độngNguồn: VNExpress