Cuối tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố giải tán hạ viện. Động thái này nhằm tránh việc đóng băng chi tiêu chính phủ, đồng thời mở đường cho cuộc bầu cử được kỳ vọng sẽ dẫn đến nhiều chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nền kinh tế. Tuyên bố trên của ông Noda, dưới sức ép của phe đối lập - Đảng Dân chủ Tự do (LDP), sẽ cho phép Nhật Bản chặn lại "vách đá tài khóa" (chương trình tự động tăng thuế và giảm chi tiêu) tại nước này. Để đổi lấy bầu cử, LDP đã chấp nhận kế hoạch của ông Noda, phát hành trái phiếu để tăng ngân sách chính phủ nửa cuối năm, sau một thời gian dài bế tắc. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Yoshihiko Noda (phải). Ảnh: Asahi Shimbun Tuy nhiên, kể cả khi cuộc khủng hoảng tài chính ngắn hạn này bị đẩy lùi, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Điển hình là việc hồi phục sau thảm họa động đất - sóng thần đã làm chao đảo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này suốt hơn một năm qua. Tăng trưởng kinh tế Nhật trong quý III đã giảm 3,5% so với cùng kỳ, tệ hơn dự báo của các nhà kinh tế. Họ cũng cho rằng, chỉ cần quý cuối cũng tăng trưởng âm, nước này sẽ rơi vào suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách tại Nhật có rất ít lựa chọn để đối phó với tình trạng kinh tế bất ổn hiện nay. Tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này hiện cũng cao nhất thế giới. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch vẫn bày tỏ lo ngại về "tốc độ chậm chạp" của việc củng cố tài khóa và chính trị tại Nhật. Cơ quan này cho biết: "Sự bất ổn về chính trị sẽ làm tăng lo ngại về khả năng nước này tiếp tục các chính sách củng cố tài khóa". Trên thực tế, giới phân tích dự đoán cả hai đảng lớn đều có khả năng gom đủ phiếu trong cuộc bầu cử để hình thành chính phủ. Đảng LDP do cựu thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo. Ông đã từ nhiệm năm 2007 vì lý do sức khỏe chỉ sau một năm nhậm chức. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như đang đánh cược vào sự trở lại của ông Abe. Chứng khoán Nhật đã khởi sắc và đồng yen bị bán ra hàng loạt khi có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ thúc giục Ngân hàng trung ương Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ và nâng cao mục tiêu lạm phát. Các nhà phân tích tại Nomura cho biết cơ hội có thêm ngân sách cho đầu năm sau đang tăng lên và sẽ thúc đẩy tăng trưởng năm 2013. Nomura cho biết: "Chúng tôi dự đoán ngân sách bổ sung cho năm tới sẽ vào khoảng 700 tỷ yen. Tuy nhiên, tùy vào mục tiêu của nội các mới, con số này có thể sẽ lớn hơn". Khi tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang gia tăng, thương mại hai nước cũng bị ảnh hưởng. Doanh thu quý III của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã bị sụt giảm trầm trọng. Tuy nhiên, kể cả khi các vấn đề ngắn hạn và trung hạn này được giải quyết, thì mức nợ của Nhật Bản vẫn rất cao. Nhà phân tích Carl Weinberg của High Frequency Economics cho biết: "Chúng tôi chắc chắn, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tháng sau, Nhật Bản cũng sẽ không thi hành bất kỳ chính sách tích cực nào để giảm đáng kể số nợ khổng lồ hiện tại". Hà Thu (theo CNN) Nguồn: VNExpress