Lâu nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau ở Nghệ An có một dòng suối mà ở đó có vũng nước trong vắt đến lạ thường khi một hòn đá chỉ bằng đầu ngón tay nằm dưới độ sâu chừng 3 - 4 mét vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dòng nước này mát lạnh về mùa hè lại ấm về mùa đông, kỳ lạ hơn là nước ở đây ùn từ dưới lòng đất lên chứ không hề bắt nguồn từ dòng chảy khác, con gái tắm ở vũng nước này thì có làn da trắng hồng hào... Sự tích “vũng nước tiên” Tìm về xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ(Nghệ An) giữa tiết trời nắng chang chang tôi hỏi địa chỉ dòng suối có vũng nước mát lạnh, chị Hà bán hàng tạp hóa ở trung tâm xã nhanh nhảu: “Rứa chú ở mô mà cũng về đây tắm mát ở suối nước tiên này. Chú mà tắm ở đây một lần thì về nhớ cả đời, không chừng lại nghiện” - chị Hà khẳng định. Tìm đến bản Bắc Sơn (nơi gần như là 100% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống), đây cũng chính là nơi có con suối và vũng nước tiên kỳ lạ. Mặc dù không có tư liệu nào ghi chép nhưng theo lời kể của các cụ cao niên thì suối nước này có từ khi nào không ai biết, khi lớn lên ai cũng bảo là có dòng suối này rồi với tên gọi là Khe Xanh. Nhiều người còn đặt cho nó cái tên “suối tiên“. Cận cảnh vũng nước tiên (vũng Cả Quan) ở Khe Xanh nước trong vắt đẹp mê hồn Nguồn nước được xuất phát từ 3 cái mó nước từ trong lòng đất chảy ra, mùa đông nước ấm còn mùa hè mát lạnh. Từ xưa người dân bản Bắc Sơn thường ra đây tắm mát. Không chỉ dân thường mà ngay các quan cũng tắm ở đây. Dọc bên dòng Khe Xanh có hai vụng tắm, thông thiên với dòng Khe Xanh, mà theo sự tích các cụ kể lại thì nó là nơi mà quan ông và quan bà thời nghĩa quân Lê Lợi vào đóng quân ở vùng đất này thường tắm. Trong đó một vụng phía trên có tên gọi là vụng Cả Quan là nơi cho quan ông thời Lê Lợi tắm; còn một vụng phía dưới có tên gọi là vụng Mó Tôm là nơi cho quan bà tắm. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta khi đóng quân ở đây vẫn thường rủ nhau đi tắm ở vụng nước này. Các lý trưởng, cường hào thời phong kiến cũng thường tắm ở hai vũng nước này vì vậy nơi đây mới có tên vụng Cả Quan. Lại có chuyện kể rằng, ngày xưa nơi đây là cổng trời, Ngọc Hoàng thường cho tiên nữ xuống tắm ở dòng suối này nên mới có tên là vũng nước tiên. Theo lịch sử và tác động của con người, ngày nay vũng Mó Tôm đã bị tác động phần nào. Còn vũng Cả Quan thì gần như vẫn giữ được vẻ đẹp và nguyên những gì sự tích để lại. Trong hơn nước khoáng Quả thực như lời kể, những câu chuyện về dòng suối ở đây không sai. Khi đó đã xế trưa, thấy tôi dừng xe bên dòng suối nhiều nam thanh nữ tú đang tắm mát ở đây liền hét lên: “Có khách lạ đến tắm suối tiên…“. Theo chân một số người đi tắm, vượt qua được ngọn núi khá cao rồi tận mắt chứng kiến được vũng tắm tiên. Anh Phong người làng Bắc Sơn giới thiệu: “Mùa hè hầu như ngày mô tui cũng ra đây tắm. Nói về tắm thì chắc trên đời này không có chỗ mô tắm sướng bằng vũng nước tiên này. Nhiều buổi trưa hè nắng đến 39 - 40 độ C nhưng ra ngâm mình xuống vũng nước này sẽ mát thấu xương. Nhưng lạ là về mùa đông nếu tắm lại ấm như tắm bình nóng lạnh...”. Đền thờ Đức ông Lê Mạnh Quan sát vũng nước tiên này có diện tích rộng chừng 40m2, dưới đáy là đá màu trắng. Điều kỳ lạ là ở giữa vũng nước lại có một hố nước sâu chừng 4 mét, rộng hơn 1 mét và dài khoảng 3 mét. Khi anh Phong lao mình xuống hố nước này thì làn da của anh trắng bóc một cách lạ thường. Lấy một hòn đá bằng ngón tay cái tôi tiến đến thả nhẹ xuống hố nước này thì thấy hòn đá đi xuống tận đáy chừng 3-4 mét. Cái khó tin là nhìn bằng mắt thường gần như tuyệt đối không tìm thấy một vệt cấn dù nhỏ nhất. Không tin nổi độ trong của dòng nước nơi đây, sẵn chai nước khoáng La Vie trong ba lô tôi liền múc đầy vỏ chai này giơ lên. Thật không tin nổi là nước ở vũng này còn trong xanh hơn cả nước khoáng nguyên chất đóng chai sẵn. Anh Phong cười rồi nói: “Không phải mình anh công nhận nước ở đây trong hơn nước khoáng đóng chai đâu mà hầu hết ai đến đây cũng đều công nhận điều đó. Có năm mùa hạn hán hết nước người dân lại tìm đến đây để múc nước gánh về nhà làm nước ăn…“. Đẹp nhất phải nói xung quanh hố sâu ở vũng nước này là những vách đá với nhiều hình thù như hình con cá, con chim, con hạc... đứng trên dễ dàng nhìn xuyên qua lớp nước để ngắm. Nếu để hố nước này yên sẽ dễ dàng thấy bọt tăm sôi ùn ùn từ dưới lên, điều này cũng minh chứng rằng nguồn nước ở Khe Xanh chính là khởi nguồn từ những mạch nước ngầm như thế này. Nói về mạch nước ngầm ở Khe Xanh, ông Phan Văn Ngũ - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc, một người biết khá rõ về dòng suối nơi đây khẳng định: “Đúng là dòng Khe Xanh ở đây nước không bao giờ cạn. Mặc dù vào mùa hạn không hề có nguồn nước từ nơi khác chảy về nhưng nước ở Khe Xanh vẫn chảy đều. Nguồn nước chủ yếu trong mó nước ở ngay dưới vũng nước tiên và lòng khe ùn ra...”. Ngôi đền linh thiêng Cách dòng Khe Xanh chừng 20 mét có một ngôi đền mà người dân địa phương vẫn quen gọi đền Khe Xanh. Ngôi đền này gắn liền nhiều câu chuyện với dòng Khe Xanh và vũng nước tiên. Theo cụ Trương Văn Đại - người trông coi ngôi đền đã hơn 10 năm nay cho biết tên chính thức của đền là đền thờ Đức ông Lê Mạnh (một đại tướng quân thời Lê Lợi), tướng quân đi đánh giặc về và mất ở đây nên người dân đã lập đền thờ. Còn theo sử sách thì Đức ông Lê Mạnh là 1 trong 12 vị tướng giỏi của Vua Mai Hắc Đế. Bây giờ cũng không ai nhớ rõ là đền thờ Đức ông Lê Mạnh có từ lúc nào, nhưng đối với người dân bản Bắc Sơn nói riêng và xã Nghĩa Phúc cũng như các vùng lân cận thì đây là một ngôi đền linh thiêng. Hỏi người dân Bắc Sơn không ai không thuộc lòng những câu chuyện gắn liền với ngôi đền Đức ông Lê Mạnh như ngày xưa ở vùng Khe Xanh này có nhiều thú dữ như hổ, báo, lợn rừng... Hễ ai muốn đi qua Khe Xanh và khu vực này để vào bản, đặc biệt là ban đêm thì phải mang theo dao, mác, gậy gộc… và phải đi đông người thì mới mong không bị thú dữ ăn thịt. Thế nhưng từ lúc mọi người truyền tai nhau là mỗi lần muốn đi qua khu vực này hãy vào thắp nén nhang ở ngôi đền thì thú dữ không dám đụng tới. Rời bản Bắc Sơn khi hoàng hôn ẩn sau những dãy tre làng, tôi vẫn nhớ mãi câu thơ được người dân xã Nghĩa Phúc từ trẻ em mẫu giáo đến các cụ cao tuổi đều thuộc lòng mỗi khi giới thiệu vắn tắt về quê hương mình: “Có ai hỏi nơi nào đẹp nhất Tôi trả lời Nghĩa Phúc quê tôi Có dãy lèn cao chót vót tận chân trời Có Khe Xanh hai dòng nóng lạnh”