“Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi” là câu nói cửa miệng của nhiều bạn trẻ. Chính vì thế, không ít 8x, 9x oằn mình lao vào cuộc đua để chứng tỏ mình là một trong những thành phần mang tên “đẳng cấp”. Hàng fake là tên gọi để chỉ các loại hàng nhái, bắt chước các thương hiệu nổi tiếng từ kiểu dáng, màu sắc đến đường kim mũi chỉ. Hàng fake cũng có nhiều loại, chia làm nhiều cấp độ, “fake cao cấp” (fake 1) fake 2, 3. Nó thường rẻ hơn hàng chục lần so với đồ thật (Authentic, “dân trong nghề” hay gọi là “hàng Au”). “Nhiều người yêu thích thời trang mê mẩn mẫu mã, kiểu dáng của hàng hiệu, nhưng lại không có đủ tiền khi bỏ cả đống tiền đổi lấy một chiếc túi, đồng hồ, hay một bộ váy, áo mốt nhất. Do vậy, giải pháp tối ưu là hàng fake, vừa rẻ hơn hàng chục lần mà vẫn đẹp”, Lê Linh giảng giải. Phương Lan, 24 tuổi, nhân viên Công ty bất động sản ở Hà Nội, một “tín đồ” hàng fake cho biết, xu hướng dùng hàng fake nở rộ trong giới trẻ thành phố từ nhiều năm nay. Nhóm của Phương Anh có 4 người thường săn đồ fake trên mạng và các địa chỉ quen tại Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội). Không chỉ trong các shop, cửa hàng thời trang, hàng fake được rao bán đầy rẫy tại các trang web mua bán trên mạng như enbac, muare… “Thương hiệu nào càng nổi càng bị nhái nhiều. Thậm chí hàng fake cũng có đẳng cấp: Từ loại nhìn qua ảnh cũng biết đồ giả đến loại siêu nhái giống hàng thật đến 99% và giá rẻ hơn 30-50% hàng xịn. Ví như quần jeans hiệu CK chính hãng giá gần 300 USD, trong khi quần nhái chỉ khoảng 300 nghìn đồng. Túi LV thật giá từ 1.500- 5.000 USD, hàng fake khoảng 1 - 3 triệu đồng”, Lan nói. Có không ít bạn trẻ chọn hàng "fake" để tỏ ra mình dùng đồ hiệu và có bạn dùng đồ hiệu nhưng lại không hiểu được giá trị đích thực sản phẩm. Anh Quốc Dũng, chủ shop thời trang cho biết, đa phần hàng fake trên thị trường có xuất xứ Trung Quốc. Tại Quảng Châu có khu chợ lớn để giới buôn bán từ Việt Nam sang lựa chọn, đánh hàng. Dũng từng đến chợ hàng nhái này để mua đồ fake cao cấp cho đến loại rẻ tiền. Mặc dù các thương hiệu lớn cũng đã chính thức có đại lý phân phối tại Việt Nam nhưng chưa bao giờ hàng nhái lại phát triển tràn lan như hiện nay. Trên những “con đường thời trang” như Chùa Bộc, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn… hay khu chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Nhà Xanh… rất nhiều cửa hiệu bày bán hàng giả công khai, anh Dũng nhận định. Vân Anh, nhân viên bán hàng trên phố Tôn Đức Thắng bật mí: “Giới dân chơi, người mẫu teen đặt mua hàng fake thường xuyên, cứ catalogue chính hãng ra mẫu nào, khách đặt là shop sẽ có hàng mang về ngay. Có những chiếc túi hàng hiệu giá đến nửa tỉ đồng, Việt Nam mấy người dám xài, vậy mà đi ra đường thấy sinh viên, học sinh, bà bán hàng ngoài chợ, nhân viên công sở ai cũng tỏ vẻ sành điệu với túi xách, thắt lưng, quần áo hàng hiệu. Không dùng đồ nhái thì tiền đâu mà mua cho đủ”. “Đẳng cấp ảo” áp đảo giá trị thật? Nói về sở thích chạy theo hàng hiệu, anh Hoàng Hanh, giám đốc một công ty bất động sản lớn ở Hà Nội cho biết: “Người có đẳng cấp là người phải hiểu được giá trị món đồ mà mình đang có, ít nhất là như vậy. Không hiểu biết làm sao mua được đồ đáng giá. Tốn cả đống tiền mà còn mang tiếng là “hợm của”, có khi còn bị mắng là “ngu” nữa ấy chứ. Đơn cử như đi mua 1 cái áo thì phải biết thương hiệu đó tên tuổi đến đâu, chất liệu của áo làm bằng gì, mặc thì có sướng hơn không?”. Theo anh Hanh, giá trị của đẳng cấp không chỉ dừng lại ở thương hiệu hàng hóa người đó sử dụng mà còn thể hiện ở sự am hiểu với sản phẩm mà họ sử dụng. Điều này thể hiện ngay ở “đẳng cấp” mua hàng, thậm chí chỉ là mua hàng trong siêu thị. Hàng thực phẩm thì lưu ý hạn sử dụng, thành phần rồi cả nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nữa. “Cánh doanh nhân chúng tôi, nhiều khi chỉ quan sát chất hàng và cách dùng hàng là biết được đẳng cấp của đối phương, biết giá trị quan hệ mà cư xử. Đâu cần phải “nổ” to hay “bóng mã” đâu. Đẳng cấp là ở chỗ đó. Biết xài tiền đúng chỗ, đúng hàng”. Trao đổi với PV, giảng viên Thanh Thúy (Đại học Công đoàn) cho biết: “Xã hội phát triển theo xu hướng hiện đại, người trẻ lại là đối tượng gần gũi và dễ tiếp cận với công nghệ nhất nên khi điều kiện, mức sống được nâng cao thì giới trẻ vươn lên những giá trị cao cấp hơn, hoàn hảo hơn. Đó là điều dễ hiểu. Tuy đẳng cấp được thể hiện bằng “muôn hình vạn trạng” nhưng không tồn tại ở “quần áo, giày dép”, đó là thứ “đẳng cấp ảo”. Nhiều bạn trẻ “đổ xô” đi tìm những “giá trị ảo” mà “quên mất” giá trị thật, những “thứ đẳng cấp” được xã hội ghi nhận như nghề nghiệp, trình độ học vấn, khả năng kinh doanh, giao thiệp, hay cách “đối nhân xử thế”… Quần áo hàng hiệu vẫn có thể lỗi mốt nhưng nhân cách “hàng hiệu” thì không. Đó là điều các bạn trẻ nên “tìm kiếm” và hướng tới”. Giảng viên này cũng cho biết, những thứ nếu có quá dễ dàng thường người ta không biết quý trọng. Khi tự tay mua sắm món đồ yêu thích bằng đồng tiền tự mình làm ra sẽ thấy nó trở nên quý giá. Đẳng cấp ảo và sự tự hào về khả năng lao động là hai cảm giác khác biệt mà khi đã trải qua ta sẽ biết rõ giá trị thực của nó. Thanh Xuân Nguồn: Doisongphapluat.com.vn