Món ăn bồi bổ giúp ngủ ngon Không cần dùng tới thuốc tây, những món ăn theo bài thuốc đông y dễ mua, dễ làm vừa giúp bạn ngủ ngon đồng thời có tác dụng bồi bổ cơ thể. Sự thiếu ngủ hoặc mất ngủ sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại cho sức khỏe, như: suy nhược thần kinh, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, tăng nguy cơ béo phì, dễ bị stress, giảm khả năng chống ung thư… Mất ngủ được đánh giá mức độ tùy theo các yếu tố như: khó dỗ giấc ngủ, sau 30 phút đến 1 giờ mới ngủ được, có khi trằn trọc rất lâu mới đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ không sâu, ngủ lơ mơ, dễ thức giấc, khó ngủ lại. Giấc ngủ ít, chỉ khoảng 3-4 giờ mỗi đêm, thức dậy quá sớm. Sau khi ngủ dậy người vẫn không khỏe, cảm giác còn buồn ngủ. Để có một giấc ngủ ngon, trong bữa ăn hằng ngày, người bị mất ngủ nên dùng thường xuyên các loại thực phẩm sau: HẠT SEN còn gọi là liên nhục, là thực phẩm bổ dưỡng cao cấp, dược liệu quý để bổ tỳ, dưỡng tâm, an thần, sáp trường, cố tinh. Rất có ích cho người suy nhược cơ thể, mất ngủ, lỵ, tiết tả, di mộng tinh. Ngày dùng 10-30gr. Cháo hạt sen, long nhãn: hạt sen 100gr, long nhãn nhục 20gr, vỏ quýt 1 miếng nhỏ (2x2cm), gạo nếp 100gr. Hạt sen bóc vỏ, rửa sạch, thông tim. Long nhãn nhục rửa sạch, để ráo. Vỏ quýt rửa sạch, thái sợi. Gạo nếp vo sạch, để sẵn. Cho tất cả vào nồi (nồi đất càng tốt). Đổ nước ngập quá 3cm. Đặt lên bếp, nấu lửa lớn cho mau sôi, vớt bọt, để lửa nhỏ cho sôi liu riu. Nấu đến khi thấy hạt sen và nếp chín mềm là được. Múc ra chén, thêm ít mật ong, đường, hoặc muối để ăn lúc đói bụng. CỦ SEN còn gọi là liên ngẫu, ngó sen, có tác dụng an thần, làm mạnh dương khí, dưỡng huyết điều hòa tạng phủ. - Canh củ sen, hồng táo: củ sen 500gr, hồng táo (táo đỏ) 200g. Hai thứ hầm chín nhừ, thêm đường phèn vừa đủ, dùng ăn nóng vào buổi chiều tối. Món ăn này còn giúp bồi bổ cơ thể. - Củ sen xào tôm – thịt: củ sen 500gr, tôm đất 100gr, thịt heo nạc 100gr. Hành lá, dầu ăn, tỏi, tiêu, đường, muối, bột ngọt, nước mắm, ớt, chanh. Bắc chảo dầu lên bếp, khử tỏi vàng thơm. Cho thịt và tôm vào xào sơ rồi cho ngó sen vào xào chung. Nêm 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê nước mắm, hành lá. Đảo đều rồi nhấc xuống. Món này ăn nóng trong bữa cơm. Có tác dụng bổ tỳ vị, bổ phế, rất tốt cho người suy nhược, mất ngủ. - Củ sen, đậu đỏ hầm thăn bò: ngó sen 600gr, đậu đỏ 150gr, vỏ quít 1 miếng 6 x 6cm, đậu đỏ: 150gr, thăn bò 300gr, muối hạt. Cho vào nồi đất ½ lít nước. Nấu nước sôi, cho củ sen, đậu đỏ, vỏ quýt, thăn bò vào. Đậy kín nắp nồi, hầm các thứ khoảng 3 giờ thì nêm ít muối, khi thịt chín mềm nhấc xuống. Múc ra tô, ăn nóng. Món này có tác dụng bổ huyết, dưỡng da, giúp tăng sinh lực, tráng dương rất tốt cho người bị huyết hư, thiếu máu, da mặt khô héo, người gầy yếu, bứt rứt trong người, ăn ngủ kém, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Chè sen long nhãn LONG NHÃN là cùi của trái nhãn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc gọi là long nhãn nhục, nguyên nhục hoặc quế viên. Theo đông y, long nhãn có vị ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ, an thần, trấn tĩnh thần kinh, làm tăng trí nhớ, làm đẹp nhan sắc, tăng tuổi thọ. Khi ăn quả nhãn, nên chọn quả chín, không nên ăn quả chưa chín vì có thể sinh đàm. Đối với long nhãn khô, cách ăn tốt nhất là nhai nhỏ rồi ngậm và từ từ nuốt nước; không nên chỉ nhai sơ qua rồi nuốt liền. Mỗi ngày chỉ nên dùng 8-20gr long nhãn nhục (khô), dùng riêng hoặc phối hợp với hạt sen 20-30gr (khô), hồng táo 10-15 quả để nấu chè hoặc nấu cháo ăn rất bổ dưỡng, giúp ngủ ngon giấc và trợ tim. Nếu uống được rượu, bạn có thể làm rượu long nhãn theo cách sau: Ngâm 200gr long nhãn nhục với 0,5 lít rượu trắng. Sau 2 tuần là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20ml trước bữa ăn. - Cháo bát bảo an thần, kiện tỳ: Gạo nếp 150gr, hạt ý dĩ 10gr, long nhãn nhục 10gr, bắc sa sâm 10gr, hoài sơn 10gr, hồng táo 10gr, xích tiểu đậu (đậu đỏ hạt nhỏ) 10gr, hồ đào nhân 5gr. Gạo nếp vo sạch. Các vị thuốc nấu nước cho sôi rồi để nhỏ lửa 45 phút. Cho gạo nếp vào nấu thành cháo. Khi ăn thêm đường, ăn theo bữa trong ngày. - Nước long nhãn, táo đỏ: Táo đỏ 10 quả, long nhãn nhục 5 quả, bông cúc trắng 15gr. Tất cả rửa sạch, dùng 300ml nước đun sôi ngâm khoảng nửa giờ thì có thể uống được. Có tác dụng bổ não thanh hỏa, an thần trợ ngủ, tốt cho người làm việc bị áp lực. ĐẠI TÁO có 2 loại: táo đen và đỏ, đều được dùng để chế biến món ăn bổ dưỡng. Có tác dụng an thần, bổ khí, trừ phiền muộn, nhuận tâm phế, trừ ho, giúp hạ mỡ trong máu. Canh táo đỏ, rau cần tây, thịt heo: Rau cần tây 100gr rửa sạch cắt ngắn. Nấm đông cô 20gr ngâm nước nóng có chút gừng khoảng 15 - 20 phút rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc 100gr rửa sạch cắt nhỏ, tỏi đập giập. Táo đỏ 20 quả, bỏ hạt, rửa sạch, để ráo. Đun sôi thịt heo và táo đỏ với 500ml nước, khi thịt chín cho cần tây + nấm đông cô + tỏi vào khuấy đều, đến khi canh sôi chín là được. Nêm gia vị vừa ăn, dùng nóng trong bữa cơm. - Chè hồng táo: Hồng táo 20 quả, lạc (đậu phộng) 100gr, đậu đỏ 200gr. Các loại đậu ngâm nước qua đêm cho mềm. Nấu hồng táo chín nhừ, thêm đường. Dùng ăn nóng vào buổi chiều. - Trà rau cần, táo đỏ: Trà 3gr, rau cần tây 150gr, táo đỏ 4-6 quả. Rau cần rửa sạch cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch bỏ hạt. Cho tất cả vào nồi nấu với 1 lít nước, sắc còn 750ml, uống thay trà. Thức uống này giúp ngủ ngon, thích hợp với người tăng huyết áp thể can dương thịnh. Theo Lương y Đinh Công Bảy Thanh niên