Sống bao đời trên núi cao, người Dao Tiền ở Hòa Bình ngoài những bài thuốc gia truyền chữa bệnh còn có cách làm đẹp riêng cho mình. Chỉ với vài thang thuốc lá cây được đun để tắm và uống, người ta có thể biến những người có nước da sạm, sần sùi mụn nhọt trở nên trắng trẻo, trẻ ra vài tuổi. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì những bài thuốc không phải để “quảng cáo” mà nó thực sự hiệu quả. Nhưng không phải ai cũng tìm được và ai cũng bốc được những bài thuốc này. “Không còn dấu hiệu của mụn” Tôi “nịnh” mãi nhưng cô bé Lý Thị Lan (ngụ xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) vẫn không cho chụp ảnh khuôn mặt của em. Nhìn khuôn mặt da trắng, mịn màng ở cái tuổi 19 không ai nghĩ rằng trước đây em có khuôn mặt “quỷ ám”. Trước đó, thấy mặt em ngày càng mọc nhiều mụn, người dân trong xóm nghĩ rằng em bị chứng nan y khó chữa nên chẳng ai dám chơi, chẳng ai dám đến gần. Bà Lý Thị Yên mẹ em bảo: “Đến tôi lúc đó cũng thấy sợ mặt con gái mình. Mặt nó mụn lấm tấm như cái bánh đa rắc vừng”. Thế rồi nghe nhiều người trong xóm mách, em đến bà lão Tà Củ Thao (Tiếng dân tộc Dao, người Kinh gọi bà là đơn giản với cái tên bà Thao). Bà lão người dân tộc này ra nương nhổ một ít cỏ bụi về bảo: “Mày về rửa sạch mấy cái cây này đi, đun lấy nước rồi rửa mặt hàng ngày. Càng rửa nhiều thì càng nhanh khỏi”. Lan về làm đúng như cách của bà lang vườn. Điều kỳ lạ đã xảy ra: Sau 4 ngày thì những vết mụn trên khuôn mặt dần lặn đi, đến một tuần sau thì “không còn dấu hiệu của mụn”. Thấy có hiệu quả, các thôn nữ trong bản xôn xao bàn tán, dù mặt không có mụn nhưng vẫn lũ lượt kéo đến nhà bà Thao với yêu cầu “quá đáng” hơn: “Mế ơi, mế biết nhiều chuyện quá. Mế tìm cho chúng con vị thuốc để làm da đẹp hơn, có như vậy thì các con của mế mới được chồng yêu hơn”. Bà lão phúc hậu sau một hồi ngẫm nghĩ, nghe các sơn nữ nằn nì nhiều rồi cũng phải xiêu lòng: “Mày chờ tao mấy hôm nữa tao lên rừng kiếm cho, lâu lắm không có đứa con gái nào làm đẹp bằng cây dại mà toàn thích son phấn lòe loẹt nên tao không đi lấy về”. Bán tín bán nghi vì không nghĩ bà lão này lại giỏi giang hơn cả… công ty mỹ phẩm, thế nhưng mấy hôm sau các cô vẫn quay lại để kiểm nghiệm lời bà lão. Bà lang vườn đưa cho các cô gói ni lon chứa chỉ 2 loại cây lá lổn nhổn: Một là cây và lá khô, một là dây rừng. Theo chỉ dẫn của bà, hai vị này đun với nước sôi sùng sục rồi chờ đến khi nước ấm thì một ít cho vào cốc uống, số còn lại dùng để tắm. Chỉ chưa dùng hết 6 thang những vết nám trên cơ thể cũng lặn dần, màu da chuyển dần sang trắng, da Lan mịn màng và đầy sức sống. Sơn nữ này chưa hết kinh ngạc: “Em là người Dao sinh ra lớn lên ở đây. Trước em chỉ nghe nói có bài thuốc đó nhưng quả thực không tin lắm. Khi sử dụng rồi mới biết nó hiệu nghiệm như nào. Từ lần đó em vẫn đến lấy thuốc tắm. Hôm nào bận thì thôi chứ rảnh rỗi là đun thuốc tắm và tuyệt đối “giã từ” thuốc tẩy trắng, xà bông”. Tác dụng "3 trong 1" Không rõ loài cây lá mà các sơn nữ thuật lại là gì, chúng tôi quyết tâm vượt hàng chục cây số đường rừng tìm đến nhà bà lão nắm được bí quyết bài thuốc làm đẹp da. Nhà Tà Củ Thao ở cuối xóm Hạ Sơn, xung quanh là rừng núi chập chùng. Con đường vào nhà bà toàn phơi cây thuốc. Bà lão chân thật: “Đây là bí quyết riêng của người Dao chúng tôi. Tôi được ông bà, bố mẹ truyền lại cho làm thấy hiệu quả lắm. Gọi là bí quyết nhưng với nhà báo thì mình không giấu đâu”. Bà Tà Củ Thao với "mỹ phẩm mọc dại". Theo lời bà lão, cách chữa mụn trên mặt bằng lá cây thì với người Dao là chuyện “nhỏ như con thỏ”: Lấy cây To tét (Tên tiếng Mường, còn tiếng Kinh thì không rõ là gì) đun với nước, để nguội làm nước rửa mặt là vài bữa hết mụn. Rồi bà ra vườn nhổ cho tôi mấy cây. Đó là loài cây mọc hoang, cây cao nhất cũng chỉ chưa đầy hai gang tay, cây nhiều nhất có chưa đến 10 chiếc lá màu xanh ngắt kèm mấy nụ hoa cứng ngắc. Cũng theo bà lang, loại cây To tét không chỉ có tác dụng mà còn có thể chữa bệnh mất sữa với những phụ nữ đang nuôi con. Bà nói:”Rửa sạch nó đi rồi đun nước uống khoảng 4 - 5 ngày là sữa về nhiều lắm”. Chỉ với “thần dược mọc hoang” này, hàng chục năm nay bà đã chữa được bệnh mặt mụn, mất sữa cho bao nhiêu phụ nữ quanh vùng. Còn với những thanh niên muốn trắng da cho đẹp thì dùng lá cây trên rừng. Bài thuốc này chủ yếu 2 loại cây theo tiếng Dao gọi là Đen Chi Liếc và Oạp Tam Mây (còn tiếng Kinh không biết gọi là gì). Cây Đen Chi Liếc là cây thân gỗ sống ở núi đá cao, không khí lạnh, có màu lá xanh đậm, da sần sùi, có mùi thơm và chỉ sống ở rừng già. Cây Oạp Tam Mây là loại cây dây có màu trắng muốt, sống bám vào đá không có mùi thơm. Hai giống cây này sống gần nhau. Người Dao quan niệm hai loài cây này là tượng trưng cho nếp và tẻ, âm và dương. Khi kết hợp làm vị thuốc tắm, sẽ tẩy được những độc tố có trong da, khi dùng nước uống thì những chất độc có hại cho da đi theo đường tiêu hóa. Nếu sử dụng chỉ tắm hoặc chỉ uống nước thì không có tác dụng. Đã có thuốc, thế nhưng để sử dụng sao cho hiệu quả thì bắt buộc người ta cũng phải tuân theo những quy tắc nhất định, nếu không thì sẽ “mất thiêng”. Với nước tắm thì sơn nữ chỉ sử dụng tắm vào buổi tối và phải là nước đun sôi để ấm. Bà mế này phân tích có vẻ rất rành rọt: “Đừng bảo là thuốc của người Dao ta không khoa học đâu nhé. Tắm nước thuốc này vào buổi tối vì đây là lúc những chất không có lợi cho da phát triển mạnh nhất gây hại cho cơ thể. Lúc này tắm thì lá thuốc có hiệu quả cao nhất”. Theo bà lão, chỉ cần dùng hết 5 - 10 thang thuốc này thì da phụ nữ giảm dần chất độc hại, chuyển sang trắng mịn như da trẻ con. Bà Thao kể, hai giống cây này rất khó gặp trên rừng. “Nhiều lúc đi tìm nó thì không thấy, nhiều lúc không đi tìm nó thì thấy”, bà nói. Cách đây nửa tháng khi đi lấy cây thuốc, may mắn bà tìm thấy lấy về một bao tải. Nghe nói bà lấy được chị em phụ nữ quanh vùng đến mua và chỉ một ngày sau là hết veo. Hỏi: “Tác dụng thần kỳ như thế thì giá có đắt không?”, bà đáp: “Ta không bán đâu, chỉ lấy tiền công đi leo rừng thôi, có người cho vài chục ngàn mỗi lần là nhiều lắm rồi”. Chưa dùng lần nào nên tôi vẫn bán tín bán nghi, thế nhưng trên đường về xuôi, gặp những sơn nữ lưng đeo gùi, nét mặt vui tươi với làn da trắng như trứng gà bóc mỉm cười chào khách lạ, cũng có lúc người ta phải tự nhủ: “Chắc những thang thuốc làm đẹp của người dân tộc phải hữu ích, thì vẻ mặt, làn da của những sơn nữ vùng cao này mới làm xiêu lòng du khách đến thế”. Cũng như người Dao Tiền, người Mường ở Hòa Bình cũng có những cây thuốc để dưỡng da và dưỡng tóc. Bà Bùi Thị Mơ (xã Kim Truy, huyện Kim Bôi) cho biết, người ta có thể lấy lá cây Hăn (tiếng Mường) rửa sạch đun lấy nước để ấm rồi tắm và gội đầu. Đó là bí quyết bao đời nay của những phụ nữ Mường ở vùng cao có được nước da và mái tóc đẹp mê hồn. Chỉ cần tắm vài ngày liên tục thấy tóc trơn, da bóng mịn màng. Lá cây Hăn nhỏ như lá xấu hổ, dây leo thường mọc trên núi đá.