Đó là mức phạt cao nhất đối với người sử dụng điện thoại di động ở những nơi bị cấm do có nguy cơ cháy nổ. Từ ngày 5/8, Nghị định 52/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (thay thế Nghị định 123/2005) sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức phạt dành cho hành vi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm được nâng từ 200.000 đến 500.000 đồng lên gấp 10 lần thành 2-5 triệu đồng. Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (CSPC&CC) Tp.HCM, đã trao đổi xung quanh vấn đề này. Kể từ ngày 5/8, người sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng có thể bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. - Khác với nghị định cũ, nghị định mới nêu rõ ĐTDĐ, các thiết bị điện tử là loại thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt không được phép sử dụng ở những nơi có quy định cấm. Tại sao mọi người không được sử dụng ĐTDĐ ở các cây xăng? + Theo Điều 10.3-TCVN 5334:2007 về thiết bị điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, mọi người không được sử dụng các thiết bị điện tử và thiết bị thông tin liên lạc cá nhân dạng không phòng nổ trong vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm là vùng mà trong đó tồn tại hoặc xuất hiện các chất dễ cháy dưới dạng khí hoặc hơi để tạo thành môi trường khí nổ. Việc sử dụng ĐTDĐ không chỉ bị cấm tại các cây xăng mà còn bị cấm ở những khu vực khác như kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ; kho, trạm chiết nạp và cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ; kho chứa hóa chất dễ cháy nổ, dễ bay hơi có khả năng hình thành vùng nguy hiểm… Đồng thời, mọi người cũng không được sử dụng ĐTDĐ, máy nhắn tin, các thiết bị thu phát sóng, máy ảnh, camera loại không có bộ phận phòng nổ tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ trong các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ. - Ông có thể giải thích rõ nguyên nhân gây cháy nổ từ các hành vi nêu trên? + Theo nghiên cứu khoa học, có bốn nguyên nhân có thể gây cháy nổ do sử dụng ĐTDĐ tại các cửa hàng xăng dầu. 1. Sóng điện thoại. Khi xăng dầu được bơm rót cho khách hàng thì sẽ có hiện tượng xăng bốc hơi tạo ra những ion tích điện nằm lơ lửng trong khoảng không bao quanh trụ bơm và phương tiện giao thông. ĐTDĐ có hai băng sóng hoạt động là 800-900 MHz và 1088-1900 MHz. Khi khách hàng kích hoạt kết nối điện thoại với trạm phát sóng ĐTDĐ thì công suất phát sóng của điện thoại sẽ tăng vọt so với trạng thái tĩnh (chờ cuộc gọi), nếu rơi vào hiện tượng cộng hưởng điện từ và tương tác điện từ có thể gây kích nổ tạo ra những tia lửa vào vùng hỗn hợp hơi khí xăng dầu gây ra cháy nổ. 2. Nhiệt độ bất thường của ĐTDĐ. Khi cá nhân gọi hay nhận cuộc gọi, kết nối Internet hay chơi game trong thời gian dài thì nhiệt độ của ĐTDĐ sẽ tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, ĐTDĐ thường dùng giải pháp tải nhiệt qua vỏ máy, từ vỏ nhựa cho đến vỏ bằng hợp kim. Nếu các linh kiện trong máy không đảm bảo chất lượng, có thể nhiệt độ sẽ truyền qua vỏ máy nhất là đối với vỏ máy bằng hợp kim. Hiện tượng nóng bất thường, cộng với ma sát với vải quần áo có thể gây cháy. 3. Pin của ĐTDĐ. Nếu sử dụng pin kém chất lượng hay do pin sử dụng lâu dẫn đến mòn điểm tiếp xúc giữa pin và tiếp điểm có thể phát sinh tia lửa điện khi sử dụng ĐTDĐ để nghe, gọi… Nếu lỡ tay làm rơi máy xuống đất sẽ gây ra tia lửa điện từ chính cục pin. 4. Tính năng mở rộng trên ĐTDĐ như đèn flash xenon hay đèn pin dạng led để hỗ trợ sáng khi chụp ảnh. Việc sử dụng đèn báo sóng điện thoại cũng là yếu tố có khả năng phát cháy từ các bóng đèn. - Ai có quyền xử phạt, thưa ông? + Gồm có chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an cấp xã, chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng công an cấp huyện, trưởng Phòng CSPC&CC và cứu nạn, cứu hộ…, công an cấp tỉnh và trưởng Phòng CSPC&CC cấp huyện thuộc Sở CSPC&CC. Những người có thẩm quyền xử phạt có thể ủy quyền bằng văn bản cho cấp phó thực hiện. - Xin cảm ơn ông. Nhiều mức phạt dành cho hành vi sử dụng ĐTDĐ sai chỗ Theo PLTP