Năm 2010, một căn hộ 70m2 tại chung cư trên đường Kỳ Đồng (quận 3, TP HCM) được một doanh nhân mua với giá 36 triệu m2. Sau đó bà được một ngân hàng định giá để cho vay 1,8 tỷ đồng. Do làm ăn thất bại, giám đốc này không còn đủ khả năng trả nợ. Ngân hàng ký gửi căn nhà trên cho một sàn giao dịch chào bán với giá bằng số tiền vay. Tuy nhiên, sau thời gian dài không tìm được người mua, hai bên đành phải bán căn nhà trên với giá 1,5 tỷ đồng. Bà Huỳnh Kim Đoan, Giám đốc sàn bất động sản Eden Real cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, sàn của bà đã nhận ký gửi trên 500 tài sản nhà đất thế chấp từ các ngân hàng cần bán với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Những nhà đất trên có đủ loại, từ căn hộ chung cư, biệt thự, nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn và cả nhà xưởng. Hầu hết các trường hợp nhờ bán lại là ngân hàng muốn thu hồi các khoản cho vay. Vì vậy, họ dàn xếp cho người vay, thông qua công ty môi giới, tìm khách hàng bán tài sản cầm cố để trả nợ cho ngân hàng. Địa ốc phát mãi thường có giá rẻ hơn thị trường. Ảnh: Hoàng Lan Hàng loạt khách sạn ba sao, bốn sao, cao ốc văn phòng, biệt thự trên các trục đường trung tâm TP HCM như Phó Đức Chính, Lê Thánh Tôn, Lê Anh Xuân,... cũng đang được các ngân hàng ký gửi bán thấp hơn 30% - 35% so với giá thị trường và giá thế chấp. Thậm chí, có trường hợp giảm tới 50% do thiết kế, xấu, vị trí không tốt… nhưng vẫn rất khó bán. Một cao ốc đang hoàn thiện trên đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3) đang tìm khách hàng bán lại với giá khoảng 62 tỷ đồng dù trước đây cao ốc này có giá gần 100 tỷ đồng. Theo bà Đoan, những sản phẩm thế chấp của ngân hàng ký gửi có hai xu hướng về giá. Thứ nhất, đó là những tài sản không bán được do trước đây ngân hàng định giá quá cao. Xu hướng thứ hai là chủ nhà đồng ý bán lỗ do thị trường ế ẩm. Ông Lê Quốc Duy - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hoà Bình vừa từ chối đề nghị ký gửi bán nhà đất phát mãi của một ngân hàng lớn vì cho rằng thị trường hiện khiến ông không an tâm. Tương tự, ông Lê Minh Đạt, trưởng phòng kinh doanh sàn giao dịch bất động sản ACB cho biết, dù sàn của ông chuyên về thị trường nhà phố, nhưng cũng chưa nhận bán bất động sản thế chấp từ các ngân hàng vì còn nhiều vấn đề và rủi ro cao. Theo ông Duy, vướng mắc lớn nhất khiến ông chưa an tâm là khâu thẩm định giá. Một căn nhà có thể định giá cao hay thấp đều phụ thuộc lớn vào nhân viên và ngân hàng thẩm định mà không theo một chuẩn chung nào. Vì vậy, giá thị trường căn nhà và giá ngân hàng thẩm định vênh nhau, khiến việc phát mãi ra thị trường gặp khó khăn. TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng tài sản được ngân hàng phát mãi qua đấu giá sẽ không còn rẻ nữa bởi đã phát sinh lãi phạt, tiền môi giới, tổ chức đấu giá… Người mua tài sản phát mãi chỉ có thể mua được giá rẻ khi quen với nhân viên ngân hàng. Mua để ở thì có thể chấp nhận mức giá thấp hơn 20% thị trường. Còn nếu mua để đầu tư dài hạn trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay thì nên cân nhắc, vì lãi tiền mặt hiện cao. (Theo SGTT) Nguồn: VNExpress